Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: kinh tế và văn hóa trong nước Mỹ (Bài 9)

Đoàn Hưng Quốc

Một nghịch lý xã hội ở chỗ Đảng Dân chủ chủ trương bảo vệ dân nghèo, nhưng ngược lại giới công nhân thợ thuyền da trắng lại bỏ phiếu cho nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump cho dù họ bị thiệt thòi nhiều nhất nếu các chương trình trợ cấp xã hội bị cắt giảm. Điều này khiến các kinh tế gia cánh tả – trong đó có ông Paul Krugman nổi tiếng của tờ New York Times – vò đầu nát óc vì không tìm ra lời giải thích.

Lý do khi cuộc sống trở nên bất an (do toàn cầu hóa) thì bản năng của con người tụ họp gần lại với cộng đồng cùng màu da và chung nền văn hóa để tìm sự an toàn và đồng cảm. Người Mỹ gọi đây là tribalism hay là chủ nghĩa bộ tộc. Giới thợ thuyền da trắng sống rải rác ở vòng đai han rỉ (rust belt) gồm nhiều tiểu bang nằm sâu trong nội địa Hoa Kỳ trước đây không có phương tiện kết hợp để có tiếng nói mạnh trong chính trường, nay dùng Facebook liên kết với nhau trở thành một lực lượng chính trị quan trọng làm khuynh đảo cuộc bầu cử 2016. Họ chọn bỏ phiếu không vì chính sách kinh tế của Đảng Dân chủ hay Cộng hòa mà để tìm sự đồng cảm – trớ trêu thay nơi chính là nhà tỷ phú địa ốc Donald J. Trump. Cho nên cựu Thống đốc Quỹ Dự trữ Liên bang Alan Greenspan đã nhận xét rằng trào lưu dân túy không phải là một chủ nghĩa nhưng là tiếng kêu cầu cứu tìm kiếm sự đồng cảm giữa kẻ người thua thiệt bị bỏ rơi.

Trước khi phân tích thêm về hiện tượng Donald Trump tưởng nên bắt đầu với lý do tại sao giới thợ thuyền da trắng lại từ bỏ Đảng Dân chủ vốn từng được xem như đảng của dân nghèo và của người lao động. Đảng Dân chủ trong những thập niên 1930-60 là đại diện cho giai cấp công nhân với các chính sách về an sinh xã hội và quyền lợi người lao động (New Deal) bắt đầu từ thời Tổng thống Roosevelt sau cuộc Đại Khủng hoảng 1929.

Đến thập niên 1960 thì Tổng thống Dân chủ Lyndon Johson tuy một mặt mở rộng thêm mạng lưới an sinh xã hội nhưng đồng thời lại kèm thêm với dân quyền (Civil Rights) bênh vực nữ phái và người da đen. Khởi đi từ lúc đó và do những định kiến xã hội còn tồn tại nên giới thợ thuyền da trắng bắt đầu tách ly ra khỏi Đảng Dân chủ.

Sang thập niên 1990 cho đến năm 2016 thì Đảng Dân chủ đổi sang chính sách Tân Tự do (neo-liberalism) với Tổng thống Bill Clinton, rồi sau đó đến Obama (tuy khoảng giữa có cánh Tân Bảo thủ (neo-conservative) của Tổng thống Bush nắm quyền). Trào lưu dân quyền (Civil Rights) được khai triển để bao gồm quyền lợi của người thiểu số, di dân và đồng tính trong khi lại hạn chế các sinh hoạt Ki-Tô giáo (Christian Judaism) ngoài công cộng – trong khi tinh thần Ki-Tô giáo vốn được xem là nền tảng của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Cả hai cánh Tân Tự do và Tân Bảo thủ đều cùng một quan điểm khuyếch trương WTO, toàn cầu hóa và Tự do mậu dịch (free trade). Phe Tân Bảo thủ lại chủ trương dùng sức mạnh quân sự để can thiệp quốc tế (interventionism) nhằm phát huy Tự do và Dân chủ toàn cầu, nhưng với kết quả thảm hại là sự sa lầy ở Afghanistan và Iraq.

Kết quả là giới thợ thuyền da trắng vừa lo sợ thất nghiệp (do toàn cầu hóa) lại cảm thấy bị ép bức về văn hóa, rồi thêm bị đe dọa sẽ trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ (do di dân ngày càng đông). Toàn cầu hóa đánh đổi hàng hóa giá rẻ với công ăn việc làm khi hảng xưởng di dời sang Đông Á. Làm sen đầm quốc tế chỉ tội phung phí tài sản quốc gia (5 ngàn tỷ USD) vào các cuộc chiến triền miên thay vì đầu tư trong nước. Nước Mỹ nợ ngập đầu nên mượn tiền Trung Quốc mà thiếu cảnh giác khiến Hoa Lục thao túng WTO trở thành một cường quốc đối thủ về kinh tế. Giới lao động và thành phần trung lưu-công nhân da trắng chống cả Đảng Dân chủ vì cho rằng trường phái Tân Tự do (neo-liberalism) đã bỏ rơi giai cấp công nhân da trắng để phục vụ cho giới ưu tú (elites) theo chủ nghĩa quốc tế (internationalism) và cấp tiến (progressive), và chống cả cánh Tân Bảo thủ của Đảng Cộng hòa ngu dại ăn cơm nhà đi vác ngà voi. Trong khi giới nghèo da đen sống chui rút trong các trung tâm đô thị cũ kỹ (inner cities) tiếp tục ủng hộ Đảng Dân chủ thì thành phần nghèo da trắng rải rác ở vòng đai han rỉ (rust belt) lại dồn phiếu cho Trump. Họ ủng hộ khẩu hiệu “American First” (Nước Mỹ trước hết) vì cho rằng Trump cảm thông với những uất ức dồn nén trước đây.

Trump cắt giảm an sinh xã hội và bảo hiểm y tế (Obamacare), cho dù ảnh hưởng đến thợ thuyền và giới trung lưu-công nhân nhưng đồng thời ngăn chặn những lạm dụng trong giới di dân. Trump lại được sự ủng hộ nồng nhiệt của cộng đồng Cơ Đốc giáo và Hiệp hội Sở hữu Vũ khí (NRA) là hai tổ chức rất mạnh trong nước Mỹ vì họ cho rằng Trump là cơ hội cuối cùng chặn đứng Hồi giáo và phục hồi giá trị Mỹ. Dân Mỹ tuy bất mãn về kinh tế nhưng bỏ phiếu vì lý do văn hóa.

Trump không có đời sống gương mẫu nhưng ngược lại cánh ủng hộ cho rằng Trump có sao nói vậy giống như những người lao động, không giả dối như các chính trị gia chuyên nghiệp từng hứa hẹn hão huyền toàn cầu hóa để rồi đánh mất công ăn việc làm nước Mỹ. Trump tục tằn thô lỗ và có ba đời vợ nhưng cũng chỉ giống số đông đàn ông Mỹ vậy thôi. Trump giàu sang mà không bóng bẩy. Dân Mỹ tuy bất mãn về kinh tế nhưng bỏ phiếu để tìm sự đồng cảm (vote by association).

Trong số các đối thủ chính trị chỉ có Joe Biden và Bernie Sander là liên hệ được với giới thợ thuyền và thành phần trung lưu-công nhân Mỹ da trắng giống như Trump. Bà Elizabeth Warren, ông Pete Buttigieg và hình như cả ông Bloomberg bị xem là quá chải chuốt kém thành thật. Dù có bị đánh giá là nông cạn hay một tên đại ma đầu thì Trump sẽ còn ám ảnh lên chính trường Mỹ trong một thời gian lâu dài: Đảng Cộng hòa nay thay đổi diện mạo để trở thành “đảng của Trump” đồng thời cô lập cánh Tân Bảo thủ, trong khi Đảng Dân chủ trổi dậy cánh tả Bernie Sander và Elizabeth Warren vốn chống trào lưu toàn cầu hóa và lập trường Tân Tự do của Joe Biden (và Michael Bloomberg).

Phần phân tích nói trên chỉ nhắc đến hiện tượng Trump trong người Mỹ bản xứ. Nhưng tại sao trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại có tâm lý cuồng Trump và cuồng chống Trump, vì đã có quá nhiều tranh luận trên mạng nên xin được miễn bàn!

Bài viết này có tính thời sự về Trump nhưng dẫn đến một đề tài tổng quát tiếp theo phân tích về nước Mỹ rạn nứt giữa các trung tâm đô thị củ kỹ (inner cities) và những tiểu bang rỉ sét (rust belt) bị bỏ rơi bởi hai vùng đất ven biển thịnh vượng miền Tây (phía Cali) Đông Bắc (khu Washington D.C. và New York city) trong cuộc chạy đua toàn cầu hóa; rồi sau đó là liệu vai trò của nhà nước trong xã hội tư bản có cần can thiệp để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo hay không?

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Donald Trump, toàn cầu hóa. Bookmark the permalink.