Nguyễn Đình Cống
Để cứu Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL), những người có tâm huyết đã đề xuất những phân tích và ý tưởng hay. Nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở ý tưởng. Còn cách làm? Vẫn theo cách cổ lỗ, đề xuất, hội thảo, lập ban nghiên cứu. Cao nhất là họp Bộ Chính trị, thảo luận và ra Nghị quyết. Ngày 23 tháng 3 Báo Tiếng Dân đăng bài của Nguyễn Ngọc Chu “Bao giờ Bộ Chính trị họp về Đồng bằng Sông Cửu long”, có ý thúc dục, trông chờ. Ông Chu còn mong vấn đề ĐBSCL cần một cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Xem lại, thời gian gần đây cũng đã có vài hoạt động có tính chất hoành tráng về ĐBSCL. Hội thảo 2 ngày vào tháng giêng năm 2017 tại Cần Thơ về giữ nước cho ĐBSCL do Bộ Tài nguyên Môi trường kết hợp với sứ quán Hà Lan tổ chức. Ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2017 cuộc hội thảo gồm 500 quan chức và nhà khoa học về phát triển ĐBSCL, do Thủ tướng CP chủ trì, mà có người xem là Hội nghị Diên Hồng. Diễn đàn ĐBSCL năm 2019. Hội nghị ngày 3/1-2020 do phó thủ tướng chủ trì, tại Bến Tre, về phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Rồi chỉ thị của Thủ tướng số 04/CT-TTg về triển khai giải pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn ĐBSCL. Rồi Chính phủ giải ngân vài chục ngàn tỷ để xây dựng công trình. Cũng đã có giải Báo chí về ĐBSCL.
Kể ra, để tuyên truyền thì thế cũng đã nhiều, nhưng để cứu được ĐBSCL thì còn xa. Vì sao vậy? Vì cách làm chủ yếu là để tuyên truyền. Liệu các hội nghi, hội thảo, mỗi hội 2 ngày với nhiều trăm người có hiệu quả như thế nào. Bao nhiêu người đã phát biểu ý kiến thực sự có chất lượng, những ý đó đã được phân tích và vận dụng như thế nào. Bao nhiêu ý kiến theo kiểu nói cho có tiếng, là ăn theo, nói leo, là hô hào rỗng tuếch. Bao nhiêu người đến hội nghị chỉ để giao tiếp và ngủ gật.
Tổ chức hội nghị, khi dự định mời ai đó họp phải báo trước rằng họ có ý kiến gì thì phải viết ra giấy, gửi trước. Nếu họ không có ý kiến mà muốn đến nghe thì phải nộp tiền tham dự, phải ngồi riêng, không kể vào thành phần của hội nghị. Như vậy thì hội nghị có thể kéo dài hơn, ít tốn kém và đạt kết quả cao hơn.
Để hội nghị có kết quả cần phải có những trí tuệ, nếu không siêu việt thì cũng ở tầm cao. Sau hội nghị không phải chỉ là một biên bản, một báo cáo về các ý kiến mà chọn ra được một và chỉ một người để giao nhiệm vụ. Người đó sẽ được cấp một kinh phí, tổ chức ra một nhóm nghiên cứu. Rất tiếc là nhà khoa học lớn về nông nghiệp của VN, Nguyễn Duy Xuân đã bị chết oan khuất ở trong tù Nam Định, ông là Giám đốc Học Viện Cần Thơ trước tháng 4 năm 1975.
Để có được giải pháp đúng nhằm cứu ĐBSCL không thể theo cách làm cũ với hội thảo đông người, với các quan chức chính quyền và Bộ TN-MT, với BCH TƯ Đảng, với nghị quyết dài dòng của Bộ Chính trị. Phải thay đổi cách làm, chọn cách có hiệu quả. Theo tôi, có thể làm theo “Phương pháp não công” (Brainstorming method) hoặc theo Phương pháp sử dụng các phép tương tự (Synectics method). Đó là những phương pháp mạnh trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục mâu thuẫn, khắc phục sự cố.
Để có thể triển khai việc tìm giải pháp theo cách mới này tôi xin có kiến nghị sau: Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng chính phủ đích thân mời và giao nhiệm vụ cho TSKH Phan Dũng, người có nhiều công trình về sáng tạo. Ông Dũng đang ở TP HCM.
Việc tương tự như vậy đã xảy ra năm 1946, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ ông Vũ Đình Huỳnh mời LS Nguyễn Mạnh Tường. Khi ông Tường đến, Hồ Chủ tich đã nói: Thưa ngài, Chính phủ sắp họp với phía Pháp ở Đà Lạt. Cần phải chuẩn bị các hồ sơ pháp lý. Tôi thay mặt Chính phủ nhờ ngài giúp cho việc này.
Cần cứu ĐBSCL phải có những biện pháp thật sự khoa học chứ không theo cảm tính. Vì việc quan trọng này Chủ tịch nước nên hạ mình cầu hiền tài trong dân. Chỉ cần tìm được 1 người và giao nhiệm vụ. Lập tổ chức và tiến hành nghiên cứu như thế nào xin để cho người đó quyết định, xin Bộ Chính trị và BCH TƯ đừng can thiệp vào, đừng ra nghị quyết gì cả. Nếu Chủ tịch nước không làm được việc trên thì Thủ tướng CP phải làm, không thể ủy quyền cho người khác.
Xin tham khảo câu chuyện của Tề Tiểu Bạch với Quản Di Ngô. Trả lới câu hỏi của Tiểu Bạch về cách làm hưng thịnh đất nước, Di Ngô thưa: Phải tìm được người thật sự hiền tài, và khi đã giao việc thì phải tin họ, không được để cho kẻ khác chen vào ngăn trở.
Khi mà TSKH Phan Dũng không nhận lời thì vẫn có thể dùng các phương pháp trên với điều kiện tìm ra một người chủ trì. Hãy thông báo rộng rãi việc này và yêu cầu ai có khả năng hãy nộp đơn ứng cử với một bản tóm tắt kế hoạch làm việc, tổng kinh phí dự kiến. Khi nộp họ sẽ nhận được một khoản kinh phí vài triệu đồng, gọi là chi phí tham gia. Sẽ tố chức tranh cử và bầu chọn. Lúc này tôi xin là một trong những ứng viên.
Nguyễn Ngọc Chu, trong bài đã dẫn viết: Chỉ khi có một cuộc tranh cử sòng phẳng, khi người tranh cử phải đến 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ để trả lời cho cử tri – phải làm gì với hạn hán ngập mặn? và trả lời nhiều câu hỏi khác nữa về ĐBSCL, thì lúc đó bài toán ĐBSCL tất có lời giải trọn vẹn.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN