1. HỘI LUẬN BPSOS NÓI VỀ LUẬT AN NINH MẠNG VÀ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM TẠI VIỆT NAM
Giang Nguyễn
Biểu tượng của mạng xã hội Facebook. AFP
Chính quyền Việt Nam trong thời gian qua đã được “khuyến khích” gia tăng đàn áp, vì cộng đồng quốc tế không can thiệp, không quan tâm, là nhận xét của ông Karl Horberg, nhân viên thâm niên của Freedom Now, một tổ chức nhân quyền đang can thiệp cho vài trường hợp Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam.
Ông Horberg chia sẻ như trên tại Hội luận về chủ đề “Luật An ninh Mạng và ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt, báo chí và internet”. Đây là buổi sinh hoạt tiếp nối chương trình được gọi là Ngày Vận Động cho Việt Nam của tổ chức Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS) năm nay, bắt đầu vào tuần qua và tiếp diễn qua mạng vào ngày 7/8.
Hình minh họa. Thượng Nghị sĩ Marco Rubio phát biểu tại Ủy ban Tình báo Thượng Viện hôm 29/1/2019. AP
Những diễn giả, gồm đại diện 2 văn phòng Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John Cornyn và Marco Rubio, cũng như những nhà hoạt động cho quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam trong và ngoài nước. Tất cả đều lên án chính quyền Việt Nam dùng pháp luật để thắt chặt quyền tự do ngôn luận.
Ông Hoberg nói: “Chúng ta có thể khẳng định rằng việc hình sự hoá quá mức những hành vi đáng lý phải được bảo vệ, đã dung dưỡng một tình trạng đàn áp toàn diện của chính quyền. Các vụ bắt bớ đàn áp đã gia tăng đều đặn, kể từ khi Bộ Luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung, và từ khi Luật an ninh mạng mới có hiệu lực. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận được ít nhất 19 trường hợp bị giam giữ và 31 trường hợp bị kết án kể từ đầu tháng 1 đến ngày mùng 5 tháng 9 năm 2019. Đây là con số kết án cao nhất trong các năm gần đây”.
Năm 2013, Việt Nam thông qua Nghị định 72, cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để “chống nhà nước”; Nghị định 174, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực internet. Luật An Ninh Mạng, có hiệu lực từ năm 2019, cấm soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin bị cho là chống nhà nước, và yêu cầu các công ty công nghệ như Google, Facebook phải lưu dữ liệu tại Việt Nam.
Theo ông Horberg, khi nói đến chính sách kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam, thì không thể bỏ qua sự đồng lõa của những công ty nói trên.
Trong khi chính quyền Hà Nội dùng quy định luật pháp để dập tắt những tiếng nói độc lập, thì họ thả lỏng để cho dư luận viên và côn đồ của Hội Cờ Đỏ đe dọa những ai chỉ trích Đảng CSVN.
Ông Trương Minh Tam, luật gia và thành viên Liên Mình chống tra tấn Việt Nam chia sẻ:
“Từ nhiều năm này, nhà nước Việt Nam lại dùng chính luật của mình để cho phép, thậm chí khuyến khích những kẻ quá khích, tự do làm và phát tán những thông tin giả mạo sai sự thật nhằm xúc phạm đến danh dự, uy tín của người khác. Chúng ta đã từng biết ở Việt Nam họ đã công khai cho phép thành lập những đội ngũ dư luận viên, hoặc là lúc trước chúng ta vừa nghe TS Nguyễn Đình Thắng và mọi người nói tới Hội Cờ Đỏ, và đội ngũ tác chiến đội ngũ AK-47. Thì ở đây họ dùng đạo luật an ninh mạng cho phép họ can thiệp vào các hoạt động truyền đạt thông tin của người dân tới các cơ quan ngoại giao nước ngoài, thì họ dùng chính đạo luật này để khước từ cung cấp danh tính những người xúc phạm nhân phẩm của người khác…”.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, nhà đấu tranh từ Việt Nam cũng trình bày về sự mâu thuẫn này từ phía chính quyền Việt Nam:
"Tất cả trang mạng ở VN, như đài báo có uy tính như BBC, VOA, RFA bị ngăn chặn đường link. Chúng tôi muốn đọc, và tất cả người dân muốn đọc, thì phải biết vượt tường lửa. Nhưng ở những trang như Hội Cờ Đỏ, như AK-47, thì họ sẵn sàng được nhà nước nới lỏng, bật đèn xanh, và để cho lan tràn trên mạng, từ đó họ dùng hệ thống truyền thông bẩn đó để bôi xấu, bôi nhọ và đánh phá, tất cả những tiếng nói hòng bịt miệng những tiếng nói lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam. Những cái trang này không bao giờ bị chặn”.
Các vị diễn giả, các nhà hoạt động Việt Nam cũng nói, cần phải tiếp tục áp lực lên chính phủ Hà Nội qua những bằng chứng cụ thể, đưa ra quốc tế về hành vi chà đạp nhân quyền.
Các vị diễn giả cho rằng những biện pháp như luật Magnitsky, những chế tài trên những cá nhân có tác động lớn để kiềm chế sự lộng hành của chính phủ, và họ cho rằng cộng đồng quốc tế cần nêu đích danh tên tuổi của những quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Cũng theo ông Karl Horberg:
“Những biện pháp chế tài như luật Magnitsky và biện pháp khác đang được Liên Minh Châu Âu xem xét. Đây là một cách. Đã đến lúc những quan chức vi phạm đó cần bị nêu đích danh để họ bị cắt tài khoản ngân hàng của họ, không cho phép họ làm ăn gì nữa”.
Một cách khác để đưa vấn đề vi phạm nhân quyền lên dư luận quốc tế là việc bảo trợ các tù nhân lương tâm.
Trong phần hai của buổi Hội Luận, Dân Biểu Alan Lowenthal từ California, cho biết ông đang nhận bảo trợ cho tù nhân trẻ Nguyễn Văn Hóa, từng là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do, đang bị giam tù với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước.
Và còn nhiều tù nhân lương tâm khác, như những thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập, ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy, và ông Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Dũng bị bắt từ năm ngoái và ông Thụy vào tháng 5, ông Tuấn vào tháng 6 vừa qua, nhưng theo ông Ngô Thái Văn, đại diện Hải ngoại của Hội, cho đến nay họ vẫn chưa đưa gặp luật sư và gia đình.
Hai nhân viên đại diện của hai văn phòng Thượng nghị sĩ Marco Rubio và John Cornyn ghi nhận và hứa sẽ theo dõi sự việc này.
Kết luận buổi hội luận, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành tổ chức Mạng Lưới Bảo Vệ Nhân Quyền VETO! đã tha thiết kêu gọi những ai quan tâm đến quyền tự do biểu đạt nói riêng và nhân quyền nói chung, hãy hổ trợ các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và các gia đình của họ:
“Cái cách mà những người ngoại nhà tù giúp hữu hiệu nhất, là chúng ta nhận sự bảo trợ đó, chúng ta cố gắng hết lòng với họ. Có những cái họ không thể vượt qua được, những khó khăn mà họ đang gặp phải. Chúng ta không trong hoàn cảnh đó, chúng ta nên thông cảm với họ. Nên lời kêu gọi của tôi, kêu gọi nên lưu tâm đến số phận tù nhân chính trị… Chúng ta nên giúp mà không đặt điều kiện để giúp đỡ cho họ như thế nào để vừa ý của chúng ta”.
G.N.
Nguồn: rfa.org/vietnamese
***
2. BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN HẢI NGOẠI HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM TRONG NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VIỆT NAM
Quang Nguyên
Hôm 7 tháng 8 2020 tổ chức BPSOS (tổ chức Cứu Người Vượt Biển – Boat People SOS) đã tổ chức ngày hội thảo thứ 2 về Luật An Ninh Mạng và ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt, báo chí và internet. Khách mời tham dự gồm có ông Karl Horberg là nhân viên thâm niên về chương trình của Freedom Now, Luật sư Annigje Buwalda – Giám đốc Điều hành của Jubilee Campaign USA, các đại diện của Thượng nghị sĩ Liên bang Marco Rubio và John Cornyn.
Dưới dây là bài phát biểu của ông Ngô Thái Văn, Đại diện hải ngoại của Việt Nam Thời Báo.
Kính thưa quý vị,
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) là một tổ chức xã hội dân sự được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 2014 với mục đích đấu tranh cho tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, và tự do báo chí tại Việt Nam.
Chúng tôi được thành lập và hoạt động hoàn toàn dựa trên Điều 25 Hiến pháp của nước CHXHCN VN, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, tự do hội họp, lập hội, và biểu tình”. Chúng tôi hoạt động công khai, minh bạch, và bất bạo động. Chúng tôi không tìm kiếm quyền lực chính trị hay tìm cách thay đổi thể chế tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, dù có đến hơn 800 tờ báo, tất cả đều vận hành dưới sự điều khiển của Đảng Cộng sản. Một người quen của tôi làm việc cho một tờ báo tại Sài Gòn cho biết: thứ Sáu hàng tuần, tổng biên tập của các báo phải tham gia một cuộc họp với Ban Tuyên giáo Thành ủy. Trong đó, các báo sẽ được tuyên dương hay phê bình về nội dung của các số báo đã đăng trong tuần, những vấn đề tuyên truyền cần thực hiện trong tuần tới. Không chỉ vậy, có những khi, tòa soạn còn nhận điện thoại của Ban Tuyên giáo yêu cầu không được đăng một số tin, không in một số bài đã viết, hay gỡ những bài đã lỡ đăng trên báo mạng. Việc Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp Việt Nam hạng 175/180 về tự do báo chí là xác đáng. Chính vì nhận thức rõ việc chính quyền hạn chế các quyền tự do trên mà chúng tôi thành lập HNBĐLVN.
Hội chúng tôi cũng như nhiều người dám thực thi quyền tự do ngôn luận của mình đã phải đối diện với các hành vi đàn áp nặng nề, kể cả bởi các nhân viên an ninh mặc thường phục. Để biện minh cho việc bắt giữ những người như chúng tôi, nhà cầm quyền Việt Nam thường viện dẫn Điều 79, Điều 88, và Điều 258 của Bộ Luật Hình sự 1999 nay là các Điều 108, Điều 117 và Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015, buộc những người bị bắt tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” tội “tuyên truyền chống phá nhà nước,” và tội “lợi dụng quyền tự do và dân chủ để đe dọa lợi ích của nhà nước,” với những án tù rất nặng.
Đối với hội chúng tôi, sau một thời gian dài gây sức ép để biến hội thành một công cụ tuyên truyền của ĐCS và nhà nước Việt Nam, chỉ trong 9 tháng qua, nhà cầm quyền đã bắt ba thành viên của HNBĐLVN. Đầu tiên, ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội, bị cơ quan an ninh Tp. HCM bắt giam vào ngày 21 tháng 11 năm 2019 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu chống lại nhà nước,” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Kế đó, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó chủ tịch Hội, cũng bị cơ quan này bắt giam vào ngày 24 tháng 5 năm 2020. Tháng 6 vừa rồi, họ bắt thêm ông Lê Tuấn, một thành viên khác của Hội. Những người này có thể phải đối diện với các án tù lên đến 20 năm. Các hành động bắt giữ này vi phạm Điều 19 của Công Ước Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) của LHQ. Đặc biệt đáng quan ngại, cả ba ông Dũng, Thụy, và Tuấn đều không được liên lạc với gia đình kể từ khi bị giam giữ. Việc này vi phạm các Điều 7, 9, và 10 của công ước trên.
Không chỉ có vậy, có ít nhất mười thành viên của Hội bị triệu tập và hỏi cung; trong đó có ông Chu Vĩnh Hải.
Trang mạng và trang Facebook của Hội bị khóa tại Việt Nam và thường xuyên bị hacker tấn công. Nhiều bài bị Facebook gỡ bỏ.
Đàn áp và loại bỏ HNBĐLVN bằng việc bắt giữ là một phần của quá trình loại bỏ dần không gian dân sự, được thực hiện trong suốt thời gian ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ vị trí Tổng bí thư ĐCS và Chủ tịch nước Việt Nam, từ năm 2016.
Đối diện với sự đàn áp khốc liệt, các thành viên còn lại của Hội vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của Việt Nam Thời Báo, vẫn tiếp tục thực hiện quyền tự do dân sự và chính trị của mình trong suốt gần một năm qua.
Thưa quý vị,
Chúng tôi đến đây không phải để xin quý vị giúp những thành viên đã bị bắt được quyền tỵ nạn. Chúng tôi chỉ muốn dùng trường hợp của hội để minh chứng cho tính hai mặt của chính quyền VN. Một mặt cam kết với quốc tế là sẽ cải thiện tình hình nhân quyền, mặt khác, đàn áp người dân trong nước khi họ thực hiện các quyền này.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn ngày Quốc khánh của Hoa Kỳ là ngày thành lập HNBĐLVN. Với chúng tôi, và có lẽ với người dân VN nói chung, Hoa Kỳ là ngọn hải đăng hy vọng, trên con đường chúng tôi tìm kiếm tự do. Chúng tôi trân trọng nỗ lực bảo vệ tự do, đấu tranh cho nhân quyền trên toàn cầu của nhân dân và nhà nước Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng quý vị sẽ tiếp tục truyền thống tốt đẹp của mình.
Về khía cạnh địa chính trị, Hoa Kỳ có thể cứng rắn với ĐCSVN về vấn đề nhân quyền mà vẫn bảo vệ được lợi ích của mình tại khu vực Đông Nam Á. ĐCSVN, đối mặt với một TQ bành trướng bá quyền, cần Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Họ cần Mỹ hơn Mỹ cần họ. Hơn nữa, Hoa Kỳ đã nhận ra thất bại của chính sách mềm mỏng với TQ. Do đó, không nên lập lại sai lầm này với Việt Nam. Quan trọng hơn hết, TQ có thể mua chuộc được ĐCSVN; họ không bao giờ có thể mua chuộc dân tộc VN. Do đó, lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Đông sẽ được bảo đảm một cách ổn định và lâu dài hơn với một Việt Nam tự do.
Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực không mệt mỏi của Hoa Kỳ trong việc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Trong đó, có TNS Marco Rubio, và Thứ trưởng Ngoại giao Robert Destro, có mặt trong diễn đàn ngày hôm nay. Đặc biệt là các nỗ lực đưa ra các dự luật nhân quyền của một số dân biểu và thượng nghị sĩ, như Dự Luật HR.1383, và HR.4254.
Chúng tôi mong rằng các dự luật này, xuất phát từ lương tâm, từ lòng yêu mến tự do, với các điều khoản chế tài các cá nhân, tổ chức vi phạm nhân quyền sẽ được thông qua trong thời gian tới. Có như vậy, mới có thể mong tình hình nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện. Chúng tôi mong chờ quý vị.
Xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian cho bài phát biểu của tôi.
___________
*Ông Ngô Thái Văn được đào tạo và làm việc trong ngành kỹ sư. Ông tự nguyện dốc lòng làm việc từ thiện và ủng hộ nhiều tổ chức phi lợi nhuận. Ông đã tham gia vào công tác vận động và hỗ trợ về kỹ thuật và tài chánh giúp cộng đồng thiểu số H’Mong theo đạo Cơ Đốc hiện sống tại Việt Nam, họ đã bị chính quyền VN ngược đãi và trở thành những người không có quốc gia chỉ vì tín ngưỡng của họ. Ông là thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJA-VN) và hiện là một trong 2 người đại diện của tổ chức này tại hải ngoại. Ông tốt nghiệp trường Đại Học American University với bằng Cao Học về Chính trị học.
VNTB gửi BVN