LS Ngô Ngọc Trai
Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Các vấn đề xung quanh Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm chú ý của toàn thế giới. Ở Việt Nam sự thể càng đặc biệt hơn, khi mô hình phát triển của Việt Nam từ lâu nay cũng rập khuôn theo kiểu Trung Quốc.
Vậy nếu đường lối phát triển của Trung Quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn thì mô hình của họ có là tương lai cho Việt Nam?
Đường lối nào?
Đầu tiên là cần nhìn ra được đâu là đường lối phát triển của Trung Quốc.
Vài ba năm trước, một dịp tôi mua được một cuốn sách viết về quá trình phát triển hóa rồng của Đài Loan, một dạng sách ưa thích viết về quá trình phát triển của các nước. Cuốn sách có tiêu đề Đài Loan – tiến trình hóa Rồng, vừa hăm hở đọc được vài trang thì tôi đã bỏ cuốn sách và không đọc lại nó cho tới tận bây giờ.
Lý do là mới đọc được vài dòng thì thấy tác giả trước khi đi vào bình luận một vấn đề đã đưa ra những lời xúc xiểm miệt thị, một kiểu như xác định lập trường, sau rồi mới đi vào phân tích chuyên môn. Kiểu hành văn hoàn toàn trái ngược không giống gì với những cách hành văn của các tác giả Âu Mỹ mà tôi vẫn đọc.
Những cuốn sách của các tác giả Âu Mỹ, xa xưa thì như cuốn Của cải của các quốc gia của Adam Smith, gần thì như các cuốn Thế Giới Phẳng, Chiếc Lexus và cây Ô liu, Vì sao các quốc gia thất bại, Sự bí ẩn của tư bản.
Đó đều là những cuốn sách chỉ ra chính sách phát triển đúng đắn đưa đến sự thịnh vượng của các nền kinh tế, chúng đều được hành văn một cách khoa học, sáng sủa, nhân văn, logic và đôi khi hài hước.
Nhờ đọc những sách đó, người đọc có thể nói là sẽ thấm đượm tinh thần khoan dung khoa học của một thứ chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, cho nên cách viết của cuốn sách nói trên kia quả là trái ngược.,
Tìm hiểu thì được biết tác giả cuốn sách viết về Đài Loan là một học giả người Trung Quốc công tác tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh. Điều đó giúp hình dung phần nào về bầu không khí tri thức và cách thức nhìn nhận sự việc của học giả Trung Quốc.
Để ý kiểm nghiệm lại thì thấy, là người Việt Nam chăm chỉ tìm đọc dòng sách tinh hoa từ khoảng chục năm trở lại đây, tôi không thấy có một tác phẩm đáng đọc nào của tác giả người Trung Quốc.
Không có một tác phẩm mô tả triết lý phát triển nào của các học giả, trong khi 50 năm qua Trung Quốc phát triển thần kỳ từ một nước thế giới thứ ba đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng không có các cuốn sách dạng hồi ký cho thấy về những chính sách vĩ mô và vi mô đã đưa đến thành tựu phát triển cho Trung Quốc.
Kiểu sách dạng như hồi ký của nhà lãnh đạo Singapore ông Lý Quang Diệu hoặc hồi ký của nhà lãnh đạo Malaysia ông Mahathir Mohamad mà qua đó người đọc thấy được phần nào quá trình phát triển một quốc gia.
Vậy thì nền tảng phát triển của Trung Quốc là gì? Những giá trị con người nào đã đưa đến sự phát triển của Trung Quốc?
Nếu Trung Quốc muốn lãnh đạo thế giới thì phải thuyết phục được tầng lớp tinh hoa tri thức của các nước.
Đằng này, cứ tạm coi tôi là một người thuộc giới trí thức tinh hoa của Việt Nam đi, mà tôi không thấy được thuyết phục bởi triết lý phát triển nhân văn của Trung Quốc, thì thử hỏi Trung Quốc làm sao chứng tỏ được khả năng lãnh đạo thế giới.
Tỷ lệ thất nghiệp ở TQ đã gần chạm ngưỡng lịch sử – và con số thực tế còn lớn hơn nhiều
Thấy gì?
Khi quan sát về Trung Quốc, người Việt Nam sẽ chỉ thấy được là khi họ giàu có thì họ sẽ như thế nào chứ họ không nói cho thấy điều gì đằng sau đã giúp trở lên giàu có.
Ngoài một vài nét lớn mà ai cũng biết như việc chuyển đổi mở cửa nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một sự quay lưng với triết lý của chủ nghĩa xã hội về tư bản bóc lột trước đó, và việc tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế WTO.
Cho tới vài năm trở lại đây, qua việc Mỹ trừng phạt thương mại, thế giới mới nhận ra đằng sau sự phát triển của Trung Quốc là những chính sách thương mại chèn ép bất công, những hành vi gian lận và đánh cắp bí mật công nghệ.
Với động lực phát triển thiếu chân chính như vậy, đó là lý do đã không có cuốn sách nào về triết lý phát triển của Trung Quốc. Sự thiếu tính chính đáng là lý do khiến họ không có nhiều điều để tự hào nói với thế giới về chính sách phát triển.
Trung Quốc không còn là mô hình phát triển để Việt Nam có thể học tập làm theo. Nền chính trị cường quyền và nhận thức sô vanh nước lớn là cái đã khiến họ đang dần trên con đường đi xuống.
Con đường cụt
Hiện nay Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn và bị thế giới tẩy chay bởi chính những lối hành xử của nước này với thế giới.
Thế hệ trẻ TQ có thể sẽ không có được thành công như cha mẹ do hậu quả của đại dịch Covid-19
Từ vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, dịch cúm Covid, thực chất quan hệ thương mại với Mỹ suốt 50 năm qua, kế hoạch vành đai con đường cho các nước vay tiền và thế chấp bằng tài nguyên quốc gia, làm ăn bất chấp tiêu chuẩn giá trị về môi trường và nhân quyền.
Môi trường kinh tế hiện nay là thách thức lớn nhất mà TQ phải đối mặt trong các năm gần đây
Lý do là ở Trung Quốc, chính trị là thống soái. Với một hệ thống toàn trị thì quan điểm nhận thức của tầng lớp chóp bu là cái chi phối tới toàn bộ máy bên dưới và ảnh hưởng ra toàn xã hội.
Do vậy mà khi đường lối chính trị nặng về cảm tính, thiếu về lý trí, thì cái hệ quả gây ra là những sự vụ bất hợp lý trong mọi mặt quan hệ xã hội, bên ngoài thì thấy rõ nhưng bên trong lại mù quáng không nhìn ra được.
Ông Lý Quang Diệu từng có lời khuyên cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng “hãy cứ chăm lo phát triển kinh tế và cúi đầu mỉm cười thêm 50 năm nữa”.
Lời khuyên này của ông Lý ở thời điểm những năm 2000s, như thế hiện nay ông Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc trỗi dậy quá sớm, không đúng như lời khuyên của ông Lý, và cũng không đúng như chính sách thao quang dưỡng hối của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước kia.
Đúng ra theo ông Lý Quang Diệu, và cũng là theo nhận thức hợp lý của phần lớn thế giới, là khi Trung Quốc giàu lên, kinh tế phát triển, thì anh phải chăm lo cân bằng đời sống xã hội, quan tâm đến những thành phần yếu thế, các nhóm xã hội bị thiệt thòi, để phát triển hài hòa, tránh sự phát triển bất cân bằng tạo ra bất mãn xung đột xã hội.
Cùng với sự phát triển kinh tế anh phải dần tôn trọng các chuẩn mực giá trị, tôn trọng nhân quyền, dân chủ hóa, có như thế Trung Quốc sẽ phát triển bền vững hơn bao giờ hết.
Nhận thức hợp lý là như vậy.
Nhưng thực tế ngược lại, khi Trung Quốc giàu lên, họ lại sử dụng tiền để đầu tư nhằm quản lý và cai trị xã hội chặt chẽ hơn, kiểm soát tinh vi hơn. Cùng với đó lãnh đạo Trung Quốc lại thực hiện giấc mộng Trung Hoa và biến đó thành mục tiêu cho phép họ thực hiện mọi thủ đoạn đối xử với dân chúng và quốc tế miễn sao đạt được mục đích.
Bằng cách đó chính phủ Trung Quốc hoạt động thiếu lý trí, xa rời tính duy lý, họ trở nên cảm tính, mơ hồ về đường lối, nhận thức siêu hình, dẫn đến tình trạng của Trung Quốc ngày hôm nay.
Tác giả Ngô Ngọc Trai trong một phòng tiếp dân
Ở Việt Nam hiện nay, từ lâu cũng có quan điểm phải nhất quán, cứng rắn, thành kiến và trấn áp mọi biểu hiện đòi hỏi tự do, đặt mục tiêu phát triển kinh tế và giữ ổn định chính trị lên trên hết thảy.
Điều đó thực chất đã chối bỏ không nhìn nhận một diễn tiến phát triển tất yếu về mối quan hệ song sinh giữa phát triển kinh tế với phát triển nhận thức và nhu cầu được tôn trọng thực hiện nhân quyền. Từ đó gây hao tổn nguồn lực và tạo ra thêm những xung động xã hội thay vì dành nguồn lực cho phát triển con người.
Việt Nam có cố gắng cách mấy cũng chẳng thể làm tốt việc cai trị xã hội như Trung Quốc đã làm và đó chính xác là những gì đang đưa đến tình trạng khó khăn của họ như hiện nay. Do vậy Việt Nam cần tránh đi con đường cụt của Trung Quốc.
N.N.T.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.
Nguồn: bbc.com/vietnamese