Ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ ở miền Trung. Ảnh: Thanh Niên.
Trước phản hồi của dư luận về thế lưỡng nan của người dân trong việc cứu trợ đồng bào lũ lụt trái với Nghị định 64/2008/NĐ-CP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng một nghị định mới để thay thế cho nghị định cũ.
Việc lắng nghe của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến việc sửa đổi những điểm vô lý và bất cập của Nghị định 64 là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật có rất nhiều bất cập như hiện nay ở Việt Nam, không phải lúc nào các bất cập của pháp luật cũng được phản ánh lên báo chí và được thủ tướng quan tâm để sửa đổi.
Ở Mỹ, Nghị định 64 chắc chắn sẽ bị kiện lên Tòa án Tối cao bằng cách viện dẫn Hiến pháp. Khi đó, Tòa án Tối cao sẽ đưa ra phán quyết rằng Nghị định 64 vi phạm Hiến pháp và buộc chính phủ phải huỷ bỏ nghị định vi hiến đó.
Điều đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay chưa tồn tại một thể chế có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp như Toà án Tối cao Hoa Kỳ để bảo vệ và giải thích Hiến pháp trước các quy định vi hiến được Quốc hội và chính phủ thông qua trong các bộ luật và nghị định. Do đó, các cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, dù làm đúng với đạo đức và lương tâm, hoàn toàn có thể bị xử phạt theo đúng các quy định pháp luật hiện hành mà không có quyền viện dẫn Hiến pháp lên Tòa Tối cao để lật lại bản án, từ đó thay đổi các luật lệ hiện hành.
Nói cho đúng, ở khoản 2 điều 74 Hiến pháp 2013 của Việt Nam cũng có quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Nhưng trước những quy định của pháp luật trái với Hiến pháp, công dân Việt Nam không biết làm cách nào để đưa đơn kiện lên tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị giải thích Hiến pháp. Hiến pháp có quy định về việc giải thích hiến pháp nhưng không có giá trị thực thi trên thực tế.
Không có một tòa án tối cao để bảo vệ và giải thích Hiến pháp, Hiến pháp Việt Nam rất ít được coi trọng trong thực tế cuộc sống. Giới luật sư khi bào chữa cũng chỉ viện dẫn đến các quy định của pháp luật vì những thẩm phán xét xử cũng chỉ dựa vào các điều luật. Tôi rất hiếm khi thấy giới luật sư Việt Nam viện dẫn các quy định của Hiến pháp Việt Nam để bào chữa cho thân chủ. Lý do rất dễ hiểu là viện dẫn Hiến pháp cũng không mang lại lợi ích gì cho việc bào chữa.
Báo chí Việt Nam cũng hiếm khi viện dẫn Hiến pháp Việt Nam để lập luận cho bài viết của mình. Hầu hết các vấn đề liên quan đến luật thì chỉ viện dẫn đến các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… Chẳng mấy khi có ai đó chỉ ra một điều luật trong các bộ luật đó trái với quy định của Hiến pháp và mang điều đó kiện lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ví dụ: Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Nếu theo quy định này thì công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, Phạm Đoan Trang viết sách “Chính trị bình dân” là một hành động thực hiện quyền tự do ngôn luận, việc công an Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang là trái với quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Nếu ở Mỹ, vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang sẽ được các luật sư viện dẫn Hiến pháp để đưa vụ án lên Tòa án Tối cao để xét xử. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi không rõ những luật sư của Việt Nam có thể đưa vụ kiện lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu giải thích điều 25 của Hiến pháp 2013 hay không? Tôi thật sự mong chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lời giải thích về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam thông qua các vụ kiện liên quan đến quyền tự do ngôn luận như vụ Phạm Đoan Trang.
Một ví dụ nữa là việc Bộ Thông tin – Truyền thông xử phạt hành chính báo Phụ Nữ vì đưa tin về tập đoàn Sun-group.
Sau những bài viết phản ánh các hoạt động của tập đoàn Sun-group, báo Phụ Nữ đã bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin – Truyền thông xử phạt hành chính với lý do đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu sự việc xảy ra ở Mỹ, báo Phụ nữ sẽ viện dẫn điều 25 của Hiến pháp về việc bảo vệ quyền tự do báo chí để đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao để xét xử. Trong khi đó ở Việt Nam, báo Phụ Nữ phải chấp nhận chịu phạt mặc dù trong thâm tâm vẫn nghĩ rằng mình không làm điều gì sai và lên tiếng với BBC rằng các bài viết không sai bản chất của vấn đề.
Trong một hệ thống pháp luật tốt, vụ kiện về việc xâm phạm quyền tự do báo chí đáng lẽ phải được đưa ra tòa tối cao, nơi có thẩm quyền trong việc bảo vệ và giải thích Hiến pháp, để xét xử. Từ kết quả của vụ kiện, người dân mới biết được rằng Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trên thực tế nghĩa là gì.
Hiến pháp trên lý thuyết là bộ luật cao nhất của một quốc gia. Thế nhưng để Hiến pháp trở thành bộ luật cao nhất thì cần phải có một tòa án tối cao để bảo vệ và giải thích Hiến pháp, hay còn gọi là cơ chế bảo hiến. Khi đó, khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp” được nhìn thấy khắp nơi ở Việt Nam mới đi vào thực tế cuộc sống.
L.M.
Nguồn: luatkhoa.org