Khánh An
Một người Pháp đã cắm “cờ giải phóng” của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1970 nói với VOA rằng những năm tháng dài sinh sống và đồng hành cùng người dân Việt Nam đã giúp ông nhìn thấy rõ chế độ mà ông từng ủng hộ nay đã trở thành một hệ thống mafia chính trị kết hợp với kinh tế, đầy tham nhũng và chà đạp con người, “không xứng đáng” và không phù hợp với quan niệm sống của ông “về con người và nhân quyền”.
Từng được chính quyền Việt Nam tôn vinh như một “anh hùng quốc tế” và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đặc cách cấp quốc tịch Việt Nam với tên “Hồ Cương Quyết” vào năm 2009, ông Andre Menras nói với VOA rằng ngày xưa ông ủng hộ chính quyền miền Bắc vì không thể chịu nổi cảnh người dân chết chóc trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, và vì nghĩ rằng chỉ có cách đó mới giúp chấm dứt “cái ác” do chiến tranh gây ra.
“Bởi vì tôi không đi theo chính quyền nào. Tôi không đi theo một ý thức hệ nào. Tôi đi theo con người, tình trạng của con người tại chỗ. Hồi xưa, tôi là giáo viên. Tôi 20 tuổi, là cao thủ bóng bầu dục ở Pháp, có nghĩa là tôi không quan tâm đến chính trị, không biết Marx-Lenin, không thuộc về công đoàn nào. Khi tôi đi xe gắn máy ở nông thôn [Việt Nam] năm 1968, Tết Mậu thân 1869, thì tôi thấy tình trạng của người nông dân ở đó bị đánh bom, bị giết ở trên đường, bị thương ở bụng… Làm sao [tôi] chịu nổi? Chiến tranh là ác nhất trong thế giới này. Vậy nên tôi phản ứng như một thanh niên Pháp yêu đời và không chấp nhận tình trạng đó. Tôi đã làm như thực tế tôi thấy, không phải theo ý thức hệ”, ông Menras kể lại với VOA.
Tuy nhiên, điều mà chàng thanh niên Andre Menras lúc đó không ngờ tới là vài chục năm sau đó, chính mình lại là người lên tiếng phản đối chính quyền mà mình đã từng tâm huyết ủng hộ.
“Những giá trị của tôi vẫn còn đây, nhưng tôi thay đổi về vấn đề đi theo ai, không theo ai hay chính quyền nào, bởi vì tôi thấy ở Việt Nam một thực tế rất rõ là người dân bị chính quyền cướp quyền và bị coi thường, bị đàn áp. Có một đảng là Đảng Cộng sản đã không tôn trọng người dân và tham nhũng. Không phải tham nhũng ít mà là tham nhũng khổng lồ, là một hệ thống mafia chính trị cấu kết với kinh doanh, lưu manh, và hơn nữa là tôi thấy họ hèn với Trung Quốc”, ông Andre Menras nói.
Sau bộ phim “Hoàng Sa: Nỗi đau mất mát” nói về cuộc sống của ngư dân miền trung Việt Nam trước hiểm hoạ Trung Quốc, ông Andre Menras mới đây công bố bộ phim mới có tên “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong”, trong đó quy tụ nhiều tiếng nói từ những “công thần” của chế độ như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyên phó Bí thư thành đoàn TPHCM – cựu tù chính trị Lê Công Giàu, nhà văn Nguyên Ngọc, Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi… và nhiều trí thức khác như GS. TS. Chu Hảo, nhà giáo Phạm Toàn, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, luật sư Đặng Đình Mạnh…
Ông Menras nói bộ phim mà ông đã âm thầm thực hiện một mình suốt 2 tháng là nhằm để ghi lại “những tiếng gào thét” về sự thật bên trong một xã hội “không thực sự hoà bình” như trên bề mặt của nó.
Ông cho biết: “Một số người hồi xưa đã chiến đấu, đã phục vụ chế độ này. Nhưng từ từ họ không chịu được sự bất nhân, cái ác của chế độ toàn trị này và cảm thấy như bị phản bội. Giống như bản thân tôi, những giá trị mà tôi đã chiến đấu vì con người, vì hoà bình, thì tôi thấy chế độ này chà đạp, họ ăn mày dĩ vãng và làm ngược lại, lợi dụng cái đó”.
Trong phim, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người đã 104 tuổi và có thể thấy thính lực đã không còn tốt, thừa nhận rằng Việt Nam cần phải thay đổi, mà trước tiên là phải có dân chủ. “Không có dân chủ, chả được cái gì”, vị tướng cộng sản nói thêm.
Theo đạo diễn, nhà làm phim tự do người Pháp, bộ phim có tính “lột trần sự thật” này không hề nằm trong ý định ban đầu của ông.
Năm ngoái, ông Menras trở về Việt Nam với dự tính thực hiện bộ phim tài liệu mới về Trường Sa, nhưng sự kiện một người bạn bị bắt sau khi dự buổi họp mặt với các trí thức khác đã khiến ông hoàn toàn thay đổi ý định và quyết tâm thực hiện một bộ phim về nhân quyền.
“Một số người đã xin tôi quay, ghi lại lời nói của họ. Tôi không xin. Họ xin. Họ vui vì có một cách để có thể nói mà người ở bên ngoài và trong nước có thể nghe được. Tôi rất ấn tượng về thái độ của họ. Họ làm không phải vì họ, vì cuộc đời họ đã ở sau lưng rồi, mà vì thế hệ mới, vì tương lai của đất nước. Những người đó là những người rất yêu nước”, ông Menras cho biết thêm.
Công dân Việt Nam gốc Pháp này nói rằng với hơn nửa thế kỷ sống với người Việt, từ lâu, ông Menras đã xem Việt Nam là đất nước của mình, và ông “có quyền và có trách nhiệm” nói lên những điều tốt cho đất nước.
Nhà làm phim người Pháp hiện đang nỗ lực phổ biến bộ phim ra quốc tế, với mong muốn tiếng nói của các trí thức trong phim sẽ được lắng nghe, và để bên ngoài biết tình trạng thực sự của con người trong xã hội “hoà bình” tại Việt Nam.
“Họ phải biết chế độ này đã tuyên chiến với dân, và tiêu biểu là vụ Đồng Tâm, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động đã tấn công một làng nhỏ nông dân, những người bình thường đã phục vụ chế độ từ mấy chục năm, và hành quyết một ông già đã bị tàn phế ngay trên giường một cách man rợ như vậy thì chế độ này là của ai?”, ông Menras nói với VOA.
Mượn câu nói “Quan nhất thời, dân vạn đại” của người Việt, ông André Menras nói ông tin chắc Việt Nam sẽ phải thay đổi, dù ông không muốn và không dám đưa ra bất cứ một dự đoán nào về tương lai của quê hương thứ hai này.
“Tôi đã học một điều là phải rất khiêm tốn khi nói về lịch sử. Khi tôi đến Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ treo cờ giải phóng. Khi tôi đã treo cờ giải phóng thì không nghĩ [mình] còn sống, [mà] sẽ bị bắn chết. Sau đó, không nghĩ mình sẽ bị tù. Không nghĩ sau đó 5 năm thì hết bom đạn, khói lửa ở Việt Nam. Nhưng như ông Võ Văn Kiệt đã nói, không nghĩ rằng ‘triệu người sẽ buồn’”.
“Như một cách nói ở Việt Nam hay nói là ‘Quan nhất thời, dân vạn đại’, nghĩa là tình trạng ở Việt Nam bắt buộc sẽ phải thay đổi. Có thể tôi không được thấy ngày đó, nhưng chắc chắn tôi biết là ‘dân vạn đại’, nghĩa là dân chủ sẽ thắng. Việt Nam sẽ có một chế độ, một xã hội dân sự và lành mạnh. Đó là một điều chắc chắn”, ông Menras khẳng định.
K.A.
Nguồn: VOA tiếng Việt