KÍNH GỬI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Trên mạng lưới báo chí và truyền thông đại chúng đã đăng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII và kêu gọi đảng viên, nhân dân góp ý.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó, chúng tôi trân trọng góp đôi điều với Đảng như sau:
1. Đại hội Đảng 13 đang được tiến hành từ cơ sở trở lên theo nguyên tắc tập trung dân chủ được ghi rõ trong Điều lệ Đảng. Dõi theo tiến trình Đại hội từ cấp cơ sở lên đến tỉnh, thành phố, chúng tôi thấy nguyên tắc đó bị vi phạm nghiêm trọng. Ví dụ nổi bật nhất là việc điều động khá nhiều đảng viên về tham gia cấp ủy và nói rõ những đảng viên này sẽ là Bí thư Thành ủy, hay Tỉnh ủy để rồi đại hội sẽ bầu như trường hợp Đảng bộ TP Hồ Chí Minh và Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp là ví dụ.
Đối chiếu mục 4, Điều 2, Chương 2 Nguyên tắc Tổ chức và Cơ cấu tổ chức ghi trong Điều lệ Đảng: “Việc chỉ định đại biểu chỉ thực hiện đối với tổ chức đảng hoạt động trong điều kiện đặc biệt không thể mở đại hội để bầu cử được, theo quy định của Bộ Chính trị” và Mục 6, Điều 13: “Đối với tổ chức đảng không thể mở đại hội được, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy của tổ chức đảng đó”. Vậy mà, các cấp ủy Đảng nói trên đâu phải là những đơn vị “hoạt động trong điều kiện đặc biệt không thể mở đại hội để bầu cử được, theo quy định của Bộ Chính trị ”, cũng không là “không thể mở đại hội được, để cần phải có cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy của tổ chức đảng đó”. Vậy thì việc điều động ông Nguyễn Văn Nên về làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, hay điều động ông Lê Quốc Phong, về làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp “rồi sẽ được Đại hội bầu” là vi phạm Điều lệ Đảng.
Điều này gây xôn xao trong dư luận: liệu có phải ông Nguyễn Thiện Nhân và Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Hoan và Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã vi phạm điều gì nghiêm trọng lắm mà phải vô hiệu hóa ngay không thì không kịp. Người ta liên tưởng đến trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị bắt cấp tập khi Hà Nội đang chuẩn bị Đại hội! Nếu không phải vì lý do nói trên thì là một sự áp đặt, mất dân chủ trầm trọng. Trường hợp điều động ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, một Bí thư Tỉnh ủy năng động, gần dân, có uy tín cao trong đảng viên và nhân dân tỉnh Đồng Tháp về làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là một ví dụ khá điển hình về sự áp đặt.
Phải nói rằng, riêng về Đảng, Tổng Bí thư và Bộ Chính trị lãnh đạo kiểu gì, mà để “chào mừng Đại hội 13” là một loạt những bắt bớ, trong đó có khá nhiều đảng viên đang giữ những chức vụ quan trọng. Trong lịch sử đảng, chưa bao giờ có tình hình bắt bớ những tướng lĩnh, quan chức cấp cao trước khi Đại hội. Điều này nói lên sự thoái hóa, biến chất của Đảng, trước hết là của những người gánh vác trọng trách cao nhất, đặc biệt là trong 10 năm gần đây với hai nhiệm kỳ ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, cuộc chiến quyền lực ngày càng quyết liệt và gay cấn. Phải chăng cũng vì vậy mà có sự điều động cấp tập và chỉ định trước khi đại hội đại biểu bầu bí thư một cách bất thường, mang tính áp đặt của người đang nắm quyền lực trong tay.
Ai đó sẽ lập luận rằng: rồi vẫn là do Đại hội bầu đấy thôi. Thì đúng thế, Đại hội vẫn bầu. Từng đại biểu sẽ lần lượt bỏ lá phiếu vào hòm phiếu một cách vô cảm, trừ những người đã thấy trước vị thế của mình với cách bầu cử kiểu này! Không hề có vận động tranh cử, chỉ có điều động và chỉ định, lẩn tránh việc lựa chọn công khai và dân chủ ngay tại Đại hội Đảng. Rõ ràng là cách làm trên cho thấy việc bố trí nhân sự (mà việc điều động và chỉ định vừa nói cũng chỉ là một ví dụ nhỏ) thể hiện khá tâp trung sự lúng túng và bối rối trong việc phân chia quyền lực. Ở đây, hoàn toàn là cuộc chiến giữa các thế lực đang nắm giữ các trọng trách của đất nước, còn tuyệt đại bộ phận đảng viên đứng ngoài cuộc. Đảng viên đã vậy thì nhân dân càng xa lạ với chuyện của Đảng mà quên rằng, rồi đây họ sẽ gánh chịu hệ lụy của các quan chức trong Đảng vừa được bầu ra!
2. Đại hội Đảng các cấp từ cơ sở đến Trung ương đang lần lượt diễn ra, đặc biệt là Đảng bộ Hà Nội tiến hành với mọi nghi thức trọng thể vẫn không thể làm lu mờ cái chết oan khốc của đảng viên Lê Đình Kình, 84 tuổi, 56 tuổi Đảng, sinh hoạt tại cơ sở Đảng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội từng giữ nhiều chức vụ trong Đảng tại cơ sở, chưa hề bị kỷ luật, được đảng viên và dân làng mến phục nhưng đã bị khởi tố và rồi bị bắn chết một cách dã man. Về sự kiện dã man này, một đảng viên từng là quan chức nói với đài BBC đó là cách hành xử của thời trung cổ! Liệu rồi trong Đại hội sẽ thành công tốt đep có ai dám nêu lại sự kiện Lê Đình Kình, một sự kiện vô tiền khoàng hậu, trời không dung, đất không tha không?
Cũng như vậy, vụ Hồ Duy Hải dường như không được nhắc lại trong suốt thời gian qua. Phiên “Giám đốc thẩm” do chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ trì đã bị dư luận chỉ rõ là sai Luật, vi pham Hiến pháp. Nghiêm trọng đến nỗi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải lên tiếng qua bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nay là Chủ nhiệm, đã đưa ra một báo cáo với kết luận minh bạch, vạch trần bản án đã sai từ khâu điều tra cho đến xét xử, rồi đến phiên Giám đốc thẩm. Những sai trái đó nói lên rằng nền tư pháp Việt Nam không có công lý.
Trong ý kiến gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cao nhất ngày 23.7.2020, chúng tôi đã nêu rõ những sai trái đó và đề nghị thi hành kỷ luật người đứng đầu trong phiên Giám đốc thẩm. Thế nhưng cho đến hiện nay mọi sự việc đều rơi vào sự im lặng đáng sợ. Người chịu trách nhiệm cao nhất ngồi ghế chủ tọa phiên Giám đốc thẩm vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp vẫn bằng chân như vại, và nghe đâu còn được đưa lên cao hơn nữa trong cơ cấu nhân sự của ông Tổng Bí thư. Như ai đó đã nói rất đúng: “Đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân. Đồng thời là hồi chuông để thôi thúc Quốc hội quyết liệt hơn nữa trong trách nhiệm giám sát của mình để đảm bảo pháp luật được thượng tôn, niềm tin nhân dân vào nền tư pháp được củng cố, góp phần làm trong sạch cơ quan bảo vệ pháp luật”.
3. Tiến trình thực hiện Đại hội Đảng các cấp cũng là tiến trình bắt bớ và đàn áp những người bất đồng chính kiến mà trường hợp cô Phạm Đoan Trang, nhà báo, người viết sách, được trao Giải thưởng Homo Homini do tổ chức People in Need vinh danh là “một trong những nhân vật hàng đầu bất đồng chính kiến”, đồng thời cũng được tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải “Tự do báo chí” năm 2019, là một ví dụ. Phát ngôn nhân của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tiếng về vụ bắt bớ này. Cùng với Pham Đoan Trang, nhiều người khác cũng đang chịu nhiều sức ép vô lý từ bộ máy toàn trị, phản dân chủ, vi phạm nhân quyền.
Một không khí ngột ngạt đang lan tỏa trong xã hội. Điều này càng làm cho dân xa Đảng, đối phó với Đảng, giảm sút nghiêm trọng niềm tin với Đảng, một đảng cầm quyền. Chính những lý do nói trên đã thúc giục chúng tôi gửi bức thư đề đạt ý kiến này sau bức thư ngày 23.7.2020.
Kính mong các vị lãnh đạo nghiêm túc xem xét.
TP Hồ Chí Minh ngày 25.10.2020
*Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, tù chính trị trước 1975, bác sĩ Y khoa, Đại biểu Quốc hội khóa 6, hiện làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
*Lê Công Giàu, nguyên là cán bộ hoạt nội thành trước 1975, tù chính trị trước 1975, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên sau 1975.
*Huỳnh Kim Báu, tù Côn Đảo trước 1975, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Sài Gòn sau 1975.
*Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh.
*Tương Lai, nguyên thành viên tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam.
Các tác giả gửi BVN.