Phản biện vài điều của Quy định 214

Nguyễn Đình Cống

Ngày 2/1/2020 Bộ Chính trị ĐCSVN ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Quy định 214 thay cho Quy định 90 năm 2017. Nó được ca ngợi có nhiều tiến bộ, thể hiện sự sáng suốt tuyệt vời. Người ta dự đoán rằng, với Quy định 214, ĐCSVN sẽ có được một đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ tài năng. Tôi đọc qua Quy định thấy không có gì đáng quan tâm. Nhưng đọc kỹ mới thấy buồn cười từ đầu chí cuối. Không đành giữ im lặng, cố viết vài lời phản biện, hy vọng người soạn thảo, người thông qua rồi ban hành Quy định và mọi người tìm thấy được điều gì đáng quan tâm, đáng vui cười hay không.

Ấn tượng đầu tiên là Quy định 214 quá dài, trên 1 vạn chữ, vói nhiều nội dung trùng lặp và sáo rỗng, với nhiều tiêu chuẩn định tính và mơ hồ, rất khó đánh giá, rất dễ tùy tiện trong vận dụng. Quy định có tiêu chuẩn cho 40 loại chức danh, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến các cán bộ của tỉnh, thành. Lại có nhiều thứ tiêu chuẩn, như về chính trị tư tưởng, về đạo đức lối sống, về trình độ, về năng lực và uy tín, về sức khỏe. Hình như ĐCSVN mắc phải bệnh nghiện viết văn kiện. Phải chăng công lao, thành tích người soan thảo văn kiện được đánh giá bằng số chữ đã viết ra nên người ta cố viết cho thật dài. Năm 2017 vừa ra Quy định 90, chưa đến 3 năm lại ra Quy định 214, dài hơn, để thay thế (trong khi chỉ cần viết vài dòng điều chỉnh, bổ sung).

Tìm hiểu các đảng chính trị cầm quyền tại các nước dân chủ thấy rằng tiêu chuẩn của họ vô cùng đơn giản, không có đảng nào có Quy định dài lê thê như Quy định của ĐCSVN.

Có 2 loại cán bộ. Loại được bầu và loại được chọn. Ở nhiều nước, loại được bầu như nghị sĩ, tổng thống, ứng cử tự do và chỉ có vài điều kiện đơn giản. Quan trọng nhất là thu thập được một số lượng chữ ký ủng hộ. Khi đã được vào danh sách ứng viên thì chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất để trúng cử là được tín nhiệm cao của cử tri. Chính cử tri dựa vào tranh cử của họ để đánh giá và bỏ phiếu chứ chẳng có ai dựa vào tiêu chuẩn do người khác đưa ra cả.

Ở tất cả các nước, với cán bộ được chọn , thì tiêu chuẩn để xem xét là do người tuyển lựa quyết định, có thể phải thông qua một cá nhân hoặc tập thể nhỏ nào đó chứ chẳng cân có những qui định dài dòng.

Văn bản Quy định 214 chứa nhiều rác rưởi, có một số điều phản tiến bộ, phản khoa học. Để phản biện toàn bộ phải viết quá dài(*). Bài này tôi chỉ tập trung bàn luận tiêu chuẩn của 5 chức danh quan trọng nhất, là Tứ trụ và thêm Thường trực Ban Bí thư.

Trước tiên Quy định đưa ra tiêu chuẩn chung khá dài, tiêu chuẩn của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, tiêu chuẩn của Ủy viên Bộ Chính trị rồi mới nêu ra tiêu chuẩn của 5 chức danh.

Tiêu chuẩn của UV BCH Trung ương (mục 2.1) là phải đảm bảo những tiêu chuẩn chung cho CB cao cấp, ngoài ra cần: “Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác”. (và còn thêm nhiều tiêu chuẩn khác nữa)

Tiêu chuẩn chung của UV Bộ CT (mục 2.2) là phải: “Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị;… (lược bớt một đoạn); đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh…

Với 5 chức danh, về năng lực, phẩm chất, tuy có vài điểm khác nhau nhưng trùng lắp đáng kể. Mỗi qui định khá dài, tôi chỉ trích dẫn một vài câu (đoạn lược bớt được thay băng… Xin đọc kỹ và so sánh tiêu chuẩn của 5 chức danh để thấy rõ văn phong trùng lặp của Quy định).

Tổng Bí thư (mục 2.3): Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị,… Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định…

Chủ tịch nước (mục 2.4): Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác… Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội… Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Thủ tướng Chính phủ (mục 2.5): Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội toàn diện trên các lĩnh vực,… Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Chủ tịch Quốc hội (mục 2.6): Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công… Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Thường trực Ban bí thư (mục 2.7 ): Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong toàn Đảng. Có trình độ lý luận chính trị cao, hiểu biết sâu rộng và giàu kinh nghiệm trong công tác… Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định.

Đã nêu ra rất nhiều tiêu chuẩn rồi, nhưng còn đèo thêm một câu: Trường hợp đặc biệt… Phải chăng câu này nhằm tạo kẽ hở cho ai đó lợi dụng khi cần thiết?

Làm cấp trên phải kinh qua cấp dưới để có hiểu biết, có kinh nghiệm, nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng đó là đối với những cán bộ có năng lực bình thường, họ tiến lên bằng cách trèo từng bậc. Với người có tài năng xuất chúng, cần để cho họ có những bước nhảy vượt cấp. Với TBT hoặc Thường trực Ban BT thì phải làm qua bí thư tỉnh, thành thuộc công tác Đảng, nhưng tại sao với Chủ tịch nước, với Thủ tướng lại không yêu cầu kinh qua các chức danh hành pháp (như Chủ tịch UBND tỉnh, thành).

Cũng là tiêu chuẩn đoàn kết, nhưng 5 vị có 3 kiểu đoàn kết khác nhau:1- là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp; 2- là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, 3- là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị. Trung tâm đoàn kết và hạt nhân đoàn kết có gì khác nhau. Cùng là đoàn kết BCH TƯ mà có nhiều trung tâm và hạt nhân liệu có sinh ra ba bè bảy mối không.

Để ra tiêu chuẩn chức danh phải chăng để cho người nào muốn làm việc ấy biết mà phán đấu, để ban tổ chức bầu cử biết khi lập danh sách ứng viên (loại bỏ người không đủ tiêu chuẩn) và để cho cử tri biết mà lựa chọn khi bỏ phiếu.

Thực tế không phải và không cần như vậy. Khi bầu cử thực sự dân chủ, tự do, các ứng viên phải tranh cử. Khi tranh cử không ai trình bày đã đạt tiêu chuẩn đến mức nào mà chủ yếu là trình bày chương trình và biện pháp hành động, còn cử tri lựa chọn người mình thích. Hình như không có cử tri nào đối chiếu từng tiêu chuẩn khi bỏ phiếu. Đánh giá của họ là sự cảm nhận tổng hợp.

Nhân bất thập toàn. So sánh hai ứng viên với nhau, thường người này hơn về tiêu chuẩn nọ mà kém thua về tiêu chuẩn kia. Năm chức danh trên, cách gì rồi cũng phải bầu được 1 người cho mỗi chức danh, đó là người đạt số phiếu cao nhất dù cho có tiêu chuẩn đạt cao, có tiêu chuẩn đạt thấp hoặc không đạt. Đó là nói về lý thuyết chứ thực tế, đem 1 tiêu chuẩn định tính ra để xét thì không có cách gì đánh giá ai đạt tiêu chuẩn đó ở mức cao thấp ra sao.

Thí dụ, tiêu chuẩn chung quan trọng nhất là: “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia – dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng”. Làm sao để đánh giá được, về tiêu chuẩn này ai hơn kém nhau bao nhiêu. Phải chăng chỉ dựa vào cảm tính?

Để làm rõ bất hợp lý ẩn chứa, hãy xét 2 trường hợp sau. TH 1- Có 4 ứng viên một chức danh. Có 20 tiêu chuẩn cho chức danh đó. Không có ứng viên nào đạt đủ 20 tiêu chuẩn, mỗi ứng viên chỉ đạt 19, người thiếu tiêu chuẩn này, kẻ thiếu tiêu chuẩn kia. Thế thì cả 4 ứng viên không thể lọt vào danh sách đề cử. Không thể bầu chọn được ai cả. Phải chăng chức danh đó tạm bỏ trống để chờ? Đó là lý thuyết suông, cách gì rồi cũng phải bầu ra 1 người. TH 2- Có 3 ứng viên cho chức danh với 15 tiêu chuẩn. Cà 3 người đều đạt 15 tiêu chuẩn ở mức cao. Không lẽ chọn cả ba. Chỉ được chọn một thôi. Dựa vào đâu? Dựa vào cử tri thích ai nhiều hơn.

Thực tế ở VN trong nhiều năm qua không có sự tranh cử. Ai sẽ vào chức danh gì thì chưa bầu nhiều người đã biết trước kết quả. Đó là vì Bộ Chính trị đã chọn sẵn. Nếu thế thì bày ra tiêu chuẩn mà làm gì, trong khi quan trọng nhất là được lòng BCT và TBT đương chức.

Ở Singapore, trước đây Lý Quang Diệu đề ra tiêu chuẩn cho mọi quan chức chỉ gồm 4 chữ: Tài năng, Liêm khiết. Ông ta lập luận rằng, con người có tài năng và liêm khiết, khi được giao trọng trách họ sẽ tự mình nghĩ ra và làm được những thứ cần thiết, không việc gì phải có ai vạch ra trước cho họ. Cái kiểu vạch ra các nghị quyết dài dòng, các qui định lê thê chỉ là thể hiện ý định dùng suy nghĩ của vài cá nhân để thay cho sự sáng tạo của hàng triệu người có năng lực, có trách nhiệm. Đó chẳng qua là tính kiêu ngạo của kẻ kém trí tuệ. Quy định 214 là một dạng như vậy.

N.Đ.C.

_______

(*) Cơ quan nào muốn nghe phản biện toàn bộ Quy định 214 dưới góc độ khoa học, xin báo cho số ĐT 0389578620 hoặc địa chỉ: ndcong37@gmail.com, tôi xin đến thuyết trình.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hạn mặn, Quy định 214. Bookmark the permalink.