Biển Đông: Phát hiện Mỏ Kèn Bầu ‘lớn nhất’ lịch sử, VN có lo TQ can thiệp?

Mỹ Hằng – BBC News Tiếng Việt

Ngành dầu khí Việt Nam vừa công bố phát hiện một mỏ dầu khí – Mỏ Kèn Bầu – được cho là lớn nhất trong lịch sử của ngành trên Biển Đông.

Kế hoạch khai thác mỏ này như thế nào? Và liệu rằng Việt Nam có nguy cơ lại bị Trung Quốc đe dọa đến mức phải từ bỏ việc phát triển mỏ khí này?

Chuyên gia Việt Nam và nhà điều hành ENI (Ý) trong ngày phát hiện dầu khí tại Mỏ Kèn Bầu

BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Lê Minh, chuyên gia tư vấn chiến lược và thị trường, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, quanh các vấn đề này.

BBC: Được biết vừa qua ngành dầu khí Việt Nam mới đây công bố việc phát hiện ra mỏ Kèn Bầu với trữ lượng dầu khí rất lớn. Ông có thể cho biết về phát hiện này?

Ông Nguyễn Lê Minh: Mỏ Kèn Bầu nằm trong Lô Dầu khí 114, hiện do công ty điều hành dầu khí ENI Vietnam BV làm nhà điều hành thông qua Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC). Trong PSC tại liên doanh ENI Viet Nam BV thì ENI (Ý) nắm 50% cổ phần và ESSAR E&P Limited (Ấn Độ) nắm giữ 50% cổ phần trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

Theo PetroVietnam, tháng 5/2019, nhà điều hành thực hiện giếng khoan thăm dò thứ nhất, 114 KB-1X. Đến 29/2/2020, họ bắt đầu giếng khoan thẩm lượng thứ hai, 114 KB-2X, đến 29/7/2020 thì kết thúc (khoan 150 ngày).

Kết quả thử vỉa cả hai giếng khoan này, cho thấy tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 đến 255 tỷ mét khối khí tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ (condensate).

Nếu các bước đánh giá phân cấp trữ lượng tiếp theo bảo lưu kết quả này, hoặc gần với kết quả này, thì đây là phát hiện lịch sử và là mỏ khí lớn nhất tính đến hiện tại của ngành dầu khí Việt Nam.

PetroVietnam cho hay có thể trong thời gian tới sẽ khoan thêm một vài giếng nữa trong Mỏ Kèn Bầu.

BBC: Kế hoạch khai thác mỏ này như thế nào? Hợp tác với những đối tác nào?

Ông Nguyễn Lê Minh: Hiện các bên chưa có kế hoạch cụ thể vì kết quả trên đây mới chỉ là ước tính trữ lượng tại chỗ trong quá trình khoan thẩm lượng, phải qua các bước tiếp theo như đánh giá, lập báo cáo trữ lượng thì mới ra kết quả chính thức. Sau đó, mới công bố phát hiện thương mại để đi vào giai đoạn phát triển khai thác.

Tuy nhiên, từ tiềm năng như trên thì cơ cấu hoạt động có thể sẽ tương tự như ở mỏ Cá Voi Xanh. Theo đó, dự kiến, Mỏ Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028, gồm có ba lĩnh vực.

Lĩnh vực thượng nguồn, theo hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) lô 114, cơ cấu cổ phần hiện tại là ENI 50% và ESSAR 50%. Sau khi công bố thương mại, PetroVietnam sẽ tham gia vào PSC với tỷ lệ cổ phần là 20%.

Lĩnh vực trung nguồn và hạ nguồn, sẽ có sự tham gia của các công ty thành viên PVN như Tổng công ty khí (PVGas), Tổng công ty điện lực dầu khí (PVPower) và đối tác mua điện là Tập đoàn điện lực (EVN).

Đối với trung nguồn, do đây là mỏ khí và condensate nên PVGas sẽ tham gia xây dựng và điều hành đường ống dẫn khí về bờ đến nhà máy xử lý khí, sau đó phân phối khí cho các nhà máy điện, khu công nghiệp và khí thương phẩm bán ra thị trường.

Đối với hạ nguồn ở các nhà máy điện, PVN sẽ tham gia trực tiếp hoặc liên doanh, hoặc giao cho PVPower làm chủ đầu tư đối với ở ba hoặc bốn nhà máy điện.

Nếu tương tự mỏ Cá Voi Xanh, các hoạt động từ thượng, trung và hạ nguồn sẽ được tính trong vòng đời 20 năm hoặc 25 năm vận hành và khai thác thương mại, khởi đầu năm 2028.


BBC: Về mặt địa lý, mỏ Kèn Bầu nằm ở đâu trên Biển Đông? Vị trí này có gây ra các lo ngại mới cho Việt Nam hay không trong bối cảnh Việt nam đã phải hủy một số lô khai thác dầu khí với các tập đoàn nước ngoài do sức ép từ Trung Quốc? Chính phủ Việt Nam đã tính đến yếu tố Trung Quốc khi công bố mỏ này hay chưa?

Ông Nguyễn Lê Minh: Mỏ Kèn Bầu nằm trong Lô Dầu khí 114 ở ngoài khơi trên thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền điểm gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.

Vị trí mỏ này gần bờ nhất so với các mỏ dầu khí khác của Việt Nam, nên khai thác sẽ thuận lợi, giá thành sẽ thấp hơn do giảm được chi phí đường ống và công nghệ tách và xử lý khí. Ngoài ra, về mặt pháp lý, Mỏ Kèn Bầu cũng không lo ngại có sự tranh chấp chủ quyền đối với các nước khác.

Về mặt chủ quyền, vị trí địa lý của mỏ nằm gần bờ, sâu trong thềm lục địa Việt Nam nên không ngại yếu tố Trung Quốc và cũng không có yếu tố Trung Quốc nào ở đây cả.

Trên bình diện rộng, sắp tới, khi mà Nghị quyết Trung ương 8 về kinh tế biển đi vào triển khai đồng bộ, khu vực miền trung nhiều nguồn lợi biển này sẽ rất nhộn nhịp vì ngoài dầu khí, còn có đánh bắt thủy hải sản, hải dương học và giao thương hàng hải.

Vị trí Mỏ Kèn Bầu trong lô dầu khí 114 trên Bản đồ Dầu khí Việt Nam

BBC: Nhân việc Việt Nam phát hiện mỏ Kèn Bầu, nhìn lại các vụ việc trước đây, một câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc luôn biết trước chương trình khoan ở ngoài khơi của Việt Nam? Có hay chăng việc lộ lọt thông tin từ đội ngũ tìm kiếm thăm dò dầu khí của Việt Nam hay còn khâu nào cần phải xem xét?

Ông Nguyễn Lê Minh: Theo tôi do lỗi hệ thống mạng và quản trị mạng mà thôi. Vừa rồi PetroVietnam có phối hợp với Cục An ninh mạng Bộ Công an để rà soát và đã phát hiện ra rất nhiều lỗ hổng, hệ thống mạng bị tấn công, nhiều mã độc tấn công nhằm mục đích lấy cắp thông tin quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt là các hoạt động ngoài khơi.

Hiện nay chưa rõ các cuộc tấn công này là ở trong hay ngoài nước.

Theo tôi biết thì phía Bộ Công an, ngoài việc tổ chức tập huấn về “an toàn thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước” cho cán bộ công nhân viên của ngành, còn phối hợp kiểm tra thông tin ngoại tuyến nhằm bảo vệ các hoạt động của PetroVietnam và các đối tác tốt hơn.

BBC: Khi các chương trình khoan ngoài khơi của Việt Nam bị lộ thông tin, ai phải chịu trách nhiệm? Đến nay đã có ai phải chịu trách nhiệm về các dự án bị hủy bỏ do sức ép từ Trung Quốc hay chưa?

Ông Nguyễn Lê Minh: Thứ nhất, cần nói trước là Trung Quốc biết trước khá lâu, nên họ kéo tàu bè đến gây áp lực, chứ khi giàn khoan di chuyển đến mỏ thì phần mền vệ tinh sẽ định vị và biết nhưng câu chuyện sẽ dễ ứng phó hơn.

Thứ hai, vì các chương trình khoan liên quan nhiều bên gồm các đối tác nước ngoài và PetroVietnam, và nhà thầu khoan nên rất khó nhận biết thông tin lộ lọt từ phía nào.

Về phía chủ nhà, PetroVietnam đã có rà soát nhưng không thấy có vấn đề về trách nhiệm cá nhân hay tập thể.

BBC: Việc bảo mật các thông tin về các chương trình khoan, khai thác, các phát hiện mới về các mỏ dầu mới… trong ngành dầu khí Việt Nam được quy định thế nào? Việc công khai thông tin về Mỏ Kèn Bầu liệu có gây nguy hiểm hay không? Tại sao không đợi tới khi khai thác mới công bố?

Ông Nguyễn Lê Minh: Theo tôi biết thì sắp tới PetroVietnam sẽ siết chặt quản lý và bảo mật thông tin hơn nữa.

Đối với Mỏ Kèn Bầu, như đã diễn giải ở trên, không bị ảnh hưởng gì về pháp lý về lãnh hải ở ngoài khơi cả. Về việc công bố thông tin, theo PSC, là đặc quyền của nhà điều hành nước ngoài nên sau khi lập báo cáo trữ lượng, họ sẽ công bố chính thức.

BBC: Theo ông, cần có bài học nào được rút ra từ các vụ việc Việt Nam phải hủy hợp đồng với Rosneft và Repsol vừa qua do sức ép từ Trung Quốc, đứng trên khía cạnh bảo mật thông tin ngành dầu khí?

Ông Nguyễn Lê Minh: Đối với Dự án Cá Rồng Đỏ (PetroVietnam hợp tác với Repsol), khó mà bảo mật vì mỏ đã vào giai đoạn phát triển khai thác thì thông tin cập nhật về các hoạt động gia công chế tạo giàn khai thác, kho chứa dầu rầm rộ, cả trong và ngoài nước.

Vì vậy, việc Trung Quốc gây sức ép là chuyện dễ hiểu.

Đối với giếng khoan lô 06-01 (PetroVietnam hợp tác với Rosneft), việc Trung Quốc biết trước khá lâu kế hoạch Việt Nam triển khai giàn khoan đã được phía Việt Nam rút kinh nghiệm để các hoạt động thăm dò khai thác ngoài khơi về sau sẽ tốt hơn về tính bảo mật.

Việc này không chỉ riêng PetroVietnam mà cả các đối tác và nhà thầu khoan cần phải rút kinh nghiệm về nguyên tắc bảo mật thông tin. Tuy nhiên sau khi đã thẩm lượng thì lại cần minh bạch các thông tin về trữ lượng mỏ khí để thu hút các đối tác đầu tư quốc tế.

M.H.

Nguồn: BBC tiếng Việt

This entry was posted in Biển Đông, Dầu mỏ. Bookmark the permalink.