Hai lá thư bạn đọc: Không dùng màu cờ làm nền quảng cáo & Mấy ý kiến về cổng chào Thủ đô

Thư thứ nhất:

Kính thưa Ban biên tập BVN,

Pháp lệnh Quảng cáo ngày 16-11-2001 nghiêm cấm “sử dụng quốc kỳ để quảng cáo” (khoản 3 Điều 5). Thông tư của Bộ Văn hóa-Thông tin (số 43 ngày 16-7-2003) hướng dẫn “không được dùng màu cờ tổ quốc làm nền cho quảng cáo” (điểm 8c Mục II).  Nghị định số 56 ngày 6-6-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa – thông tin nêu rõ: “Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng đối với mỗi băng rôn quảng cáo dùng màu cờ tổ quốc làm nền hoặc chăng ngang đường giao thông” (khoản 2 Điều 51).

Một hôm tình cờ tôi đọc thấy thông tin về việc này. Tôi không biết hiện nay các pháp lệnh, Thông tư, Nghị định trên có còn hiệu lực hay không nên xin viết thư cho Bauxite Việt Nam vì nhận thấy có gì đó không đúng, nhưng tôi không đủ trình độ để phân tích như các nhà khoa học.

Tôi đồng ý nghiêm cấm “sử dụng quốc kỳ để quảng cáo” vì đó là một vật thiêng liêng, là linh hồn của Tổ quốc, tuy rằng một số nước không có quy định này. Nhưng cấm cả việc sử dụng màu đỏ, vàng trên các băng rôn quảng cáo thì thật vô lý. Tôi không biết có nước nào trên thế giới đưa ra cái luật này chưa?

Quốc kỳ của một số quốc gia có màu đò và vàng.

Quốc kỳ của một số quốc gia có màu đò và vàng.

Màu đỏ và vàng đâu phải chỉ riêng là màu cờ của đất nước Việt Nam. Xin hãy xem các lá cờ của các nước: Macedonia, Montenegro, Trung Quốc, Spain, Vietnam, Bhutan, East Timor, Kyrgyzstan, và ngay cả cờ vàng 3 sọc đỏ của Việt Nam cộng hòa trước đây. Những lá cờ đó cũng chỉ có 2 màu đỏ vàng là màu chủ đạo.

Đấy là chưa kể các lá cờ của các nước: Andorra, Armenia, Belgium, Benin, Bolivia, Cameroon, East Timor, Ethiopia, Kiribati, Đức, Mali…, ngoài màu đỏ, vàng còn có thêm một màu nữa.

Như vậy, ta có thể thấy rằng hai màu đỏ, vàng không phải là màu độc quyền cho cờ Việt Nam và việc cấm sử dụng 2 màu này cho bất cứ công việc gì trên quốc gia Việt Nam là không hợp lý.

Giả sử, một trong những nước kể trên sử dụng 2 màu cấm cho một áp phích nào đó phục vụ cho công việc quảng cáo của đất nước họ ở trên lãnh thổ Việt Nam thì liệu họ có bị phạt từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng vì vi phạm luật pháp của nước ta?

Tôi chỉ là người dân thường, không am hiểu nhiều, nhưng thấy quy định này rõ ràng chưa chặt chẽ về lý lẽ, xin đề nghị các nhà trí thức, các nhà tinh thông luật pháp nhận xét và nếu quả thực những điều luật này không khoa học, không hợp lý thì đề nghị Chính phủ sửa chữa lại.

Ngày 30 tháng 6 năm 2010

Công dân Lê Hải

Thư thứ hai:

Hai trong số các kiểu cổng chào tại Hà Nội. Ảnh: vietbao.vn

Hai trong số các kiểu cổng chào tại Hà Nội. Ảnh: vietbao.vn

Kính gửi BBT Bauxite Việt Nam,

Xin góp mấy ý kiến về cổng chào Hà Nội 1000 năm.

Tôi đọc nhiều ý kiến phản đối cổng chào của nhiều tác giả trên Vietnamnet và ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn trên BVN, lại xem mấy mẫu cổng chào, nghĩ mà buồn cho Thủ đô cứ loay hoay vì những cái không đâu. Công trình kiến trúc mang tính lịch sử, ra đời trong những giai đoạn lịch sử với cảm hứng lịch sử (lịch sử mà tôi hiểu là một đi không trở lại), nay tại sao năm 2010 chúng ta cứ phải đi bắt chước những công trình của nước khác từ một thời đã xa? Vả lại cổng chào thường chỉ tồn tại trong một không gian hẹp, vừa đủ để tất cả khách đều đi qua, không thể đi lối khác. Đằng này Thủ đô bây giờ rất nhiều lối vào-ra, tiện ai nấy đi. Do đó cổng chào chả còn có tác dụng như cổng chào ngày xưa nữa.

Mặt khác, tôi thấy phản cảm nhất là cái trống đồng bị cắt xẻ mặt tròn thành hình biến dạng. Tác giả có ý nghĩ cao siêu bí ẩn thế nào chả biết, người dân nhìn ắt sẽ thấy khó chịu và suy nghĩ lung tung. Như từng nghe lời hát kinh dị của An Thuyên Ca dao em và tôi:Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ, anh làm mái chèo lướt sóng, đưa anh về với người tôi yêu…“. Trống đồng có từ nhiều nghìn năm trước, biểu tượng của nền văn hóa đa dân tộc, cớ gì các vị cứ vơ vào cho Thủ đô Thăng Long ngàn tuổi chẵn? Lại còn hàng cọc Bạch Đằng cũng chả mấy dính dáng đến Thăng Long cũng vơ vào Hà Nội. Các nhà kiến trúc chưa tìm ra được nét đặc trưng Thăng Long nên quơ quàng vội vã, xin can các vị.

Mong lãnh đạo Hà Nội nghĩ lại, không nên vội tin các quân sư quạt mo mà tiền mất tật mang.

Ngày 1-7-2010

Cẩn bút

Phùng Hoài Ngọc
Giang Nam lãng tử.

This entry was posted in Thư bạn đọc and tagged . Bookmark the permalink.