Chu Hảo
Ngay trước khi qua đời, Nikita Moiseev (1917-2000, Nga) đã kịp để lại cho hậu thế một trước tác kinh điển: Tồn tại hay không tồn tại… Loài người? (NXB Tri thức 2019), trong đó ông chỉ ra rằng loài người đang đứng trước một tai họa vô cùng nguy hiểm. Đó là, Hệ sinh thái của Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta, có thể bị hủy hoại hoàn toàn trong một tương lai rất gần nếu nhân loại không hợp lực để cứu vãn tình trạng đang ngày càng bi thảm này. Theo ông, từ nửa cuối TK 19, nền khoa học và công nghệ đã hoàn hảo và hùng mạnh đến mức đủ sức để khai thác triệt để Tự nhiên như một “kho trời” vô tận, nơi tích lũy tất cả những gì cần thiết cho sự thỏa mãn những nhu cầu vô độ của con người, đồng thời cũng làm tăng tốc cuộc đại khủng hoảng Môi trường sinh thái – Sinh quyển của Trái đất đang chín muồi.
Moiseev cho rằng: “Loài người như một loài sinh vật mang tính hữu tử, và theo nghĩa ấy thì kết cục của lịch sử loài người một ngày nào đó sẽ đến. Và không phải trong một tương lai hoàn toàn không xác định, mà có thể ngay vào giữa TK 21”.
Rồi mới gần đây thôi thế giới lại xôn xao bàn luận về các tác phẩm trứ danh của Nhà nghiên cứu lịch sử trẻ tuổi người Israel, sinh năm 1976, Yuval Noah Harari: Sapiens – lược sử về loài người, Homo Deus – lược sử tương lai, và 21 bài học cho TK 21 (NXB Thế giới, 2018-2019). Theo ông, cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật từ TK 17 và những thành tựu huy hoàng của nó cho đến cuối TK 20 tuy đã làm cho con người vượt qua được nỗi sợ muôn thuở các nguy cơ nạn đói, bệnh tật và chiến tranh, nhưng lại tự chuốc vạ cho mình bởi những khát vọng trường sinh bất tử, hạnh phúc viên mãn và sức mạnh thần thánh. Nhưng chính khát vọng ấy sẽ mau chóng đưa loài người đến diệt vong bằng cách biến loài HomoSapiens thành một loài “nửa người nửa ngợm” với bộ não gắn “chip” trí khôn nhân tạo và các bộ phận cơ thể sống được chế tạo từ các tế bào gốc và vật liệu nano dẻo. Thế là chấm hết mọi ý nghĩa thiêng liêng mà Tạo hóa dành cho Con người. Lời cảnh báo nghe có vẻ rất “kỹ trị” (technocrat) ấy xem ra không phải là viển vông.
Với các cách tiếp cận và lý giải khác nhau, nhưng họ đều có chung một thông điệp: TK 20 là Thế kỷ cảnh báo, còn TK 21, là Thế kỷ lựa chọn giữa ngã ba đường: Sống thế nào hay là chết thế nào? Moissev đã không còn cơ hội để nhìn thấy TK lựa chọn sẽ xảy vào lúc nào nữa. Còn Harari thì khi viết về dịch bệnh trong cuốn sách đầu tiên của mình chắc cũng không thể ngờ rằng đại dịch Covid -19 đang hoành hành trên khắp hành tinh này đã sớm đặt nhân loại giữa ngã ba đường, đứng trước một bước ngoặt lịch sử, đúng vào lúc cuộc khủng hoảng toàn diện toàn cầu đã hé lộ. Loài người thông minh không còn thời gian lưỡng lự hàng thế kỷ nữa, mà phải lựa chọn ngay từ bây giờ, từ những thập kỷ đầu tiên của Thiên niên ký thứ ba này, để sống sót và viết tiếp lịch sử của mình.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ L’Opinion (Pháp) ngày 1 tháng 4 vừa qua Harari cho rằng: “Chúng ta đã bước vào một cơn lốc lịch sử do cuộc khủng hoảng sức khỏe này gây ra. Những quy luật bình thường của lịch sử đã hoàn toàn thay đổi. Và chỉ trong vài tuần, những gì không thể trong quá khứ giờ đã trở nên bình thường. Sự thay đổi này có nghĩa là, một mặt chúng ta nên cực kỳ thận trọng, mặt khác chúng ta cũng nên cho phép mình có những ước mơ”.
Thật là một phán xét chí lý! Phải cực kỳ thận trọng để đánh giá toàn diện tác động khó lường của cuộc khủng hoảng trầm trọng này, đồng thời cũng phải tổng kiểm duyệt nhằm phát hiện những bất cập cần phải hủy bỏ (có thể nói là rất, rất nhiều!) trong các văn bản pháp luật ở tầm quốc tế và quốc gia; nhưng mặt khác lại phải có đủ hoài bão sáng tạo để tận dụng những cơ hội hiếm có mà nó mang lại.
Như chúng ta đã thấy, chỉ trong vài tuần Covid-19 đã làm rung chuyển thế giới, làm lung lay nhiều quan niệm truyền thống về cuộc sống của con người và các định chế xã hội (từ cấp độ toàn cầu đến quốc gia).
Từ chỗ là một thành phần cơ hữu của Tự nhiên, mấy thế kỷ vừa qua loài Homo Sapiens đã tự tách mình ra khỏi và đứng trên Tự nhiên, cố gắng đóng vai trò của Chúa thiết kế nên sự sống. Ngay từ năm 1818, Mary Shelley (Anh,1797-1851) đã cảnh báo sự trừng phạt nặng nề sẽ đến đối với cái cố gắng bất kính Tạo hóa ấy thông qua con quái vật Frankenstein – một thực thể động vật nhân tạo do một nhà khoa học chế tác, rồi vô tình làm sổng nó khỏi tầm kiểm soát và gây ra những tai hoạ khủng khiếp. Con virus Sars-Cov-2 là hiện thân thực thể của con Frankenstein do nhà văn tưởng tượng. Chỉ có điều bà Mary Shelley đã cho Frankenstein được sổng chuồng một cách vô tình, còn con Sars-Cov-2 thì hình như không phải vậy: tuy chưa có bằng chứng chắc chắn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng trước sau sự thật sẽ chỉ mặt vạch tên tác giả của con virus nguy hiểm này và bọn tội phạm diệt chủng nào đã cố tình thả nó ra?
Dù sao ta cũng phải cám ơn sự xuất hiện của con virus chủng Corona tinh quái đã gây ra đại dich Covid-19 vào đúng lúc này, vào lúc mà lời cảnh báo của Moiseev về ngày tận thế của Sinh quyển rất có thể đang cận kề, trở thành hiện thực. Và đúng như Gael Giraud (Pháp, Diendan.org 4-2020) đã sớm nhận ra: “Đại dịch này là cơ hội để chúng ta thay đổi cuộc sống và các định chế nhằm tới hạnh phúc trong sự tiết độ và và sự tôn trọng tính hữu hạn [của trí lực con người]”.
Có nhiều phán xét và dự báo đã được đưa ra, ít nhiều đều có cơ sở, nhưng cũng có những kết luận vội vàng và có cả những ngộ nhận.
Về phương diện dịch bệnh. Chưa ai biết chắc bao giờ Vovid-19 sẽ qua đi, nhưng với quyết tâm điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng của các chính phủ và nỗ lực sáng tạo phi thường của cộng đồng khoa học thế giới, ta có cơ sở để hy vọng nó sẽ sớm được dập tắt. Tuy nhiên nếu con virus này là nhân tạo ngoài vòng kiềm chế, không theo quy luật virus tự nhiên thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Nó tiếp tục tạo ra các đỉnh mới? Hay một đại dịch khác đang chờ sẵn trong tương lai rất gần, và cứ thế tiếp tục… cho đến thời hạn chót mà Moiseev đã cảnh báo. Riêng tôi vẫn hy vọng rằng đại dịch này mới là một cú tát của Tạo hóa chỉ vừa đủ làm cho chàng Homo Sapiens đang say lảo đảo tỉnh ngộ.
Về phương diện kinh tế. Nhìn vào các gói trợ cấp khổng lồ mà tuần qua các chính phủ đồng loạt khẩn cấp tung ra để cứu vãn nền kinh tế và sự an sinh xã hội của nước mình, ta có thể thấy được mức độ tàn phá của Covid-19 gây ra. Nếu trong vài ngày tới New York “vỡ trận” thì một cuộc Đại suy thoái mới này có thể còn trầm trọng hơn cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra từ năm 1929 đến đầu những năm 40 thế kỷ trước, cũng xuất phát từ thành phố này khi thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ. Thế nhưng khẳng định rằng: Chủ nghĩa tự do kinh tế, vốn là bùa thiêng cứu các nước công nghiệp vào thập kỷ 70-80 thế kỷ trước, đã hoàn toàn thất bại; và rằng: Kỷ nguyên cực thịnh của Toàn cầu hóa đã qua [John Gray, New Statement 4-2020…], thì có lẽ là hơi vội. Sau đại dịch này, Chủ nghĩa tự do kinh tế sẽ tự điều chỉnh để thích nghi theo hướng: Từ bỏ mục tiêu Tăng trưởng không ngừng bằng mọi giá bất chấp sự hủy hoại môi trường sinh thái – nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đại dịch này; điều chỉnh mối tương liên giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu để nó “lỏng lẻo” hơn, linh hoạt hơn. Toàn cầu hóa cũng vậy, nó vẫn không thể đảo ngược được. Chỉ có điều, sau đây nó sẽ không chỉ là sân chơi chủ yếu của nhóm nước “một tỷ vàng” và các công ty xuyên quốc gia, luật chơi sẽ được viết lại để sự hợp tác bình đẳng hơn như đang xảy ra trong đại dịch này, để cùng sống sót sau bất kỳ tai họa nào trong tương lai.
Về phương diện chính trị. Thông thường thì khi phải xử lý tình trạng khẩn cấp, một thể chế chuyên chính có nhiều lợi thế hơn. Nhưng trong đại dịch này, con Covid-19 đã buộc mọi quốc gia, không phân biệt thể chế, phải tiến hành các biện pháp cưỡng bức như nhau. Có người lo rằng xu hướng này sẽ dẫn đến thất bại của nền dân chủ. Không hẳn vậy, đây lại chính là một cơ hội cho các thể chế dân chủ (đặc biệt ở những nước “một tỷ vàng”) điều chỉnh thể chế.
Còn nhớ, ngày 11 tháng 11 năm 1947 cố Thủ tướng Winston Churchill đã có một tuyên bố nổi tiếng trước Quốc hội Anh: “Dân chủ không phải là hình thức xã hội tối ưu, nhưng hiện nó đang là hợp lý nhất, và vẫn chưa có thể chế nào hay hơn nó”. Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Mới đây Garett Jone đã xuất bản cuốn sách thú vị “Ít đi 10% Dân chủ” (10% less Democracy, Stanford Univversity Press, 2-2020) với ngụ ý rằng ở các nước G-7 nên bớt đi 10% Dân chủ sẽ tốt hơn. Theo ông thì Singapore Dân chủ đã mất đi 50% rồi, [vậy thì con số ấy của Trung Quốc phải là 90%!?]. Covid-19 là cơ hội để nền Dân chủ thúc đẩy cải cách theo kiểu đó, chứ nó không thể thất bại. Sau đại dịch, người dân có thể chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền bằng căn cước điện tử nhằm phục vụ an sinh, như để phòng chống dịch bệnh…, chứ không dễ dàng từ bỏ khát vọng được tự do biểu đạt ý kiến riêng trên mạng xã hội. Sau đại dịch bất ngờ này nhân dân toàn thế giới càng nhận thức rõ thế nào là một chính quyền thật sự vì Dân, tôn trọng sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Người dân chỉ cần một chính phủ hành động quyết liệt và hiệu quả, chứ không cần những khẩu hiệu chính trị suông.
Về các giá trị truyền thống. Covid-19 đã làm chúng ta hốt hoảng đến nỗi nhiều người nghĩ rằng sau đây mọi giá trị sẽ đảo lộn. Điều này chỉ là biểu hiện của tình trạng mà Thanh Việt (nhà văn mỹ gốc Việt, Giải Pulitzer 2016) đã nhìn thấu: “Kẻ thù thực sự của chúng ta không phải là con virus, mà là phản ứng của chúng ta với virus – một phản ứng đã bị suy thoái và biến dạng bởi sự bất bình đẳng về cấu trúc của xã hội”. Cái phải thay đổi không phải là các giá trị truyền thống cốt lõi như lòng vị tha và tình yêu thương đồng loại, đúng là: “Lòng tốt với người khác là điều quý giá đến mức phải được chia sẻ”. Hàng ngũ Y – Bác sĩ và các nhân viên y tế toàn thế giới lần này đúng là các vị Bồ tát cứu nhân độ thế. Các nhà khoa học khắp nơi chưa bao giờ có dịp hợp tác vô tư đúng với tinh thần học thuật vì mục đích nhân đạo, như đang cùng nhau chung sức chống tác hại của con virus nhỏ bé mà tàn bạo này. Và có lẽ cũng từ khi sinh ra đến giờ loài Homo Sapiens mới có dịp định thần để suy nghĩ và trải nghiệm lại giá trị của gia đình như một tế bào của xã hội.
Về lối thoát. Đã 20 năm kể từ khi lời kêu gọi thống thiết của Nikita Moiseev về việc ngăn chặn thảm họa Môi trường sinh thái – Sinh quyển của Trái đất, vẫn bị các tổ chức quốc tế có liên quan, các chính phủ và cộng đồng xã hội ngó lơ. Đề xuất của ông về việc giới tinh hoa toàn cầu phải mau chóng hợp sức tạo ra Trí quyển – Tập hợp Trí tuệ của nhân loại để cấp cứu Sinh quyển trước khi nghĩ đến những điều to tát hơn, hình như cũng sắp rơi vào quên lãng.
May thay, Covid-19 xuất hiện như một sự sắp xếp của Tạo hóa, nhắc nhở loài người về một ngày “tận thế” không xa… Đi về phía ấy hay rẽ sang ngã khác phụ thuộc vào mỗi chúng ta.
C.H.
Tác giả gửi BVN