Thư ngỏ thứ ba gửi các đại biểu ĐH XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Khắc Mai

Thư này viết sau khi Đảng đã cho công bố văn kiện Đại hội để lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân. Tôi nghĩ nên dùng cụm từ “xin ý kiến đóng góp” thì phải phép hơn.

Sau đây là một số ý kiến của tôi. Có lẽ trong thư này tôi chỉ chọn một số ý, có thể thư sau tôi sẽ trình bày vấn đề khác. Một vài bạn của tôi từng làm quan trong ”Nhà Đỏ” bảo ông lẩm cẩm rồi, họ có nghe đâu mà nêu ý kiến. Quả thật có như vậy, có một vị liền chị của tôi, chức sắc to vai vế lớn, cũng từng là công thần chế độ, đã nói rằng thật nản, thật buồn, nói với họ cũng như không, thà nói với đầu gối mình còn hơn! Tôi lại nghĩ điều này tựa như mình thả một ít năng lượng vào không gian, đến một lúc nào đó sẽ có tác dụng. Tự dưng tôi nhớ đến Lỗ Tấn, ông từng nói: Trên địa cầu vốn không có đường, con người đi mãi thành đường. Niềm hy vọng cũng thế. Đừng tắt hy vọng.

I- Bàn một chút về nguyên lý “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”

Nghĩa là âm thanh đồng tần số thì ứng với nhau. Trong âm nhạc người ta chế ra một dụng cụ bằng đồng hình chữ U có đế, hễ khi bấm nốt, ví dụ nốt sol, thì dụng cụ kia cũng ứng và ngân vang lên âm thanh tương đồng, giống nhau, dùng để kiểm tra âm sắc có chuẩn không. Trong xã hội và Đất nước ta hiện nay, giữa Đảng (thật ra là ban lãnh đạo đảng) và Nhân dân cùng xã hội còn nhiều điều chưa gặp nhau, đang có vấn đề nhiều khi rất vênh nhau, không đồng thanh, không đồng khí.

Vậy thì vấn đề là ai nên nghe ai?

Theo thể chế quân quyền phong kiến thời xưa thì Dân phải nghe Vua. Bây giờ thời đại dân chủ thì phải làm ngược lại, công bộc hay đầy tớ công là Đảng, bộ máy Nhà nước phải nghe lệnh của Dân. Có trên nguyên lý Pháp quyền và đạo đức này thì việc lắng nghe ý kiến của nhau mới có ý nghĩa tử tế. Nếu không, cũng chỉ là lừa mị mà thôi.

Đảng tự mình đề ra đường lối, thảo văn kiện xong xuôi, tiến hành đại hội các cấp, rồi mới bày ra việc lấy ý kiến của Dân. Chữ lấy, nghe đã không xuôi. Đằng này là việc Dân việc Nước, tự ý mình thảo văn kiện, sắp vào ĐH toàn quốc mới đi lấy ý kiến Dân, phỏng có hình thức và chớt chát không? Liệu có nên lùi ĐH lại không? Lùi chỉ tốt không xấu. Nó đúng nguyên lý dịch học của tổ tiên: Nguyên – Hanh – Lợi -Trinh. Nghĩa là cái Nguyên sự khởi đầu cho tốt cho tử tế, chuẩn bị đến nơi đến chốn, Hanh là sẽ hanh thông, trôi chảy, Lợi là cái đại lợi sẽ đạt, Trinh là sự vững vàng chắc chắn đạt được ở cuối quá trình. Không đi đâu mà vội. Như tôi, tôi sẽ đề nghị giành cả năm 2021 để chuẩn bị lại ĐH, thực hiện hai cuộc trưng cầu, một cho Toàn Đảng, một cho Toàn Dân về Chủ thuyết của đảng, thể chế chính trị, thiết chế Nhà nước, thể chế kinh tế, thiết chế dân chủ của xã hội… Đại hội này nên là một cuộc Đại Diễn Biến, tựa như con sư tử co mình lại để chồm lên. Đây phải là một cuộc Đại Phục Hưng Dân tộc Việt trong thế kỷ XXI. Làm sao để có một nhân cách mới của con người và của Dân tộc, Văn hiến, Tự chủ, Tự cường, Hòa đồng, Yêu thương, Trách nhiệm và Hạnh phúc.

Vậy thì vấn đề là, không phải đảng sẽ cấp cho Dân cho Xã hội một đôi giày cũ chật, lỗi mốt và yêu cầu Dân phải gọt chân cho vừa giày. Cái chính là Đảng phải tự mình là một đôi giày vừa sang trọng, đúng mốt lại vừa chân cho dân đi.

ĐH XIII, có thể hiện được ý Dân, khát vọng của Dân tộc hay không là vấn đề phải suy nghĩ, phải bàn. Có ra nhẽ thì may ra mới có một Đại hội của Văn minh, Dân chủ, Công bằng, Dân giàu, Nước mạnh.

II- Các vị đại biểu có biết tìm đọc ý kiến của xã hội hay chỉ lắng nghe tiếng nói tự lừa dối của chính mình (Ý của Các Mác, Tổ sư của Đảng)*

Sau khi công bố văn kiện ĐH XIII, ít nhất đã có ba văn bản cũng công khai góp ý với ĐH.

Một là Kiến nghị 5 điểm của Nguyễn Trung, một nhà trí thức có uy tín, có tâm huyết và tầm nhin sâu rộng, từng làm trợ lý cho Thủ tướng Võ văn Kiệt, làm Đại sứ ở nhiều nước. Nguyễn Trung kiến nghị:

a/ Xử lý vụ án Đồng Tâm, có đạo lý, luật pháp. Đây là bản án chế độ, nó đặt ra cả vấn đề chính danh, chính nghĩa của Đảng và Nhà nước hiện nay.

b/ Vấn đề luât hóa hoạt động của Đảng. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nó thử thách bản chất cái gọi là Nhà nước pháp quyền, XHCN. Tất cả các thiết chế dân sự hay công quyền ở nước ta đều vận hành với Hiến định và Luật định. Chỉ duy có đảng là đang hoạt động phi luật. Tính chính danh và chính thống của ĐH XIII cũng đang bị thách thức, cải cách Quốc hội, tăng chuyên trách, gọn nhẹ, chất lượng, bãi bỏ thực trạng Quốc hội là công cụ của Đảng, (Chủ tich quốc hội công khai thừa nhận Bộ chính trị là cấp trên của QH).

c/ Cải cách thể chế chính trị, mở rộng dân chủ hóa chính trị xã hội.

e/ Chấn hưng văn hóa, cải cách giáo dục để có con người tự do, tự chủ, tự cường.

Hai là Tuyên bố của CLB Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn (TP Hồ chí Minh), đề cập một số vấn đề, lên án vụ đàn áp Đồng Tâm, từ đó cần cải cách luật đất đai, và cải cách tư pháp, thực hiện “Thoát Trung”, tu chính Hiến pháp theo hướng dân chủ tự do, đổi tên Đảng.

Ba là Thư góp ý với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhân ĐH XIII của nhóm nhân sĩ trí thức ở TP Hồ chí Minh, phê phán sự vi phạm điều lệ đảng ngay trong ĐH XIII này, đàn áp những người yêu nước dám có ý kiên phê bình đảng và nhà nước…

Tôi cho rằng các đại biểu thật sự vì Đảng vì Dân vì Nước hãy tìm đọc, nghiên cứu, và đưa vào bàn luận, lấy biểu quyết ở đại hội. Điều đó chỉ làm sang cho ĐH, và trong mắt của người dân sẽ thấy ĐH không còn là những kẻ ù lì thụ động, thiếu nhân cách làm chủ, ”chỉ là con rối trong tay bọn tham vọng mới”! (Tôi dùng lại chữ của chính Các Mác khi tiên đoán về những nhà nước kiểu mới sau khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền). **

Thay đổi Đảng cả về lý thuyết (học thuyết), đường lối, chính sách, phương thức tổ chức bộ máy, nhân sự, bãi bỏ những luật như đất đai phi nhân tính phi nhân tính lại là đầu mối làm sa đọa đảng, từ bỏ thể chế công an trị như hiện nay. Xây dựng một Quốc hội mới, tinh gọn hiệu lực, đủ sức điều tiết, giám sát mọi lực lượng chính trị kể cả đảng, canh tân văn hóa giáo dục để có con người Việt Nam tự chủ tự cường… Thay đổi tư duy và chính sách đối ngoại phù hợp với tiến trình của dân tộc và thời đại… đang là những vấn nạn lớn của đất nước. Không còn là Đổi Mới, mà phải là cuộc Đại Chấn Hưng Dân Tộc và Đất Nước. Đảng đáp ứng những đòi hỏi này, thì Lich sử sẽ ghi tên Đảng như là một lực lượng tiến bộ, nhân văn, thật lòng Vì Dân Vì Nước, còn không sẽ là ô nhục muôn đời. Liệu các Anh Chị có vươn nhanh lên với tầm Phù Đổng như mách bảo của tổ tiên, để có công với non sông Tổ quốc, hay vẫn chỉ là những thành viên của những nhóm lợi ich khác nhau, mà Các Mác thì gọi tên là bọn tham vọng mới?

III- Bàn về “Đột phá”

Văn kiện lần này có chỗ đáng chú ý là cái đột phá. Thành ủy Sài Gòn từng chọn đến năm sáu cái đột phá. ĐH này cũng đưa ra ba đột phá, một là thể chế, hai là hạ tầng giao thông, có chỗ lại gọi là hạ tầng kinh tế (Lưu ý: hạ tầng giao thông và kinh tế là hai phạm trù khác nhau!), ba là nguồn nhân lực.

Khái niệm đột phá ở Việt nam là khái niệm thực dụng, nó xuất phát từ quân sự. Nó có rất ít hàm nghĩa lý thuyết vì thế nó được dùng một cách cảm tính, do đó tính chính xác, khoa học rất kém. Bàn về đột phá phải tìm học lý thuyết Breakthrough Thinking (Tư duy đột phá) do hai giáo sư Shozo Hibino (Nhật Bản) và Gerald Nadler (Hoa Kỳ) đề xướng. Nó có hệ thống gồm 3 nguyên lý nền tảng, trong đó có Tính duy nhất, có 4 giai đoạn đột phá, và 3 quy trình giai đoạn. Bàn về đột phá mà không biết tính duy nhất thì tư duy, sách lược… sẽ trở thành gai mít, cái gì cũng mũi nhọn, cái gì cũng đột phá!

Trong ba vấn đề cấp bách nổi cộm là thể chế, hạ tầng, nhân lực, chỉ có vấn đề thể chế đáng là vấn đề đột phá. Đúng nó là đầu mối để có hạ tầng, nguồn nhân lực đúng nghĩa. Nếu không giải quyết thể chế thì hạ tầng có thể méo mó, nhân lực biến dạng, như hiện trạng chỉ rõ. Tuy nhiên chỉ đặt vấn đề chỉ tập trung thể chế kinh tế, thì tư duy lô gích và lành mạnh có vấn đề. Hoặc như Lênin nói là dốt, như thực tiễn Việt Nam là thiển cận, thấy cây không thấy rừng. Nếu chỉ giải quyết thể chế kinh tế thì vẫn luôn tồn tại một cửa ngõ cho sự biến dạng méo mó, cho sự lũng đoạn tinh vi gian xảo xảy ra. Nó tựa như câu chuyện ngụ ngôn, mở cái nút bình Pandora, thì chỉ thấy ma quỹ xuất hiện.

Nếu định nói đến đột phá, thì ĐH XIII chỉ có một lựa chọn duy nhất là vấn đề thể chế mà trọng tâm là thể chế chính trị. Cái duy nhất để đột phá là Lập Quyền Dân, Đảng hãy trả lại quyền cho Dân. Nếu thật sự có dân chủ thì Dân sẽ là chủ, như Hồ Chí Minh từng nhận ra mà không sao làm được, “Nước ta là nước Dân chủ Vì Dân là chủ”. Khi đó ta sẽ có một thượng tầng văn minh tiến bộ, nhân văn và dân tộc. Ta sẽ có nền kinh tế “Dân doanh là chủ đạo”. Dân sẽ sáng tạo ra thị trường văn minh đúng nghĩa, Dân sẽ kết cấu lại cơ cấu kinh tế hợp lý hiện đại, sẽ tự mình tìm cách giải những bài toán hóc búa nhất cho một nền văn hóa mới của Việt Nam, một nhân cách dân tộc và từng người Việt Nam thật sự rũ bùn đứng dậy chói lòa. Khi ấy Minh Triết, Quang hay Tỏ, Phúc cùng Ngân, Dũng và Trí… sẽ là tố chất đông đảo của con người chứ không chỉ là tên của vài người. Tôi khuyên các anh chị nên suy nghĩ thấu đáo.

Như phần trên tôi đã thưa, ĐH này của Đảng sẽ phải là ĐH của một nhận thức về cuộc Đại Chấn Hưng của Dân tộc Việt Nam để nó tìm kiếm một nhân cách mới trong không-thời gian hiện đại. Đảng có còn là lực lượng tiên phong của dân tộc trong thời đại mới này không? Voila’ la question. Đó mới là vấn đề! Cụ Các Mác cũng từng nhắc một câu la tinh “cacatum non es pictum” ( Bôi bác không phải là bức tranh).

Dứt khoát lần này chúng ta không được bôi bác.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Thư ngỏ. Bookmark the permalink.