Trung Quốc hạn chế dòng chảy Mekong. Các quốc gia khác chịu hạn hán

Hannah Beech

Nguyệt Quang Bảo dịch

Công trình nghiên cứu mới cho thấy những kẻ chủ mưu ở Bắc Kinh có vẻ như đã trực tiếp tạo ra các mực nước thấp kỷ lục ở Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

BANGKOK – Trong khi Trung Quốc bị lâm vào trận dịch coronavirus hồi cuối tháng Hai, bộ trưởng ngoại giao của nước này đã diễn thuyết trước một đám đông lo âu ở Lào, quốc gia có nông dân và ngư dân trên khắp vùng sông Mekong đang vật lộn với trận hạn hán tồi tệ nhất trong đời họ.

Thông điệp của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (Wang Yi — 王毅) là: Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau của quý vị.

Ông ta nói rằng TQ cũng đang chịu đựng những tình trạng khô hạn làm cạn nước từ một trong những con sông năng suất nhất thế giới.

Nhưng công trình nghiên cứu mới từ các nhà khí hậu học của Mỹ lần đầu tiên cho thấy rằng TQ, nơi mà nguồn nước bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng, hoàn toàn không hề chịu cảnh ngộ khốn khổ như vậy. Thay vào đó, các kẻ chủ mưu của Bắc Kinh có vẻ như đã trực tiếp tạo ra các mực nước thấp kỷ lục bằng cách hạn chế lưu lượng của con sông.

Alan Basist, đồng tác giả của bản báo cáo cho Eyes on Earth, một chương trình giám sát tài nguyên nước, đã được đăng tải hôm thứ Hai, nói rằng: “Dữ kiện của vệ tinh không nói láo, có rất nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng, ngay cả khi các quốc gia như Cam Bốt và Thái Lan đang phải chịu hạn hán cùng cực”.

Ông Basist nói thêm rằng: “Thật sự có một khối nước khổng lồ đang bị chặn lại ở TQ”.

Mekong là một trong những con sông màu mỡ nhất trên trái đất, nuôi dưỡng cả hàng chục triệu con người bằng các vùng nước và các ngư trường giàu dinh dưỡng của nó. Nhưng một dãy các con đập, hầu hết là ở TQ, đã cướp đi những nguồn sống phì nhiêu này của con sông.

Những người sống phụ thuộc vào những ngư trường trong nội địa nước họ đều nói rằng sản lượng của họ đã đột ngột giảm một cách khắc nghiệt. Những trận hạn hán triền miên và những trận lũ lụt bất thình lình đã vùi dập khổ sở những người nông dân.

Việc Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát thượng nguồn Mekong, nơi cung cấp đến 70 phần trăm lượng nước hạ lưu trong mùa khô, đã gây nên sự lo lắng, giận dữ ở những quốc gia bị ảnh hưởng, dù đó là những quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào mậu dịch với TQ. Trong khi chính phủ TQ đưa ra một chương trình phát triển toàn cầu và nói rằng chương trình đó sẽ mang lại lợi ích cho các đối tác mậu dịch nghèo hơn, thì một phản ứng gay gắt đang ngày càng tăng trong các nước cảm thấy họ đang bị thua thiệt.

Brian Eyler, giám đốc chương trình Stimson Center’s Southeast Asia và là tác giả của “Last Days of the Mighty Mekong” (tạm dịch: “Những Ngày Cuối Cùng Của Dòng Mekong Hùng Vĩ”) nói rằng: “Vấn đề là giới cầm quyền của TQ xem nước là thứ để  họ sử dụng chứ không phải là một tiện ích để các nước cùng nhau chia sẻ”.

Vì ảnh hưởng địa chính trị của nước TQ đã tăng lên, các lãnh đạo của nước này coi nước họ như là một siêu cường khác biệt, một siêu cường, mà như một thành ngữ TQ nói, quan tâm đến những mối quan hệ “đôi bên cùng lợi” với các quốc gia khác.

Nhưng vài quốc gia, như Sri Lanka và Djibouti, đã rơi vào điều mà các nhà phê bình lo sợ là những cái bẫy nợ, khi các dự án chiến lược rốt cuộc nằm trong tay người TQ. Các quốc gia Phi và Á khác đều lo ngại rằng TQ chỉ đơn thuần là một thế lực đế quốc khác đang tham lam háo hức hút sạch các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chẳng hề bận tâm đến cư dân địa phương.

Chainarong Setthachua, một thuyết trình viên và là một chuyên gia về Mekong tại Mahasarakham University ở đông bắc Thái Lan, nói:

“Đây là một phần trong sự phát triển kinh doanh của TQ. Những người dân không có chuyên môn, sự mưu sinh và tìm kiếm thu nhập của họ phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của Mekong sẽ tự động bị loại bỏ”.

Ông Basist và đồng nghiệp là Claude Williams đã xây dựng mô hình dữ liệu từ các thông tin khác nhau liên quan đến lưu lượng con sông, từ tuyết và sự tan băng cho đến lượng mưa và độ ẩm của đất. [Từ đó] Các khoa học gia phát hiện ra rằng trong hầu hết các năm, lưu lượng ở thượng nguồn sông Mekong, trong điều kiện tự nhiên và không bị ngăn chặn, là xấp xỉ với các mực nước đo được ở hạ lưu tại một điểm đo dạc ở Thái Lan, chỉ thỉnh thoảng có ngoại lệ khi các hồ ngăn ở TQ đang được chứa đầy hay đang được xả nước.

Khi có một trận hạn hán theo mùa ở TQ, thì năm quốc gia vùng hạ lưu – Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam – cũng sẽ chịu hạn hán. Khi có lượng nước quá thừa ở TQ, thì ngập lụt ở lưu vực sông Mekong là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Nhưng trong thời gian mùa mưa năm vừa rồi, lưu lượng ở hai vùng của con sông này đã khác nhau một cách kịch tính.

Khi phần đoạn sông Mekong thuộc về TQ có lượng nước trên trung bình, thì các quốc gia ở hạ lưu bị lâm vào cảnh hạn hán quá khốn đốn, đến nổi có những phần của con sông Mekong bị khô cạn hoàn toàn, để lại lòng sông nứt nẻ phơi trần ra trong một mùa mà vào những năm trước người làm nghề đánh cá ở đây có thể sống sung túc.

rong hình ảnh có thể có: núi, bầu trời, đại dương, ngoài trời, thiên nhiên và nước
Một khúc nước nhỏ hẹp chảy qua lòng sông đã cạn của sông Mekon gần Sangkhom, Thái Lan, hồi tháng Giêng.

rong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, bầu trời, đại dương, đám mây, ngoài t
Một làng nổi ở Cam Bốt năm 2018. Hàng chục triệu người sống phụ thuộc vào sông Mekong.

Tại một điểm đo ở Chiang Saen, miền bắc Thái Lan, những mực nước thấp như thế chưa từng được ghi nhận bao giờ.

Qua số liệu của 28 năm nghiên cứu, đo đạc, ông Basist và đồng nghiệp của ông đã tính toán được rằng những cái đập ở phía TQ đã giữ lại mực nước sông cao hơn 125 mét (410 feet).

Trong lúc diễn thuyết trước các bộ trưởng ngoại giao trong khu vực hồi tháng Hai, ông Wang, bộ trưởng ngoại giao TQ, cho rằng TQ cũng đang chịu khổ. Ông ta gợi ý rằng giới lãnh đạo của TQ đang thể hiện tính hào hiệp cao thượng bằng cách xả cho nước chảy xuống hạ lưu, đặc biệt là tại một thời điểm mà Bắc Kinh đang vật vã với một trận bùng phát dịch coronavirus khốc liệt.

Ông ta nói: “Dù là chính bản thân TQ cũng đã chịu khổ sở bởi trận hạn hán đó và  dù đang có thiếu mưa nghiêm trọng ở những khúc thượng lưu, nhưng TQ đã cố gắng khắc phục được nhiều tình huống khó khăn khác nhau để gia tăng xả nước”.

Ông Basist đã phản kháng lại cái luận điệu này.

Ông Basist nói: “Hãy nhìn vào hoạ đồ của chúng tôi, vùng có màu xanh sáng rực là vùng có rất nhiều nước ở TQ, vùng có màu đỏ rực là do thiếu nước trầm trọng ở Thái Lan và Cam Bốt. TQ đã điều tiết lưu lượng của dòng sông bằng những con  đập, và bản đồ hiện ra chính xác những gì mà TQ đang làm”.

Thêm vào nỗi đau vùng hạ lưu là những sự xả nước bất thình lình từ phía TQ. Việc xả nước không hề được thông báo trước và nó nhận chìm những mùa màng mà vì tình trạng hạn hán nên nông dân đã phải trồng cấy gần các bờ sông.

Ông Chainarong, thuộc Mahasarakham University, nói: “Việc TQ xả nước ra là vấn đề chính trị. Nó được tạo ra để dựng thành chuyện là họ đang ban phát đặc ân. Họ gây ra thiệt hại, nhưng họ lại đòi phải biết ơn”.

Trong lúc Mekong là sự sống của các cư dân của các quốc gia vùng hạ lưu, thì ở thượng lưu con sông lại chảy dồn qua các hẽm núi hẹp của TQ, và vì thế ở đó sông Mekong vô dụng đối với hoạt động kinh tế ngoại trừ thuỷ điện. Hồi đầu thế kỷ này, chính phủ TQ, bắt đầu tăng tốc những kế hoạch đắp các con đập trên sông Lancang – tên sông Mekong được gọi ở TQ.

Ngày nay, đoạn sông Mekong thuộc về TQ nằm ở vùng tây nam nước này bị ngắt quãng bởi 11 con đập, sản xuất nhiều điện hơn nhu cầu khu vực. Những con sông lớn khác bắt nguồn ở vùng băng giá thuộc cao nguyên Tây Tạng, như là Brahmaputra, một con sông thiêng liêng đối với những người Ấn Độ giáo (Hindu) ở Ấn Độ, cũng đã bị ngăn đập ở TQ.

Sự thừa mứa năng lượng hiện có là một lý do mà các nhà bảo vệ môi trường của TQ đã thành công trong việc thuyết phục chính phủ xếp vào xó những kế hoạch ngăn đập một con sông khác trong khu vực, sông Nu, khi chảy vào Miến Điện thì thành sông Salween.

Thế nhưng ngay cả khi Bắc Kinh bắt đầu xúc tiến cho bằng được việc xây các con đập thuỷ điện trên dòng Mekong, thì họ lại từ chối gia nhập với Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam và Lào thành một nhóm khu vực chuyên lo về sức khoẻ của dòng sông. Trong một khảo sát được uỷ nhiệm bởi Uỷ hội sông Mekong (Mekong River Commission), các khoa học gia đã cảnh cáo rằng sự ồ ạt xây dựng những con đập trên dòng Mekong có thể cướp đi 97% lượng phù sa của con sông chảy vào lưu vực của nó ở Việt Nam.

Niwat Roykaew, một thành viên tổ chức cộng đồng và là một người ủng hộ bảo vệ môi trường ở miền bắc Thái Lan nói: “Con sông sẽ chết!”.

Thay vào đó, Bắc Kinh tạo ra cái sáng kiến Lancang-Mekong Cooperation (tạm hiểu là Hợp tác Lancang- Mekong) của riêng họ và cấp vốn cho một toà nhà sang trọng cùng một nhóm người ở Cam Bốt, nơi mà Thủ tướng Hun Sen đã đưa quốc gia vào quỹ đạo của TQ một cách chắc nụi. Những người chỉ trích cáo buộc sáng kiến được Bắc Kinh cấp vốn đó là ít mang tính cách của một cơ chế bảo vệ con sông, mà lại nhiều tính chất là một cái loa cho chiến dịch vận động của TQ về dòng sông Mekong hơn.

Nhưng ngay cả ông Hun Sen, một kẻ chuyên quyền tại vị lâu nhất châu Á, cũng có vẻ như đã sững sờ bởi sự tàn phá vì thiếu nước ở sông Mekong – tình trạng này đã tăng nhanh hồi tháng Bảy vừa qua. Nên Bộ Năng lượng của Cam Bốt đã công bố rằng Cam Bốt đang đình chỉ các kế hoạch về đập trên dòng Mekong mà đã được cấp vốn phần lớn là từ TQ.

Trong lúc này, nước dự trữ ở TQ căng đầy lên, vì các hồ chứa đã chứa đầy nước băng hà tan chảy, dòng nước này đã nuôi sống dòng Mekong hàng thiên niên kỷ qua.

Ông Basist nói: “Băng hà là nguồn dự trữ nước, nhưng với sự biến đổi khí hậu thì chúng đang tan nhanh. Người TQ đang xây dựng những hộp ký thác an toàn ở thượng nguồn Mekong vì họ biết rốt cuộc nguồn dự trữ đó sắp sửa cạn và họ muốn giữ lượng nước đó để dự trữ”.

*

Muktita Suhartono đóng góp vào việc tường thuật này.

H.B.

N.Q.B dịch từ nguồn: https://www.nytimes.com/…/wo…/asia/china-mekong-drought.html

Dịch giả gửi BVN 

This entry was posted in Mekong, Sông Mékong. Bookmark the permalink.