VOA Tiếng Việt – 07/07/2020
Đến ngày 7/7, hơn 4.000 người, bao gồm các chuyên gia môi trường, địa chất, kiến trúc sư, kinh tế gia, v.v. ký văn bản kiến nghị nhà nước Việt Nam xem xét lại dự án của Vingroup xây “khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” ở vùng ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
Bản kiến nghị, hiện đang tiếp tục thu thập thêm chữ ký trên mạng trước khi gửi đến thủ tướng và quốc hội của Việt Nam, cảnh báo rằng dự án của tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam chứa đựng nguy cơ gây tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời cũng kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị Tp.HCM lẫn Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cần Giờ thuộc Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ bị lún và ngập vì nước biển dâng
Những người viết kiến nghị chỉ ra rằng dự án lấn biển của Vingroup ở Cần Giờ – có diện tích 2.870 hecta, dân số dự kiến lên tới 230.000, ngoài ra còn đặt mục tiêu sẽ đón gần 9 triệu lượt khách du lịch/năm – là một đô thị lấn biển “quy mô khổng lồ”. Nhưng dự án lại đối mặt với rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội.
Một mối lo lớn khác về dự án mà những người ký kiến nghị nêu ra là việc san lấp biển sẽ cần tới lượng cát vô cùng lớn, lên đến 137,6 triệu m3.
Theo bản kiến nghị, đa số cát san lấp dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng, cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa không về bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong.
Bản kiến nghị của hơn 4.000 người, bao gồm một số nhân vật tên tuổi như tiến sĩ địa chất biển Lê Xuân Thuyên, tiến sĩ-kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư toán Ngô Bảo Châu…, đặt ra các câu hỏi rằng “Khai thác một lượng cát khổng lồ như dự tính sẽ tác động đến khu vực khai thác như thế nào? Có làm trầm trọng thêm nguy cơ tan rã của ĐBSCL hay không?”
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tập đoàn Vingroup để tìm hiểu phản ứng của họ về bản kiến nghị song không nhận được hồi đáp.
Kiến trúc sư Sơn Đặng, một trong những người đầu tiên ký kiến nghị, khẳng định với VOA rằng dự án này hầu như được vẽ ra một cách duy ý chí, hoàn toàn không dựa trên các khảo sát khoa học nghiêm túc và bài bản. Ông nói thêm:
“Riêng về mặt địa chất đã mang tính rủi ro cực cao. Các mũi khoan đến độ sâu 100 mét chỉ toàn bùn cát, bùn chảy và đất sét. Ở độ sâu 200 mét thì được cho là có một lớp đá trẻ. Với một nền địa chất mềm, yếu và có tính biến động cao, sẽ rất khó xử lý về mặt địa kỹ thuật và kỹ thuật hạ tầng đô thị. Và kể cả xử lý được thì sẽ cực kì tốn kém”.
Ông Sơn, có bằng thạc sĩ kiến trúc của trường Cornell danh tiếng ở Mỹ, giải thích rằng khi dồn tải trọng của 30-40 nhà cao tầng, hàng trăm chung cư, hàng nghìn biệt thự lên một nền đất sình lầy ven biển sẽ thúc đẩy cho tốc độ lún của toàn khu tăng nhanh.
“Với tốc độ lún tối thiểu 5-10 cm/năm, sau 10-20 năm, khu đô thị này dù có được tôn nền vẫn sẽ lún xuống ngang mặt nước biển. Chưa nói đến khả năng trượt ngang của lớp đất bùn sẽ mang lại nguy cơ cao cho toàn dự án”, kiến trúc sư từng làm việc cho các hãng lớn trên thế giới đặt tại New York, Philadelphia và Tokyo nói với VOA.
Điều cũng đáng lo ngại đặc biệt là dự án này hoàn toàn không tính đến yếu tố mực nước biển dâng cao, ông Sơn Đặng, hiện làm việc ở Việt Nam, nói.
Dẫn lại nghiên cứu của Climate Central, ông Sơn nói rằng đến 2030 toàn khu Cần Giờ được dự báo nằm dưới đỉnh lũ, đồng nghĩa là khi đó, nước mặn sẽ tràn vào xâm nhập và phá hủy hạ tầng đô thị.
Đến 2050, hầu như Cần Giờ chìm hẳn dưới mực nước biển, kiến trúc sư được nhiều người biết tiếng nói với VOA, trích dẫn kết quả nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu của các chuyên gia Hà Lan.
Theo kiến trúc sư Sơn Đặng, việc cố xây đô thị cao tầng trên một lớp bùn, tại một khu vực sẽ chìm dưới mực nước biển trong tương lai gần là một “sai lầm nghiêm trọng”, sẽ dẫn đến “những thiệt hại khủng khiếp về mặt tài chính đối với chủ đầu tư của dự án này”.
Bản kiến nghị – có sự tham gia của ông Sơn và hơn 4.000 người khác – đề nghị thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, chính quyền Tp.HCM “tính toán lại toàn diện bài toán hiệu quả kinh tế bao gồm các yếu tố chi phí xã hội, môi trường do các nguy cơ, rủi ro mang lại” đối với Cần Giờ.
Đồng thời, những người ký kiến nghị cũng đưa ra yêu cầu là Ủy ban Nhân dân Tp.HCM “tạm dừng việc đưa dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha vào điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung thành phố đang thực hiện, cũng như tạm dừng đưa dự án vào Quy hoạch phân khu địa bàn huyện Cần Giờ”, cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án lấn biển này.
Một kiến nghị nữa được nêu lên là thủ tướng Việt Nam “chưa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung của Tp.HCM cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
Dưới góc nhìn của kiến trúc sư Sơn Đặng, phương án lý tưởng nhất cho khu vực Cần Giờ là chỉ nên phát triển một dự án khoảng 600 ha ven bờ theo quy hoạch cách đây 20 năm, bao gồm nhà trên cọc, nhà phao, resort nổi, với mật độ xây dựng cực thấp, tầm 5%. Phần còn lại, 95%, tiếp tục trồng thêm rừng ngập mặn.
“Các trung tâm thể thao mặt nước, các trung tâm giáo dục về sinh thái và môi trường, các chương trình liên quan đến hoạt động dã ngoại và thư giãn sẽ rất phù hợp với Cần Giờ, một điểm đến yên tĩnh cho người dân của Tp.HCM, đô thị đông nhất Việt Nam”, ông Sơn nói với VOA.
Nguồn: VOA Tiếng Việt