Lại nói chuyện người tử tế

Nguyễn Thọ

Một góc nhìn về quá trình thống nhất không đổ máu, không trả thù của nước Đức. Nhìn, ngẫm, và đau xót cho quê hương Việt Nam. 

Bauxite Việt Nam

Ngày bức tường Berlin bị phá bỏ 9.11.1989 và cả ngày thống nhất nước Đức 3.10.1990 tôi đang ở Việt Nam. Thiếu thông tin nên tôi có cảm giác lẫn lộn. Mừng vì đất nước Đức mà tôi đã gắn bó từ năm 1967 nay thống nhất mà không tốn xương máu. Khi còn là cậu thanh niên 16-17 tuổi, tôi đã chứng kiến sự chia ly của các gia đình Đức nên hiểu nỗi đau của họ.

Tuy biết Đức sẽ khác xa Việt Nam sau 1975, nhưng tôi vẫn lo, không biết số phận của thầy cô và bạn bè tôi sẽ ra sao trong tình hình mới.

Ngay từ khi sang Đức định cư 1991, tôi lập tức lần mò tìm lại gần hết những thầy cô, bạn bè xưa. Điều hạnh phúc nhất là không ai trong số đó phải bất hạnh vì số phận, kể cả những người từng hợp tác với STASI để theo dõi đồng nghiệp.

Con người và cuộc sống ở CHDC Đức (Đông Đức) trong bốn năm 1967-1971 đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nay tôi hay rủ bạn bè trở về trường cũ ở thị trấn nhỏ Königs Wusterhausen để thăm lại những ông bà giáo già. Mỗi lần như vậy, họ lại có dịp được gặp nhau, ăn cơm Việt Nam, nghe nhạc Việt nam. Người nào không tự đi được, chúng tôi cử nhau đón đưa. Nhiều người trước kia không hề thân nhau, giờ đây trở nên thân thiết, gắn kết với nhau.

Gặp gỡ các thầy cô hè 2019

Gặp gỡ các thầy cô hè 2004

Họ bảo: Học sinh Việt Nam các em đã trở thành cầu nối của chúng tôi.

Họ đã thành người thân của tôi. Có chuyện gì các ông bà đều gọi cho tôi để tâm sự. Ôn lại chuyện hơn 50 năm trước, chúng tôi vui, cười bò vì những trò ấu trĩ. Các thầy cô thì tự hào về những gì họ đã làm được cho kỹ nghệ điện tử phát thanh truyền hình trong điều kiện bế quan tỏa cảng với phương Tây hồi đó.

Hôm nay, trong khi dân cư mạng xôn xao về vụ tranh cử đầy bùn ở Mỹ, về vụ ông Trump bị ám Covid-19, tôi chỉ viết về những người Đông Đức tử tế mà tôi được biết.

Chính những người dân Đông Đức bình dị đã tự tay xóa bỏ bức tường, chính họ là người đã mở đường cho công cuộc thống nhất trong hòa bình chứ không phải thế lực phương tây nào. Điều này được cả nước Đức khẳng định hàng năm, mỗi khi nói đến ngày 9.11, hay 3.10.

Trước mùa thu 1989, những người Đông Đức này đều là công nhân, viên chức, bộ đội, cảnh sát, giáo viên, mậu dịch viên, v.v. trong một nhà nước mà quyền công dân bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Áp bức, lừa dối, xuyên tạc ngự trị sinh hoạt xã hội. Mọi người dân vẫn sống và thực hiện nghĩa vụ công dân trong cái khuôn đó. Nhưng cái khuôn khổ chật hẹp, đầy rẫy dối trá đó không thể tiêu diệt được hết mầm mống của sự tử tế trong đa số người dân.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 7.5.1989, khi một số sinh viên Leipzig phát hiện ra vài vụ gian lận bầu cử hội đồng địa phương. Các bạn kêu gọi biểu tình, và tối hôm đó chỉ có 50 bạn trẻ đến dự ở quảng trường thành phố. Lập tức cảnh sát ra tay đánh đập đám sinh viên. Không ngờ bên cạnh đó có rất đông dân chúng đang dự một lễ hội. Chứng kiến cảnh đông đảo cảnh sát đánh đập một nhóm thanh niên nhỏ ôn hòa, dân chúng bỗng thịnh nộ đứng về phía 50 sinh viên. Sự áp đảo của dân chúng khiến cảnh sát phải lùi bước. Ngay tối hôm sau 8.5, sự việc tái diễn. Lần này dân chúng không ai bảo ai kéo đến bảo vệ những người làm lễ thánh trong nhà thờ Nikolai bị công an bao vây. Lý do bao vây vẫn là đề tài „Gian lận bầu cử“ được thuyết trình trong nhà thờ.

Ngọn lửa từ những người bất đồng chính kiến ít ỏi đã lây sang đám đông quần chúng xưa nay chẳng quan tâm đến thời cuộc. Cứ như thế làn sóng dâng lên dần, dẫn đến các cuộc „Biểu tình ngày thứ hai“ [1].

STASI càng ra tay, sự tức giận càng tăng. Lúc đầu chỉ có 1.200 người đi biểu tình, dần tăng lên đến hàng trăm ngàn người. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 6.11.1989 tại quảng trường Alexander ở Berlin với gần 1 triệu người tham dự [2].

Ba ngày sau bức tường „sập“.

Bức tường sập, đơn giản chỉ vì có nhiều người Đông Đức bình thường không muốn công an đánh con cháu mình, đơn giản vì nhiều nhà giáo không muốn phải nói dối mãi về lịch sử, đơn giản vì những cô cậu thanh niên không muốn cứ phải nghe kết quả bầu cử 99% năm này qua năm khác, vì có những phóng viên truyền hình đã quyết nói lên sự thật, bất chấp lệnh trên [3].

Trong khi đó, không ít kẻ ác tìm mọi cách phá hoại hạnh phúc của nhân dân, chỉ để giữ quyền lực. Những kẻ này không tiếc máu.

Nhưng bức tường sập mà không đổ máu vì có những sỹ quan STASI như Harald Jäger, tuy trung thành với đảng SED nhưng chấp hành đúng kỷ luật của Đức. Anh chỉ cho phép nổ súng khi bị tấn công [4]. Ở vào những giây phút quyết định, sự tử tế lương thiện cuối cùng đã thắng. Chỉ cần cái thiện nhỉnh hơn cái ác là van được mở. Đó chính là phẩm chất của một dân tộc.

Phẩm chất đó được hình thành lâu dài qua nếp sống văn minh, có kỷ cương. Ngày nay nước Đức thống nhất ca ngợi 14 cầu thủ Đông Đức đã trung thành với nghĩa vụ công dân đến cùng trong trận đấu ngày 12.9.1990 với Bỉ [5]. Không phải cầu thủ nào của Đức cũng như vậy, nhưng cái chất của dân tộc này đủ tập hợp 14 người con. Ở đâu cũng có người tử tế. Nhưng nếu chỉ có 9 hoặc 10 cầu thủ thì đã không có cuộc đấu lịch sử để chứng tỏ phẩm chất của dân tộc.

Phẩm chất đó không phải của chế độ nào.

Sau ngày 3.10.1990, nước Đức vật vã chuyển mình. Nhưng mối lo của tổng thống Pháp F. Mittrand và thủ tướng Anh M. Thatcher về một chủ nghĩa Xô-Vanh Đức chỉ dẫn đến một nước Đức hòa bình đến mức nhũn nhặn.

Thiên đường tư bản chủ nghĩa mà một số người Đông Đức hy vọng đã trở thành hiện thực buồn bã. Nạn thất nghiệp ở Đông Đức tuy nay đã xuống mức 7% (so với 5% ở miền Tây), nhưng trong những năm 1990 đã từng ở mức 23%. „Bức tường trong đầu“ phân chia Đông-Tây dần dần thay thế bức tường thép gai.

Khoảng cách về tích lũy của từng gia đình Đông và Tây Đức hiện tại là 60.000 – 21.000 EURO. Lý do: Tư hữu ở miền Đông bị xóa bỏ suốt 45 năm, nay phải làm lại từ đầu, trong khi quá trình này liên tục từ nhiều thế kỷ ở miền Tây. Nhưng điều đó không cản trở miền Đông vươn lên đạt 76% năng lực công nghiệp của miền Tây. Năm 1990, năng suất lao động miền Đông khoảng 30% của miền Tây, nay đã đạt 86% (quy ra lương). Tuy nhiên do giá sinh hoạt ở miền Đông rẻ hơn nên không có chênh lệch nhiều về mức sống.

Tích lũy trung bình của các gia đình Đông và Tây tính theo đơn vị nghìn EUR

Có một nghịch lý nhỏ là dân Đông Đức lĩnh lương hưu nhiều hơn các cụ phía Tây. Một phần vì trước kia họ làm viên chức nhiều và phụ nữ đa số đi làm.

Trong khi lương trung bình miền Đông chỉ bằng 86% miền Tây thì lương hưu các cụ ông và cụ bà miền Đông lại cao hơn ở miền Tây

Trong quá trình cải tạo miền Đông, người dân Tây Đức đã bỏ ra khoản tiền khổng lồ hàng ngàn tỷ EURO để giúp đỡ đồng bào mình trong suốt 30 năm qua. Thay vào đó, nền quản lý và chính trị miền Tây đã được tạo dựng ở miền Đông. Chỉ có một số ít thành tựu của miền Đông được đưa sang miền Tây.

Tôi có thể đưa ra nhiều con số khác nữa để chứng tỏ bức tường trong đầu dân Đức là có cơ sở.

Nhưng dù sao có đến 75% người Đức coi qua trình thống nhất đất nước là một thành công, chỉ 23% coi đó là thất bại.

Màu xanh nhạt là tỷ lệ % người Đức thỏa mãn với chế độ hiện hành, mà xanh đậm là tỷ lệ người phê phán.

Cái đáng nói ở một xã hội dân chủ, tử tế là ở chỗ: Đa số cảm thấy có trách nhiệm phải làm sao hiểu và giúp đỡ 23% kia. Không ai coi họ là phản động hay bất mãn.

Köln 3.10.2020

N.T.

Chú thích: 

[1] Montagsdemonstration https://en.wikipedia.org/…/Monday_demonstrations_in_East_Ge…

[2] Ủy viên bộ chính trị đảng SED Günter Schabowski hôm đó cũng thay mặt đảng SED đến đối thoại với phe đối lâp. Phe đối lập thì chưa hình thành, chẳng có ai lãnh đạo cả.

[3] Trung tâm truyền hình Rostock bắt đầu đưa tin về các cuộc biểu tình từ tháng 10.1989, bất chấp lệnh của đài chủ quản từ Berlin.

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1414934981857904

[5] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/4734892423195460

Nguồn: FB Tho Nguyen

This entry was posted in Thống nhất đất nước. Bookmark the permalink.