Bài 1 -“Để rồi xem”
Đặng Ngữ
Bằng việc thông qua luật an ninh đối với Hồng Kông, Trung Quốc đại lục đã chính thức “thu gom” phần lãnh thổ này.
Nhưng bằng việc thông qua luật an ninh với Hồng Kông, Trung Quốc đại lục sẽ trả một cái giá quá đắt đỏ có khi sẽ được trả bằng chính sự tồn tại của chế độ cộng sản tại đại lục.
Sẽ không người Đài Loan nào còn tin vào chủ trương “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc đại lục. Và nếu muốn “thu gom” Đài Loan, Trung Quốc đại lục tất yếu phải sử dụng chiến tranh. Một cuộc chiến tranh như thế sẽ rất, rất đắt đỏ với đại lục.
Sẽ không người Tạng, người Uighur nào còn tin vào lời hứa của Bắc Kinh nữa.
Trung Quốc sẽ không còn “dạy dỗ” được hay “lừa phỉnh” được các nước nhỏ ở phía Nam như Việt Nam và các nước Đông Nam Á về một sự trỗi dậy hoà bình nữa.
Trung Quốc trong con mắt các quốc gia phương Tây như Mỹ, Châu Âu hay các nước Đông Á như Nhật và Hàn Quốc… hiện hình đúng bản chất của một nhà nước lưu manh.
Trung Quốc tự mình lột “trần truồng” trước toàn thế giới. Không một đế quốc nào có thể tồn tại lâu mà không có sức hấp dẫn về văn hoá và/hoặc mô hình chính trị.
Có thể, chu trình tan rã của Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa đã chính thức khởi động.
Không ai biết chính xác lịch sử sẽ lặp lại như thế nào. Nhưng lịch sử vẫn thường hay lặp lại bởi vì bản chất con người vẫn không thay đổi mấy. Một người Trung Quốc cổ đại thời Tần Thuỷ Hoàng và một người Trung Quốc hiện đại thời Tập Cận Bình, xét về bản chất, không khác nhau mấy. Tần Thuỷ Hoàng và Tập Cận Bình, xét về cách thức hành động, cũng không khác nhau mấy.
Đó, ta gọi quy luật lịch sử.
Đó, ta gọi bài học lịch sử.
Tất cả vua chúa đều tin rằng họ có thể dạy cho lịch sử một bài học.
Lịch sử thường im lặng: “ĐỂ RỒI XEM”.
Đ.N.
Nguồn: FB Đặng Ngữ
Bài 2 – Hong Kong và tinh thần dấn thân
Hữu Minh
Sau khi đảng CSTQ công bố Luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong thì dư luận sinh ra nhiều quan điểm khác nhau.
Có những luận điểm làm tôi thấy buồn cười dù nó đến từ những người lâu nay hay “phân tích chính trị”. Nào là “Mỹ đã bỏ rơi Hong Kong”, rồi thì là “Các thủ lĩnh dân chủ trẻ của Hong Kong sẽ đi nước ngoài tị nạn chính trị” hoặc là “phong trào dân chủ Hong Kong đẩy biểu tình lên quá cao làm mất tính chính nghĩa”…
Thưa các đồng chí ngồi phòng máy lạnh bàn chuyện chính trị, các đồng chí cần nhìn bàn cờ quốc tế trước khi thánh phán. Hong Kong biểu tình mạnh mẽ trong khi chờ các cường quốc chuẩn bị để nhập cuộc, cần thấy đó là giai đoạn một trong tiến trình chống Trung do Mỹ khởi xướng. Một khi các đại cường đã sẵn sàng (như Mỹ, Anh, Ấn Độ…) và đã động binh thì Hong Kong đã xong vai trò khuấy động giai đoạn 1 của họ. Bây giờ là lúc họ cần nghỉ ngơi để tái cơ cấu từ phong trào dân chủ bề rộng đi vào phong trào khởi nghĩa chiều sâu.
Các thủ lĩnh dân chủ trẻ của Hong Kong tuyên bố rút ra khỏi các tổ chức hội đoàn chính trị mà họ tham gia không phải để nghỉ tranh đấu hay đi tị nạn nước ngoài mà là họ cần tái cơ cấu chiến lược tranh đấu. Đó không phải là chia rẽ vì thất bại mà là chia rẽ để sinh tồn và thích nghi cho các cuộc chiến dài hơi. Vấn đề của đấu tranh chính trị không phải là đổ lỗi cho sự đàn áp, mà là thích nghi với đàn áp mà vẫn tồn tại và phát triển. Đó mới gọi là bản lĩnh đấu tranh và là biết cách đấu tranh.
Có người bạn chat bảo tôi rằng “Mỹ đã thất bại trong việc bảo vệ Hong Kong”. Tôi không cho là như thế. Bất chấp Mỹ có thành công hay thất bại thì người Hong Kong vẫn phải tranh đấu, nên vấn đề Mỹ ra sao không cần đặt ra. Còn bàn về Mỹ thất bại thì là thất bại thế nào.
Không lẽ Mỹ phát súng đạn lúc này để dân Hong Kong khởi nghĩa? Ấn Độ có thể huy động được mấy chục triệu tay súng, thì Hong Kong khởi nghĩa vũ trang sớm để làm gì?
Tồn tại và thích nghi với các quyết sách thay đổi của nhà cầm quyền là tư duy luôn phải có khi làm chính trị. Bất cứ phong trào đối lập nào cũng cần hợp pháp để thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Bản thân lãnh đạo phong trào có thể không quan tâm đến pháp luật của kẻ độc tài, nhưng muốn quần chúng theo mình thì cần giữ cho họ trong vòng hợp pháp. Nên các thủ lĩnh dân chủ trẻ tạm nghỉ để điều chỉnh lại bước chân nhằm an toàn hơn cho quần chúng mà thôi.
Đừng nghĩ đảng CSTQ vẫn còn mạnh khi họ ra luật an ninh Hong Kong. Việc đánh giá “dân chủ Hong Kong” là nguy cơ của chế độ nhưng Luật ban hành ra không có án tử hình cho thấy lỗ hổng trên bờm con sư tử đang đau yếu. Các nhà dân chủ tâm huyết và kiên định đường lối của Hong Kong hiểu rõ điều này.
Hôm nay sau khi Luật ban hành thì Hong Kong vẫn tiếp tục biểu tình, thế nên đừng lấy tư duy của con chim sẻ để đánh giá về đại bàng khi thấy nó tạm dừng vỗ cánh.
H.M.
Nguồn: FB An.Dan.Nguyen2010
Bài 3 – Hong Kong: Hàng trăm người bị bắt vì biểu tình ngày 1/7
Hôm thứ Tư 1/7, hàng ngàn người Hong Kong tập trung tham gia cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng năm, bất chấp lệnh cấm tụ tập quá 50 người vì lý do dịch Covid-19 của chính quyền.
Cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay giải tán người biểu tình và nói họ đã bắt giữ hơn 300 người, trong đó có chín người bị bắt theo luật an ninh mới.
Nguồn: BBC
Bài 4 – Nhật Bản: Luật an ninh quốc gia Hong Kong đặt dấu chấm hết cho chuyến thăm của Tập Cận Bình
Nguyễn Sơn
Nhật Bản đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất sau khi Bắc Kinh chính thức thông qua luật an ninh Hong Kong.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 30/6, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, gọi động thái mới của Trung Quốc là “rất đáng tiếc” trước những lo ngại của dư luận quốc tế và người dân Hong Kong, theo Japan Times.
“Với việc ban hành luật an ninh Hong Kong, Trung Quốc đang tự làm hạ thấp uy tín liên quan đến nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’”, ông Suga nói, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác với các quốc gia khác để có phản ứng thích hợp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono – ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng – nói động thái trên có thể đặt dấu chấm hết cho chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tập có kế hoạch thăm Nhật Bản từ hồi đầu năm nay, nhưng bị hoãn lại vì dịch Covid-19. “Tôi có thể nói rằng quyết định trên có ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch thăm Nhật Bản của Chủ tịch Tập”, ông Taro nói.
Theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, Hong Kong được hưởng quyền tự trị cao trong 50 năm kể từ khi người Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ông Suga nói nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mang ý nghĩa rất quan trọng với Nhật Bản và Tokyo đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc này.
Nhật Bản là quốc gia có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Hong Kong. Đặc khu hành chính này đứng thứ 9 trong số các đối tác thương mại lớn nhất với Nhật Bản trong năm 2019. Ước tính có khoảng 1.400 công ty Nhật làm ăn ở Hong Kong.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra thông báo chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt luật an ninh quốc giao với Hong Kong.
Thông báo viết: "Hong Kong đã chứng minh cho thế giới thấy những gì một người Trung Quốc tự do có thể đạt được – một trong những nền kinh tế thành công nhất và xã hội sinh động nhất trên thế giới. Nhưng ĐCSTQ đã hoang tưởng và sợ hãi về khát vọng của chính người dân khiến Bắc Kinh muốn phá hủy nền tảng thành công của Hong Kong, biến "một quốc gia, hai chế độ" thành "một quốc gia, một chế độ"".
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, chính phủ Mỹ sát cánh cùng người dân Hong Kong và sẽ có biện pháp đáp trả ĐCSTQ.
"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với những người yêu tự do ở Hong Kong và đáp trả các cuộc tấn công của Bắc Kinh vào các quyền tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, cũng như luật pháp. Hôm nay đánh dấu một ngày buồn cho Hong Kong và cho những người yêu tự do trên khắp Trung Quốc", thông báo kết luận.
Nội dung chính của luật an ninh quốc gia Hong Kong
Luật gồm 6 chương, 66 điều, liệt kê 4 loại tội danh: ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Hình phạt tối đa cho mỗi tội danh là tù chung thân. Một số tội nhẹ hơn có mức án đề xuất là 3 năm tù.
Nghi phạm có thể bị dẫn độ về Trung Quốc đại lục trong các vụ án phức tạp, các vụ án mà chính quyền địa phương không thể thực thi luật pháp một các hiệu quả, hoặc trong các trường hợp an ninh quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng.
Luật cho phép thành lập một ủy ban an ninh của đại lục ở Hong Kong để thực thi luật an ninh. Cơ quan này sẽ điều tra các vụ án an ninh thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, quyền công tố thuộc về Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đặc biệt, các quyết định của cơ quan này không phải chịu bất kỳ cuộc thanh tra tư pháp nào.
Luật cũng trao quyền cho các nhân viên an ninh Trung Quốc thực thi nhiệm vụ tại Hong Kong.
Theo Điều 60, các nhân viên an ninh này và phương tiện họ sử dụng để thực thi nhiệm vụ không phải chịu sự kiểm tra của cảnh sát Hong Kong.
Truyền thông và công chúng có thể bị cấm tham gia dự các phiên xét xử nếu vụ việc liên quan đến bí mật nhà nước hoặc trật tự công cộng.
(Theo SCMP)
N.S.
Nguồn: ntdvn