Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Xin thưa ngay: đó là thứ bệnh kinh niên ác tính đã ăn vào máu tủy xã hội ta từ gần thế kỷ nay, làm suy yếu tiềm lực xã hội, góp phần đắc lực làm méo mó biết bao mối quan hệ xã hội và phá hủy nhân cách của người lao động lương thiện.
Dẫn chứng thì có nhiều lắm, xin miễn được liệt kê khiến mệt óc người đọc.
Chỉ xin nói sự tác động khủng khiếp của “chứng bệnh thời đại” chỉ riêng VN có ấy đối với một nhà văn mà tôi hằng kính trọng: cụ Nguyễn Tuân, nhà văn mà tác phẩm của cụ tôi coi như sách “gối đầu giường”.
“Ma đưa lối quỷ đưa đường” thế nào mà nhà văn duy mỹ nổi tiếng từng miêu tả đến ngây ngất hơi trà trong sương sớm lại đến “hỏi chuyện thằng Kên” – một phi công Mỹ bị bắn hạ giữa trời Hà Nội. Và ông đã hành động một cách ngạo mạn thế này: “Tôi cắm một điếu thuốc Điện Biên vào mồm thằng giặc. Nó cảm ơn. Tôi bật diêm châm vào mặt nó, nó nghển nghển đầu xin cảm ơn. Tôi đặt cái gạt tàn thuốc lá lên ngực nó đầy lông dậm dầy như cái ức một con thú dữ nào”!
Đó chẳng qua chỉ là thêm một lần, cùng nhiều tác giả khác, hiện thực hóa bằng chữ nghĩa tài hoa cái tư tưởng của nhà thơ lớn Tố Hữu và nhiều nhà thơ nhà văn tên tuổi một thời: “Chúng ta” là ánh sáng, là bình minh, là “mặt trời rực rỡ”, là “Nửa trái đất bừng lên ánh sáng đỏ”, là người làm chủ tất thảy, có bước chân thần kỳ bay lên vũ trụ bằng chân không, còn “Chúng nó” là bóng tối, là “loài dơi hốt hoảng. Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người”. Nếu chúng ta là hiện thân của tất cả những gì ưu tú nhất, “Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao”, thì chúng nó chỉ là “Những thằng dạ chó, tanh hôi mặt người” – “Thực dân phong, kiến một bầy/ Chúng là thú vật, ta đây là người” – “Trời không của chúng bay/ Đất không của chúng bay”- “Chúng bay chỉ một đường ra: Một là tử địa, hai là tù binh”, v.v. Những ý tưởng này suốt hơn nửa thế kỷ nay đã/đang/ sẽ được lặp lại trên truyền thông với những tâm thế khác, hoàn cảnh khác, diễn ngôn khác, nhưng cái lõi của nó thì nguyên vẹn – đó là sự ngạo mạn coi “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”! ( Xuân Diệu)
Tôi tin rằng, nếu Nguyễn Tuân còn sống và tự tay làm tuyển tập, ông sẽ vứt không thương tiếc những trang dòng như thế vào sọt rác, như một sự thể nghiệm hỏng, một sai lầm đáng kinh hãi về thẩm mỹ và lý tưởng sáng tác mà cội nguồn của nó là tư tưởng Văn nghệ ở Diên An do “Mao xếnh xáng” chủ trì, rồi tích cực quảng bá tới các nạn nhân của mình; cái tư tưởng mà mà hiện nay các nhà lý luận văn học hiện đại theo lý thuyết ký hiệu học đã duy danh một cách lịch sự, và an toàn: “nội dung ý thức hệ là câu chuyện lớn nhất của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” và “văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật” (KÍ HIỆU HỌC VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC – Lã Nguyên).
Xin hương hồn cụ Nguyễn Tuân thứ lỗi, vì con quá thương cụ đã bị những kích động đầy máu tươi làm ngộ độc ít nhiều trong một thời gian, và do nỗi ấm ức bấy lâu nay về Tình thương đồng bào, Tình thương Con Người đã bị truy bức, bị giết chết bởi cái bệnh kiêu ngạo, tự mãn đang lên ngôi trong xã hội ta hôm nay…
M.A.N.A.T.
Tác giả gửi BVN