Thân gửi anh Huệ Chi,
Tôi gửi tới anh một bài viết từ 17 năm trước (1993), nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy chưa mất tính thời sự. Nếu anh dùng được cho Bauxite Việt Nam thì tôi cảm ơn.
Chúc anh vui mạnh!
TT
Những lúc buồn buồn, tôi hay mượn bài hát của Trương Quang Lục và Hoài Vũ để nghêu ngao:
“ Ở tận sông Hồng em có biết
trong lưng anh chẳng có đồng xu
anh vẫn gọi với lòng tha thiết
Hà sĩ phu ơi Hà sĩ phu”
(tì tỉ ti ti tì tí ti
tè tẻ te te tè té te…)
Những lúc nghèo lúc đói, tự nhiên tôi hay nhớ đến các sĩ phu Bắc Hà, có lẽ vì đa số họ cũng có cảnh ngộ giống tôi, hay vì tôi có nhiều người bạn trong số họ. Một trong những người bạn sĩ phu Bắc Hà ấy, chính là Hà Sĩ Phu.
Đọc lại đoạn vào đề này, tôi thấy ưng ý, vì nó giống cách vào đề của một Sơn Đông mãi võ. Có điều, không phải tôi rao bán ông bạn Hà Sĩ Phu như một món thuốc cao để dán lên các ung nhọt xã hội hay chữa trị những chứng phát ban thời thế. Cho dù Hà Sĩ Phu đã lặng lẽ đưa ra trong những bài viết của mình một liều thuốc: thuốc tẩy, và vào loại cực mạnh.
Có lẽ ban đầu Hà Sĩ Phu, một nhà sinh học, cũng chỉ nghĩ những bài viết của mình là những kiến nghị, những phát biểu khiêm tốn của một công dân ưu thời mẫn thế, còn nhiệt tình đóng góp, và phải thốt lên vì không đừng được, theo kiểu những nhà thơ hay nhạc sĩ lúc gặp hứng. Thế nhưng, dần dà, có lẽ do nghiền ngẫm hiện thật, do uống nhiều trà Bảo Lộc hay bị muỗi đốt không ngủ được, cộng với cách tư duy của một nhà khoa học chuộng sự khách quan và ưa hệ thống, Hà Sĩ Phu đã đưa vào các bài viết của mình, ngoài phần gan ruột thực tình, ngoài nỗi đau nỗi lo như sờ thấy được, còn là những phát kiến, những suy luận hệ thống, và xuyên qua đó là những dự báo. Chắc hẳn, Hà Sĩ Phu chưa bao giờ nghĩ mình là nhà triết học, sẽ thành một nhà triết học. Anh chỉ muốn làm công tác khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nếu như không có…
Vâng, nếu như không có cuộc cách mạng bị đánh tráo.
Nếu như không có những “Người dân nghèo thấp cổ bé họng bị cả hai cơ chế ràng buộc. Kẻ có quyền có tiền sẽ lợi dụng được cả hai cơ chế để chơi trò “bật tường” hoặc trò “ú tim”, lúc núp dưới cơ chế này, lúc núp dưới cơ chế kia không luật pháp nào trị nổi”. Ở đây, Hà Sĩ Phu đang nói tới “Một hình thái kinh tế-xã hội mà hạ tầng là kinh tế thị trường và thượng tầng là xã hội chủ nghĩa”. Nghĩa là “Cùng một lúc xã hội chịu sự chi phối của hai cơ chế ngược nhau, lúc nào cũng chỉ “rình” để phủ định nhau, và nếu chúng kết hợp với nhau thì còn nguy hiểm hơn”. Đó không phải là “mâu thuẫn biện chứng”, đó là một nghịch lý đau lòng: “Tất cả những cái mà CNXH khoa học muốn tránh thì chúng lù lù tiến đến mặc dù ta không muốn công nhận. Đáng chú ý nhất là sự sử dụng QUYỀN LỰC CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN và CƠ CHẾ XHCN để tích lũy TƯ BẢN, đây là điều kiện cực kỳ bất lợi cho người lao động nghèo, trước hết là ở lĩnh vực phi nông nghiệp, sau sẽ lan đến lĩnh vực nông nghiệp. Người lao động nghèo sẽ có cảm giác mình là đấu thủ đã yếu lại bị trọng tài “giữ tay”(!), là đứa con bị chính bố mình trói lại cho thằng hàng xóm đánh túi bụi(!). Đang đi đến tình trạng: người đứng ra đại diện cho công nhân lại là người của phía chủ (đây là chủ thực, còn công nhân chỉ là “chủ” danh nghĩa)”. Và Hà Sĩ Phu đi đến một kết luận không thể khác: “Cuộc cách mạng bị đánh tráo và giai cấp vô sản tay trắng là giai cấp bị phản bội trước tiên”.
Thực tế đã và đang diễn ra, bất chấp những ngôn từ hoa mỹ hay những cách che chắn điệu nghệ nào. Công nhân “làm chủ” cho chủ trong nước đã khổ, làm thuê cho chủ nước ngoài còn khổ hơn gấp bội. Và họ đã bắt đầu đình công, nếu không muốn cam chịu bị bóc lột tận xương.
Làm gì để bảo vệ người lao động, bảo vệ giai cấp CÔNG-NÔNG vốn là động lực của cách mạng dân tộc dân chủ, đã và đang được hết lời ca ngợi, nhưng đã và đang lún sâu vào cảnh bần cùng, thất nghiệp, bị “thành thị hóa” theo kiểu lưu manh ? Làm gì để những người lao động không phải, không cần được làm chủ, mà đơn giản chỉ mong, chỉ cần được làm người (đơn giản…Maria…).
Những câu hỏi, vì lâu nay ta trả lời quá dễ, thành ra lại không dễ trả lời. “Dân giàu nước mạnh” ư ? Thực tế ở nước ta hiện nay, có bao nhiêu phần trăm dân giàu, còn bao nhiêu phần trăm dân sống dưới mức nghèo khổ? Và nếu phần trăm những người nghèo khổ quá lớn thì lấy đâu để nước mạnh? Và nếu dân nghèo, nước không mạnh, thì lấy đâu để ổn định chính trị theo đúng nghĩa của nó, tức là HOÀ BÌNH AN LẠC? Nhà triết học thì luôn phải khách quan, chỉ lần đến quy luật, không hề biết tới những buồn vui giận ghét đau xót hay tủi hổ. Có lẽ, Hà Sĩ Phu chưa hẳn là nhà triết học chính ở chỗ đó. Nhưng thành nhà triết học, tôi đã nói, không phải là mục đích của Hà Sĩ Phu. Hay anh là một nhà triết học kiểu mới, trong
một điều kiện đặc biệt, trong một thế giới liên tục đổi mới, liên tục chuyển biến đến chóng mặt, một thế giới đang từng giờ từng phút duyệt xét lại các giá trị, từng giờ từng phút yêu cầu và tạo nên những giá trị mới?
Nếu anh là nhà triết học kiểu mới thì chính vì anh đã có một xuất phát rất “cũ”: nói lên sự thật, duy chỉ sự thật, bằng một giọng bình thản. Galilê “xưa cũ” đã từng nói bình thản: “Nhưng nó vẫn quay!”
Và đến nay trái đất vẫn còn quay, quanh mình nó và quanh mặt trời. Galilê là một nhà triết học kiểu mới.
Tôi không phải người lạc quan, nhưng tôi tin vào quy luật, tin vào những gì hợp quy luật, mà cao nhất bao trùm nhất là quy luật tự nhiên. Tôi chắc, Hà Sĩ Phu cũng có một niềm tin như vậy. Và tôi còn tin: đã là sự thật, thì phải được nói ra, không từ miệng người này thì từ miệng người khác. Như cái kim trong bọc, không tòi ra lúc này thì tòi ra lúc kia. Như quả cây không bị cưỡng bức, sẽ dần dần chín dưới nắng mặt trời. Và một dân tộc, muốn tồn tại, không thể không có nền triết học của mình, không thể không có những nhà triết học của mình. Tôi vẫn tin.
Cuối năm Quí Dậu( 1993)
TT