Người phỏng vấn: Ký giả Hoàng Bách (Việt Radio, Huston, Texas, Hoa Kỳ), 10-6-2020
1/ Ngày 5/6/2020, ông Joe Biden chính thức được Đảng Dân Chủ đề cử là ứng viên chạy đua vào tòa Bạch Ốc với ông Trump. Xin GS nhận định về ưu và khuyết điểm của ông ta.
Ông Joe Biden nói không hùng hồn, mạnh mẽ, có lửa và không có vẻ sẵn sàng thay đổi kiểu cách mạng, như ông ứng cử viên Dân Chủ kia, có lúc gần như thắng Biden, là Nghị sĩ Bernie Sanders (vì thế bị ô Trump nhạo báng đặt cho biệt danh là Sleepy Joe – anh chàng Joe buồn ngủ). Nhưng sau khi ông Biden thắng tại South Carolina nơi có nhiều ủng hộ của người da đen, và nhất là sau thắng lớn trong ngày bầu tuyển ứng viên trong nhiều tiểu bang, tức ngày Super Tuesday, March 3, thì các quan sát viên, kể cả nhà báo có tiếng thuộc Đảng Cộng Hoà như Nicholas Kristof, đã kết luận là khuynh hướng thực tiễn trong chương trình của Biden được cử tri tin tưởng là ông có thể trúng cử chức Tổng thống và kéo theo việc trúng cử của thêm nhiều ứng cử viên Dân chủ vào Quốc hội để có đa số dân chủ không những trong Hạ viện (đã có đa số đó rồi) mà còn ở Thượng viện nữa. Trong cuộc bầu cử thực thụ (general elections) chức Tổng thống vào tháng 11, 2020, ứng cử viên muốn hơn phiếu đối phương thì phải đươc lòng đại da số không những trong Đảng của mình, mà còn cả trong các tầng lớp cử tri độc lập không là Dân chủ hay Cộng hoà, họ khá đòng đảo và là khối cử tri lay chuyển được kết quả bầu cử (swing votes). Quá thiên tả phái như ứng cử viên dân chủ McGovern năm 1972 hay quá thiên bảo thủ Cộng Hoà như Barry Goldwater năm 1964 thì dễ thất bại. Năm 2018, Đảng Dân Chủ đã tạo được đa số trong Hạ Viện là nhờ sự trúng cử của một số ứng viên ôn hoà có lập trường tranh cử thực tiễn. Ông Trump ngán ông Biden, mặc dù nói là Sleepy Joe, vì đòi điều tra gia đình Biden mà không đòi điều tra ông “socialist/ xã hội chủ nghĩa” Sanders xem có dính dáng gì tới chuyện Đại học Burlington không.
Trong những tháng vừa qua và sắp tới khi phong trào bênh vực cử tri da đen nổ bùng lên, có tham dự của nhiều cử tri da trắng và sắc dân khác như người gốc Mễ, có công tâm, ông Trump dọa đem quân đội, chỉ có vai trò quốc phòng ở ngoài lãnh thổ Mỹ, để đàn áp dân biểu tình, như một nhà độc tài lợi dụng chỗ đứng trên cao quyền lực mà chống lại giai tầng trung lưu và nghèo, họ đang hành xử quyền tự do ngôn luận do Hiến Pháp bảo vệ trong First Amendment. Rồi ông phải bẽ bàng rút lui, bỏ chủ trương “khống chế” đó (ổng dùng chữ “dominate”) sau khi các đám biểu tình trở nên ôn hòa, không còn có cảnh đập phá cửa tiệm mà hôi cuả, và nhiều nhân vật Cộng Hoà và tướng lãnh phản đối, chê là vi phạm Hiến Pháp. Diễn tiến đó là môt sự thắng lợi của Biden, vốn xuất thân từ một gia đình thuộc giai cấp lao động. Trong hơn ba năm, các báo đài đã dùng phương pháp đếm (fact-checking) hơn 20.000 lần ông Trump nói sai sự thật, rồi họ trách ông phản ứng chậm truớc sự lây lan của vi khuẩn COVID-19 (mãi đến ngày 16 March 2020 mói hành động) dù đã được chuyên viên báo động sớm, và đến khi họp báo hàng ngày tại White House với ban chỉ huy, Task Force, thì lại phát ngôn bừa về thuốc ký ninh có khả năng khử virus, dù không có cơ quan y tế nào xác nhận, lại còn giấu diếm mình chậm trễ trong mấy tháng việc ban hành các biện pháp phòng bệnh, bằng cách giấu đi không công bố tờ trình 17 trang của các chuyên gia trong cơ quan Center of Disease Control. Cho nên đến khi ông Trump phát ngôn về muốn dùng quyền Tổng tư lệnh quân đội để trị các đám biểu tình, vốn thuộc quyền giữ an ninh trật tự của các Thống đốc tiểu bang, theo thể chế Liên bang quy định trong Hiến Pháp, thì đủ các thành phần dân Mỹ, kể cả dân thất nghiệp vùng Trung Tây Mỹ truớc đây ủng hộ Trump, càng chán ngán, và hơn nữa ta thấy lại còn nhao nhao nổi lên bao lời phản đối của một số nhân vật quan trọng, kể cả thuộc Đảng Cộng Hoà, khiến chỉ số dân chúng ủng hộ ông Trump, so với ông Biden, giảm đi nhiều. Các tướng trong Uỷ ban Liên quân (Joint Chief) tách khỏi quan điểm ông Trump, nói không thể dùng quân đội, vốn là lực lượng hòa nhập rất tốt mọi sắc dân trong xã hội nước Mỹ, vào việc chống bất cứ công dân Mỹ nào, thuộc sắc dân nào. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mattis dám quở trách Tổng tư lệnh Trump là không nói những lời đoàn kết quốc gia mà trong hơn ba năm cầm quyền thiếu khả năng lãnh đạo, và là mối nguy và miả mai cho Hiến Pháp, ông có thể dùng quân đội đàn áp dân, cho nên ông Mattis noí là “Dân chúng tôi có thể đoàn kết mà không cần ông Trump”. Cựu tướng Colin Powell, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Cộng Hòa Bush, nói là ông sẽ bầu cho ông Biden. Nghị sĩ Cộng Hòa Mit Romney cũng biểu tình nói không ủng hộ Trump. Sử gia David Brinkley, chuyên khảo các đời Tổng thống, nói là Trump nói những lời chưa ai nói. Theo nhà bình luận các vấn đề quốc tế Kimberley Dozier, các lãnh đạo các quốc gia trên thế giới bị sốc khi nghe Trump nói như trên. Hệ quả về dư luận cử tri, theo thăm dò trong tháng 6, 2020, tỷ lệ ủng hộ Trump chỉ là 40%, thua gần 10% so với tỷ lệ 49% ủng hộ Biden. Hỏi riêng về Trump, tỷ lệ cử tri khen ngợi Trump là 38%, còn 57% phỉ nhổ Trump; hỏi riêng về Biden, tỷ lệ cử tri khen ngợi là 69%. Báo Politico nói phía Trump đang tìm cách phá tan trào lưu đang lên của Biden bằng cách “dí” ông ta vào một vị trí lập trường ngõ cụt nào đó, nhưng chắc không làm nổi, vì ông Biden là cáo già, khéo mềm dẻo, lại có các chính khách gạo cội trong Đảng Dân Chủ, như ông bà Clinton, ông bà Obama, giúp cố vấn.
2/ Do những biến cố bất ngờ như Covid-19, biểu tình chống kỳ thị đã làm lu mờ mua bầu cử của Mỹ năm nay. Theo GS, chủ đề tranh luận trong mùa bầu cử là gì: Kinh tế hay Trung Cộng?
Chủ đề tranh luận trong bầu cử thì sẽ khó tiên liệu, vì sẽ còn tuỳ các biến cố thay đổi và sự thay đổi hay lèo lái bất chợt để lẩn tránh của ông Trump, trơn tuột từ quan điểm này sang quan điểm khác, như con lươn, con chạch.
Thí dụ: Trước đây vài năm hay vài tháng, Trump khuyến cáo nên nói chuyện với bọn White Supremacists, để có thỏa hiệp (“make a deal”) y như là sẵn sàng “đi với quỷ”, nhưng nay ổng lại muốn tự xưng mình giống Nixon khi xưa, 1968, là “candidate of law and order” (ứng cử viên của luật pháp và ổn định). Nhưng vì không có các ứng cử viên cùng đứng trên cùng sân khấu mà tranh luận, vưà ném banh vừa đỡ banh (tung luận chứng vào địch thủ và chống đỡ luận chứng địch ném tới mình), như trong bầu cử sơ bộ trước đây, cho nên tranh luận giữa Trump và Biden có thể qua hình thức online của Internet, do đó có thể ỉu xìu hơn, ít các chuyện bất ngờ có kịch tính, nhất là tôi nghĩ Biden sẽ ít có cơ hội làm rối trí, hạ nhục Trump về sự thiếu kiến thức đào sâu, vì trong cái buồng chỉ có mình ô Trump có camera chiếu vào mặt ông, thì phía đằng sau camera, có thể có các chuyên viên cầm các tờ giấy hay chiếu lên tường các câu trả lời để “nhắc tuồng” ông Trump (tuy phải nhận là ông ta khá thông minh, biến báo nhanh) – thế là giảm cơ hội cho Biden làm lộ rõ kiến thức nông cạn của Trump, vì không chịu đọc các tờ trình cuả các chuyên viên mà chỉ phát ra mấy cái tweets mà bàn sơ sài.
Trước COVID-19, ta có thể nghĩ các đề tranh luận có thể là health care/ repeal ObamaCare, sửa luật thuế cho bớt ưu đãi giới giàu, thi hành gắt hơn hay sửa lại chính sách đi dân nhập cư và xây tường thành biên giới, nhưng nay, chắc kinh tế hậu COVID-19 quá khó khăn cho các tầng lớp trung lưu và nghèo, vả lại đã có các chi phiếu trợ giúp với sự bội chi ngân sách cực lớn cho các tầng lớp do cả hai Đảng cùng chủ trương, cho nên không có các tranh luận về giảm thuế, deficit financing (bội chi). Mà có lẽ chỉ bàn xem có nên có đợt trợ giúp 3 hay không, mà chắc cả hai phiá đồng ý, dù Trump có cố ra lệnh cho Ngân khố US Treasury ghi chữ ký của ông vào chi phiếu trợ cấp, thủ lợi cho tiếng tăm mình (tuy chi phiếu chi tiền cho dân lấy từ Ngân khố Mỹ thì chỉ cần chữ ký Giám đốc Ngân khố). Có lẽ Trump cũng không dám động đến việc hủy bỏ ObamaCare là điểm tựa cùa người dân Mỹ trung bình, trong lúc dân đang khổ vì mất việc, không lương, không tiền mua bảo hiểm. Ông Biden có thể tố cáo ông Trump là kiện hủy bỏ ObamaCare không phải là theo đuổi một chính sách mà là một đòn phá hủy Obama với ác ý, nhưng hại cho dân Mỹ. Trong những tháng COVID-19, làn sóng đi cư vào Mỹ không còn, do đó chính sách hạn chế di dân, kể cả bằng bức tường biên giới tốn kém, chắc cũng không còn là đề tài tranh luận sôi nổi giữa Trump và Biden nữa.
Nhưng vì việc dân da màu đã lâu bị ngược đãi với bạo động và kỳ thị bất bình đẳng, kể cả các biện pháp làm khó việc họ đi bầu (đặt rất ít phòng bầu phiếu gần nơi họ cư ngụ), thì vấn đề tranh luận tới là có nên cho bầu bằng thư cho tất cả những ai không muốn hay không thể đến phòng phiếu, mà xin cấp phiếu bầu qua bưu điện, trong hoàn cảnh COVID-19 phải cách ly, mà người da màu thường chỉ có phương tiện chuyên chở công cộng để đến phòng phiếu.
Về mặt ngăn chặn hay trừng phạt Tàu về việc giấu kín sự lây lan ban đầu của COVID-19 và sự ăn cắp tài sản trí tuệ (intellectual property), bằng các chế tài, hay sự mặc cả ép Tàu mua thêm hàng hoá Mỹ để giảm khiếm hụt cán cân thương mại và chi phó (balance of trade and payments), thì thiết nghĩ lập trường Đảng Cộng hoà và Dân chủ giống nhau. Có lẽ sẽ không có tranh luận nhiều về điểm này trừ khi phe Dân chủ muốn ông Biden bêu xấu ông Trump về sự lầm lẫn quá khứ là cứ khen ōng Tập Cập Bình là “best friend” và cách ông Tập đối phó với đại nạn COVID-19 là có tài lãnh đạo “mạnh mẽ, sắc sảo” và tập trung đua đến “một chiến dịch rất thành công”, rồi sau đó ông Trump mới thấy Tàu giấu diếm, và trừng phạt các bác sĩ Tàu có lương tâm, dấy lên tiếng báo động, và Trump đổi giọng gọi là China Virus hay Wuhan Virus. Đấy là chưa kể Tàu làm hại quyền lợi của Mỹ trong thương mại quốc tế và tự do lưu thông và an ninh hàng hải tại Tây Thái Bình Dương.
3/ Gần đây vì COVID-19, một số tiểu bang đề nghị bầu cử năm nay bằng thư. Ông Trump chống đối vấn đề này, lấy lý do bầu băng thư thì gian lận. Vậy ai có quyền quyết định, Thống đốc hay liên bang?
Xin coi lại những câu tòi đã phát biểu trên về lý do chính cho bầu bằng thư là tạo cho dân thiểu số da màu nhiều cơ hội bầu, chứ bắt họ vượt nhiều khó khăn tới thùng phiếu thì có khi họ không đi, tức là bầu bằng thư là bảo đảm cho sự bình đẳng chính trị, theo nguyên tắc mỗi người một phiếu (one man, one vote). Trong quá khứ, đã có rất nhiều trường hợp bầu bằng thư, như cho quân đội hay công dân cư ngụ ở hải ngoại, v.v. bầu bằng thư mà có xảy ra chuyện gian lận đâu? Việc ông Trump nói ngoa là bầu bằng văn thư sẽ có gian lận thì cũng như việc ông nói bừa không trưng bằng chứng là năm 2016, bà Clinton hơn ông hơn hai triệu phiếu popular votes là có nhiều phiếu gian lận, mà không có ai đồng ý đó với ông.
Tổ chức bầu cử Tổng thống, về mặt vật chất, như xếp đặt các phòng phiếu ở đâu, in phiếu bầu ra sao, kiểm phiếu thế nào, là việc thuộc thẩm quyền của mỗi tiểu bang, do sự quản lý của Secretary of the State. Chắc mọi người còn nhớ là năm 2000, bà Secretary of State cuả bang Florida đã cho nhân viên kiểm và đếm lại các lá phiếu đã có computer đục lỗ rồi, nhưng bà, thuộc Đảng Cộng Hoà, cũng là người cho ngưng việc các nhân viên soi các lá phiếu lên cao xem phiếu bầu cho ai, khi bà thấy số phiếu bầu cho ông Bush tại Florida đủ cho ông thu lượm toàn thể số electoral votes tại Florida, và do đó làm ông có số phiếu cử tri đoàn (elector votes) đủ quá bán trên toàn quốc mà thắng cử vào Toà Bạch Ốc. Theo điều II Hiến Pháp, mỗi tiểu bang sẽ tự quy định việc cử ra cử tri đoàn, các đoàn này cuả các tiểu bang sẽ họp và dựa vào số phiếu quần chúng (popupar votes) mỗi tiểu bang đã bầu cho Trump, hay Biden, ai nhiều phiếu quần chúng hơn thì cử tri đoàn (electors)mỗi tiểu bang buộc phải dồn toàn thể số phiếu cho người đó, Trump hay Biden.
4/ Nhiều nhà xã hội học cho rằng nước Mỹ đang bị chia rẽ và phân hóa trầm trọng. Thực tế có đúng như vậy không? Hay thổi phồng quá đáng?
Quả thực, so với các thời kỳ của các Tổng thống tiền nhiệm gần đây, nhiều ông biết tỏ lòng nhân, rung động, rơi nước mắt, khi muốn nhân dân đoàn kết thương nhau trong các vụ tội phạm do kỳ thị nhau, thí dụ như Clinton đọc điếu văn trong vụ tên lính Timothy MacVeigh thuộc phe da trắng bảo thủ muốn thống trị, cho nổ bom phá toà nhà công sở Liên bang ở Oklahoma, làm chết mấy trăm trẻ em lớp mẫu giáo; hay Obama hát an ủi các tang gia trong tang lễ cho các người da đen bị sát hại khi họ bị khủng bố trong khi ngồi trong nhà thờ, thì chưa bao giờ như bây giờ, ta thấy xã hội Mỹ bị bọn khiêu khích chia rẽ các tầng lớp dân trong sự hằn học với nhau, như trong thời ông Trump, một tổng thống mà cá tính thiếu tính bao dung, lòng thương người, sự mong ước đoàn kết dân tộc, mà chỉ thấy vẻ mặt nhăn nhó, không cừoi, ưa gây sợ hãi, chia rẽ, không những trong quần chúng mà trong cả các hàng ngũ lãnh đạo trong Quốc hội và trong các thành viên nội các hay các nhân viên của bộ máy hành chính. Xa hơn trong quá khứ, Tổng thống Cộng Hoà George H. W. Bush đưa ra khẩu hiệu “Toward a kinder, gentler nation”; Tổng thống Dân Chủ Johnson, dù kẹt với chiến tranh Việt Nam tốn kém mà vẫn đưa ra các chương trình xoá nghèo đói “The Great Society” vào thời gian mà Martin Luther King cũng kêu gọi giúp dân nghèo, ngoài chuyên bình đẳng dân quyền.
Trái lại, ông Trump, thâm tâm kỳ thị da đen (gia đình ông cộng tác với tư bản người Do Thái, kể cả ông thông gia Kushner, và rể Kushner), không thương người nghèo (làm giàu trong sự bóc lột, trả lương rẻ, có khi không trả, cho các nhân công trong các dự án xây cất tại New York), cho nên ông Trump không có cảm tình với dân da màu trong khi biểu tình yêu cầu bỏ các tượng các tướng lãnh phe Miền Nam của Nội Chiến Mỹ tại tỉnh Charlottesville, Virginia, và khi phe “da trắng thống trị” (White Supremacists) ập tới xô xát và lái chiếc xe đâm tàn bạo vào đám biểu tình (sau này người lái xe bị án hình) thì ông Trump lại nói nước đôi: “Cả hai bên đều có lẽ phải”. Sau bao nhiêu vụ những năm gần đây có cảnh sát đùng bạo lực giết dân da màu, kể cả hai vụ kẹp cổ đến chết hai nghi can da đen chưa rõ tội trạng có bị Tòa kết án hay không, tại New York City và Minneapolis, thì có nhiều cuộc biểu tình của Phong Trào Bảo Vệ sinh Mạng Người Da Đen “Black Lives Matter” (Sinh Mạng Người Da Đen Phải Được Coi Trọng) trong hơn 600 thành phố, đòi các thành phố, là định chế hành chính cai quản nhân viên công lực, phải trừng phạt cảnh sát bạo hành ngừời da đen trái luật và cải tổ sâu rộng các sở cảnh sát; thế mà ôngTrump vẫn nói “99% cảnh sát làm đúng luật” (ông nói bừa ra con số này, như vẫn phát ngôn bừa trong hầu hết mọi vấn đề).
5/ Trong Cộng đồng Việt Nam nhiều người tin rằng chỉ có Trump mới chống Trung Cộng và đây là cơ hội giúp Việt Nam thoát Trung. GS lý giải như thế nào về quan điểm này?
Nói thế là không thuộc lịch sử về chính sách Mỹ. Từ mấy đời Tổng thống trước đã muốn giúp Việt Nam thoát Trung từ lâu, chứ không phải đợi đến Trump mới có một Tổng thống chống Tàu giúp Việt Nam thoát Trung. Trump đã sẵn sàng nịnh Tàu (sang thăm Tàu mà có cử cháu gái ngoại, con của con gái Ivanka Trump, đứng lên trong bữa tiệc hát bài hát Tàu; còn khen Tập nhiều lần như nói trên, và khi muốn nhờ Tập ảnh hưởng đến Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un về yêu cầu giải giới võ khí hạt nhân Mỹ đề xuất) chứ không trực tiếp chống Tàu về mặt quân sự hay ngoại giao giùm Việt Nam đâu, hay giúp Việt Nam thoát Trung về kinh tế, ngoại thương đâu.
Việc thoát Trung về các phương diện đó tuỳ thuộc vào ý chí kiên cường CUẢ VIỆT NAM (MÀ NẾU KHÔNG CÓ THÌ CHẲNG CÓ CHÍNH PHỦ CUẢ TỔNG THỐNG MỸ NÀO GIÚP ĐƯỢC) trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tự chủ về mặt ngoại giao giữa nhà nước với nhà nước và giữa đảng và đảng (chứ không phải hàng năm cử cán bộ sang Tàu họp để phối trí cho thống nhất chính sách Việt Nam cho đúng Tuyên Bố Chung, và các lời nhắn rỉ tai vừa mua chuộc vừa đe dọa các cán bộ đi sang Tàu nhận lời chỉ dạy như thế), độc lập tự chủ về mặt luật pháp quốc tế (dám kiện Tàu trước Toà án Luật Biến về quyền lợi Việt Nam xét thấy có ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc Luật Biển, chắc như đinh đóng cột), và độc lập tự chủ về mặt thoát Trung trong sinh hoạt kinh tế, kỹ nghệ, đầu tư và ngoại thương (nguồn cung ứng, v.v.).
CÁC TỔNG THỐNG MỸ TRƯỚC đã khéo léo gợi ý muốn giúp Việt Nam củng cố độc lập tự chủ. Ngay từ thời chính phủ Bush, trong chuyến du hành của Thủ Tướng Việt Nam qua Mỹ, Tổng thống Bush đã cam kết bảo đảm cho sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Thông cáo chung Mỹ Việt “nhắc lại sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam về chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ” và nói đến nhu cầu “củng cố đối thoại cấp cao” và ủng hộ “thành lập các cuộc họp hoạch định chính sách về chính trị, quốc phòng để có các trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”. Thế mà Việt Nam vẫn chậm chạp trong việc xích gần Tây Phương. Tại sao Việt Nam không đẩy mạnh đa phương hóa ngọại giao để có đối lực với Trung Quốc, thí dụ thực hiện sự cộng tác tập trận hải quân với Mỹ theo đề nghị của chính phủ Bush? Hỏi một nhà ngoai giao thì đuợc biết là Việt Nam vào lúc đó mới chỉ dè dặt chấp nhận tập việc cùng Mỹ cấp cứu ngộ nạn và tìm xác người trên biển.
Phải tới tháng 7 năm 2010 mới có một sự đột biến quan trọng. Hồi hạ tuần tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Clinton của Tổng thống Obama tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam “không những thật sự là một quốc gia quan trọng mà còn là một bộ phận của chiến lược nhắm tăng cường cam kết của người Mỹ trong khu vực Á châu Thái bình dương, đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á.” Khi phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, bà Clinton còn nói rằng Hoa Kỳ xem việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) bằng đường lối đa phương, theo luật quốc tế, mà không đe dọa hay dùng võ lực, là một “quyền lợi quốc gia” của Mỹ. Những phát biểu này đã khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc phật lòng.
6/ Một số người cho rằng dưới thời Trump, các đồng minh của Mỹ bị chia rẽ, các định chế không được tôn trọng? GS nhận đinh như thế nào?
Thiết nghĩ các đồng minh của Mỹ tại Âu Mỹ như Canada, Anh, Pháp, Đức, hay tại Á như Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, tại Đại Dương Châu như Úc, Tân Tây Lan, thì giữa họ với nhau, không có gì chia rẽ đáng kể, mà trái lại họ muổn bảo toàn sự đoàn kết giữa họ với nhau và nhất là bảo toàn các định chế quốc tế đã lập ra suốt từ sau Thế Chiến II, mà có lợi chung cho mọi nước, như các cơ quan Liên Hiệp Quốc, cần cho việc bảo vệ trật tự và hoà bình/ an ninh trên thế giới, hay có lợi về việc đưa ra tiếng nói cuả các quốc gia về vấn đề kinh tế, thương mại, lao dộng, hay sức khỏe các dân tộc như World Health Organization. Chỉ có riêng ông Trump là gây ra sự rạn nứt, thiếu đoàn kết trong các tổ chức. Ông viện cớ Mỹ đóng góp, nhiều cho ngân sách các tổ chức đa phương đó, mà vây vo, dọa rút tài trợ, hay ép các nước đóng thêm ngân khoản, điều này có thể đúng, nhưng cách mặc cả làm mếch lòng nhiều nước. Hơn nữa tác phong ông Trump khi đi thương lượng, có sự lỗ mãng như chèn vào giữa hai người trong hàng ngang các lãnh đạo đồng minh đã đứng vào vị trí rồi, để đứng ra trước mặt mọi người mà xác nhận vai trò vượt trội của ông. Về nội dung thương lượng, ông Trump cũng chỉ hiểu thô sơ trong khi cần phải nắm bắt các kiến thức mà chuyên viên và các lãnh đạo các quốc gia đã hun đúc lại thành hiệp ước, thí dụ hiệp ước khí hậu Paris, hiệp ước Thương Mại Tây Thái Bình Dương, thế rồi ông tuyên bố huỷ bỏ chúng, một cách khinh thường các quốc gia đối tác họ đã dày công thương nghị với Tổng thống Mỹ tiền nhịệm của Trump, là Obama. Các chính khách và chuyên gia về các vấn đề quốc tế đã kết luận là ông làm nguy hiểm đến hệ thống các cơ cấu quốc tế mà các nước hàng đầu đã xây dưng từ 1945 đến nay. Tóm lại các nước đồng minh của Mỹ không chia rẽ, dằn vặt với nhau, mà muốn bảo vệ hệ thống quốc tế chung. Thí dụ họ thương lượng môt cách văn minh việc dân Anh muốn ra khỏi European Common Market; họ muốn bảo vệ Hiệp Ước Khí Hậu mà Phó Tổng thống Al Gore đã góp phần; họ muốn đại quân Mỹ đóng ở Đức, như là xương sống của Liên Minh NATO, không thể bị ông Trump thình lình đơn phương tuyên bố sẽ rút, mà không tham khảo đồng minh Âu châu, có lẽ vì thế mà, bà Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố sẽ không đi dự hội nghị sắp tới mà Trump mời.
Người trả lời phỏng vấn gửi BVN