(Để nhớ 130 năm ngày mất của Vincent van Gogh)
Lê Phú Khải
Vincent van Gogh (30.3.1853 – 29.7.1890)
Van Gogh có lần suýt bị chết đói nếu người em của ông là Théo không gửi cho ông một ít tiền. Càng vẽ tranh của ông càng vô danh. Khi từ giã Hà Lan quê hương của mình, Van Gogh đã để cho mẹ mình tất cả các bức tranh của ông.
Năm 1886, bà mẹ Van Gogh trước khi dời khỏi thành phố bé nhỏ Bréda của mình lại gửi tất cả tranh cho một anh hàng thịt. Anh hàng thịt này vì phải giữ cái thứ vô ích đó đã đốt đi nhiều tác phẩm của Van Gogh, còn lại chất lên xe đem đi bán cho một người chuyên mua đồng nát. Nhưng chẳng ai muốn mua hết. May mắn làm sao, có một người thợ may tên Mouwen đã mua tất cả các tác phẩm đó. Nhờ người thợ may này mà ngày nay người ta biết những gì Van Gogh đã vẽ ở Hà Lan.
Năm 1888 ông bị nhốt trong một nhà dành cho những người khuyết tật ở Saint – Rémy-de-Provence miền Nam nước Pháp, ở đó ông vẫn tiếp tục vẽ. Trước khi rời trại khuyết tật này, ông tặng các tác phẩm vẽ ở đây cho người bác sỹ điều trị ở trại. Con trai của người bác sỹ đã dùng các bức tranh đó để làm bia bắn cung. Chỉ có một cái được cứu thoát! Cái tác phẩm chân dung ông bác sỹ Rey này có một lịch sử rất bi đát. Thấy tác phẩm này chẳng có giá trị gì, ông ta đã dùng nó bịt một cái lỗ ở chuồng gà để cáo khỏi chui vô! Một thời gian dài sau đó có một người đến mua bức tranh này. Ông bác sỹ Rey ngạc nhiên quá, đã lau chùi bức tranh và đặt một cái giá “trên trời”: 150 franc!!! Bức tranh này hiện đang lưu lạc ở bảo tàng Puskin (Nga).
Sau khi Van Gogh và Théo qua đời, người vợ của Théo là Johnna trở thành người sở hữu tất cả các tác phẩm của Van Gogh, trừ những tranh mà mẹ Van Gogh gửi anh bán thịt ở Bréda. Bạn bè của Johnna đều khuyên bà ta hãy phá huỷ những… của nợ này đi! Người vợ trẻ này không hiểu gì nhiều về mỹ thuật, nhưng vì tôn trọng linh hồn hai người quá cố đã giữ lại các tác phẩm của Van Gogh.
Hoa hướng dương – Van Gogh (1889)
Đến đầu thế kỷ 20, Johnna đã có trong tay ba đến bốn trăm tác phẩm của Van Gogh đã được biết đến. Bà ta bán đi một vài cái. Năm 1895, một bức tranh sơn dầu như thế có giá từ 100 đến 300 franc. Ít năm sau, bà ta bán 1000 franc, mà như thế không phải là rẻ. Dần dần, các nhà sưu tầm quan tâm đến những tác phẩm bi hùng của người hoạ sỹ Hà Lan này. Khoảng từ năm 1900 đến 1914, các tác phẩm của Van Gogh càng ngày có giá càng cao.
Năm 1925 Johnna mất, con trai của bà ta là Vicent – Wilhem nổi tiếng với cái tên “Kỹ sư của Van Gogh” đã giao toàn bộ tranh của Vincent van Gogh cho bảo tàng Amsterdam. Năm 1962 Vicent – Wilhem quyết định thành lập quỹ Van Gogh. Bảo tàng Van Gogh ngày nay ở Amsterdam còn trưng bày tranh của ba người bạn của ông là: Pissarro, Monet, Toulou – Lautrec.
Tất cả những bức thư hai anh em Van Gogh trao đổi với nhau còn giữ ở bảo tàng này đã làm đảo lộn tất cả tâm hồn lịch sử hội hoạ.
Vincent Van Gogh sinh ngày 30 tháng 3 năm 1853 tại làng Zudert Hà Lan. Ông theo học trường làng rồi nội trú ở trường trung học cho đến năm 1868. Từ 1869 ông sang Pháp đi bán hàng cho cửa hàng tranh Goupil của người chú ruột tại Paris. Ở đây ông làm quen với các hoạ sỹ Monet, Renoir, Sisley, Pissarro, Degas, kết thân với Gauguin… Ở Paris ông đã vẽ được nhiều tranh. Sau đó chuyển xuống sống ở miền Nam nước Pháp.
Van Gogh tự học, mười năm cuối đời ông đã vẽ trên 800 bức tranh và hàng ngàn ký hoạ. Trung bình ông vẽ mỗi ngày một bức trong suốt mười năm liền.
Đang lúc Van Gogh lao vào “cơn điên sáng tạo” thì đến ngày 27 tháng 7 năm 1890, khi đang vẽ Cánh đồng lúa mì, đột ngột ông lên cơn phấn khích đến nỗi tự bắn một phát đạn vào ngực. Hai ngày sau (29.7.1890), ông qua đời.
Sau gần một thế kỷ, Van Gogh mới được đánh giá đúng tài năng. Ông là người nghệ sỹ dằn vặt đau đớn đến tột cùng trước nỗi khổ của giai cấp công nhân thời đó. Ông đã vẽ những bức tranh xám xịt về những người thợ mỏ, như bức Những người ăn khoai (1885). Đến Pháp, ông vẽ cảnh nông thôn miền Nam nước Pháp với ba màu chủ đạo: đỏ, vàng, xanh lá cây. Sinh thời, Van Gogh chỉ bán được có hai bức tranh với giá mấy chục franc. Do túng thiếu thường xuyên nên ông mang trong lòng nỗi tuyệt vọng chán chường. Có lần ông đã cắt một tai của mình sau một cuộc cãi vã với người bạn thân là hoạ sỹ Gauguin cũng nghèo khổ như ông.
Ngày nay nhân loại đánh giá ông là hoạ sỹ vĩ đại nhất của mọi thời đại. Vì trước đó, Van Gogh không hề bị ảnh hưởng của ai và sau ông, cũng không ai “giống” Van Gogh được. Nhìn tranh, người ta biết ngay của Van Gogh. Từ đám mây, cây cầu, cái cối xay gió hay cánh đồng, ngôi nhà thờ, quán càfe… tất cả đều quằn quại, quyết liệt, run rẩy với tâm trạng của người vẽ nó.
Tuy là người Hà Lan, nhưng Van Gogh đã đóng góp quan trọng trong sự phát triển của mỹ thuật cận đại Pháp nửa sau thế kỷ 19, chi phối hội hoạ Châu Âu thời đó. Nhưng chỉ sau khi Van Gogh chết, tên tuổi của ông mới được biết đến. Năm 1987, bức tranh Hoa diên vĩ của ông được bán với giá 53,9 triệu USD. Năm 1990, đúng 100 năm sau khi ông mất, bức Chân dung bác sỹ Gachet được bán với giá kỷ lục 82,5 triệu USD cho một người Nhật giàu có tên là Saito ngày 15.5.1990 tại New York.
Nếu những bức tranh của Van Gogh biết nói thì chúng sẽ kể cho chúng ta bây giờ nhiều chuyện ly kỳ hơn nữa.
The Yellow House – Van Gogh (1888)
Ngày 30 tháng 3 năm 2003, đúng ngày sinh lần thứ 150 của danh hoạ Van Gogh, hằng ngàn người dân Hà Lan đã đến bảo tàng mang tên ông ở thủ đô Amsterdam để tưởng nhớ con người đã làm rạng danh cho đất nước mình. Tại đây, 200 tranh và 600 bức vẽ được lưu giữ. Có những bức rất nổi tiếng, như bức The Yellow House (1888) và Wheatfield With Crows (1890). Người đến xem tranh được các chuyên gia mặc y phục thế kỷ 19 trả lời những thắc mắc về tác phẩm và cuộc đời danh hoạ.
Wheatfield With Crows – Van Gogh (1890)
Có người cho rằng, tài năng khác thường và ý thức tự huỷ mình đã đưa hoạ sỹ “điên” Van Gogh vào đền thờ các vị thần hội hoạ của nhân loại. Có thể lắm! Thiên tài là gì nếu không phải là ngọn lửa bùng cháy để thiêu đốt bằng hết nhiên liệu để đưa một tài năng vụt khỏi thời đại của anh ta, đi đến những chân trời mới. Van Gogh là một thiên tài. Và, giống như mọi thiên tài khác, ông vượt lên thời đại của mình và cũng không quên đem theo những bi kịch của nó.
L.P.K.
Tác giả gửi BVN