Bến Tre không phải Thụy Sĩ

Hiền Vương

Rõ ràng là ở Bến Tre, hay nói rộng hơn là Đảng và Nhà nước Việt Nam thì có cung cách quản trị quốc gia không giống như Thụy Sĩ.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến phản đối về ý kiến của ngài bộ trưởng xuất thân là một tướng lãnh quân đội, về chuyện ông đưa ra gợi ý các lãnh đạo tỉnh Bến Tre hãy bằng quyết tâm chính trị để ‘biến’ xứ cù lao này thành một ‘phiên bản’ như ‘Thung lũng Silicon’.

Thật tình thì tin tức về ‘Thung lũng Silicon’ đó, người viết chỉ đọc qua tường thuật ở các báo có tòa soạn nằm ngoài tỉnh Bến Tre (1). Ngay tại Bến Tre, báo Đồng Khởi khi đưa tin về buổi làm việc trực tuyến đó của ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, hoàn toàn không đề cập đến cụm từ ‘Thung lũng Silicon’ (2).

Nhắc lại câu chuyện về một thành phố của Thụy Sĩ, nơi từng rất nghèo nhưng nhanh chóng được cả thế giới biết đến nhờ dám ứng dụng rộng rãi công nghệ Blockchain, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý Bến Tre có thể phát triển theo mô hình thung lũng Silicon của Việt Nam về ứng dụng công nghệ” – bài báo trên VietnamNet (1), có đoạn viết như vậy. Không thấy báo nói thêm đó là thành phố nào của Thụy Sĩ mà ‘từng rất nghèo’ như ‘tả oán’ của ngài Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Tuy nhiên với ‘dân IT’, thì họ nói rằng ở đây rất có thể đôi chút lầm lẫn khi ông Hùng đã dùng từ ‘thành phố’ để nói về một nơi vốn chỉ là ‘thị trấn’ của đất nước Thụy Sĩ.

Theo bài báo có tên “Here’s what it’s like to visit ‘Crypto Valley’ – Switzerland’s picturesque blockchain version of Silicon Valley” (3), thì nhiều khả năng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam muốn viện dẫn về sự thành công của Thung lũng Crypto tại Thụy Sĩ, nơi được mệnh danh là thiên đường dành cho ‘startup Blockchain’.

Bài báo Anh ngữ nói trên cho biết Zug là một thị trấn nhỏ cách Zurich khoảng một giờ đi tàu. Zug quá nhỏ để có sân bay riêng nên để đến đó người ta phải bay vào Zurich và đi tàu điện. Các đoàn tàu chạy ngay từ sân bay và khởi hành khá thường xuyên.

Zug rất nhỏ và chủ yếu tập trung quanh một con đường trải dài từ khu thương mại ở phía Bắc đến khu phố cổ ở phía Nam. Mọi người đã sống trong khu vực từ năm 600 sau Công nguyên, mặc dù không có tòa nhà nào trong khu phố cổ cũ kỹ như vậy.

Tác giả bài báo là Oscar Williams-Grut, có đoạn mô tả: There was clearly money in the town, though. There were two luxury car dealerships opposite each other on either side of the main road. The sound of high-performance engines punctuated the Swiss calm every so often too as people drove their expensive cars around the town centre – Rõ ràng là thị trấn này giàu có. Có hai đại lý xe hơi sang trọng đối diện nhau ở hai bên đường chính. Âm thanh của động cơ hiệu suất cao đã nhấn mạnh sự bình tĩnh của người Thụy Sĩ thường xuyên khi mọi người lái những chiếc xe đắt tiền của họ quanh trung tâm thị trấn.

Theo nhà báo Oscar Williams-Grut, thành công Zug là sớm nắm lấy tiền điện tử. Phần lớn là vì một người đàn ông tên Nikolas Nikolajsen, một người gốc Đan Mạch. Nikolajsen làm việc tại Credit Suisse ở Thụy Sĩ trước khi rời khỏi để thành lập công ty dịch vụ tiền điện tử Bitcoin Suisse vào năm 2013.

Rõ ràng là ở Bến Tre, hay nói rộng hơn là Đảng và Nhà nước Việt Nam thì có cung cách quản trị quốc gia không giống như Thụy Sĩ.

Việc hình thành Thung lũng Crypto không đến từ sự duy ý chí của cái gọi là ‘quyết tâm chính trị’ như lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Có lẽ cũng cần sòng phẳng để nhìn nhận với nhau một thực tế, là ở thời điểm giao thời của chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản tại Việt Nam, mọi tuyên bố, mọi hứa hẹn cho viễn cảnh ngày mai, đều là câu chuyện làm quà cho chính sách dự kiến hoạch định ở nhiệm kỳ mới. Khi mọi chuyện đã ‘yên bề’, thì một khi không phải chịu sự cạnh tranh chính trị nào, người ta dễ dàng quên đi những lời có cánh hôm nay.

Còn nhớ, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thừa nhận, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 được đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được.

Tới cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra Tầm nhìn Việt Nam năm 2030 sẽ là hướng tới một xã hội khá giả, thịnh vượng, GDP bình quân đầu người đạt ít nhất 18.000 USD. Về Tầm nhìn 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao.

Những con số đưa ra của ngài Thủ tướng, giả dụ như ai đó cắc cớ nhắc khéo với ông Phúc rằng cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD, thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD.

Năm 2017, GDP bình quân đầu người Việt Nam khoảng 2.385 USD, thì thế giới khoảng 10.700 USD. Năm 2018, GDP bình quân đầu người Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD… Và nếu xét trong 30 năm, từ 1991 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7,14%. Con số này thua xa Hàn Quốc, trong giai đoạn từ 1961-2000, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%/năm. Còn Nhật Bản trong giai đoạn từ 1955 – 1973, ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9,4%/năm.

Bên cạnh đó, cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam cũng thể hiện tính lạc hậu công nghệ khi đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 26,1% trong giai đoạn 2011 – 2018.  Tỷ lệ này ở các nước đang phát triển mức trung bình đạt được là gần 40%.

Mà thôi, giấc mơ bao giờ cũng ít tốn kém nhất, chỉ cần ngủ được và không phải gặp ác mộng…

H.V.

_________

Chú thích:

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/ben-tre-se-tro-thanh-thung-lung-silicon-ve-ung-dung-cong-nghe-658727.html; http://ictvietnam.vn/bo-tttt-san-sang-ho-tro-ben-tre-tro-thanh-thung-lung-silicon-20200717161919126.htm

(2) http://baodongkhoi.vn/ben-tre-thi-diem-ve-chuyen-doi-so-18072020-a75789.html

(3) https://www.businessinsider.com/what-its-like-in-zug-switzerlands-crypto-valley-2018-6

VNTB gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.