“Cắt nước, cắt điện” – Sự trở lại “luật rừng” hay là minh chứng cho sự bất lực của luật pháp?

Nguyễn Ngọc Chu

XIN DỪNG TAY, NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CHỨ KHÔNG PHẢI THỔ PHỈ

Bộ Tư pháp vừa trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính với điều 86 cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính.

Thật ngạc nhiên khi những nhà làm luật có cái suy nghĩ lạ lùng này. Với nhà nước pháp quyền, một trong những nguyên tắc văn minh của nó là "sai việc gì xử lý việc nấy", "ai gây ra ngưới nấy chịu". Phản loạn thì xử tội kẻ phản loạn và hành vi phản loạn; tham nhũng thì xử tội kẻ tham nhũng và hành vi tham nhũng; ăn trộm, ăn cướp thì xử kẻ trộm cướp và hành vi trộm cướp; phá hoại môi trường thì xử kẻ phá hoại môi trường và hành vi phá hoại môi trường… Những việc chưa đến mức xử lý hình sự, như vi phạm luật giao thông thì xử phạt người và giữ phương tiện giao thông, gây mất trật tự công cộng thì xử phạt kẻ gây mất trật tự… Tất cả từ việc lớn đến việc nhỏ đều đã có luật rõ ràng. Lẽ nào một nhà nước pháp quyền mà bất lực đến mức dùng thủ đoạn của thổ phỉ để gây áp lực cho kẻ vi phạm?

Một công ty vi phạm vấn đề môi trường thì xử phạt theo quy định về vấn đề môi trường chứ cắt điện, nước thì có phải gây hệ luy đến hàng ngàn người lao động không?

Một gia đình có thanh niên đua xe hay đánh nhau thì xử lý thanh niên đó về hành vi đua xe, đánh nhau chứ bắt cả gia đình người ta sống trong cảnh không điện, không nước, thì có phải một người gây tội cả nhà phải hứng chịu hình phạt không?

Dùng "biện pháp" cắt điện, nước để cưỡng chế bất cứ vi phạm hành chính nào, khác gì thổ phỉ bắt cóc người vô tội hay triệt hạ đường sống cả gia đình người ta để gây sức ép cho đối phương? Sao không bổ sung luôn điều luật cắt cả xăng dầu, lương thực, nhu cầu ăn ở, đi lại, cho đến mọi quyền lợi khác để cho cả dòng họ người vi phạm hết đường sống? Thật không hiểu nổi!

Một nền chuyên chính có thừa lực lượng và công cụ để cưỡng chế kẻ vi phạm, cần gì phải dùng thủ đoạn (chứ không phải biện pháp) hạ đẳng như vậy? Nếu có hiện tượng cố tình chây ỳ không nộp phạt thì còn có nhiều biện pháp cưỡng chế thích hợp như buộc tạm dừng hoạt động liên quan, thậm chí chuyển xử phạt hành chính sang xử phạt hình sự. Chưa có điều luật như vậy thì bổ sung cho rõ ràng chứ cắt điện, nước thì khác nào sự phong tỏa nhu cầu tối thiểu của con người?

Theo tôi, nếu có suy nghĩ thổ phỉ và quyết áp dụng điều luật thổ phỉ như vậy thì xin hãy dừng tay!

Chu Mộng Long

1. Xã hội loài người, trải qua hàng trăm ngàn năm, phát triển theo hướng tiến bộ và ngày càng nhân văn. Đó là vì loài người khát khao một cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Đó là vì con người muốn mỗi ngày một thoát khỏi tính hoang thú.

Nhưng tiếc thay, trên con đường phát triển của mình, loài người đã tự đưa ra những hình phạt chống lại nhau còn man rợ hơn cả hoang thú.

Ở Tây bán cầu, những cuộc nổi dậy không ngừng chống lại sự chà đạp nhân phẩm đã diễn ra. Từ khởi nghĩa của Spartacus (73 TCN) cho đến cách mạng tư sản Pháp (1789) – cuối cùng thì các hình phạt man rợ thời trung cổ đã bị xóa bỏ. Án tử hình đã không còn ở nhiều nước.

Nhưng ở Đông bán cầu, bức tranh nhân phẩm còn loang lổ những mảng đen khủng khiếp – vẫn hiện hữu cho đến tận bây giờ. Trải qua mấy ngàn năm, những biện pháp man rợ hành hạ nhân phẩm của các bạo chúa Trung Hoa vẫn không ngừng tiếp diễn. Từ những cuộc hạ sát hơn 4 (40?) vạn người ở Trường Bình năm 262 trước Công nguyên (TCN) đến cuộc nghiền sát 1 vạn người trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, đến việc mổ bụng lấy nội tạng hàng vạn người Pháp Luân Công, đến việc cầm tù cả triệu người Duy Ngô Nhĩ… – con đường nhân phẩm thoát hoang thú ở phương Đông còn đầy rẫy gian truân.

2. Khi con người phải viện đến những biện pháp “luật rừng” là sự trở lại hoang thú.

Khi con người phải sử dụng “luật rừng” là luật pháp trong xã hội không nghiêm minh. Là lúc kẻ yếu không thể nhờ vào luật pháp để bảo vệ. Là lúc kẻ mạnh coi thường pháp luật.

Nhưng khi Nhà nước phải viện đến biện pháp của “luật rừng” là tận cùng mạt pháp.

3. “Cắt nước, cắt điện” là cắt nguồn sống của con người. Con người dùng “cắt nước, cắt điện’ để chống lại con người là áp dụng biện pháp côn đồ, là sự hành hoành của “luật rừng”.

Nhà nước phải dùng đến biện pháp “cắt nước, cắt điện” để thực thi pháp luật – là một nhà nước mà nền luật pháp không được tôn trọng. Đó là một xã hội mà quyền con người không được nâng niu.

Những người đề xuất ‘cắt nước, cắt điện” để thực thi pháp luật ở thế kỷ 21 là những người không tôn trọng quyền con người.

4. Làm sao mà các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại có thể mất thời gian để thảo luận biện pháp mang tính xã hội đen, sặc mùi hoang dã, dồn người vào chỗ chết – như “cắt nước, cắt điện” (https://www.baodanang.vn/…/dai-bieu-quoc-hoi-ban-ve-viec-x…/) để thực thi pháp luật ở thế kỷ 21?

Nếu không biết phải làm gì – thì sao không ngó sang luật pháp các quốc gia văn minh để xem họ xử lý như thế nào mà học tập?

5. Đừng nghĩ rằng không liên quan đến bạn. Khi luật "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm" được thông qua – thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị đối xử bằng cách này.

Dù nội dung tranh chấp hoàn toàn khác biệt, dù bạn vô can – nhưng bạn sẽ bị “cắt nước, cắt điện” – đơn giản chỉ vì có kẻ muốn bắt bạn phải quy phục. Những kẻ coi thường pháp luật và lợi dụng pháp luật đang tồn tại nhan nhản. Chúng sẽ “cắt nước, cắt điện” của bạn bất cứ lúc nào chúng muốn.

Bạn sẽ kiện ư? Kiện ai khi mà chính nhà nước phải viện đến “luật rừng”?

6. Không biết có được mấy vị ĐBQH mất ăn mất ngủ về trường hợp hai bố con ông Phan Văn Tuấn và chị Phan Thị Mỹ Xuyên phải trần truồng giữa phố đón xe của ĐBQH để kêu oan?

Họ không thể dùng biện pháp “cắt nước, cắt điện” để chống lại những kẻ đổ lên đầu gia đình họ oan trái – nên đành phải dùng đến biện pháp bất đắc dĩ thời hoang thú mà kêu oan. Để biết được là họ bị oan ức đến nhường nào!

7. Điều mong muốn là các vị ĐBQH sẽ dồn trí tuệ của mình để xây dựng bằng được một Nhà nước Pháp quyền.

Lúc đó sẽ không cần biện pháp hoang dã “cắt nước, cắt điện”. Lúc đó không còn những trường hợp trần truồng để kêu oan. Lúc đó không còn những trường hợp phải tự tử ngay tại tòa.

Nhưng thưa các vị ĐBQH, hôm nay lại nhận được vào tin ngày 22/5/2020 đã có thêm một vụ tự tử ngay tại tòa vì oan trái (https://lsvn.vn/ha-nam-tu-tu-vi-khong-dong-tinh-voi-phan-qu…).

Thưa các vị ĐBQH, tại sao tình trạng oan trái nhiều đến mức độ như thế này? Trách nhiệm của các vị ĐBQH ở đâu?

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

This entry was posted in Bản chất thể chế. Bookmark the permalink.