Kinh tế Việt Nam có thể nhân dịch bệnh COVID-19 để ‘thoát Trung’?
Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi Ford ở tỉnh Hải Dương. Hình chụp ngày 11/01/2017. AFP
Cơ hội thoát Trung
Trong một cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ liên quan tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam, được đăng tải vào hôm 19/2, viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh – tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhận định rằng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng ngay tức thì vì là quốc gia láng giềng với Trung Quốc và khi hai nước có tổng xuất nhập khẩu lên đến khoảng 4500 tỷ đô la Mỹ (USD).
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đưa ra số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 117 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có đến 20% xuất khẩu qua đất liền bị đóng băng và con số này chưa tính đến giao thương qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, lượng du khách Trung Quốc (chiếm đến 30% tổng số du khách nước ngoài) đang bị hạn chế vào du lịch Việt Nam trong thời điểm dịch COVID-19 không chỉ gây tác hại trong ngành du lịch mà còn dẫn đến hiệu ứng domino cho các chuỗi ngành khác liên quan như khách sạn, nhà hàng, hàng không…Trong lĩnh vực sản xuất, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân dự báo Quý II năm 2020 là giai đoạn rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất điện thoại… vì nguyên liệu dự trữ đầu vào, mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị cạn kiệt.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những bất lợi qua các dẫn chứng vừa nêu. Thế nhưng, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng “đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hóa đầu ra” cho giải pháp trung và dài hạn đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vào tối ngày 25/2 nói với RFA rằng đề xuất này của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân là hợp lý:
“Việt Nam từ trước đến nay vẫn có câu là ‘trong họa thì có phúc’, ‘trong nguy thì có cơ’. Trong diễn biến như thế này, thì đúng là có cơ hội để Việt Nam đổi mới, tái cơ cấu và thay đổi. Tôi nghĩ rằng sức ép đó cần phải biến thành những phương án cụ thể.”
Nếu như Việt Nam thông minh nhìn xuyên suốt bàn cờ thế giới thì càng nên đi vào con đường đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thương mại của mình, chứ không nên chỉ cố rút vào thị trường truyền thống cũ, mà thị trường đó mình càng lệ thuộc nhiều thì mình càng chết. Theo thiển kiến của tôi thì hướng đi tốt nhất của Việt Nam trong tình hình hiện nay là phải càng đi sâu về chủ trương và đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của mình với tất cả các quốc gia.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết
edEntryBreak”>
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, bày tỏ đồng quan điểm với tiến sĩ Trần Hoàng Ngân về viễn cảnh kinh tế Việt Nam phải chủ động để “thoát Trung”:
“Nếu như Việt Nam thông minh nhìn xuyên suốt bàn cờ thế giới thì càng nên đi vào con đường đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thương mại của mình, chứ không nên chỉ cố rút vào thị trường truyền thống cũ, mà thị trường đó mình càng lệ thuộc nhiều thì mình càng chết. Theo thiển kiến của tôi thì hướng đi tốt nhất của Việt Nam trong tình hình hiện nay là phải càng đi sâu về chủ trương và đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của mình với tất cả các quốc gia.”
Chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho RFA biết rằng quan điểm của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đã được giới chuyên gia nhiều lần đề xuất với chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua:
“Nhiều chuyên gia kinh tế yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì mình đi tìm những thị trường nhập khẩu như Hàn Quốc, Nhật và các thị trường ở vùng Đông Nam Á. Tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh xác nhận với RFA rằng mặc dù theo như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vừa trình bày. Tuy nhiên:
“Cho đến nay, tôi chưa thấy có một đề án về tái cơ cấu và đa phương hóa, đa dạng hóa mà công việc đó hiện nay là Bộ Công thương đang chịu trách nhiệm chủ trì về việc tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực. Nếu mà xây dựng một phương án tổng thể thì cần phải có Thủ tướng chỉ đạo và có sự tham gia của các bộ, các viện và các ngành.”
“Giảm, hoãn thuế và gia hạn nợ cho doanh nghiệp”
Truyền thông trong nước vào ngày 26/2 dẫn nguồn từ Bộ Công thương cho biết, tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam, rằng các ngành điện, điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất nhiều nhất là đến cuối tháng 3. Tương tự, ngành dệt may, da giày, túi xách cũng chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc nhiều nhất là đến đầu tháng 4-2020 và có nhiều khả năng doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho RFA biết giải pháp ngắn hạn mà Bộ Công thương đưa ra là có thể nhập bông vải sợi từ Ấn Độ hay nhập linh kiện điện tử từ Nhật Bản, Đài Loan để thay thế nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân trong cuộc phỏng vấn với Trí thức Trẻ còn nhấn mạnh một trong những giải pháp có thể giúp giảm thiểu tối đa đối với nền kinh tế là cần phải ngay lập tức hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được giảm, hoãn thuế, gia hạn nợ, khoanh nợ, khoanh lãi đối với khoản vay ngân hàng.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp ở trong nước, đài RFA ghi nhận nguyện vọng của họ mong muốn chính phủ giảm lãi suất. Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên một công ty tư nhân ở Sài Gòn bày tỏ:
“Lãi suất phải giảm xuống. Hoặc có thể những hộ nuôi trồng nông sản, thủy hải sản cho người ta được giảm lãi suất hoặc không lãi suất trong thời gian 3 đến 6 tháng.”
Một doanh nhân kinh doanh về phân bón và nông sản hữu cơ, ẩn danh, cho RFA biết người nông dân trồng cây ăn trái ở Việt Nam là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh COVID-19. Do đó:
“Phải giảm lãi suất và thậm chí là ưu đãi không lãi suất cho họ.”
Ngân hàng Nhà nước, vào ngày 24/2 ban hành công văn số 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch CCOVID-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải áp dụng thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-3-2020.
Đài RFA nêu vấn đề với Ttiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu rằng giải pháp Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nêu ra cũng như đề nghị của khối doanh nghiệp về giảm lãi suất liệu có thể khả thi hay không; trong khi chỉ vài ngày trước lúc Việt Nam công bố dịch COVID-19, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định năm 2020 sẽ là năm mà nhiều ngân hàng rất khó giảm lãi suất do gặp áp lực về chi phí vốn. Trả lời câu hỏi của RFA, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định chính phủ Việt Nam thực tâm muốn giảm lãi suất thì có thể thực hiện được.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích rằng Việt Nam hiện có hai thị trường vốn 1 và 2. Thị trường 1 là thị trường vốn của người dân và các thành phần kinh tế. Còn thị trường 2 là thị trường vốn của các ngân hàng với nhau. Việc giảm lãi suất có thể bắt đầu từ Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (là loại lãi suất mà Ngân hàng Trung ương áp dụng trong hệ thống liên ngân hàng). Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh:
“Thế thì Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất áp dụng trên thị trường 2, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất OMO, lãi suất chiết khấu. Đây là các lãi suất mà Ngân hàng Trung ương có thể tự định ra. Khi Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất điều hành ở thị trường 2 thì có thể các ngân hàng có dòng vốn rẻ hơn và họ sử dụng dòng vốn đó cho thị trường 1 là thị trường cho vay. Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất, nhưng với liều lượng ít nhất vào khỏang 0,5%; chứ còn như những lần trước với liều lượng 0,25% thì không đủ. Và cũng cần độ trễ vào khoảng 3 tháng thì mới lan tỏa sang thị trường 1.”
Bệnh nhân thứ 16 được điều trị khỏi COVID-19 xuất viện vào sáng ngày 26/2/2020. Courtesy: VGP News
“Tạo niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài”
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế vào sáng ngày 25/2, bộ này thông báo 16 trường hợp nhiễm virus corona tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố rằng “có thể đánh giá Việt Nam đến nay kiểm soát được dịch COVID-19”.
Tiến sĩ Trần Hòang Ngân, qua cuộc phỏng vấn với Trí thức trẻ, đã rất lạc quan nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rất cao khả năng ứng phó với bệnh dịch của Việt Nam. Điều này mang lại niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý về xu thế chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn sản xuất lớn và Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để thu hút các tập đoàn này đến đầu tư.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân còn khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội đón được nguồn đầu tư từ Châu Âu, với công nghệ tiên tiến chất lượng cao khi hai Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực.
Một số vị chuyện gia, Đài RFA có dịp trao đổi, đồng thời cũng nhấn mạnh về thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng cho Việt Nam trong tương lai.
Cho đến nay, tôi chưa thấy có một đề án về tái cơ cấu và đa phương hóa, đa dạng hóa mà công việc đó hiện nay là Bộ Công thương đang chịu trách nhiệm chủ trì về việc tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực. Nếu mà xây dựng một phương án tổng thể thì cần phải có Thủ tướng chỉ đạo và có sự tham gia của các bộ, các viện và các ngành.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, qua ứng dụng messenger chia sẻ với RFA ghi nhận của ông:
“Sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư thêm ra các nước khác để đa dạng hoá danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Việt Nam nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, thuế và cung cấp thêm nhân công có trình độ tay nghề thì sẽ trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư này.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ còn đề cập đến trào lưu những người đến tuổi nghỉ hưu ở Mỹ và phương Tây muốn tìm một nơi thoải mái và rẻ tiền để sống lâu dài lúc về hưu. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng:
“Nếu Việt Nam cải thiện các điều kiện xin visa sống lâu dài, bảo đảm quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài, miễn thuế đối với các thu nhập có nguồn gốc ở nước ngoài, và cải thiện hệ thống y tế sẽ khuyến khích nhiều người Âu, Mỹ chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Họ sẽ là những khách du lịch dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp trở thành những nhà đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hoá nguồn khách du lịch, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng nguồn thu ngoại tệ, kích thích đầu tư trong nước.”
“Nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ”
Nhà quan sát tình hình Việt Nam – Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, vào ngày 25/2 lên tiếng với RFA rằng trước mắt dù dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đến đâu thì:
“Sắp tới kinh tế Việt Nam đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hoảng tài chính của Việt Nam.”
Liên quan đề xuất Việt Nam “trong nguy có cơ” để nền kinh tế không còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng “không hề đơn giản”. Từ Hoa Kỳ, tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải:
“Thí dụ ngay cả đến như Samsung có số lượng điện thoại bán trên thế giới có một nửa là sản xuất tại Việt Nam. Một phần các con chip trong điện thoại Samsung được sản xuất ở bên Trung Quốc. Có thể thêm một thời gian nữa thì Samsung tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì dự trữ không còn nữa. Ngay cả bây giờ Nam Hàn cũng bị vấn đề tương tự như vậy.
Trung Quốc có rất nhiều lợi thế mà không dễ gì có thể thay thế được những lợi thế đó bằng những lợi thế của những quốc gia khác. Thành ra nói thì dễ nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ, dù có thể khả thi.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Ví dụ có một tập đoàn nào đó muốn sản xuất sắt thép tại Việt Nam, mà Việt Nam không có những nguyên liệu sắt thép thì họ sẽ phải làm sao cho năng lượng, cho điện rất rẻ để người ta đưa vào (sản xuất). Đại khái với cách làm như vậy thì họ sẽ thu hút những công nghệ rất lạc hậu và rẻ tiền đưa từ Trung Quốc hoặc từ Hàn Quốc sang. Những chuyện như vậy, chúng ta thấy rồi.
Hay ví dụ như Tập đoàn Vingroup nhảy vào sản xuất xe hơi. Nhưng sau khi Hiệp định EVFTA được ký và thông qua thì ngay lập tức xe hơi nhập vào Việt Nam với thuế suất là 0. Bây giờ không phải chỉ là Vingroup thôi mà cả những công ty khác đầu tư sản xuất xe hơi ở Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề như thế nào?”
Các vị chuyên gia kinh tế Đài RFA tiếp xúc cùng có chung nhận định rằng sẽ rất khó để kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào Trung Quốc vì rất nhiều nguyên nhân như hàng hóa rất rẻ, thuận tiện cho việc chuyên chở giao nhận do ở sát biên giới, đặc biệt tập tục buôn bán và văn hóa kinh doanh của hai nước rất tương đồng với nhau…tiến sĩ Nguyễn Hiếu khẳng định:
“Trung Quốc có rất nhiều lợi thế mà không dễ gì có thể thay thế được những lợi thế đó bằng những lợi thế của những quốc gia khác. Thành ra nói thì dễ nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ, dù có thể khả thi”.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-vneconomy-be-independent-from-china-through-covid-19-02262020141626.html