Góc khuất trong việc điều tra, xử lý tội phạm liên quan tới an ninh quốc gia

Ngô Anh Tuấn

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm an ninh đối nội và đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Không ngẫu nhiên mà các tội xâm phạm an ninh quốc gia được xếp đầu tiên trong Bộ luật Hình sự qua các thời kỳ. Trong Bộ luật Hình sự 2015, phần tội phạm này gồm 13 điều chính và một điều liên quan tới hình phạt bổ sung (từ Điều 108 tới Điều 122). Tuy nhiên, thực tiễn hành nghề cho thấy, các hành vi phạm tội được đưa ra xét xử chủ yếu rơi vào các Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 117 (Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Các tội phạm như gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn, khủng bố… gần như vắng bóng. Soi kỹ vào mặt nội dung của các tội danh liên quan tới an ninh quốc gia mà hiện tại luật pháp chúng ta đang xử lý thì những người phạm tội thường thực hiện hành vi phạm tội bằng mồm, hay bằng tay không – nói khác đi họ chỉ nói hoặc gõ phím mà thôi chứ hoàn toàn không có hành động thực sự để trực tiếp gây hại tới an ninh quốc gia.

Có vẻ như, việc xử lý những người phạm vào tội danh này trong thời điểm hiện tại nhằm mục đích khoá tay, bịt miệng họ hơn là vì sự an nguy thực sự của quốc gia. Việc định lượng mức độ nguy hiểm của những người bị bắt, bị xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người trên là đánh giá quá cao khả năng gây hại thực tế của họ, hay nói đúng hơn là cố tình “nguy hiểm hoá” hành vi của những người này. Việc cố gán ghép những người bị bắt vào những tội danh vô cùng kinh khủng này cũng là bước đi quan trọng để tước hoàn toàn quyền tham gia của luật sư bào chữa vào quá trình điều tra vụ án vì với các tội danh liên quan tới xâm phạm an ninh quốc gia, Cơ quan điều tra sẽ sử dụng Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự làm “bảo bối”, mượn tay VKS để loại các luật sư ra khỏi “sàn đấu” khiến họ chỉ được tham gia khi kết thúc giai đoạn điều tra, nghĩa là lúc mọi việc coi như “xong phim”, cáo trạng đã lên khuôn và ngày xét xử đã cận kề.

Như vậy, cần xem lại các tội danh đối với những người “bất đồng chính kiến” đã và đang bị xử lý trách nhiệm hình sự xem đã đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý hay chưa. Tôi có may mắn được tiếp xúc với khá nhiều người trong giới được gọi là “đấu tranh dân chủ” và có nhận định rằng phần đa họ là những người tốt, nhiều người rất tốt và không ít trong số họ là nạn nhân của những sự đối xử bất công trong xã hội. Trong tâm của họ tốt nhưng một số người vì bức xúc không giải tỏa được nên họ ném ra những lời lẽ khó nghe chứ sức của họ không thể chống lại ai trong xã hội này chứ đừng nói tới việc chống lại hay lật đổ được chính quyền nhân dân.

Vậy nên, đừng cố gắng đẩy những người có tấm lòng, trăn trở với tình hình đất nước ra rìa xã hội và biến họ thành lực lượng đối trọng bất đắc dĩ rồi tước đi các quyền cơ bản của họ, trong đó có quyền được có luật sư bảo vệ mình. Chúng ta đang cố tình nguy hiểm hoá nhiều người tốt để rồi đẩy họ ra xa chúng ta. Nếu khôn ngoan, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng họ một cách hiệu quả đề phản biện chính sách. Làm được vậy, chúng ta sẽ được nhiều hơn mất: sẽ được tri thức, được cả lòng tin – điều mà cụ Hồ ngày xưa đã cố gắng làm để rồi giờ đây lớp con cháu tay cầm búa, chân giơ lên đạp đổ nhưng miệng thì luôn hô hào noi gương, học tập…

Nguồn: FB Tuan Ngo

This entry was posted in an ninh cộng sản. Bookmark the permalink.