Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một đại dự án của tập đoàn Vingroup, nhưng hiện đang đối mặt với sự phản đối của một số nhà hoạt động.
Tính đến ngày 10/7, bản kiến nghị [yêu cầu] chính phủ Việt Nam xem xét lại dự án của Vingroup xây "khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ" đã nhận được hơn 5.000 chữ ký trên mạng.
Bản kiến nghị này cho rằng dự án của tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam chứa đựng nguy cơ gây tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời có những ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị TP. HCM lẫn Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh Khu đô thị lấn biển Vinhomes Cần Giờ. Bản quyền hình ảnh VINHOMES
Dự án chứa nhiều rủi ro
Nhiều trí thức đã ký tên trong bản kiến nghị này có thể kể đến như nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, GS Ngô Bảo Châu, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, KTS Sơn Đặng; Chuyên gia biến đổi khí hậu – TS Nguyễn Ngọc Huy, bác sĩ – PGS.TS, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Lân Hiếu,…
Bản kiến nghị nêu nhiều ý kiến quan trọng:
Thứ nhất, báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án chưa được đánh giá khách quan, toàn diện. Thứ hai, việc xây dựng một dự án lấn biển khổng lồ ở Cần Giờ là vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt.
Thêm nữa, hiện chưa có đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập nào về khả năng cung cấp cát san lấp, ảnh hưởng của nguồn cát san lấp dùng cho dự án. Theo những người ký đơn kiến nghị, TP. HCM không hề có sức ép dân số đến mức cần đổ đất lấn biển.
Kiến nghị này cũng chỉ ra, theo Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, địa phương phải thiết lập danh mục hành lang bảo vệ bờ biển trước, từ đó mới quyết định đâu là khu vực cần được bảo vệ, đâu là khu vực có thể phê duyệt làm dự án phát triển kinh tế. Và cuối cùng, cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả kinh tế – xã hội thực sự của dự án.
Số người ký kiến nghị việc xem xét lại và đánh giá độc lập tòa bộ Dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ đã vượt hơn 5.000 người. Bản quyền hình ảnh CHỤP MÀN HÌNH
Bản kiến nghị hiện đang tiếp tục thu thập thêm chữ ký trên mạng trước khi gửi đến thủ tướng và quốc hội của Việt Nam.
Về rủi ro của dự án, kiến trúc sư Sơn Đặng (người có tên trong bản kiến nghị) phân tích với BBC News Tiếng Việt:
"Riêng về mặt địa chất đã mang tính rủi ro cực cao. Các mũi khoan đến độ sâu 100 m chỉ toàn bùn cát, bùn chảy và đất sét. Ở độ sâu 200 m thì được cho là có một lớp đá trẻ. Với nền địa chất mềm, yếu và có tính biến động cao, sẽ rất khó xử lý về mặt địa kỹ thuật và kỹ thuật hạ tầng đô thị. Và kể cả xử lý được thì sẽ cực kì tốn kém".
"Khi dồn tải trọng của 30-40 nhà cao tầng, hàng trăm chung cư, hàng nghìn biệt thự lên một nền đất sình lầy ven biển sẽ thúc đẩy cho tốc độ lún của toàn khu tăng nhanh. Với tốc độ lún tối thiểu 5-10 cm/năm, sau 10-20 năm, khu đô thị này dù có được tôn nền vẫn sẽ lún xuống ngang mặt nước biển. Bên cạnh đó, khả năng trượt ngang của lớp đất bùn sẽ mang lại nguy cơ cao cho toàn dự án", ông Sơn dự báo.
Ngày 3/7 Giáo sư Ngô Bảo Châu viết trên trang cá nhân về dự án này: "Tôi xin đính chính phát ngôn không chính xác về việc biến rừng ngập mặn Cần Giờ thành khu đô thị du lịch. Dự án là lấn biển xây khu đô thị du lịch bên ngoài rừng ngập mặn Cần Giờ. Tôi có ký tên vào kiến nghị đề nghị chính phủ xem xét kỹ lưỡng ảnh hưởng môi trường của dự án này".
"Không có chuyên môn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nhưng tôi tin rằng đã qua rồi cái thời kỳ con người muốn xây dựng cuộc sống mới bằng cách dời non lấp bể. Với ám ảnh về hậu quả của biến đổi khí hậu, tôi mong rằng chính phủ sẽ cân nhắc giữa lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và rủi ro môi trường. Bản kiến nghị có nêu những rủi ro đó".
Nói thêm về rủi ro của dự án, kiến trúc sư Sơn Đặng chỉ ra rằng, dự án này hoàn toàn không tính đến yếu tố mực nước biển dâng cao: "Theo nghiên cứu của Climate Central, đến 2030 thì toàn khu Cần Giờ đã nằm dưới đỉnh lũ. Khi điều đó xảy ra, nước mặn sẽ tràn vào xâm nhập và phá hủy hạ tầng đô thị. Đến 2050 thì hầu như Cần Giờ đã chìm hẳn dưới mực nước biển, theo các nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu của các chuyên gia Hà Lan".
"Những tác động của dự án này đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là rất đáng cân nhắc và cần rất nhiều nghiên cứu và đánh giá độc lập từ các chuyên gia. Và cũng cần phải tính đến những thiệt hại khủng khiếp về mặt tài chính đối với chủ đầu tư của dự án này. Khi lựa chọn một khu đất để làm đô thị, các nhà quy hoạch đều phải tính xa đến tầm nhìn trên 100 năm, để bảo đảm sự an toàn cho dân cư khỏi những biến động xấu như ngập lụt, động đất, núi lửa, sụt lún, hạn hán…", ông Sơn nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Sơn Đặng nói về tính khả thi của dự án: "Tư duy cốt lõi của dự án này xoay xung quanh một thứ chủ nghĩa hiện đại đã lỗi thời, mơ về một thứ tương lai đã lạc hậu, và kiên quyết bằng mọi giá đập đá vá trời, đem tiền đổ sông đổ bể chế ngự thiên nhiên. Chọc đô thị cao tầng vào một lớp bùn, tại một khu vực sẽ chìm dưới mực nước biển trong tương lai gần là một sai lầm nghiêm trọng".
"Tính khả thi của dự án này là không có", ông Sơn đánh giá.
Hút cát gây biến động ĐBSCL?
Việc san lấp biển phục vụ dự án cần tới lượng cát vô cùng lớn. Bản kiến nghị đặt câu hỏi: "Để san lấp biển cần tới 137,6 triệu m3 cát, trong đó đa số cát san lấp dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hiện nay ĐBSCL vốn đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng, cùng nguy cơ bị ‘tan rã’ do phù sa không về bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong".
Hôm 8/7, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nói với BBC News Tiếng Việt rằng hiện chưa có thông tin, hồ sơ chính thức về việc cát sẽ được lấy từ đâu. Ông giả định: "Nếu lấy cát từ ĐBSCL sẽ gây thêm sự thiếu hụt cát ở nơi cát đã thiếu hụt rồi, sẽ dẫn đến sạt lở lan tỏa trên toàn đồng bằng. Dù lấy cát ở bất cứ đâu trong hệ thống ĐBSCL đều như nhau vì hệ thống ĐBSCL là một".
Khu vực ĐBSCL đã đối mặt với những hiểm họa về khai thác cát, biến đổi khí hậu và các đập chắn từ nhiều năm trước.
Ông cũng nói thêm: "Nếu như lấy cát từ ĐBSCL thì tác hại rất lớn và cần xem xét đưa lên bàn cân".
PGS – TS Nguyễn Đinh Tuấn cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 8/7 rằng ông chưa được tiếp cận với hồ sơ chính thức của dự án nêu trên nên chưa thể đánh giá chính xác tác động của dự án này.
Tuy nhiên, ông Tuấn đặt câu hỏi: "Tôi không biết lấy cát từ ĐBSCL là lấy ở đâu. Hiện nay, vấn đề cát san lấp đối với cát công trình xây dựng Việt Nam đang thiếu. Bản thân các tỉnh ở ĐBSCL cũng có vô số các công trình cần san lấp và đang trong tình trạng thiếu hụt nên chưa chắc dự án lấn biển Cần Giờ có thể tiếp cận được nguồn cát".
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, dự án này là công trình lớn và xã hội quan tâm là điều tích cực.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 10/7, ông Đào Trọng Tứ, Tiến sĩ Tài nguyên nước, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, chuyên gia thể chế, chính sách về tài nguyên môi trường cho rằng dự án còn thiếu nhiều dữ liệu để có đánh giá đầy đủ về hiệu quả kinh tế – xã hội thực sự của dự án nên chính phủ cần xem xét lại.
"Bức tranh phát triển chung của khu vực gồm có ĐBSCL, TP. HCM về câu chuyện lấn biển và đây không phải vấn đề mới. Nhưng với diện tích lấn biển rất lớn ở sát khu rừng sinh quyển sẽ có những vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội cần cân nhắc. Việc này có thể làm tăng thêm mật độ đô thị đã rất lớn hiện nay cho cả TP HCM và Cần Giờ vốn rất đông, làm co hẹp không gian môi trường".
Toàn cảnh vị trí Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Bản quyền hình ảnh BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN
"Thứ hai, với diện tích lấn biển lớn như thế, khối lượng đất, cát sử dụng và việc vận chuyển khối lượng lớn này cần phải được tính toán vì sẽ tác động đến môi trường. Và khi xây dựng một siêu đô thị như thế thì khu vực xung quanh sẽ chịu biến động lớn. Ngoài câu chuyện lợi ích kinh tế và hưởng lợi từ thiên nhiên, cần nhìn rộng hơn về vấn đề đất đai, sinh kế của người dân". ông Tứ nhận định.
Siêu dự án hơn 10 năm chưa thông
Dự án lấn biển Cần Giờ (TP HCM) có quy mô ban đầu là 821 ha, trong đó có 600 ha lấn biển và được khởi công vào năm 2007. Đến nay, có 15,5 ha mặt biển đã được san lấp và bỏ hoang nhiều năm.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC) được thành lập vào tháng 9/2004 với những cổ đông chính là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Văn phòng Thành ủy TP. HCM, Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Việt – Nga.
Tính đến năm 2016, tập đoàn Vingroup đã chi 13.272 tỷ đồng mua lại 97,15% cổ phần của CTC.
Hôm 12/6 vừa qua, văn phòng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 826/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký, phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TPHCM). Theo đó, dự án đã được mở rộng thành 2.870 ha với tên mới là Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị Vinhomes Cần Giờ. Bản quyền hình ảnh VINHOMES
Dự án dự tính sẽ lấn biển 2.718 ha, nằm trải dài và án ngữ trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP. HCM, có chiều dài 13 km trên tổng số 20 km bờ biển Cần Giờ. Tổng trữ lượng cát san lấp cần cho dự án là 137,6 triệu m3.
Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh là 217.054 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 32.558 tỉ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỉ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Quyết định của Chính phủ cũng giao UBND TP HCM chịu trách nhiệm toàn diện về việc quy hoạch mở rộng dự án.
Theo tính toán, quy mô dân số dự án là 228.000 người, cùng mục tiêu 8.887 triệu lượt khách du lịch/năm.
B.T.
Nguồn: BBC tiếng Việt