Chốt’ điều chỉnh nhiều nội dung trong giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều

Tuệ Nguyễn

lamtue@gmail.com

Tối 15.10, Bộ GD-ĐT cho biết đã quyết định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.

clip_image001

Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh nhiều nội dung trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều

ẢNH NGỌC DƯƠNG

Tối 15.10, Bộ GD-ĐT vừa có thông cáo báo chí cho biết: thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.

Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”…

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15.11.2020.

Thông cáo nói trên cũng cho biết: “Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định và nhóm tác giả sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các bậc phụ huynh, giáo viên và nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu giáo dục học sinh trong sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Như Thanh Niên đã thông tin: ngày 11.10 vừa qua, trước phản ánh của báo chí về việc sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.

Sau chỉ đạo này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1.

Công văn nêu rõ: “Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 17.10”.

Sách tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều do GS Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên (Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP.HCM). Ông Thuyết cũng là Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Nhận được công văn này, trao đổi với Thanh Niên, GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 cho biết: “Trong quá trình thẩm định, một số vấn đề dư luận phản ứng về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều hiện nay (như dùng từ ngữ khó hiểu, khó nhớ, ngữ liệu bài đọc không hay, không rõ tính giáo dục…), cũng đã từng được hội đồng thẩm định góp ý và đề nghị tác giả điều chỉnh. Tuy nhiên, tác giả sách đã bảo lưu quan điểm.

Giải thích này đã làm “dậy sóng” dư luận với câu hỏi: Vậy vai trò, trách nhiệm của hội đồng thẩm định là gì khi vẫn đánh giá sách giáo khoa ấy là “đạt” dù góp ý thay đổi nhưng tác giả sách không đồng ý và làm theo?

Lý giải thêm về điều này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng về mặt nguyên tắc, những góp ý của Hội đồng thẩm định nếu về những chi tiết, nội dung sai sót rõ ràng thì bắt buộc tác giả có bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định, phải sửa. Còn những nội dung, chi tiết không sai nhưng khác nhau về mặt quan điểm giữa tác giả và hội đồng thẩm định thì tác giả có quyền đưa ra những lý lẽ để bảo lưu quan điểm của mình.

T.N.

Nguồn: https://m.thanhnien.vn/giao-duc/chot-dieu-chinh-nhieu-noi-dung-trong-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-bo-sach-canh-dieu-1292087.amp?fbclid=IwAR3foB0UoVAx-rugpRkXi9GR41wy41uJcO98ZtxYI9ncUo4wih8GYTYRziU

This entry was posted in Sách giáo khoa. Bookmark the permalink.