Sau hơn 4 năm thành lập (theo Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg ngày 15-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ) Vinashin thực sự đứng trên bờ phá sản và việc “tái cơ cấu” – tức là chuyển giao cho PetroVietnam 6 cơ sở của mình, chuyển giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 7 đơn vị – lại được quyết định bởi một quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ (mà người ta chưa thấy công bố rộng rãi) trước khi Vinashin phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp 9 ngày, vì sau 1-7-2010 việc “tái cơ cấu” theo lệnh hành chính như vậy có thể trở thành bất hợp pháp. Nếu thời điểm “tái cơ cấu” gây cho người ta những nghi vấn thì có lẽ thời điểm thành lập cũng gây nghi vấn không kém.
Theo Tiền phong, ngày 22-6-2010, tức là chín ngày trước khi tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (1-7-2010), Vinashin đã ra nghị quyết thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó Vinashin sẽ chuyển giao cho PetroVietnam 6 cơ sở của mình, chuyển giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 7 đơn vị. Quyết định của Thủ tướng mà Vinashin nhắc đến chưa thấy công bố (chắc chắn chẳng có gì “bí mật” ở đây cả, cũng nên xem việc Chính phủ không công bố là có đúng không).
Việc một công ty gặp khó khăn phải tái cơ cấu bằng cách bán các đơn vị của mình hay các khoản đầu tư của mình cho các công ty khác là chuyện bình thường. Sự không bình thường ở đây là việc này diễn ra theo quyết định hành chính. Chắc chắn PetroVietnam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ phải chấp thuận, nhưng hàng loạt câu hỏi được đặt ra.
Không rõ PetroVietnam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có vui lòng “mua” các tài sản và công nợ của các đơn vị đó của Vinashin hay không? Họ mua với giá bao nhiêu? Hạch toán thế nào giữa các bên? Họ sẽ ra các điều kiện gì với Chính phủ để tiếp nhận các đơn vị đó? Liệu đây có phải là thủ thuật “đánh bùn sang ao” để khỏa lấp những khoản tổn thất lớn? (Việc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, SCIC, đã phải ôm một khoản đầu tư cổ phiếu Bảo Việt của Vinashin với giá mua ngất ngưởng ban đầu là 1.467 tỷ đồng và chắc SCIC đã hạch toán theo nguyên giá để “cứu” [trên sổ sách chứ thực ra làm sao cứu nổi] khoản đầu tư lỗ nặng đó, và việc này được gán cái tên rất mỹ miều “Vinashin thoái vốn”, đấy là việc làm khiến người ta buộc phải đặt ra câu hỏi trên với việc “tái cơ cấu này”). Vân vân và vân vân. Dư luận cần những câu trả lời cho các câu hỏi trên và các câu hỏi liên quan khác, nhưng chắc còn phải chờ vì việc bàn giao chỉ bắt đầu từ ngày 1-7-2010 (lại lưu ý thời điểm này).
Sau hơn 4 năm thành lập (theo Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg ngày 15-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ) Vinashin thực sự đứng trên bờ phá sản và việc “tái cơ cấu” này được quyết định trước khi Vinashin phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp 9 ngày, vì sau 1-7-2010 việc “tái cơ cấu” theo lệnh hành chính như vậy có thể trở thành bất hợp pháp.
Thời điểm “tái cơ cấu” gây cho người ta những nghi vấn. Có lẽ thời điểm thành lập cũng vậy. Xem lại thời điểm thành lập Vinashin (và các tập đoàn nào nữa) người ta không thể không nêu ra hàng loạt câu hỏi. Tại sao lại thành lập trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực? (Lưu ý rằng Luật Doanh nghiệp được thông qua ngày 29-11-2005 và bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2006). Có phải việc thành lập trước là để né tránh Luật Doanh nghiệp? Vì theo Điều 169 của Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp do Nhà nước thành lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực phải được đăng ký, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”, tức là doanh nghiệp nhà nước không cần phải chuyển đổi nữa và tự động theo Luật Doanh nghiệp. Cho nên việc thành lập trước 1-7-2006 tạo cơ sở pháp lý chưa thật rõ ràng và như thế doanh nghiệp dễ bề “thích ứng”?
Không rõ từ khi thành lập đến nay Vinashin và các tập đoàn khác đã được chuyển đổi để hoạt động theo Luật Danh nghiệp hay chưa? Theo tôi không lẽ họ chưa chuyển đổi trong suốt 4 năm qua theo quy định của Luật đến ngày 30-6-2010. Ngày 19 tháng 3 năm 2010 Chính phủ ra Nghị định số 25/2010/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, và từ ngày 18-6-2010 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo luật Doanh nghiệp (rồi các ngày 23 và 24-6 Thủ tướng cũng đã có quyết định chuyển đổi một số tổng công ty và tập đoàn) nhưng vẫn không rõ Vinashin đã được chuyển đổi chưa [bài này được viết ngày 29-6-2010 và gửi cho một báo “lề phải” nhưng họ không dám đăng và đến 1-7-2010 thì được biết lúc đó Vinashin mới được chuyển đổi đồng thời với việc “tái cấu trúc”].
Nếu họ chưa chuyển đổi thì đấy là sự coi thường pháp luật một cách trắng trợn. Nếu chưa chuyển đổi, thì chủ sở hữu và lãnh đạo Vinashin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự bất tuân này.
Nếu họ đã chuyển đổi theo Luật doanh nghiệp, thì Nhà nước phải thực hiện quyền chủ sở hữu theo Điều 168 của Luật Doanh nghiệp (và việc tái cơ cấu theo quyết định hành chính như thế là khó có thể phù hợp với quy định của Điều 168). Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp theo các điều của Chương IX của Luật Doanh nghiệp và theo đó Nhà nước không thể ra các quyết định “tái cơ cấu như vậy” đối với doanh nghiệp. Phải để cho các doanh nghiệp tự mua bán, sáp nhập một cách tự nguyện theo luật và Nhà nước có thể can thiệp nếu vi phạm luật cạnh tranh, hoặc phải để luật phá sản phát huy tác dụng.
Còn thiếu quá nhiều thông tin để có thể có những bình luận sâu về sự kiện hy hữu này. Trong mọi trường hợp có thể thấy sự thượng tôn pháp luật (trong trường hợp này là Luật Doanh nghiệp) của các cơ quan Nhà nước và các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn cần phải được cải thiện rất nhiều.
29-6-2010
NQA
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập