Nghĩ về tương lai

Mai Quốc Ấn

clip_image002

Ảnh: internet

Năm nào cũng có người chết do lũ. Năm nào cũng có thông tin về sự cố thuỷ điện. Năm nào cũng lặp lại một điệp khúc đúng quy trình. Đó là những khái quát chung về việc cấp phép, vận hành, khai thác điện từ thuỷ điện và thân phận nhân dân.

clip_image004

Là một người viết về môi trường, nhiều năm quan sát, tôi mạn phép tổng kết lại một điều vô cùng đơn giản: Làm thuỷ điện ít hay nhiều cũng là phá rừng. Phá rừng làm tăng nguy cơ lũ miền Trung. Lũ tăng nhanh, khó lường hơn nên tài sản, sinh mệnh nhân dân cũng bấp bênh hơn.

Sự tiếp nối các khẳng định của lãnh đạo ngành điện về xả lũ đúng quy trình mà năm nào cũng có người chết, thiệt hại tài sản chỉ có thể suy luận: Quy trình không đúng.

Quy trình không đúng nghĩa là thể chế vận hành không đúng thực tế khoa học đã diễn ra. Làm sao có thể gọi là đúng quy trình khi thực tế tang thương nhân danh phát triển, một bộ phận nhỏ đầu tư thuỷ điện giàu lên còn số phận nhân dân như những cánh rừng sau khi làm thuỷ điện, là tiếng gào thét tuyệt vọng tìm người thân sau mỗi trận lũ.

clip_image005

Năng lượng xã hội những ngày này có các xu hướng lớn là nỗi phẫn uất về đất đai mất đi, nỗi lo lắng về môi trường bị xâm hại, nỗi đau thương về sinh mạng và thân phận người dân chịu tác động.

Trong khi thế giới đã đi quá xa… Iphone chẳng hạn, đã tiến đến công nghệ sạc không dây để hạn chế sử dụng điện năng và hạn chế cả dây sạc làm từ nhựa và kim loại. Thì tại Việt Nam, những tranh cãi về việc điện năng từ thuỷ điện, nhiệt điện gây hại cho dân ra sao cứ ngày một dày lên những thông tin.

Các mỹ từ có nhiều đến bao nhiêu cũng không thể giấu đi sự thật. Sự thật rằng chúng ta nên học người Nhật để dạy con em mình đất nước rất nghèo khi rừng vàng, biển bạc đã được “ăn mất phần con cháu” như ông Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn – Tổng cục thuế, từng nhận định.

Trong cuộc “ăn” ấy, tuyệt đại đa số nhân dân không được phép dự phần. Nhưng hậu quả của việc giành hết “phần con cháu” ấy, tất cả chúng ta đều gánh chịu và tất cả chúng ta không thể vô can.

Nếu ai cũng vô cảm, cũng im lặng, cũng thoả hiệp với thứ hiện thực tàn khốc thì nghĩ về tương lai hẳn chỉ có những chuyện đau lòng…

M.Q.A.

Nguồn: FB Mai Quốc Ấn

This entry was posted in Phá hoại môi trường. Bookmark the permalink.