Giải ngân đầu tư chậm có liên quan gì đến tham nhũng?

Võ Hàn Lam

Người dân vẫn hay nói rằng các quan chức hay vẽ vời ra công trình để kê giá và ‘ăn’ các khoản chênh lệch.

Nếu đặt đồn đoán trên vào con số báo cáo là ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31-5 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch (1) cho thấy thật khó hiểu, vì chưa giải ngân, thì ‘ăn’ cái gì ở đây?

Chi tiết hơn, trong tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay, vốn trong nước đã giải ngân hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là do một số các dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó, chưa thể giải ngân.

Một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân – như các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng. Một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020 nên chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020…

Như vậy, với những tình tiết được liệt kê ở trên cho thấy trong chuyện giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục diễn ra chậm trễ, lỗi chính ở đây thuộc về năng lực của cơ quan quản lý. Nếu nhìn nhận về cách lý giải vấn đề từ lập luận đó, thì phải chăng ở đây quyền lực thực sự trong bộ máy công quyền không nằm trong người đứng đầu Chính phủ?

Tin tức trên báo chí cho biết, vào sáng ngày 16-7, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu trên cương vị Thủ tướng Chính phủ:

“Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ, ngành, các đồng chí đều đề cập xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp” (2).

Ở bài báo phát hành vào trưa ngày 18-7, báo điện tử Chính phủ đặt hẳn tít bài thể khẳng định: “Địa phương nào cần, Chính phủ mang tiền đến” (3). Bài báo tường thuật buổi làm việc vào sáng ngày 18-7, tại TP. Đà Nẵng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Ngay đoạn mở đầu, bài báo viết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không để trì trệ xảy ra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, “địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động, địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”.

Làm một so sánh giữa lý do giải ngân chậm của Bộ Tài chính đưa ra (1), với ‘trách móc’ cho rằng đó là lỗi của địa phương mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ‘hồn nhiên’ phát ngôn (2), cho tới việc tuyên bố gần như trái ngược hoàn toàn so lý do mà Bộ Tài chính đưa ra về “Địa phương nào cần, Chính phủ mang tiền đến” (3), cho thấy ở đây có một lý do nữa mà không báo chí nào dám công khai nhắc tới: đó là việc thiếu cạnh tranh trong quản trị quốc gia.

Nói một cách khác, nếu ở nhiều quốc gia, thủ tướng có thể phải chọn việc từ chức để giữ thanh danh cho đảng chính trị của mình, thì ở Việt Nam, điều đó là vô nghĩa.

Trở lại với phần tựa bài viết, “Giải ngân đầu tư chậm có liên quan gì đến tham nhũng?”.

Câu trả lời có từ các lập luận được trích dẫn như trên, cho thấy dường như phải chăng việc giải ngân đầu tư chậm có phần mâu thuẫn với yếu tố được cho là ở Việt Nam, các quan chức “ăn của dân không từ một cái gì” (4).

Có thể tìm thấy phần nào câu trả lời qua phát biểu của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) tại Quốc hội vào sáng ngày 28-5-2019, khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi):

“Công khai, minh bạch là yêu cầu căn bản, cũng là nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục được cơ chế xin, cho; giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án. Việc trình Quốc hội chính là bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố; và các đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tham gia ý kiến và phương án phân bổ cho chính địa phương mình”.

Tác giả bài viết này xin góp thêm mỗi một ý: nếu vẫn thiếu động lực trong cạnh tranh về quyền quản trị quốc gia, thì mọi giải pháp như đã nói lâu nay vẫn chỉ là các tình thế ứng phó của nhà cầm quyền.

V.H.L.

_________

Chú thích:

(1) https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/giai-ngan-von-dau-tu-cong-6-thang-dau-nam-2020-van-con-thap-167468.html

(2) https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-tuong-benh-quan-lieu-lam-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i-ach-168179.html

(3) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Dia-phuong-nao-can-Chinh-phu-mang-tien-den/401168.vgp

(4) https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm

***

Chất lượng của quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đối với một số dự án hạ tầng. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, mất nhiều thời gian, nên làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án. Nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, gây khó khăn trong cân đối vốn và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầu tư, nên chưa thể tiến hành thi công và giải ngân hết số vốn theo kế hoạch.

Việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến việc phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức…

(Trích tham luận “Đầu tư công giai đoạn 2010-2019 và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới” của PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân)

VNTB gửi BVN

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.