Duy Anh
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump thực hiện đúng chủ trương “nước Mỹ trước tiên” qua việc rút hoặc giảm dần vai trò của Mỹ ở các cơ chế đa phương.
Mỹ là quốc gia có nền kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới. Vì thế, trên cương vị tổng thống, những chính sách tại Nhà Trắng của ông Donald Trump không chỉ định đoạt số phận nước Mỹ, mà còn tác động không nhỏ tới phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump được cho là không giúp tăng cường hình ảnh của nước Mỹ trong mắt đồng minh.
Nước Mỹ trong mắt thế giới
Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố Mỹ là “quốc gia vĩ đại nhất thế giới”. Nhưng theo khảo sát của Pew Research Center tại 13 quốc gia, ông Trump không thực sự giúp cải thiện hình ảnh nước Mỹ ở phần còn lại của thế giới.
Ở nhiều nước châu Âu, chỉ số thiện cảm của người dân đối với nước Mỹ trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump ở mức thấp nhất trong 20 năm.
Tại Pháp, số người cho biết có cái nhìn thiện cảm với nước Mỹ chỉ là 31%, thấp nhất kể từ 2003. Chỉ số này tại Anh và Đức lần lượt là 41% và 26%.
Cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Washington có tác động quan trọng khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên tệ hơn. Chỉ 15% số người được hỏi cho rằng Mỹ đã phản ứng phù hợp với đại dịch.
Chính sách của Tổng thống Trump tác động lớn tới phần còn lại của thế giới. Ảnh: AP.
Rút khỏi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Khó có thể xác định đâu là quan điểm thực sự của Tổng thống Trump về biến đổi khí hậu. Từ phát biểu đây chỉ là “trò lừa đảo tốn kém”, Tổng thống Trump sau đó tuyên bố biến đổi khí hậu là “vấn đề nghiêm trọng” và “hết sức quan trọng” trong chính sách của ông.
Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã khiến giới khoa học thất vọng khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Mỹ là nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu ông Trump tái đắc cử, việc duy trì mục tiêu không để nhiệt độ Trái Đất tăng quá 2 độ C sẽ trở nên bất khả thi.
Quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11, tức một ngày sau bầu cử. Ông Joe Biden từng tuyên bố sẽ đảo ngược quyết định của ông Trump nếu đắc cử.
Lo ngại việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ có tác động domino hiện chưa thành hiện thực. Mặc dù vậy, một số nhà quan sát tin rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ dọn đường cho Brazil và Saudi Arabia trì hoãn cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Đóng cửa biên giới
Tổng thống Trump đưa ra chính sách nhập cư chỉ một tuần sau khi nhậm chức, đóng cửa biên giới Mỹ với người dân từ 7 quốc gia có đa phần là người Hồi giáo. Hiện tại, 13 quốc gia nằm trong danh sách hạn chế đi lại của Mỹ.
Tỷ lệ người nhập cư sinh ra ở Mexico hiện sống tại Mỹ đã giảm dần trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Mặc dù vậy, người nhập cư từ Mỹ Latin và Caribe đã tăng nhẹ. Nhìn chung, Mỹ đã siết chặt việc cấp thị thực thường trú cho người nước ngoài.
Một trong những di sản lớn nhất của chính sách nhập cư dưới thời Tổng thống Trump là bức tường ở biên giới với Mexico. Tới ngày 19/10, đoạn tường dài hơn 500 km đã được xây dựng ở biên giới phía nam, theo Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ.
Năm 2019, số người nhập cư bị bắt ở biên giới Mỹ – Mexico đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm. Đa phần người bị bắt đến từ Guatemala, Honduras và El Salvador.
Số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận đã giảm mạnh trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump. So với con số 85.000 người tị nạn được tái định cư năm 2016, Mỹ chỉ tiếp nhận 54.000 người tị nạn trong năm 2017.
Năm 2021, Mỹ dự kiến sẽ chỉ tiếp nhận 15.000 người tị nạn, thấp nhất kể từ khi chương trình tái định cư người tị nạn được khởi động vào năm 1980.
Thay đổi cách tiếp cận ở Trung Đông
Tháng 2/2019, Tổng thống Trump cam kết rút quân đội Mỹ khỏi Syria với tuyên bố “quốc gia vĩ đại sẽ không tham gia vào những cuộc chiến bất tận”.
Hiện nay, Washington chỉ còn duy trì 500 quân ở Syria với nhiệm vụ bảo vệ các giếng dầu mà Mỹ có lợi ích.
Tổng thống Trump cũng đã giảm dần quy mô quân đội Mỹ hiện diện ở Afghanistan và Iraq. Bằng một thỏa thuận hòa bình đạt được với Taliban, Mỹ dự kiến rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan vào mùa xuân năm 2021.
Mỹ sẽ hoàn thành rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021. Ảnh: Reuters.
Thay vì theo đuổi cách tiếp cận lấy sức mạnh quân sự làm trung tâm như dưới thời Bush và Obama, Tổng thống Trump tác động tới tình hình Trung Đông bằng những con đường khác.
Năm 2018, Tổng thống Trump đã đi ngược với những người tiền nhiệm khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này.
Tháng 9 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Mỹ, hai quốc gia thuộc thế giới Arab là UAE và Bahrain đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel. Việc cải thiện quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab có thể coi là thành tựu lớn về đối ngoại của Tổng thống Trump.
Đàm phán lại các hiệp định thương mại
Trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP, thỏa thuận thương mại Mỹ ký cùng 11 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương được chính quyền Obama vun đắp nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.
Những người phản đối TPP cho rằng hiệp định này sẽ lấy mất cơ hội việc làm của người Mỹ.
Ông Trump cũng buộc Mexico và Canada tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), văn kiện ông tuyên bố là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất lịch sử”. Thỏa thuận thay thế NAFTA đã hoàn tất, với những điều khoản ngặt nghèo hơn về điều kiện lao động và quy định nguồn cung các bộ phận xe ô tô.
Tổng thống Trump muốn Mỹ thu lợi từ thương mại với thế giới. Kết quả là Nhà Trắng khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tung ra những biện pháp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của đối phương trị giá hàng trăm tỷ USD.
Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề bởi đòn tấn công của Mỹ. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp phải chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác tại châu Á. Ngược lại, ngành đỗ tương, công nghệ, và ô tô của Mỹ cũng bị ảnh hưởng lớn.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2019 đã giảm nhẹ so với năm 2016.
Trong năm 2020, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ vào khoảng 193 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại giảm một phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu của Mỹ giảm mạnh.
Đối đầu với Trung Quốc
Ngày 2/12/2016, vài tuần trước khi chính thức nhậm chức, ông Trump tuyên bố đã nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với nhà lãnh đạo đương nhiệm Đài Loan, diễn biến chưa có tiền lệ kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ chính thức với hòn đảo này năm 1979.
Cuộc điện thoại của ông Trump là động thái đầu tiên mở màn cho đối đầu trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy quan hệ song phương tới mức thấp nhất trong hàng chục năm.
Mỹ đã công khai bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bước đi được các quốc gia trong khu vực mong đợi.
Tổng thống Trump phát động cuộc chiến chống Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, trừng phạt hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE, cấm các ứng dụng điện thoại phổ biến như TikTok và WeChat.
Đại dịch Covid-19 càng khiến quan hệ Mỹ – Trung xấu đi. Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm khi khiến virus lây lan ra toàn cầu.
Dưới thời Tổng thống Trump, chính giới và người dân Mỹ được miêu tả là “thức tỉnh” trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
“Dù có thay đổi người lãnh đạo, Mỹ sẽ không thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc”, BBC đánh giá.
Tổng thống Trump gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản, năm 2019. Ảnh: AFP.
Bên bờ vực chiến tranh với Iran
Tháng 5/2018, Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương đạt được năm 2015 với Iran, văn kiện cơ sở để Tehran cam kết đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận quốc tế.
Nhà Trắng sau đó áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đơn phương chống Iran, nhằm buộc nước này chấp nhận những điều khoản khác có lợi hơn cho Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái trầm trọng. Tới tháng 10/2019, giá thực phẩm tại Iran tăng 61% so với một năm trước. BBC cho biết các cuộc biểu tình lan rộng ở Iran vì suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, Tehran từ chối nhượng bộ.
Tháng 1 vừa qua, Washington gây chấn động thế giới khi ám sát Qasem Soleimani, một trong những tướng lĩnh quyền lực nhất của Vệ binh Cách mạng Iran, người chỉ huy các hoạt động quân sự của Tehran ở Trung Đông.
Iran đáp trả bằng hàng loạt tên lửa tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq, khiến hơn 100 binh sĩ Mỹ bị thương. Quan hệ hai nước tưởng chừng bị đẩy tới bờ vực chiến tranh, theo các nhà phân tích đánh giá ở thời điểm tháng 1.
Đòn đáp trả của Iran khiến một máy bay thương mại của Ukraine bị bắn nhầm, làm 176 người trên chuyến bay thiệt mạng.
Nguồn: Zing New