Những đứt gãy trong xã hội Việt Nam

Thái Hạo

1. Đứt gãy trong hệ thống điều hành xã hội (chính quyền)

Hình ảnh có thể có: 7 người, ngoài trời

Nhìn bề ngoài thì hệ thống ấy chặt chẽ, “một tờ giấy không thể lách vào”, nhưng kỳ thực nó có rất nhiều lỗ hổng và những đứt đoạn tạo thành những vực sâu giữa các cấp và trong nội bộ mỗi cấp. Trên không quản lý được dưới, “phép vua thua lệ làng”; lãnh đạo không quản được nhân viên. Vố số quy định được đưa ra mỗi lúc một dài thêm, nhưng tính hiệu quả của chúng thì cơ bản không phát huy được. Tình trạng này phơi bày một thực tế của sự quan liêu, bất lực, “trên bảo dưới không nghe”; trên phải chỉ đạo theo kiểu giật dây, dưới thì đối phó với trên. Nó cho thấy một nội bộ ngột ngạt khi vừa phải sử dụng “quy định” vừa dùng mệnh lệnh cá nhân để quản lý; vừa trưng ra một cỗ máy ì ạch, trì trệ, vận hành một cách nặng nhọc.

Từ sự đứt gãy ấy, hệ thống này làm thành những “vùng cát cứ”, càng xa “trung tâm quyền lực” thì càng quan liêu; tham nhũng tràn lan; làm việc chiếu lệ; xây dựng cánh hẩu, tạo ra tình trạng “cả họ làm quan” v.v.. và v.v..

2. Đứt gãy trong mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân

Dường như mối bất đồng, bất hòa giữa nhân dân và nhà cầm quyền càng ngày càng lớn; niềm tin giảm sút, bất mãn gia tăng; chống đối ngày càng nhiều. Chính quyền xa dân, bắt nạt dân, thậm chí xung đột khi xâm phạm nặng nề quyền lợi của nhân dân (những ví dụ như Thủ Thiêm). Một bộ phận không nhỏ dân chúng mang nỗi bất bình và thậm chí quay lưng lại với nhà cầm quyền. Trong khi, chính quyền ở nhiều nơi đã không những không bảo vệ được lợi ích cho dân mà còn trực tiếp xâm phạm, gây ra sự phẫn nộ trong dân.

Tính chính danh của nhà nước chỉ được xác lập khi nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và tin tưởng của nhân dân. Nếu tình trạng đổ vỡ niềm tin này vẫn không được hàn gắn bằng những nỗ lực thật lòng từ sự cải cách thể chế ở phía nhà nước thì tính chính danh ấy sẽ ngày càng mất đi và tình trạng xã hội sẽ ngày càng rối loạn; và đưa tới những dự cảm bất an về lịch sử như một tất yếu…

3. Đứt gãy trong nội bộ dân chúng

Các tầng lớp nhân dân thiếu đi một linh hồn là “ý thức công lợi” hay “luân lý xã hội” – cái ý thức trách nhiệm đối với nhau trong một tinh thần bảo vệ lợi ích chung cả trước mắt và lâu dài. Chính vì thế, mỗi người thường hành xử theo lối “vị lợi”, ích kỷ, thu vén cho cuộc sống riêng mà ít cùng nhau xây dựng và tranh đấu cho những giá trị phổ quát có tính cộng đồng.

Người nông dân thì sản xuất tự phát, doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận; trí thức bỏ quên hoặc lảng tránh vai trò “phản biện xã hội” và kiến tạo các giá trị. Thành ra, xã hội rơi vào tình trạng rời rạc: lạc hậu, hám lợi và manh mún. Các thành phần xã hội không tạo thành được một hệ thống “sạch”, một hệ thống có nội lực và tự chữa lành. Càng vận động, cái xã hội như thế càng tự phá vỡ ra từ bên trong, dẫn tới mai một các giá trị và ngày càng đi lệch ra khỏi đường hướng tương lai tiến bộ đang cần phải vươn tới. Và thực tế, xã hội Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng giá trị một cách trầm trọng đến mức không thể nhắm mắt làm ngơ được nữa.

• Tất cả cái tình trạng này trong xã hội Việt Nam cần được nhìn thấy một cách rõ ràng; cần được nhận thức một cách sâu sắc; và phải có hành động để chấn hưng. Mỗi thành tố và thành phần cho đến cá nhân cần nỗ lực hành động, không thể để rơi vào “hội chứng ếch luộc”.

• Chỉ khi nào mỗi người dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng cũng chính là đang lo cho chính mình và gia đình mình ở cả hiện tại và tương lai, khi đó xã hội mới bắt đầu có sinh khí trở lại để xây dựng. Mỗi người cần vứt bỏ cái ý niệm cho rằng “mình nhỏ bé, không thay đổi được gì”, để hiểu rằng tất cả sự nhỏ bé ấy không những sẽ tạo thành sức mạnh vĩ đại làm nên một cơ thể xã hội mới mà còn gần như là sức mạnh duy nhất để kiến tạo.

Trong công cuộc phục sinh tất yếu như một mệnh lệnh của sự tiến hóa lịch sử này, mỗi NGƯỜI DÂN (đặc biệt là tầng lớp trí thức), chứ KHÔNG PHẢI AI KHÁC chính là chủ thể thiêng liêng không thể thay thế và chối từ trách nhiệm của mình.

"Độc lập dân tộc thông qua độc lập cá nhân" ( Fukuzawa) – đó là con đường sáng nhất cho sự phát triển bền vững và tốt đẹp.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

This entry was posted in Thiết chế xã hội. Bookmark the permalink.