Ren Zhiqiang (任志强 – Nhậm Chí Cường): Lương tâm và hy vọng của Trung Quốc để cứu lấy dân tộc Trung Hoa

Bradley A. Thayer & Lianchao Han (Hàn Liên Triều 韩连潮)

Gần một tháng sau sự đột ngột biến mất của Nhậm Chí Cường, một doanh nhân đã về hưu ở Trung Quốc, giới cầm quyền Trung Quốc vừa mới công bố về sự chính thức giam giữ và điều tra ông. Dù có thể là đã ít người Mỹ nghe tiếng về Nhậm, nhưng tin tức này đã khuấy động nền chính trị của Bắc Kinh và có thể có tác động đủ thứ lên tương lai chính trị Trung Quốc và cả sự ổn định toàn cầu.

Ren Zhiqiang: China's conscience and hope to save the Chinese people

Vấn đề là như vậy bởi vì Nhậm là một người chỉ trích có thế lực và  lâu đời  đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) và các lãnh đạo của đảng này. Sinh ra trong một gia đình CCP, ông ta có một mối quan hệ mật thiết với nhiều lãnh đạo Trung Quốc, gồm cả Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan – 王岐山), Phó Chủ tịch của Trung Quốc, và Du Chánh Thành (Yu Zhengsheng – 俞正声), cựu Chủ tịch Trung Quốc Nhân dân Chính trị Hiệp thương Hội nghị (中国人民政治协商会议).

Nhậm là một đảng viên của CCP và có một sự nghiệp thành công trong tư cách là một nhà phát triển địa ốc. Điều quan trọng hơn, đó là ông ta đã trở thành một nhà tư tưởng hàng đầu soi chiếu nền chính trị Trung Quốc và về cách làm thế nào để phục vụ tốt nhứt cho quyền lợi của người dân Trung Hoa. Những ý tưởng có lý luận đâu ra đó của ông ta mang lại cho ông ta cả hàng chục triệu người theo dõi.

Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, Nhậm buộc tội Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự coi thường mạng người và sự liều lĩnh xoay xở tồi tệ cuộc khủng hoảng y tế công cộng mà đã dẫn đến sự tổn thất cả hàng ngàn sinh mạng ở Trung Quốc và sự tổn hại không kể xiết trên khắp hoàn cầu. Tập và CCP đã trơ trẽn vẽ ra chân dung của lãnh đạo Trung Quốc là một vị anh hùng đã cứu được Trung Quốc và hướng dẫn thế giới chiến đấu với đại dịch này.

Trong một bài văn dài xuất bản trong tháng Hai, Nhậm mắng chửi Tập, nói rằng ông nhận thấy Tập “chẳng phải là một Hoàng đế đứng đó để triển lãm ‘quần áo mới’ của gã ta, mà là một tên thô lỗ trần truồng cứ khư khư vào việc tiếp tục làm Hoàng đế”.

Bài văn đó là một bản cáo trạng để buộc tội hành vi của Tập trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Nhậm không những nhạo báng Tập một cách không thương tiếc mà còn vạch rõ chi tiết những sai lầm của Tập trong việc “đích thân chỉ đạo” những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát vi trùng corona ở Vũ Hán, bác bẻ lại Tập và bác bẻ lại sự ca tụng không tiếc lời về ông ta của bộ máy tuyên truyền của CCP. Cụ thể là Nhậm đã chỉ trích sự giấu nhẹm của Tập về sự thật của sự bùng phát dịch, không chịu công bố kịp thời những thông tin trọng yếu, thoái thác trách nhiệm, láo khoét để che đậy sự điều hành tồi tệ của ông ta, và đàn áp những người lên tiếng cảnh báo.

Nhậm lập luận rằng những nhược điểm trong hệ thống CCP đã cho phép sự bùng phát dịch vi trùng corona xảy ra. Ông ta nói rằng nếu sự cai trị của cái đảng đó vẫn cứ tiếp tục như vậy, chẳng có gì thay đổi, thì một thảm hoạ khác dứt khoát sẽ xảy ra.

Theo Nhậm, một nhược điểm quan trọng của sự cai trị của CCP là rằng cái đảng đó không cho phép một sự tự do báo chí hoặc tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

Ngay cả trước khi ông ta công bố bài văn của mình, vào năm 2016 Nhậm đã chỉ trích cái đòi hỏi của Tập rằng “tên họ của truyền thông đại chúng là Đảng”, có nghĩa là tất cả mọi phương tiện thông tin đại chúng ở Trung Quốc “phải vận hành để nói lên ý muốn của Đảng đó cùng những chủ trương của nó và bảo vệ quyền lực và sự thống nhất của cái Đảng đó”.

Giới cầm quyền Trung Quốc đã công kích Nhậm về những sự chỉ trích đó, cấm ông ta không được nói và đình chỉ tư cách đảng viên CCP của ông.

Tuy nhiên, Nhậm khẳng định rằng tự do báo chí và tự do ngôn luận là điều kiện tuyệt đối phải có để có được một xã hội ổn định. Và trong bài văn vừa rồi ông viết: “Sự thật không gây ra sự bất ổn xã hội, còn nếu không có sự thật thì sẽ có những náo loạn xã hội”.

Nhậm kết luận rằng sự thành công của Trung Quốc qua thế hệ vừa qua nằm trong sự tách rời cái đảng đó ra khỏi chính phủ xa hơn nữa, nằm trong một sự cải tổ đã bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping – 邓小平). Sự tách rời này đã cho phép Trung Quốc tự do hoá nền kinh tế của nó. Thế nhưng, thật đáng lo ngại, Nhậm lưu ý rằng Tập đang quay trở lại với một câu thần chú ác nghiệt hơn nữa là “đảng lãnh đạo toàn diện”, cái mà sẽ là một đại hoạ thảm khốc cho Trung Quốc. Cái phương sách của Tập rốt cuộc sẽ cản trở sự phát triển kinh tế và tạo ra những vấn đề nghiêm trọng.

Nhậm cáo buộc Tập đã từ bỏ đường lối cai trị của Đặng nhằm có lợi cho việc đưa Trung Quốc quay trở lại cái hệ thống đảng-nhà nước của Mao Trạch Đông và đã triệt tiêu quyền và lợi của người dân.

Nhậm táo bạo thúc giục cái đảng đó thức dậy trước mối nguy này và, nhằm phục hồi lại một kiểu chính phủ của Đặng, để phát động một phong trào tương tự như sự làm tan rã của Đặng đối với “Tứ Nhân Bang” (四人幫), những kẻ đã cai trị Trung Quốc sau khi Mao chết.

Điều này có ý nghĩa đáng kể với giới chức Hoa Kỳ, bởi vì Nhậm Chí Cường đưa ra một sự đồng lòng về cảm tưởng chống Tập Cận Bình ngày càng tăng trong giới tinh hoa Trung Quốc – bên trong và bên ngoài hệ thống đảng đó – và có lẽ ngay cả trong số dân chúng rộng lớn hơn.

Nhưng, tuy là có thế lực và được ủng hộ rộng rãi, Nhậm rồi cũng bị đưa ra xét xử trong cái mà sẽ là một phiên toà bỏ túi và hầu như chắc chắn là sẽ nhận sự trừng phạt khắc nghiệt vì chỉ trích Tập.

Bài văn của Nhậm là một bản tuyên cáo mấu chốt, mang tính sinh tử.

Trong các hệ thống cộng sản, có lẽ nó cũng tương đương với Di chúc của Lenin, trong đó nhà lãnh đạo Xô-viết cảnh cáo các đồng chí của ông ta về Joseph Stalin, hay “phát biểu bí mật” năm 1956 của Nikita Khrushchev lên án Stalin trong khi tìm cách quay trở lại những quyền tự do rộng lớn hơn.

Nếu sự kêu gọi hành động của Nhậm bị thất bại, điều đó có thể đồng nghĩa với sự kết thúc thật sự thời đại Đặng Tiểu Bình và chẳng còn bất kỳ một khả năng nào mà Trung Quốc có thể quay trở lại thời kỳ đó được nữa.

Các sự soi xét của Nhậm vào sự cai trị của Tập buộc phải nhận ra rằng Trung Quốc dưới sự cai trị của Tập sẽ không bao giờ quay trở lại chính sách cải tổ của Đặng, như Phó Tổng thống Pence gợi ý trong bài phát biểu năm 2018 tại Hudson Institute. Các hậu quả dành cho Hoa Kỳ là đáng kể: Hoa Kỳ phải xem xét những chọn lựa của mình để đương đầu với một Trung Quốc hung hăng, thô bạo hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng sự bắt giam Nhậm sẽ là một hồi còi đánh thức nhiều người Trung Quốc, những ai đã và đang tiếp tục giữ hy vọng rằng Trung Quốc có thể trở thành một xã hội dân chủ, cởi mở và không bao giờ quay trở lại những thủ đoạn hung tàn bạo ngược của Mao. Một sự chia rẽ trong giới tinh hoa gần như có thể xảy ra, và một số có khả năng trở thành cấp tiến mạnh mẽ hơn bởi sự xét xử Nhậm và tìm cách để chấm dứt sự cai trị của Tập. Sự bắt giam Nhậm rõ ràng chỉ ra cho thấy rằng CCP sẽ đàn áp triệt để bất kỳ một sự chỉ trích hay bất đồng nào, kể cả từ người thân cận với các lãnh đạo đảng.

Một dấu hiệu đáng khích lệ là CCP đã lộ rõ hơn các vết nứt sâu và sự nứt rạn đó ít hay nhiều chính là hậu quả của chế độ độc tài. Sự cải tổ chính trị thực sự đưa đến nền dân chủ và pháp quyền là lối thoát duy nhứt cho Trung Quốc. Nhậm Chí Cường có thể là niềm hy vọng cuối cùng cho việc tạo ra một Trung Quốc được cải tổ. Nếu quốc gia này rơi vào một địa ngục của chủ nghĩa Mao, thì có lẽ nó sẽ lấy theo nó sự hoà bình và ổn định quốc tế.

B.A.T. & L.H.

Dịch giả gửi BVN

Nguồn bản gốc: https://thehill.com/opinion/international/492136-ren-zhiqiang-chinas-conscience-and-hope-to-save-the-chinese-people

This entry was posted in Mặt thật Tàu cộng, Độc tài cộng sản. Bookmark the permalink.