Một số đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam

Nguyễn Nam (ghi)

“Bộ máy chính quyền cũng đã nhận thức được vẫn đề tập trung trách nhiệm vào người đứng đầu và tính giải trình. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản bởi việc chịu trách nhiệm và giải trình phải trở thành nền tảng cho cả bộ máy quản lý với người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm giải trình cao nhất với toàn thể dân cư của họ. Đó còn là vấn đề của hệ thống chính trị”.

Nhận xét trên là của chuyên gia về đô thị học Nguyễn Ngọc Hiếu. Xin được trích lược ý kiến của ông Hiếu về đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là ở đô thị có quy mô nhỏ.

Đô thị có quy mô nhỏ cũng cần hình thành chính quyền đô thị riêng, dù phạm vi trao quyền về các lĩnh vực kỹ thuật phức tạp còn ít; nhưng việc quản lý về mặt xã hội vẫn có đầy đủ, và chỉ có một cấp thực thi các việc được trao.

Cấp trên giao quyền thì ít can thiệp vào viêc cấp dưới, tránh để một việc hai cấp cùng có trách nhiệm. Đây là cốt lõi của việc phân công tổ chức bộ máy. Việc hình thành thang nấc tự chủ có thể phụ thuộc vào hệ thống phân cấp hiện hành nhưng cần điều chỉnh theo thực tế khi xem xét đầy đủ các yếu tố chín muồi.

Việc trao quyền không chỉ là khung hay tiêu chí mà cần có lộ trình và lựa chọn phù hợp với quy mô, đặc điểm năng lực hiện hành của từng đô thị qua các đánh giá chuyên môn và ý chí của Hội đồng thành phố quyết tâm chuyển đổi mô hình. Chỉ với các đô thị có quy mô trung bình lớn thuộc cấp tỉnh mới được trao các thẩm quyền về quản lý kỹ thuật phức tạp như quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và kiểm soát phát triển đô thị. Các nội dung này khi trao quyền cần tiến tới mô hình một đầu mối để không còn trùng lặp chức năng quản lý giữa Sở Xây dựng và Phòng quản lý đô thị các đô thị trực thuộc tỉnh.

Nếu có trao thì nhất quán hỗ trợ năng lực cấp dưới; còn không thì không giao nhưng phải bố trí đủ lực lượng sâu sát để thực hiện nhiệm vụ.

Tổ chức quản lý đô thị lớn cần cân nhắc mô hình đô thị lõi với các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh và trung ương. Đô thị loại 1 này có thể học tập mô hình quản lý xây dựng chính quyền quản lý riêng khu vực đô thị lõi và để các huyện ngoại vi quản lý tự chủ theo mô hình nông thôn. Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, và cả Huế có thể trao quyền rộng rãi hơn cho huyện, và tập trung quản lý khu vực đô thị với chỉ cần một cấp chính quyền.

Cần cân nhắc điều chỉnh lại quy mô chính quyền cơ sở và vùng đô thị loại đặc biệt.

Quy mô của Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội hiện nay quá lớn để chính quyền một cấp Hội đồng nhân dân có thể giám sát có hiệu quả. Nhưng cấp phường lại quá nhỏ bé để giám sát và đảm bảo thực hiện. Cấp quận là trung gian lại đang được đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân có thể dẫn đến nhiều bất cập về giám sát khi trao quyền lớn cho quận như hiện nay nhưng lại chỉ giám sát từ thành phố và không có ở phường.

Tại hai đô thị này, thiết nghĩ nên áp dụng mô hình chính quyền Tokyo với cấp quận làm cấp cơ sở và là đô thị hai cấp: quận và thành phố. Quy mô của mỗi đơn vị cơ sở có thể lấy từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn dân, nhưng phải có căn cứ lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị để phân chia cho hợp lý, không phải cắt theo quy mô đơn thuần.

Vùng ngoại vi đô thị cần xây dựng mô hình riêng. Hà Nội so với Thành phố Hồ Chí Minh cùng những khác biệt do tỉ lệ diện tích và dân số nông nghiệp lớn. Có thể áp dụng mô hình đô thi lõi làm hai cấp, và bên ngoài là tỉnh Hà Nội. Bên trong đô thị lõi có thể áp dụng mô hình này với hai cấp chính quyền: cơ sở – quận hiện tại.

Bên ngoài Hà Nội là các huyện có cơ chế quản lý như huyện ngoại thành được trao quyền tự chủ cơ sở cao hơn. Các đô thị khác của tỉnh Hà Nội thuộc huyện quản lý như cũ, nhưng Sơn Tây cần trao quyền rộng rãi hơn để tự chủ trong quản lý (có thể không hoàn toàn giống như quận nhưng tương đồng).

Thành phố Hồ Chí Minh cũng có Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè; Đà Nẵng cũng có huyện Hòa Vang rất khác biệt so với phần đô thị còn lại…

N.N.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.