Hà Dương Tuấn
1. Trước tiên xin bẻ cổ một con vịt: Hiện tượng đang xảy ra ở miền Trung có phải là “do biến đổi khí hậu” không ? Có phần nào, nhưng biến đổi khí hậu là điều đã được báo trước từ nhiều thập niên; Cục Khí tượng thuỷ văn liên tục đo đạc và tiên đoán lượng nước mưa. Cho nên ta phải và có thể sống với những thông tin đã biết từ nhiều năm nay đó thay vì lấy nó làm cái bung xung nguỵ biện cho những ý đồ khó nói của mình.
2. Phía Đông Trường Sơn luôn luôn mưa nhiều hơn phía Tây, do gió biển Đông mang hơi nước thổi vào, và hơi nước đó bị núi chặn lại thành mưa. Đây là lợi thế thiên nhiên, trao tặng nước và gỗ và cả năng lượng cho ta dùng… nếu biết khai thác hợp lý. Đập thuỷ điện cho ta năng lượng vì trong mưa có năng lượng. Thuỷ điện là dạng năng lượng tốt nhất và sạch nhất cho cả thế giới trước khi các năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời, điện thuỷ triều… trở nên kinh tế hơn. Hồ thuỷ điện có chức năng chế ngự dòng chảy từ trên núi cao xuống đồng bằng, điều này cho phép hạn chế lũ tự nhiên vì khả năng giữ nước của hồ.
Những sai lầm của thế giới trong quá khứ, với lý do này hay lý do khác, từ các công trình đập thuỷ điện vĩ đại trên các dòng sông lớn, không thể là kinh nghiệm để bàn về trường hợp miền Trung Việt Nam, nơi cần giải một bài toán tối ưu khác hẳn. Dù sao cũng xin đặt câu hỏi Kinh tế – Kỹ thuật rất cần thiết này cho các chuyên gia.
3. Trời cho ta nước, và Rừng vừa giữ nước cho đất, vừa cho ta gỗ, sẽ còn mãi nếu biết khai thác hợp lý như các nước tiên tiến hàng nhiều thế kỷ. Nhưng lòng tham con người cộng với sự ngu dốt đã trở thành phá hoại, người ta lợi dụng việc xây thuỷ điện để đốn rừng bán gỗ, làm cho chức năng giữ nước của rễ cây rừng giảm nặng, đất trọc đi khiến cho hiện tượng lũ trở nên ngược lại trầm trọng hơn. Đó là tội ác với thiên nhiên và con người. Người ta bạ đâu xây “thuỷ điện nhỏ” ở đấy; mà mục đích thực của họ không phải là năng lượng. Ta có thể thấy hiện thực qua bài viết của chuyên gia tài nguyên và môi trường Tô Văn Trường tại : Từ Rào Trăng 3 nhìn lại “loạn” thủy điện nhỏ.
4. Vấn đề quy hoạch thuỷ điện cần tầm nhìn vĩ mô và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Đây là vấn đề chuyên môn lớn cần đến sự tính toán và tạo nên dung tích hợp lý cho các hồ chứa nước của các đập thuỷ điện; cũng như công suất và quy trình điều khiển đập tràn của các hồ chứa nước.
5. Ở tầm “vi mô” là sự thao tác một đập nước của một nhóm chuyên gia nhỏ. Nguyên tắc thứ nhất là trước đầu mùa mưa nên hạ thấp nhất mực nước của hồ để có dung tích chứa nước lớn nhất cho mùa mưa. Thứ hai là không bao giờ “xả lũ” cả; nếu mặc dù nước đã chứa đầy hồ (nếu dung tích hồ không được tính toán hợp lý) mà mưa vẫn rơi thì cũng để nước chảy đi như thời chưa có đập mà thôi. Một khi bạ ai nấy làm những “thuỷ điện nhỏ” thì vừa phí đất, phí rừng (đấy là nói không có tham ô tài nguyên rừng của đất nước, một tội phạm sinh thái nghiêm trọng), và nhất là thiếu người có khả năng điều hành hợp lý quy trình quản lý đập.
6. Nhưng, vấn đề đặt ra là sau này xử lý những sự kiện thuộc loại đang xẩy ra ở miền Trung như thế nào?
Có lẽ ở mọi nước thì vẫn điều động quân đội trong những nhiệm vụ chống thiên tai (cộng nhân tai, như ta đã thấy) ở mức độ trầm trọng. Nhưng có cần làm một binh chủng không? Có lẽ không cần. Đại đa số người lính ở cấp thấp, cùng với tính kỷ luật, lòng can đảm và chấp nhận hy sinh, họ chỉ cần tuân lệnh là chính; dưới sự điều khiển của những người có thẩm quyền trong từng loại nhiệm vụ. Đặt ra cả một binh chủng (chống thiên tai? Như các binh chủng khác?) thì thực là lãng phí ngân quỹ nhà nước. Hy vọng rằng các bộ máy chỉ huy cao thấp của quân đội đã được huấn luyện để chỉ huy trong những hoàn cảnh chống thiên tai; để thực hiện nhiệm vụ trong chuyên môn của mình… nhất là công binh, nhưng còn không quân, hải quân… đồng thời hiệp đồng với các đội ngũ khác.
Xin ngừng không bàn tiếp vì không có khả năng.
H.D.T.
Tác giả gửi BVN