Nhân 100 ngày Cụ Lê Đình Kình bị sát hại: An ninh lại canh nhà những người công khai phản biện!

RFA

Minh họa: Cảnh sát cơ động tại vùng Đồng Tâm. FB

Anh Lã Việt Dũng vào ngày 16 tháng Tư xác nhận với RFA tình trạng nhà anh đang bị an ninh canh chừng:

“Về lý do bị canh nhà là vì một, hai hôm nữa sẽ là ngày giỗ của cụ Lê Đình Kình và họ đã canh nhà phần lớn các anh em (nhà hoạt động) ở Hà Nội, trong đó có cả nhà mình. Lúc dịch bệnh thế này họ vẫn bắt 3-4 người ngồi trước ngõ.

Nói chung, mình nghĩ (việc ngăn, chặn) là quy trình từ trên xuống dưới của họ rồi, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn. Khi mà có sự kiện nào đó mà họ cho rằng là nhạy cảm, chứ không cần phải là sự kiện có khả năng chống phá nhà nước gì cả, thì họ sẽ xua quân đi canh những người mà họ không lường trước được rằng những nhà hoạt động này sẽ làm gì, nên họ sẽ đi canh thôi”.

rong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người
Ảnh FB

Theo những người quan tâm thì dịp 100 ngày cụ Lê Đình Kình mất được nhận định là ‘nhạy cảm’, vì chính một số người vừa qua vào dịp 49 ngày mất của Cụ Lê Đình Kình phải khó khăn lắm mới đến thắp hương được cho người đã mất.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng. AFP

Anh Trịnh Bá Phương, vào ngày 16 tháng 4, nhắc lại việc chính quyền địa phương tổ chức và điều động công an đến canh nhà những người có tiếng nói đấu tranh như anh là nhằm mục đích ngăn chặn, răn đe vì phía chính quyền sợ sự thật có thể qui tụ được số đông người.

Anh Phương cho biết, sau vụ việc gia đình bị cưỡng chế đất ở Dương Nội vào năm 2014, công an đã thường xuyên đến canh nhà anh:

“Trong vài năm qua, thường xuyên công an đến canh nhà tôi. Có những lúc họ đem một vài người đến canh; lúc tôi có việc phải đi ra ngoài bằng xe máy thì họ chặn đầu xe tôi và bắt tôi về đồn công an. Những lần tôi đi taxi, họ cũng chặn đầu xe taxi, đi vào ngồi bên trong và và ép (tài xế) taxi chở thẳng về đồn công an”.

Anh Lã Việt Dũng cho hay, việc bị canh, chặn cho anh cảm giác rất khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của anh:

“Thứ nhất là cảm giác bị canh rất khó chịu. Khi ngồi trong nhà cứ có cảm giác là đi đâu cũng sẽ bị cản trở. Thậm chí là khi mình đi chơi thể thao cùng bạn bè xung quanh. Mình vào sân tennis chẳng hạn, thì họ ngồi canh ở ngoài. Bạn bè mình thì không hiểu tại sao mình bị canh suốt, thì nhiều khi nó cũng gây cảm giác rất khó chịu với mình”.

Đồng tình, anh Trịnh Bá Phương cũng cho biết việc bị canh nhà, theo dõi ngày đêm tại nhà anh đã ảnh hưởng đến anh và gia đình rất nhiều:

“Việc mà họ canh giữ như thế khiến cho những người dân làng, hàng xóm xung quanh tôi hoang mang. Tôi thấy nhiều người nói với tôi rằng là họ bị phiền, chẳng hạn như đêm hôm mà công an tập trung rất đông, hàng xóm họ không ngủ được.

Qua việc công an anh giữ tôi như thế thì trong mắt của một số người dân, họ lại nghĩ tôi là đối tượng phản động và từ đó họ có cái nhìn suy nghĩ khác về tôi. Vợ tôi cũng đang mang bầu và con nhỏ cũng phản ứng rằng họ bị ảnh hưởng tâm lý”.

Theo quan sát của anh Trịnh Bá Phương, trong vài năm gần đây, quy mô cho việc canh, chặn của công an địa phương đã trở nên lớn hơn; không chỉ canh, chặn một hộ gia đình hay một người, chính quyền còn điều động canh, chặn số đông lên đến hàng trăm người với mục đích ngăn không cho dân biểu tình:

“Thứ nhất, họ ngăn chặn được rất nhiều cuộc biểu tình mà dự kiến sẽ nổ ra, hoặc những lời kiêu gọi chuẩn bị biểu tình vào ngày, giờ nào đó hầu hết đều bị họ phá tan thành công bằng việc canh, chặn, bởi vì tất cả những nhân tố mà có thể đứng đầu huy động số đông có thể cùng người dân tổ chức các cuộc biểu tình đều bị ngăn, chặn tại nhà rồi. Chính vì vậy mà hầu hết các cuộc biểu tình dự kiến liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền đều đã bị dập tắt”.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương. FB

Anh Phương cho rằng, do số người lên tiếng phản biện chính quyền ngày càng đông, nên việc bắt giam hết là điều không thể. Vì vậy, bộ máy công an nghĩ đến việc canh, chặn tại nhà là hình thức quản thúc, cầm tù người dân. Tuy nhiên, anh Phương cho rằng việc canh, chặn nhà dân của chính quyền vẫn không thể ngăn được cuộc đấu tranh của người dân:

“Hình thức canh, chặn tại nhà, hay những hình thức mà các chế độ độc tài sử dụng như giam tù, thì cũng không thể ngăn cản được cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền cũng như quyền lợi chính đáng của người dân trong tương lai. Đây chỉ là hình thức đối phó và cố kéo dài thêm chế độ cai trị của nhà nước cộng sản Việt Nam”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, bất cứ chính quyền nào cũng có bộ phận nghiên cứu, phân tích và đưa ra lý lẽ lập luận cho những chính sách để kiểm soát tình hình địa phương:

“Trong số hàng trăm người, hàng ngàn người như thế, chính quyền sẽ lọc ra vài chục người, những người mà họ nghĩ sẽ nguy hiểm cho vị thế của họ và họ canh và đàn áp. Tôi nghĩ rằng nếu họ nghĩ lại cẩn thận thì họ không nên làm những chuyện (ngăn, chặn) lố bịch như vậy”.

Anh Trịnh Bá Phương cho rằng một chế độ hà khắc, bạo lực và tàn bạo sẽ không tồn tại lâu dài:

“Chế độ có sự hà khắc, bạo lực hoặc có bộ máy công an tàn bạo, khát máu không thể duy trì được chế độ và lịch sử đã chứng mình được điều đó. Một chế độ có thể bảo đảm quyền dân chủ, nhân quyền mới có được sự ủng hộ của người dân và chế độ đó mới có thể tồn tại mãi mãi được”.

Có người thường xuyên bị canh chặn như bà Đặng Bích Phương cho biết bản thân bà lúc đầu thấy khó chịu, nhưng dần rồi quen và bà trực tiếp nói chuyện với những người được cử đến làm nhiệm vụ.

Một số trong họ thú nhận chẳng thích thú gì, nhưng vì ‘miếng cơm, manh áo’ nên phải chấp nhận làm công việc canh chặn, rình rập quanh nhà người khác như thế!

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/on-le-dinh-kinhs-100th-day-death-anniversary-security-guards-monitor-people-who-publicly-criticized-authorities-04162020172106.html

This entry was posted in Bạo lực, Cái chết cụ Kình, Chuyên chính, công an, Mặt thật cộng sản, Tội ác Đồng Tâm, XHDS. Bookmark the permalink.