Trí tuệ nhân tạo sẽ biến cả loài người thành nô lệ của độc tài?

Di Minardi

Năm 1949, cuốn tiểu thuyết giả tưởng đặc sắc Nineteen Eighty-Four (1984) của nhà văn Geore Orwell ra đời, mô tả về sự khủng khiếp của một siêu nhà nước toàn trị liên lục địa, ám chỉ về chế độ cộng sản độc đảng, quyền hành chỉ tập trung vào 1 con người độc tài được gọi là Anh Cả (Big Brother). Ở đó xuất hiện nhan nhản những tấm áp phích “Đảng đang theo dõi các người” (Big Brother is watching you) cùng các thiết bị thu phát “telescreen” để theo dõi đời sống dân cư, với những nhân viên chuyên sửa dữ liệu để phù hợp với ý đồ cai trị của đảng.

Cũng năm 1949 đó, nhà nước cộng sản độc tài toàn trị Trung Hoa ra đời với một Anh Cả – Mao độc tài man rợ mà cả thế giới đã chứng kiến. Và buồn thay, sau 71 năm, do sự ngây thơ của lịch sử, cộng sản Trung Hoa không đi theo số phận cộng sản Liên Xô như dự liệu của một vài nhà chiến lược Hoa Kỳ và thế giới sau khi Nixon và Kissinger tự tin “mở cửa chuồng” cho nó, trái lại nó đã lớn phổng lên thành con quái vật Frankenstein đích thực, và hiện đang âm mưu đặt thế giới dưới quyền kiểm soát của mình.

Lúc này, những dự báo của G.Orwell đã sáng rõ như ban ngày. Đảng CSTQ với Anh Cả Tập không hề che giấu việc đã và đang cố gắng làm chủ công nghệ số “tinh vi nhất thế giới” trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (theo Reuters) chứ không chỉ là những telescreen và những nhân viên nhào nặn số liệu (data) như thời Orwell mô tả để “giám sát” xã hội. Với bản chất tàn bạo, bất chấp đạo đức và luật pháp quốc tế, phải chăng CSTQ đang âm mưu dùng phát minh mới của nhân loại để điều khiển, dẫn dắt, biến tất cả thành nô lệ của mình?

Con quái vật tham lam Frankenstein Trung Cộng-điển hình cho mô hình cộng sản độc tài toàn trị ở tầm thế giới, nếu cầm chắc được vũ khí công nghệ số thì nhân loại sẽ đi về đâu đây? Liệu có thể tránh giao đặt vào tay con quái vật hàng đầu của thế kỷ 21 này những công cụ để nó mở rộng quyền lực mãi mãi như tác giả bài viết này đề xuất?

Bauxite Việt Nam

Các chính phủ độc tài trước đây sẽ như thế nào nếu họ không bao giờ bị đánh bại?

Getty Images

Đức Quốc xã chỉ dùng công nghệ của thế kỷ 20 thôi mà vẫn phải cần một cuộc chiến tranh thế giới mới ngăn được họ.

Đức Quốc xã có thể hùng mạnh đến mức nào và tồn tại lâu tới khi nào nếu họ đánh bại Mỹ trong lĩnh vực bom nguyên tử?

Việc kiểm soát công nghệ tân tiến nhất thời đó lẽ ra đã có thể củng cố sức mạnh của Đức Quốc xã và làm thay đổi tiến trình lịch sử.

Rủi ro sinh tồn

Khi nghĩ đến những rủi ro sinh tồn, trong tâm trí chúng ta thường nghĩ đến các biến cố như chiến tranh hạt nhân hoặc Trái Đất va chạm vào tiểu hành tinh.

Tuy nhiên, có một mối đe dọa trong tương lai ít được biết đến hơn – mặc dù nó không phải là sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, nhưng hậu quả cũng thảm khốc không kém.

Đó là kịch bản ‘thế giới bị gông cùm’ mà ở đó, giống như trong thử nghiệm tư tưởng trước đó, một nhà nước toàn trị toàn cầu sử dụng một công nghệ hoàn toàn mới để đưa phần lớn nhân loại vào nỗi thống khổ triền miên.

Nếu nó nghe có vẻ ảm đạm đối với bạn, thì đúng thật như vậy. Nhưng nó có khả năng xảy ra không?

Các nhà nghiên cứu và triết gia đang bắt đầu suy ngẫm xem kịch bản đó có thể xảy ra như thế nào – và quan trọng hơn, phải làm gì để tránh điều đó xảy ra.

Rủi ro sinh tồn (x-risk) là thảm họa vì chúng đẩy nhân loại vào một số phận duy nhất, giống như sự sụp đổ vĩnh viễn của nền văn minh hoặc sự tuyệt chủng của loài người chúng ta.

Những thảm họa này có thể do nguyên nhân tự nhiên, chẳng hạn như bị va chạm vào thiên thạch hay siêu núi lửa phun trào, hoặc nguyên nhân nhân tạo từ các nguồn như chiến tranh hạt nhân hay biến đổi khí hậu.

Để cho thảm họa kiểu đó xảy ra sẽ là “một kết thúc không tốt đẹp cho loài người” và sẽ làm thất vọng hàng trăm thế hệ từng sống trước chúng ta, Haydn Belfield, giám đốc dự án học thuật tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Sinh tồn thuộc Đại học Cambridge, cho biết.

Toby Ord, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tương lai Nhân loại (FHI) thuộc Đại học Oxford, tin rằng khả năng xảy ra một thảm họa sinh tồn trong thế kỷ này do các nguyên nhân tự nhiên là chưa đến một phần 2.000 (1/2.000), bởi vì con người đã sống sót qua 2.000 thế kỷ mà không có một biến cố như thế.

Tuy nhiên, khi thêm xác suất xảy ra các thảm họa do con người tạo ra, Ord tin rằng khả năng sẽ tăng đến tỷ lệ giật mình, ở mức một phần sáu (1/6).

Ông gọi thế kỷ này là ‘vách núi’ vì nguy cơ chúng ta đánh mất tương lai chưa bao giờ cao đến thế.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Rủi ro Dài hạn, một viện nghiên cứu phi lợi nhuận ở London, đã mở rộng ‘rủi ro x‘ với viễn cảnh thậm chí còn rùng rợn hơn về nỗi thống khổ.

Những ‘rủi ro s‘ này được định nghĩa là ‘sự đau khổ ở quy mô lớn, vượt xa tất cả những đau khổ có mặt trên Trái Đất cho đến nay.’

Trong những tình huống này, cuộc sống vẫn tiếp diễn đối với hàng tỷ người, nhưng chất lượng cuộc sống thấp và triển vọng ảm đạm đến mức chết dần chết mòn còn tốt hơn là sống.

Nói tóm lại: tương lai với giá trị xấu còn tệ hơn tương lai không có giá trị nào cả.

Đó là lúc kịch bản ‘thế giới bị gông cùm’ xuất hiện. Nếu một nhóm hoặc chính phủ ác độc đột nhiên giành được quyền lực thống trị thế giới bằng công nghệ và không có gì cản được họ, điều đó có thể dẫn đến thời gian dài đau khổ và tuân phục.

Phúc trình năm 2017 về những rủi ro sinh tồn từ Dự án Ưu tiên Toàn cầu, được phối hợp thực hiện giữa FHI và Bộ Ngoại giao Phần Lan, cảnh báo rằng “tương lai dài dưới một chế độ toàn trị toàn cầu đặc biệt tàn bạo có thể còn tồi tệ hơn là việc nhân loại bị tuyệt diệt”.

Giả thuyết độc nhất

Mặc dù chủ nghĩa toàn trị toàn cầu vẫn còn là một chủ đề nghiên cứu bỏ ngỏ, nhưng các nhà nghiên cứu về rủi ro sinh tồn đang ngày càng chú ý đến nguyên nhân khả dĩ nhất: trí tuệ nhân tạo.

Trong ‘giả thuyết độc nhất’, Nick Bostrom, giám đốc Viện FHI thuộc Đại học Oxford, đã giải thích làm thế nào một chính phủ toàn cầu có thể hình thành bằng AI hoặc các công nghệ lợi hại khác – và làm thế nào mà nó không thể bị lật đổ.

Ông viết rằng thế giới với “một cơ quan ra quyết định duy nhất ở cấp cao nhất” có thể trở thành hiện thực nếu cơ quan đó “có được sự dẫn đầu mang tính quyết định nhờ vào đột phá công nghệ trong trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ nano phân tử”.

Sau khi lên nắm quyền, nó sẽ kiểm soát những tiến bộ công nghệ nhằm ngăn chặn những thách thức từ bên trong, chẳng hạn như giám sát hay vũ khí tự động, và với sự độc chiếm quyền hành này, nó sẽ ổn định vĩnh viễn.

Nếu cơ quan đơn nhất đó mang tính toàn trị, cuộc sống sẽ thật ảm đạm.

Cho đến nay, ngay cả ở những quốc gia có chế độ cai trị khắc nghiệt nhất, tin tức vẫn có thể rò rỉ vào hoặc ra từ các quốc gia khác và mọi người có thể trốn thoát. Một chế độ toàn trị toàn cầu sẽ loại bỏ ngay cả những hạt giống hy vọng nhỏ nhoi này.

Còn tệ hơn cả sự tuyệt diệt, “điều đó có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không cảm thấy tự do nào cả, không có sự riêng tư nào cả, không có hy vọng trốn thoát, không có cơ quan nào kiểm soát cuộc sống của chúng ta”, Tucker Davey, một cây viết tại Viện Tương lai Cuộc sống ở Massachusetts, vốn tập trung vào nghiên cứu rủi ro sinh tồn, cho biết.

“Trong các chế độ toàn trị trước đây, [có] quá nhiều sự hoang tưởng và đau khổ tâm lý bởi vì bạn không biết liệu mình có bị giết vì nói điều gì đó sai hay không,” ông nói tiếp. “Và bây giờ hãy tưởng tượng rằng thậm chí còn không cần đến một câu hỏi nào, mỗi điều bạn nói sẽ được báo cáo và phân tích.”

“Chúng ta có thể chưa có công nghệ để làm điều này,” Ord cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây, “nhưng có vẻ như các dạng công nghệ mà chúng ta đang phát triển đang làm cho điều đó ngày càng trở nên dễ thực hiện. Và điều này có thể trở nên khả dĩ trong vòn

g 100 năm tới.”

Trí tuệ nhân tạo và chế độ chuyên chế

Mặc dù cuộc sống dưới một chính quyền toàn trị toàn cầu vẫn là một viễn cảnh khó xảy ra và còn ở trong tương lai xa, nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo điều kiện cho chế độ chuyên chế ở một số quốc gia và củng cố cơ sở hạ tầng ở những quốc gia khác vốn có thể bị những kẻ chuyên chế chiếm lấy.

“Chúng ta đã chứng kiến việc chuyển dịch nhận thức, từ chỗ có những tầm nhìn rất hoang tưởng đối với những gì công nghệ có thể tạo ra, cho đến thực tế đáng sợ là trong một số khía cạnh thì những gì chúng tạo ra rất có thể lại là cuộc sống địa ngục,” Elsa Kania, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, tổ chức phi lợi nhuận lưỡng đảng vốn xây dựng các chính sách an ninh và quốc phòng quốc gia, cho biết.

Trước đây, việc giám sát đòi hỏi cần có hàng trăm nghìn người – cứ mỗi 100 công dân ở Đông Đức thì có một người chỉ điểm – nhưng giờ đây nó có thể được thực hiện bằng công nghệ.

Tại Mỹ, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã thu thập dữ liệu của hàng trăm triệu cuộc gọi và tin nhắn của người Mỹ trước khi họ ngừng giám sát nội địa vào năm 2019, và ước tính có khoảng từ bốn đến sáu triệu camera theo dõi của CCTV (kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc-China Central Television) trên khắp nước Anh.

Mười tám (18) trong số 20 thành phố bị giám sát nhiều nhất trên thế giới nằm ở Trung Quốc, nhưng London thì xếp hạng thứ ba. Sự khác biệt giữa chúng không phải ở công nghệ mà các nước sử dụng mà là cách họ sử dụng nó.

Điều gì sẽ xảy ra nếu định nghĩa về cái gì là bất hợp pháp ở Mỹ và Anh được mở rộng ra đến bao gồm việc chỉ trích chính phủ hoặc đi theo một tôn giáo nào đó? Đã có công nghệ để thực hành việc này và AI – mà NSA đã bắt đầu thử nghiệm – sẽ cho phép việc tìm kiếm lục lọi dữ liệu của chúng ta được thực hiện nhanh hơn bao giờ hết.

Bên cạnh giúp tăng cường giám sát, AI cũng tạo nền tảng cho sự nở rộ của thông tin sai lệch trên mạng, một công cụ khác của những kẻ độc tài.

Những thông tin siêu giả tạo do AI tạo dựng, vốn có thể lan truyền các thông điệp chính trị bịa đặt và nhắm vào các nhóm nhỏ trên mạng xã theo thuật toán, đang làm cho việc tuyên truyền trở nên thuyết phục hơn. Điều này làm suy yếu an ninh nhận thức của chúng ta – khả năng xác định điều gì là đúng và hành động dựa trên nó – điều mà các nền dân chủ dựa vào.

“Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của các bong bóng lọc và mọi người bị các thuật toán khác nhau dẫn dắt, khiến họ tin vào các thuyết âm mưu khác nhau, và thậm chí khi đó không phải là thuyết âm mưu thì nó cũng khiến cho người ta chỉ tin vào một phần sự thật,” Belfield cho biết.

“Bạn có thể tưởng tượng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều, đặc biệt là những thông tin toàn giả toàn tập và đại loại thế, cho đến lúc ngày càng khó cho chúng ta, với tư cách là một xã hội, quyết định đây mới là sự thật của vấn đề, đây là những gì chúng ta phải làm với nó, và sau đó có hành động tập thể.”

Các biện pháp ngăn ngừa

Phúc trình Sử dụng Trí tuệ Nhân tạo Một cách độc hại, do Belfield và 25 tác giả từ 14 tổ chức viết, dự báo rằng các xu hướng như thế này sẽ mở rộng các mối đe dọa hiện có đến an ninh chính trị của chúng ta và đem đến những mối đe dọa mới trong những năm tới.

Tuy nhiên, Belfield cho biết công việc của ông khiến ông có hy vọng rằng những xu hướng tích cực, như các cuộc thảo luận dân chủ hơn về AI và hành động của các nhà hoạch định chính sách (chẳng hạn như việc EU đang xem xét tạm dừng nhận dạng khuôn mặt ở nơi công cộng), khiến ông lạc quan rằng chúng ta có thể tránh được số phận thảm khốc.

Davey đồng ý. “Chúng ta cần phải quyết định cách sử dụng AI nào được chấp nhận và cách nào không được chấp nhận ngay bây giờ,” ông nói: “Và chúng ta cần phải cẩn thận, không cho nó kiểm soát quá nhiều cơ sở hạ tầng của chúng ta. Nếu chúng ta trang bị cho cảnh sát khả năng nhận dạng khuôn mặt và chính phủ liên bang đang thu thập tất cả dữ liệu của chúng ta, đó là khởi đầu tồi.”

Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ rằng AI có thể có quyền lực như vậy, hãy xem xét thế giới trước khi có vũ khí hạt nhân.

Ba năm trước khi xảy ra phản ứng dây chuyền hạt nhân đầu tiên, ngay cả các nhà khoa học cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân cũng tin rằng điều đó khó có thể xảy ra.

Nhân loại cũng vậy, họ không chuẩn bị cho đột phá hạt nhân và loạng choạng trên bờ vực của ‘sự hủy diệt chắc chắn cho cả hai bên’ trước khi các hiệp ước và thỏa thuận hướng dẫn việc phổ biến thứ vũ khí chết chóc này trên toàn cầu mà không để xảy ra thảm họa sinh tồn.

Chúng ta có thể làm điều tương tự với AI, nhưng chỉ khi chúng ta kết hợp những bài học lịch sử với tầm nhìn trước để chuẩn bị cho công nghệ lợi hại này.

Thế giới có thể sẽ không thể ngăn chặn được các chế độ độc tài như Đức Quốc xã trỗi dậy trở lại trong tương lai – nhưng chúng ta có thể tránh giao đặt vào tay họ những công cụ để mở rộng quyền lực mãi mãi.

D.M.

Nguồn: BBC

This entry was posted in độc tài, Độc tài cộng sản và khoa học kỹ thuật. Bookmark the permalink.