Sách lớp một khó viết quá!

Cao Việt Sĩ

Một bộ SGK lớp 1 mà Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và nhiều vị khác phải lên tiếng thì trách nhiệm của người viết hết sức nặng nề.

Thời gian qua trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đang “rất nóng” về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – bộ Cánh Diều.

Dư luận xã hội hiện nay có rất nhiều ý kiến về bộ sách mới, khen thì ít mà không đồng tình thì nhiều. Trên VTV có chiếu nhiều hình ảnh các phụ huynh “vật vã” cùng con học bài trong SGK mới. Qua VTV cảm nhận được sự “trăn trở” của các giáo viên khi triển khai giảng dạy theo sách giáo khoa mới. Một số giáo viên nhiều năm giảng dạy ở lớp đầu cấp I mà “khó khăn” với sách giáo khoa mới thì thật là khó hiểu? Một bộ sách mới đem đến cảm hứng tốt cho người dạy và cho các em học sinh đã không có được. Lỗi tại ai đây?

Xã hội đã “phản ứng “ và chủ biên SGK. Tiếng Việt lớp 1 – GS. Nguyễn Minh Thuyết nói “Tôi cũng mong người phê bình có thái độ khách quan”. Riêng GS.Trần Đình Sử người trong Hội đồng thẩm định “HĐ thẩm định có phần nể nang, không kiên quyết yêu cầu sửa chữa SGK Tiếng Việt lớp 1“.

Tuy nhiên, ông Sử còn nói “Những vấn đề dư luận nêu ra đối với SGK Tiếng Việt lớp 1 – bộ sách Cánh Diều đều đã được Hội đồng thẩm định chỉ rõ nhưng chủ biên sách xin bảo lưu”. Chủ biên là GS. Thuyết muốn bảo lưu cái gì? Cái tốt hay cái xấu? Cái được hay chưa được? Phải chăng ông vẫn muốn giữ nguyên bộ SGK Tiếng Việt lớp 1? Dù xã hội có lên tiếng phê phán, phản đối.

Vấn đề “SGK.Tiếng Việt lớp 1” không còn nhỏ nữa rồi. TS. Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết đã viết bài dài “Góp một cách nhìn về sách Tiếng Việt lớp 1 – bộ Cánh Diều”, trong đó nhiều vấn đề tốt, xấu đã được phân tích mổ xẻ. Sách Giáo khoa mà có nhiều khiếm khuyết như vậy có nên cho các em học sinh học không?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu, nhưng không thể tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn “sạn”. Một lời bao biện như vậy có phù hợp không? Việc phê duyệt sách “rất công phu” nhưng để nhiều dư luận như vậy có hợp lý không? Và cũng nên xem xét lại kiến thức và chuyên môn của những người phê duyệt. Họ đã không làm tròn nhiệm vụ được giao vì thiếu kiến thức hay vô trách nhiệm?

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì cho rằng, đã đổi mới phải có cái mới và Bộ phải giải thích cặn kẽ, thuyết phục. Nếu còn những “sạn” phải “nhặt”, tiếp tục hoàn thiện. Nhặt sạn đến bao giờ thì xong? Để các em học sinh có thể yên tâm học tập với sách mới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói “Đã yêu cầu các Hội đồng thẩm định SGK phải rà soát, giải trình rõ, tiếp thu và điểm nào SGK Tiếng Việt 1 chưa phù hợp phải hoàn thiện”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến về biên soạn SGK mới. “Các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học”.

Sáng 13/10, tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri, đã trả lời vấn đề dư luận xã hội quan tâm đến sách giáo khoa, Thủ tướng cho biết: “Đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu và sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm”.

Theo nhà báo Từ Kế Tường, Tp.HCM:

“Mới đầu GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên và là chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 và GS. Trần Đình Sử cố biện minh, nhằm “đánh tráo khái niệm”, cho rằng do phụ huynh học sinh không hiểu chứ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 không có gì sai sót, bởi đã qua Hội đồng thẩm định với số phiếu đồng thuận 100%. Sau đó Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo mới phê duyệt đưa vào chương trình giảng dạy năm học 2020-2021. Không những thế sách tiếng Việt lớp 1 còn được Hội đồng thẩm định khen nức nở, được cho là chuẩn của tiếng Việt lớp 1”.

Theo VNTB, những sai sót đặc biệt nghiêm trọng của sách tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn, thì không thể chỉnh sửa, hay “chắp vá” lại được, mà cần phải được thu hồi.

Việc xây dựng bộ SGK Tiếng Việt 1 với sự tham gia của các GS và nhiều cộng sự khác là vấn đề khoa học không hề nhỏ, có ý nghĩa về Giáo dục và đời sống. Các GS là chủ biên và trực tiếp biên soạn nhưng không đưa ra được ý tưởng chủ đạo để viết. SGK phải có tính kế thừa, bộ sách đang dùng có gì hay thì giữ lại, không nên viết lại từ đầu, mất thì giờ, dễ sai phạm và sai phạm đã diễn ra. Các vị GS và Chủ tịch hội đồng phải chịu trách nhiệm. SGK có thể biên soạn lại nhưng khuyết điểm của các vị quá lớn nên kỷ luật thích đáng. Cần thay các GS trong lĩnh vực xã hội bằng các GS trong lĩnh vực tự nhiên làm chủ biên và trực tiếp biên soạn. Họ có văn phong chặt chẽ, logic. Một số vấn đề Văn học sẽ có cộng tác viên hỗ trợ.

Một bộ SGK lớp 1 mà thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và nhiều vị khác phải lên tiếng thì trách nhiệm của người viết hết sức nặng nề.

Sách giáo khoa lớp 1 khó viết quá!

C.V.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Sách giáo khoa. Bookmark the permalink.