Vụ nổ nhà máy Z21 năm 2013 – Nỗi đau vẫn còn nguyên đó…

 

Ngô Anh Tuấn

Khoảng 8h sáng ngày 12/10/2013, đúng ngày đưa tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một loạt tiếng nổ vang lên liên tiếp tại Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, khiến toàn bộ khu vực huyện Thanh Ba, Phú Thọ rung chuyển. Hàng nghìn người dân náo loạn chạy khỏi nhà, lệnh sơ tán dân trong vòng bán kính 15km được ban ra khẩn cấp vì khối lượng thuốc AD1 trong kho quá lớn, sợ không khống chế được.

27 người đã chết và hàng trăm người khác bị thương; trong số người chết, có 1 dân thường gặp nạn do thanh sắt của nhà máy bị hất tung lên bầu trời và rơi đâm xuyên người (cách hiện trường vụ nổ khoảng 1000 mét), số còn lại là sỹ quan quân đội và công nhân quốc phòng. Sự việc đau lòng này tưởng như được giải quyết ổn thỏa khi cộng đồng xã hội cùng chung tay vào hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp nạn; chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khác cũng sốt sắng vào cuộc nhằm giải quyết chế độ cho những quân nhân và công nhân quốc phòng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ… Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, gia đình của 26 quân nhân và công nhân quốc phòng nêu trên chưa được giải quyết các chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Vũ Thị Minh, mẹ của một công nhân quốc phòng (và là đứa con trai duy nhất của bà) cho biết, phía Nhà máy Z121 và đại diện Bộ Quốc Phòng đã đề nghị gia đình bà và những người khác làm hồ sơ để nhà nước công nhận liệt sỹ cho con em mình vì đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất hồ sơ và mòn mỏi chờ đợi, cho tới giờ chưa gia đình nào được giải quyết quyền lợi như lời hứa. Các vị lãnh đạo đương thời, khi xảy ra sự kiện hoặc là đã hạ cánh an toàn bằng cách về hưu, hoặc là được cất nhắc lên các vị trí cao hơn, không có bất kỳ ai bị quy kết và xử lý trách nhiệm trong sự kiện kinh khủng này. Và một khi những người có vai trò chính trong việc này đã không có trách nhiệm thì các thuộc cấp hoặc các vị kế nhiệm sau bỏ bê việc giải quyết thì cũng không có gì là lạ.

Gần 7 năm sau ngày xảy ra sự kiện, phía UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Quốc phòng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết dứt điểm những yêu cầu chính đáng của thân nhân những người đã khuất. Bộ Quốc phòng thì cho rằng thẩm quyền giải quyết cuối cùng thuộc về UBND tỉnh Phú Thọ còn UBND tỉnh Phú Thọ thì nói điều ngược lại. Sau nhiều năm tranh cãi về thẩm quyền, đầu năm 2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã “dũng cảm” ra văn bản chính thức khẳng định sự việc này, Bộ Quốc phòng mới là nơi có thẩm quyền giải quyết và hướng dẫn người dân tới đúng nơi cần tới để yêu cầu. Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng vẫn cứ thờ ơ, phớt lờ các yêu cầu chính đáng của người dân. Ngay cả khi văn phòng Chính phủ có yêu cầu sớm giải quyết các khiếu nại của người dân và báo cáo Chính phủ nhưng Bộ này vẫn giữ quyền im lặng. Một điều vô cùng “đặc biệt” là dù 27 người bị chết và hàng trăm người bị thương nhưng chưa từng có bất kỳ một quyết định khởi tố vụ án nào để điều tra, làm rõ nguyên nhân. Đây có thể là một sự tắc trách dẫn đến nhiều sai sót do vô tình hay cố ý trong một giai đoạn dài sau này.

Ngoài việc yêu cầu giải quyết và giải thích rõ các vấn đề liên quan tới quyền nhân thân thì một việc rất “nhạy cảm”, đó là liên quan tới các khoản hỗ trợ mai táng, hỗ trợ tinh thần cho thân nhân người đã chết. Những bậc làm cha, làm mẹ không muốn nhắc tới nội dung này nhiều vì nghĩ rằng mình không đánh đổi mạng sống của con em mình để lấy tiền nhưng vì sự gian dối của những người trong cuộc buộc họ phải lên tiếng. Số tiền mà các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ cho thân nhân những người đã chết thông qua nhà máy Z121 lên tới gần 30 tỷ đồng và họ đã đã kê khai là chi trả hết cho các gia đình với con số rất khủng. Tuy nhiên, thực chất thì gia đình họ chỉ nhận được một con số vô cùng khiêm tốn, còn con số rất lớn còn lại không biết đã rơi vào tay ai! Chưa ai cho họ biết số tiền ấy hiện đang ở đâu… Cũng có thể một phần vì những thân nhân người đã chết dám lên tiếng đòi hỏi nhằm làm rõ khuất tất trong số tiền kia mà không được lòng ban lãnh đạo nhà máy Z121 và đó cũng có thể là một nguyên nhân quan trọng khiến quá trình giải quyết quyền lợi cho người đã chết gặp trở ngại và hồ sơ của họ có nguy cơ chìm vào quên lãng.

Nhìn khuôn mặt khắc khổ của bà mẹ, ông bố sau bao năm đi tìm sự thật và công lý cho con, tôi thấy động lòng và cân nhắc việc sẽ tham gia hỗ trợ pháp lý cho họ trong thời gian sắp tới.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/07/Z121.jpg

P/s: Hình ảnh đã xin phép.

N.A.T.

Nguồn: FB Tuan Ngo

This entry was posted in Pháp luật Việt Nam. Bookmark the permalink.