Alexander Cooley và Daniel H. Nexon, Foreign Affairs, July/August 2020
Trần Ngọc Cư dịch
Diễn đàn Khai phóng (DĐKP) giới thiệu: Sau phần 1 (Thế đơn cực đang biến mất) và phần 2 (Sự tái hiện của các đại cường), đã đến lúc tác giả đúc kết và đưa ra những kết luận riêng. Đúng hay sai thì tùy từng độc giả phán xét, nhưng điều quan trọng là toàn bài viết có thể góp phần trả lời một số câu hỏi thời sự như: chính sách “America first” mang lợi lộc hay tai hại cho Mỹ và cả thế giới phương Tây? Có phải Donald Trump đã làm suy yếu các thể chế cộng sản, hay đang tạo điều kiện cho Trung Quốc & Co. vươn lên vững vàng hơn? Vai trò của Mỹ trong thế giới phương Tây sẽ thế nào trong tương lai? Và một câu hỏi lớn hơn: trật tự thế giới sẽ thế nào trong tương lai?
CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ ĐỘC QUYỀN BẢO TRỢ CỦA PHƯƠNG TÂY
Trung Quốc và Nga không phải là các quốc gia duy nhất đang tìm cách làm cho chính trị thế giới thuận lợi hơn đối với các chế độ phi dân chủ và ít chịu phục tùng bá quyền Mỹ. Kể từ 2007, việc cho vay của “các nhà tài trợ lừa đảo” trên thế giới, chẳng hạn như Venezuela giàu dầu mỏ đã đưa ra khả năng rằng sự hỗ trợ không ràng buộc như vậy có thể làm suy yếu các sáng kiến viện trợ của phương Tây vốn được thiết kế để khuyến khích các chính phủ thực hiện cải cách tự do.
Kể từ đó, các công ty cho vay của nhà nước Trung Quốc, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã mở các dòng tín dụng đáng kể trên khắp Châu Phi và các nước đang phát triển. Do hậu quả của khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã trở thành một nguồn cho vay và tài trợ khẩn cấp quan trọng cho các quốc gia không thể tiếp cận hoặc bị loại khỏi các tổ chức tài chính phương Tây. Trong cuộc khủng hoảng tài chính này, Trung Quốc đã đưa ra hơn 75 tỷ đô la cho các khoản vay trong các giao dịch năng lượng cho các quốc gia ở Mỹ Latinh — Brazil, Ecuador, và Venezuela— và cho Kazakhstan, Nga và Turkmenistan ở Khu vực Á – Âu.
Trung Quốc không phải là nước bảo trợ thay thế duy nhất. Sau Mùa xuân Ả Rập, các quốc gia vùng Vịnh như Qatar cho Ai Cập vay tiền, cho phép Cairo tránh chuyển sang Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong thời gian hỗn loạn. Nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn là quốc gia tham vọng nhất về vấn đề này. Một nghiên cứu của AidData cho thấy tổng số viện trợ nước ngoài của Trung Quốc từ năm 2000 đến 2014 đạt 354 tỷ đô la, gần tổng số 395 tỷ đô la của viện trợ Mỹ. Trung Quốc kể từ đó đã vượt qua các khoản giải ngân viện trợ hàng năm của Hoa Kỳ. Hơn nữa, viện trợ của Trung Quốc làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây để truyền bá các chuẩn mực tự do. Một số nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù các quỹ của Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển ở nhiều quốc gia, nhưng chúng cũng đã gây ra tham nhũng trắng trợn và các lề thói của chế độ ô dù.
Ở các quốc gia vừa trỗi dậy từ chiến tranh, như Nepal, Sri Lanka, Sudan và Nam Sudan, viện trợ tái thiết và phát triển của Trung Quốc đã chảy vào các chính phủ chiến thắng, giúp họ tránh khỏi các áp lực quốc tế buộc họ phải đáp ứng các đòi hỏi của kẻ thù trong nước và áp dụng các mô hình hòa bình và hòa giải tự do hơn.
Sự kết thúc độc quyền bảo trợ của phương Tây đã chứng kiến sự trỗi dậy đồng thời của những người theo chủ nghĩa dân túy dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt ngay cả ở các quốc gia được gắn chặt vào quỹ đạo kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ. Những người như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tự coi mình là những người bảo vệ chủ quyền trong nước chống lại sự phá hoại của thế giới tự do. Họ bác bỏ những lo ngại của phương Tây về sự sụp đổ dân chủ ở nước họ và nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ kinh tế và an ninh của họ với Trung Quốc và Nga. Trong trường hợp của Philippines, Duterte gần đây đã chấm dứt một hiệp ước quân sự hai thập kỷ với Hoa Kỳ sau khi Washington hủy visa của cựu cảnh sát trưởng quốc gia, người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến tranh đẫm máu và gây tranh
cãi của Philippines về vấn đề ma tuý.
Tất nhiên, một số trong những thách thức cụ thể này đối với lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ trở nên tồi tệ vì chúng xuất phát từ việc thay đổi hoàn cảnh chính trị và tính khí của các cá nhân lãnh đạo . Nhưng việc mở rộng các lựa chọn để thoát ra khỏi khu vực của các nước bảo trợ, tổ chức và các mô hình chính trị thay thế hiện nay dường như là một đặc điểm thường trực của chính trị quốc tế. Các chính phủ địa phương được rộng chỗ để điều động. Ngay cả khi các quốc gia này không chủ động chuyển đổi các thế lực bảo trợ , khả năng này có thể cung cấp cho họ đòn bẩy lớn hơn. Do đó, Trung Quốc và Nga có tự do hành động hơn để tranh giành quyền bá chủ của Hoa Kỳ và xây dựng
các trật tự thay thế.
Các chế độ chuyên quyền đã tìm ra cách để hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ tầm ảnh hưởng của mạng lưới vận động xuyên quốc gia của phe tự do và các tổ chức phi chính phủ có đầu óc cải cách. Cái gọi là các cuộc cách mạng màu trong thế giới hậu Xô Viết trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này và Mùa xuân Ả Rập những năm 2010-11 ở Trung Đông đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Chúng gây báo động cho các chính phủ độc tài và phi tự do vốn ngày càng coi việc bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy dân chủ là mối đe dọa đối với sự sống còn của họ. Đáp lại, các chế độ này đã ngăn chặn ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ có liên hệ nước ngoài. Họ áp đặt các hạn chế chặt chẽ trong việc nhận tiền từ nước ngoài, cấm các hoạt động chính trị khác nhau và chụp mũ một số nhà hoạt động nhất định là “tay sai nước ngoài.”
Một số chính phủ hiện tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ của riêng mình vừa để ngăn chặn áp lực tự do hóa trong nước vừa thi đua với trật tự tự do từ ngoài. Chẳng hạn, để đáp lại sự ủng hộ của phương Tây đối với các nhà hoạt động trẻ tuổi trong các cuộc cách mạng màu, Điện Kremlin đã thành lập nhóm thanh niên Nashi để vận động thanh niên ủng hộ nhà nước. Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, tổ chức phi chính phủ lâu đời nhất Trung Quốc, đã cung cấp vật tư y tế cho các nước châu Âu giữa đại dịch COVID-19 như một phần của chiến dịch quan hệ công chúng theo bài bản cẩn thận. Các chế độ này cũng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội để phá vỡ cuộc vận động và hô hào chống chính phủ. Một cách tương tự, Nga cũng đã triển khai các công cụ như vậy ở nước ngoài trong các hoạt động thông tin và xâm nhập phá hoại các cuộc bầu cử tại các quốc gia dân chủ.
Hai sự phát triển đã giúp thúc đẩy bước ngoặt phi tự do ở phương Tây: Cuộc Đại suy thoái năm 2008 và cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu năm 2015. Trong thập kỷ qua, các mạng lưới phi tự do — nói chung chứ không phải chỉ cánh Hữu — đã thách thức sự đồng thuận của giới cầm quyền ở phương Tây. Một số tổ chức và nhân vật chính trị đặt nghi vấn về giá trị của việc tiếp tục làm thành viên trong các tổ chức lớn của trật tự tự do, như Liên minh châu Âu và NATO. Nhiều phong trào cánh hữu ở phương Tây nhận được cả sự hỗ trợ về tài chính lẫn khuyến khích tinh thần từ Moscow, vốn ủng hộ các hoạt động “kinh tài đen tối” nhằm thúc đẩy các lợi ích đầu sỏ hẹp hòi ở Mỹ và các đảng chính trị cực hữu ở châu Âu với hy vọng làm suy yếu các chính phủ dân chủ và nuôi dưỡng các đồng minh tương lai. Tại Ý, đảng chống nhập cư Lega hiện là đảng được lòng dân nhất bất chấp những tiết lộ về âm mưu giành sự hỗ trợ tài chính bất hợp pháp từ Moscow. Ở Pháp, Tập hợp Dân tộc, vốn có lịch sử ủng hộ Nga, vẫn là một thế lực mạnh mẽ của chính trị trong nước.
Những sự phát triển này lặp lại đường lối mà các phong trào “chống lại trật tự” đã giúp thúc đẩy sự xuống dốc của các thế lực bá quyền trong quá khứ. Các mạng lưới xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cả việc duy trì lẫn thách thức các trật tự quốc tế trước đó. Ví dụ, các mạng lưới Tin lành đã giúp làm xói mòn sức mạnh của Tây Ban Nha khi châu Âu bắt đầu bước vào thời kỳ hiện đại, đáng chú ý nhất là bằng cách hỗ trợ cuộc nổi dậy của Hà Lan trong thế kỷ XVI. Các phong trào tự do và cộng hòa, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc cách mạng trên khắp châu Âu vào năm 1848, đã góp phần phá hoại Đồng thuận Châu Âu [the Concert of Europe], theo đó các Đại cường cố gắng quản lý trật tự quốc tế trên lục địa này trong nửa đầu thế kỷ XIX. Sự trỗi dậy của các mạng lưới xuyên quốc gia phát xít và cộng sản đã giúp tạo ra cuộc đấu tranh quyền lực toàn cầu trong Thế chiến II. Các phong trào chống trật tự đã đạt được quyền lực chính trị ở các quốc gia như Đức, Ý và Nhật Bản, khiến các quốc gia này phá vỡ hoặc ra sức tấn công các cấu trúc hiện hữu của trật tự quốc tế. Nhưng ngay cả các phong trào chống trật tự ít thành công hơn vẫn có thể làm suy yếu sự gắn kết của các thế lực bá quyền và các đồng minh của họ.
Không phải mọi phong trào phi tự do hay cánh hữu phản đối trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo đều tìm cách thách thức sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hoặc quay sang coi Nga như một tấm gương của chủ nghĩa bảo thủ văn hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, các phong trào này đang giúp phân cực hóa chính trị trong các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến và làm suy yếu sự hỗ trợ cho các định chế của trật tự quốc tế. Một trong số những phong trào này thậm chí đã chiếm được Nhà Trắng: Chủ nghĩa Trump, một xu hướng được hiểu rõ ràng nhất là một phong trào phản đối trật tự với một phạm vi xuyên quốc gia nhắm vào các liên minh và quan hệ đối tác có vị trí trung tâm đối với bá quyền Hoa Kỳ.
BẢO HÀNH HỆ THỐNG QUYỀN LỰC MỸ
Cuộc tranh giành quyền lực giữa các đại cường, việc chấm dứt độc quyền bảo trợ của phương Tây và sự xuất hiện của các phong trào phản đối hệ thống quốc tế tự do đã làm thay đổi trật tự toàn cầu mà Washington đã chủ trì kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong nhiều khía cạnh, đại dịch COVID-19 dường như đang đẩy nhanh hơn nữa sự xói mòn của bá quyền Hoa Kỳ. Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức toàn cầu khác do hậu quả của việc chính quyền Trump cắt tài trợ và và đổ lỗi cho cơ quan y tế công cộng này. Bắc Kinh và Moscow đang mô tả chính mình là các nhà cung cấp hàng hóa khẩn cấp và vật tư y tế, đến các nước châu Âu như Ý, Serbia và Tây Ban Nha, và thậm chí đến cả Hoa Kỳ. Các chính phủ phi tự do trên toàn thế giới đang sử dụng đại dịch để che đậy việc hạn chế tự do truyền thông và trấn áp phe đối lập chính trị và xã hội dân sự. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn còn hưởng thế ưu việt quân sự của mình, nhưng địa vị thống trị ấy của Hoa Kỳ đặc biệt không phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay và các hậu quả dây chuyền của nó.
Ngay cả khi cốt lõi của hệ thống bá quyền Mỹ, bao gồm hầu hết các đồng minh lâu đời tại châu Á và châu Âu và dựa trên các quy tắc và định chế được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, vẫn còn vững mạnh, và như nhiều người bênh vực trật tự tự do sẽ đề xuất, ngay cả khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có thể vận dụng sức mạnh tổng hợp kinh tế và quân sự để tạo lợi thế cho mình, thực tế là Washington sẽ phải làm quen với một trật tự quốc tế ngày càng cạnh tranh và phức tạp. Không có cách sửa chữa dễ dàng cho việc này. Không có khoản chi tiêu quân sự nào có thể đảo ngược các quá trình thúc đẩy sự rã rệu của bá quyền Mỹ. Ngay cả khi Joe Biden, ứng cử viên Dân chủ đánh bại Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, hoặc nếu Đảng Cộng hoà chịu từ bỏ chủ nghĩa Trump, sự tan rã vẫn còn tiếp tục.
Các câu hỏi chủ yếu hiện nay liên quan đến tình trạng tan rã là nó sẽ lan rộng bao xa. Liệu các đồng minh cốt lõi sẽ tách rời khỏi hệ thống bá quyền Mỹ hay không? Hoa Kỳ có thể duy trì sự thống trị tài chính và tiền tệ đến bao lâu, và ở mức độ nào? Kết quả thuận lợi nhất sẽ đòi hỏi phải dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Trump ở Hoa Kỳ và cam kết xây dựng lại các định chế dân chủ tự do từ cốt lõi. Ở cả cấp độ trong nước lẫn quốc tế, những nỗ lực như vậy sẽ đòi hỏi phải có các liên minh giữa các đảng và các mạng lưới chính trị trung hữu, trung tả và tiến bộ.
Những gì các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có thể làm là lên kế hoạch cho một thế giới sau khi mất vai trò bá quyền toàn cầu. Nếu họ giúp duy trì được phần cốt lõi của hệ thống quyền lực Mỹ, các quan chức Hoa Kỳ có thể đảm bảo rằng Hoa Kỳ lãnh đạo liên minh kinh tế và quân sự mạnh nhất trong một thế giới của nhiều trung tâm quyền lực, thay vì đứng về phía thua cuộc trong hầu hết các cuộc thi đua về hình dạng của trật tự quốc tế mới. Để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ phải phục hồi lại Bộ Ngoại giao đang gặp nhiều khó khăn và thiếu nhân viên, xây dựng lại và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực ngoại giao của mình. Tài lãnh đạo quốc gia thông minh sẽ giúp lèo lái một đại cường qua một thế giới được xác định bằng các cạnh tranh lợi ích và thay đổi liên minh.
Hoa Kỳ thiếu cả ý chí lẫn nguồn lực để qua mặt Trung Quốc và các cường quốc mới nổi khác trong việc mua chuộc sự trung thành của các chính phủ. Hoa Kỳ sẽ không thể đảm bảo sự cam kết của một số quốc gia đối với các viễn kiến của mình về trật tự quốc tế. Nhiều chính phủ trong số đó đã xem trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo là mối đe dọa đối với quyền tự chủ, nếu không phải là sự sống còn của họ. Và một số chính phủ vẫn còn hoan nghênh một trật tự tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo hiện đang tranh đấu với chủ nghĩa dân túy và các phong trào phi tự do khác đang phản đối trật tự này.
Ngay cả ở đỉnh cao của thời điểm đơn cực, Washington không luôn luôn muốn làm gì thì làm. Bây giờ, để mô hình chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ duy trì sức hấp dẫn đáng kể, Hoa Kỳ trước tiên phải tổ chức lại việc nhà của mình. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những trở ngại của chính mình trong việc tạo ra một hệ thống thay thế; Bắc Kinh có thể gây khó chịu cho các đối tác và các nước lệ thuộc bằng các chiến thuật gây áp lực và các hợp đồng thiếu minh bạch và thường xuyên tham nhũng. Một bộ máy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ được hồi sinh sẽ có thể thực hiện ảnh hưởng đáng kể đến trật tự quốc tế ngay cả khi không có quyền bá chủ toàn cầu. Nhưng để thành công, Washington phải công nhận rằng thế giới không còn giống với thời kỳ khác thường trong lịch sử những năm 1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Thời khắc đơn cực đã trôi qua, và nó không quay trở lại.
Giới thiệu tác giả:
ALEXANDER COOLEY là Giáo sư Chính trị học Ngạch Claire Tow tại Barnard College và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Harriman tại Columbia University. DANIEL H. NEXON là Phó Giáo sư tại Phân khoa Chính quyền tại Trường Nghiệp vụ Nước ngoài Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown. Hai ông là tác giả cuốn “Exit From Hegemony: The Unraveling of the American Global Order“ (Chấm dứt bá quyền: Sự rã rệu của trật tự toàn cầu Mỹ).
A.C.
Nguồn: Diễn đàn Khai phóng