BVN nhận đươc thư của ông Nguyễn Văn Phước, người sáng lập First News – Trí Việt. Ông viết:“Tôi nhận bài viết khá kỳ công của Giáo sư Chu Hảo sau khi đọc kỹ tác phẩm Muôn Kiếp Nhân Sinh của Giáo sư John Vu – Xin được cảm ơn GS Chu Hảo và chia sẻ với bạn đọc bài viết công phu này”
Nhân quả xin đừng đợi thấy mới tin
Nhìn lại, tỉnh thức sau nhiều cơn mê.Nguyễn Văn Phước
GS Chu Hảo
“Xin trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm mới nhất của nhà khoa học, học giả Nguyên Phong – John Vu (Nguyên Kỹ sư Trưởng Tập đoàn Boeing, Viện Trưởng Viện Công nghệ Sinh học – ĐH Canergie Mellon, Hoa kỳ) với tựa đề Muôn Kiếp Nhân Sinh. Đây là một cuốn sách rất đặc biệt – được viết theo nguyện vọng của anh Nguyễn Văn Phước, sáng lập First News – Trí Việt – người đã có cơ duyên đàm đạo với tác giả Nguyên Phong (cũng là người đã viết phóng tác tác phẩm bất hủ “Hành trình về Phương Đông” từ năm 1974, dựa trên ý tưởng tác phẩm của Blair T. Palding, ghi chép lại kết quả khảo sát các hiện tượng siêu nhiên kì bí Phương Đông của các nhà khoa học Anh Quốc, xuất bản ở Ấn Độ năm 1924 và đã thất truyền từ sau Thế chiến II) về Tâm linh, Vô thường, Luân hồi và Nhân quả.
Muôn Kiếp Nhân Sinh là một câu chuyện vô cùng hấp dẫn về tiền kiếp huyền bí của một doanh nhân triệu phú tài chính thành đạt tại New York, người đã trực tiếp kể cho tác giả nghe trong vài năm gần đây về những trải nghiệm tâm linh chân thật, hãi hùng, hoan lạc và cay đắng của mình, trải dài từ nền văn minh Atlantis lẫy lừng (trên một hòn đảo nằm giữa Đại Tây Dương đã bị nhấn chìm xuống đáy biển sau một trận Đại Hồng Thủy vào khoảng TKC TCN) đến vương quốc cổ đại Ai Cập của các Pharaoh quyền uy (TKIV TCN)… Đấy là nội dung của các Phần từ 1 đến 7 của cuốn sách.
Trước khi đọc các phần ký ức tiền kiếp ấy của nhân vật chính trong tác phẩm này – Doanh nhân Thomas K, tôi mong độc giả hãy chịu khó đọc thật kỹ Phần Mở đầu kể lại cuộc gặp mặt kỳ thú, như được sắp đặt bởi nhân duyên, của tác giả Nguyên Phong và bạn ông là GS Yeh (Đại học Texas, đã về hưu ở Đài Loan) với phi hành gia Edga Mitchell (người đã trải nghiệm chứng ngộ tâm linh trên phi thuyền Appolo của NASA lên mặt trăng năm 1971) và bạn ông là Thomas K. Họ cùng nhau đến gặp Hòa thượng Thánh Nghiêm (1930-2009, Tổ sư khai sáng Hội Phật giáo pháp Cổ Sơn, Đài Loan) tại giảng đường Đại học Đài Bắc để cùng một số giáo sư và sinh viên trường này nghe giảng về những uyên nguyên của đạo Phật như Chứng ngộ, Vô thường, Nhân quả, Luân hồi…, về sự tương đồng và dị biệt giữa Khoa học và Tôn giáo v.v… Đó là những tri thức nền tảng để hiểu và có thể đồng cảm với những gì Thomas sẽ chia sẻ với chúng ta ở các phần tiếp theo.
Tôi xin lỗi tất cả những ai tự coi mình là vô thần, bởi những điều tôi muốn chia sẻ với bạn đọc trong bài viết này là cảm nhận riêng tư, có thể làm các bạn phiền lòng, nhưng tôi không hề muốn tranh luận hay chứng minh rằng đời sống Tâm linh là có thật như được miêu tả trong cuốn sách này. Tuy vậy, vô thần đối với tôi đã trở nên xa lạ. Sau trải nghiệm trăn trở gần hết cuộc đời – tôi ngộ ra được rằng đó là một khiếm khuyết lớn do bảo thủ không chịu khám phá, học hỏi, tỉnh thức – chứ chẳng có gì đáng tự hào.
Đắm mình trong tinh thần thời đại, thế hệ chúng tôi choáng ngợp trong các khái niệm duy vật, duy lý và thực chứng của khoa học hiện đại (TK17-TK20) – và coi vô thần là lẽ đương nhiên. Cứ ngỡ rằng bất kể cái gì không chứng minh được bằng các phương pháp khoa học đều không đáng tin. Khốn thay một số điều “không đáng tin” ấy lại là sự thật khách quan và rất hiển nhiên không thể phủ nhận. Một lý thuyết khoa học được xây dựng dù hoàn chỉnh đến đâu cũng sẽ sụp đổ nếu có một – và chỉ cần một bằng chứng thực sự khách quan sẽ phủ nhận hoàn toàn. Ngược lại chỉ cần một (chưa hẳn cần đến cái thứ hai) sự thật khách quan được ghi nhận thì phải được thừa nhận – không cần biết nó có phù hợp với lý thuyết khoa học nào không? Tâm linh là lãnh địa khác biệt như vậy.
Con người ai cũng có ba năng lực: Thể chất, Tinh thần, và Tâm linh. Năng lực cơ bắp là nền tảng cho sự sống đơn giản, ai cũng phải có để sinh tồn; Năng lực tinh thần là khả năng cảm nhận, suy nghĩ, tư duy, và nhận thức. Có năng lực này mới được làm Người. Các thầy Tâm linh, Đông phương cũng như Tây phương, khẳng định rằng năng lực Tâm linh có sẵn trong mỗi con người, chỉ có điều ít người bình thường tự phát lộ và sử dụng được.
Vậy Tâm linh là gì? Và điều gì thể hiện năng lực Tâm linh?
Não luận (Cerecentriz) nói với ta rằng tâm hồn (Soul – Linh hồn) sinh ra bởi các hoạt động điện sinh – lý – hóa của bộ não. Vì thế khi thể chất đã chết là hết không còn gì tiếp theo. Nhưng Tâm luận (Psychocentrizm) khẳng định rằng tâm hồn tồn tại độc lập như một dạng thông tin đặc biệt, mà bộ não chỉ là vật mang. Hay, tâm hồn là thực thể đầu tiên, còn bộ não chỉ là cơ quan thể hiện. Khi ta chết đi tâm hồn rời khỏi thân xác và tồn tại trong một loại “không – thời gian” nào đó mà khoa học ngày nay chưa biết, có vẻ vì vậy mà mang màu sắc thiêng liêng. Vậy nên Tâm linh có thể hiểu là tâm hồn linh thiêng. Mặc cho các nhà duy vật của TK19-20 bài bác đến triệt để, ngày nay khái niệm Tâm linh vẫn cứ được dùng như một sự thừa nhận đương nhiên (de facto).
Biểu hiện năng lực Tâm linh thì nhiều, nhưng có một thứ ít mang màu sắc dị đoan hơn cả, và đã được kiểm chứng khá thuyết phục qua nhiều nhân chứng cụ thể, là khả năng Ngọai cảm bao gồm:
1) Thần giao cách cảm hay Trực giác xuất thần (đoán được ý nghĩ của người khác, linh tính mà ta hay gọi giác quan thứ Sáu);
2) Thấu thị (nhìn xuyên vật thể như khả năng tìm mộ từ xa); và
3) Tiên tri (như bà già Vanga, Bungaria, dự đoán đúng chính xác nhiều thảm họa sẽ xẩy ra trong tương lai sau rất nhiều năm).
Nhà nghiên cứu tâm linh bậc thầy người Đức Eckhat Tolle (sinh năm 1948) lại nhìn nhận Tâm linh theo tinh thần Đạo học Phương Đông. Trong cuốn sách nổi tiếng “Sức mạnh của Hiện tại” – Power of Now – ông đã chỉ ra rằng năng lực Tâm linh là khả năng có sẵn trong mỗi người cần phải được đánh thức để Giác ngộ bản chất chân thực của mình; để Chuyển hóa được khổ đau và đưa ta đến Giải thoát, để có được niềm An lạc thuần khiết trong đời sống thường nhật, ngay lúc và ngay tại chỗ ta hiện diện. Muốn đạt được những điều trên, điều kiện tiên quyết cho bất cứ ai là phải trải qua quá trình du hành tâm thức trong nội tâm để tự nhận thức lần lượt từ thân xác, rồi đến ký ức, trí tuệ, và cuối cùng là Chân tâm của chính mình. Người bình thường phải tu tập hành thiền một cách hết sức kiên nhẫn, tỉnh thức bên trong và đúng phương pháp – thực sự thành tâm, không phải để kể, để khoe – mới mong bước qua được điều tiên quyết ấy để đi tiếp đến Chứng ngộ, Giác ngộ, Giải thoát và An lạc, như tín điều của các tôn giáo nguyên thủy, chẳng hạn Phật giáo và Kito giáo – cũng chính là bản ngã nguyên thuỷ của con người thuần khiết.
Những điều này muốn làm được cần gắn liền với một niềm tin, một Đức tin – mới có sức mạnh lâu dài.
Không có hiểu biết và đức tin thì hành thiền cũng chẳng đi đến đâu cả. Tin vào cái gì? Vào sự tồn tại của Hiện hữu mà Eckhat Tolle chủ định dùng thay cho từ Thượng đế hay Đấng Sáng tạo bởi nó không mang màu sắc tôn giáo. Hiện hữu của tác giả ám chỉ tất cả những gì đang có mặt trong vũ trụ bao la, kể cả những gì mà ta không cảm nhận được bằng năm giác quan thiên bẩm của con người; liên kết mật thiết với nhau không thể tách rời, vừa là nhân vừa là quả của nhau, mọi cái đều là Một với Tất cả; là cái Thực tại Không thể Nghĩ Bàn, một thực tại vượt lên trên thế giới hiện tượng mà ta đang sống; được chi phối bởi các định luật thiên nhiên siêu việt mà trí tuệ con người chưa (hay không bao giờ?) vươn tới được. Hiện hữu có gì đó giống như “Bản thiết kế Vĩ đại” được trình bày trong cuốn sách cùng tên của Stephen Hawking (Nhà XB Trẻ, 2012) hay Chúa Phiếm Thần của Trịnh Xuân Thuận (xem chẳng hạn “Vũ trụ và Hoa Sen”, Trịnh Xuân Thuận, NXB Tri thức 2013).
Như các bạn đã thấy, ngoài khả năng ngoại cảm, năng lực tâm linh còn cho ta khả năng đi đến Giác ngộ để giải thoát khỏi Tham – Sân – Si cố hữu của con người. Lúc đã ở trạng thái an lạc, tâm hồn và thể xác con người hòa tan trong thiên nhiên, là Một cùng Vũ trụ, chung quanh chỉ tràn ngập một tình yêu thương vô bờ bến, biết chấp nhận tất cả với lòng vị tha, như phi hành gia Edga Michell đã trải nghiệm.
Thế chẳng hạnh phúc và đáng sống lắm sao?
Thế nhưng Đại dịch Covid 19 đang làm nhân loại khốn đốn, và sững sờ nhận ra hình như những cảnh báo nghiêm cẩn và thống thiết của F. Shumacher (Anh, 1911-1997), Nikita Moissev (Nga, 1917-2000) và Yuval Noah Harari (Israel, 1976) đang hiển hiện.
F. Shumacher đã để lại cho hậu thế một trước tác kinh điển: Một chỉ dẫn cho người bị bối rối (NXB Tri thức, 2019), trong đó ông cảnh báo rằng nhân loại đang hoang mang do bị nhào nặn bởi Hệ hình/Tinh thần thời đại (Paradigm) mà ông gọi là Chủ nghĩa khoa học duy vật luận (Materialistic Scientism). Đó chính là nền tảng tinh thần của nền khoa học duy vật, duy lý và thực chứng, tồn tại suốt từ cuộc CMKH&KT hiện đại ở TK17 cho đến nay, với những thành tựu huy hoàng, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của loài người. Bằng những lý giải rất đáng tin cậy, Shumacher đã chứng minh rằng Hệ hình (paradigm) đó không còn chỗ đứng, báo hiệu một cuộc đại khủng tinh thần nhân loại bắt đầu từ việc loại người quay lưng lại đối với các tôn giáo nguyên thủy gắn liền với những điều siêu nhiên huyền bí và thiêng liêng.
Vài năm sau, Nikita Moisev cũng cho ra đời một trước tác kinh điển khác: Tồn tại hay không tồn tại… Loài người? (NXB Tri thức 2019). Ông đã chỉ cho chúng ta thấy loài người đang đứng trước một tai họa còn nguy hiểm hơn; hệ sinh thái của Trái Đất – Ngôi nhà chung của chúng ta – có thể bị hủy hoại hoàn toàn trong một tương lai rất gần nếu vô cảm bỏ qua những cảnh báo thống thiết của ông.
Cả hai cuốn sách trên đều cho thấy TK20 là Thế kỷ cảnh báo, còn TK21 là Thế kỷ lựa chọn giữa ngã ba đường: Sống thế nào hay là chết thế nào? Điều này được phân tích kỹ hơn trong ba tác phẩm gần đây của nhà sử học trẻ tuổi người Israel Yuval Noah Harari: Sapiens-Lược sử về Loài Người, Homo Deus-Lược sử Tương lai, và 21 bài học cho TK21 (NXB Thế giới, 2018-2019). Theo ông cuộc CM KH&KT từ TK17 và những thành tựu huy hoàng của nó cho đến cuối TK20 tuy đã làm cho con người vượt qua được nỗi sợ muôn thuở về các nguy cơ nạn đói, bệnh tật và chiến tranh, nhưng lại tự chuốc vạ cho mình bởi những khát vọng trường sinh bất tử, hạnh phúc viên mãn và sức mạnh thần thánh. Nhưng chính khát vọng ấy sẽ mau chóng đưa loài người đến diệt vong bằng cách biến loài HomoSapiens thành một loài “nửa người nửa ngợm” với bộ não gắn “chip” trí khôn nhân tạo và các bộ phận cơ thể sống được chế tạo từ các tế bào gốc và vật liệu nano dẻo. Thế là chấm hết mọi ý nghĩa thiêng liêng mà Tạo hóa dành cho Con người. Lời cảnh báo nghe có vẻ rất “kỹ trị” ấy hoàn toàn không hề là viển vông.
Loài người phải vượt qua và sẽ vượt qua được ba vấn nạn nói trên như lời kết thúc buổi tọa đàm ở Đại học Đài Bắc của Hòa thượng Thánh Nghiêm trong Muôn Kiếp Nhân Sinh: “Hiện nay đa số mọi người đều bận rộn với sinh kế nên họ không ý thức gì về hệ quả của hành động, lới nói và tư tưởng của mình. Họ tiếp tục tạo nghiệp [chướng] cho mình và cho những người xung quanh. Song, vẫn có người có ý thức về tình trạng khủng hoảng đang xẩy ra và không ngừng kêu gọi mọi người thức tỉnh, tránh làm những việc ích kỷ, tham lam, thù hận, năng làm những việc tốt lành là cùng thức tỉnh mọi người tránh cộng nghiệp. Dù chỉ một hai người khởi xướng thành tâm làm việc tốt cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến những người khác – như hiệu ứng lay động của cánh bướm, giống như phi hành gia Michell đây.
– Nhân quả đừng đợi thấy mới tin.
Xin đừng vô cảm trước nỗi đau con người.
Chu Hảo – Viện Phan Châu Trinh – Hội An, Tháng 8-2020”.
_______
(*) Về GS Chu Hảo: Năm 1960 GS Chu Hảo được nhà nước cử sang Liên Xô học tập ở trường Đại học Bách khoa Kiev. Ông tốt nghiệp năm 1965 rồi ở lại trường làm tiếp Phó Tiến sĩ. Thời gian sau ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử CHLB Nga.
– Về Việt Nam, ông tham gia xây dựng Viện Vật lý Việt Nam, tiền thân của Viện Khoa học Việt Nam.
– Năm 1976-1979, ông giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội
– Năm 1979 ông sang Pháp tu nghiệp, làm luận án Tiến sĩ tại Cộng Hoà Pháp.
– Năm 1983, Chu Hảo được phong Giáo sư.
– Năm 1985, ông làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.
Ngoài ra, ông còn công tác tại các viện:
– Viện Vật lý Kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
– Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ (Viện phó).
– Năm 1995, ông giữ chức Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia Phát triển Công nghệ Thông tin.
– Năm 1996, ông được nhà nước bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ năm 1996 đến 2005.
Các anh chị và bạn đọc ở nước ngoài, ở Việt Nam có thể nghe sách nói Muôn Kiếp Nhân Sinh chính thức trên kênh:
https://muonkiepnhansinh.voiz.vn/
Link Ebook Muôn Kiếp Nhân Sinh: