Hình ảnh đầu tiên về đám tang ông Lê Đình Kình
Ngày 13/1, lễ tang cụ Lê Đình Kình, người thiệt mạng trong vụ bố ráp của chính quyền đêm 9/1 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, được tổ chức tại quê nhà.
Thông tin trên mạng xã hội cho hay cả làng ở Đồng Tâm từ già đến trẻ đều đeo khăn trắng.
BBC News Tiếng Việt hiện chưa thể tiếp cận được với các nguồn tin từ hiện trường. Một số nguồn tin giấu tên bên ngoài Đồng Tâm cho hay, cảnh sát vẫn canh gác nghiêm ngặt ở Đồng Tâm, internet bị cắt. Không một hình ảnh nào về lễ tang lọt ra ngoài.
Các nguồn tin trên mạng xã hội cho biết là do sự ngăn cản của chính quyền, trừ bà con Đồng Tâm và các xã lân cận, không ai có thể đến dự tang lễ cụ Kình.
Bốn người trong gia đình ông Kình hiện ‘vẫn chưa có tin tức gì’, bà Dư Thị Thành nói
Nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ sự tiếc thương qua các hình thức khác nhau. Nhiều người đổi hình ảnh đại diện là tranh vẽ cụ Lê Đình Kình, do một số họa sỹ thực hiện sau biến cố Đồng Tâm hôm 9/1, với dòng chữ: Cầu nguyện cho Đồng Tâm.
Tối 12/1, giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An đã tổ chức lễ cầu nguyện cho người dân Đồng Tâm.
Cũng trong tối 12/1, một nhóm các bạn trẻ thuộc một tổ chức xã hội dân sự đã cầu nguyện cho cụ Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm ở nhà thờ Thái Hà, Hà Nội.
Nhà sập, người chết, người vẫn đang mất tích sau vụ bố ráp của cảnh sát hôm 9/1, vậy là Tết này gia đình cụ Lê Đình Kình đã không thể đón Tết cùng nhau.
Theo RFI, khoảng 25 nhà hoạt động xã hội ở Paris tập họp tại quảng trường Trocadéro, thủ đô nước Pháp nhằm để tang cho các nạn nhân trong vụ Đồng Tâm ở Việt Nam, mở đầu tuần lễ tưởng niệm từ 12/1 đến 19/1.
Mạng xã hội đã có những lời kêu gọi quyên góp ủng hộ cho gia đình cụ Lê Đình Kính,
Đồng thời, cũng xuất hiện lời kêu gọi của nhóm "Những người ủng hộ nạn nhân Đồng Tâm" kêu gọi tất cả người dân Việt Nam dành một tuần cầu nguyện cho Đồng Tâm, cho các nạn nhân của bạo lực trong vụ cưỡng chế Đồng Tâm.
Ông Lê Đình Kình chết như thế nào?
Cụ Lê Đình Kình vào những ngày hãy còn được bình yên bên con cháu, ở thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội
Thi thể cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, được chính quyền bàn giao cho người nhà hôm 10/1, theo xác nhận của báo Việt Nam, và rằng ông chết trong "vụ việc chống người thi hành công vụ" hôm 9/1.
Con gái ông Kình, bà Lê Thị Nhung là người đại diện gia đình nhận thi thể.
Sau đó, trên mạng xã hội lan truyền video được cho là thi thể cụ Kình tại tư gia, với một vết rạch dài từ cổ xuống bụng, có một lỗ trên ngực vị trí tim.
Các nguồn tin trên mạng xã hội cho hay, vợ cụ Kình là người chứng kiến cụ bị bắn chết tại nhà, trên tầng hai, trong vụ tấn công của khoảng 3000 cảnh sát cơ động vào làng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, rạng sáng 9/1. Và rằng cụ bị bắn 4 phát đạn, một phát vào ngực, trúng tim, một phát ở chân, hai phát ở đầu. Một chân cụ bị gãy lìa.
BBC chưa có điều kiện để kiểm chứng một cách độc lập các nguồn tin này.
Cụ Lê Đình Kình và ruộng vườn làng quê cụ ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội
Các nhà hoạt động bị ‘canh’
Trong khi đó, các nhà hoạt động cho hay, họ bị bị cảnh sát ‘canh nhà’ không cho đi đâu.
TS Nguyễn Xuân Diện nói với BBC Tiếng Việt sáng 13/1 rằng ông bị ‘canh cửa’ suốt 4 ngày hôm nay và không thể đi dự đám tang cụ Kình.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, căn hộ của vợ chồng ông ở Hà Nội cũng bị cảnh sát canh nhiều ngày nay. Hai vợ chồng ông không thể đi ra ngoài, dù là đi chợ hay đi khám bệnh.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương – người thường xuyên thông tin về vụ việc Đồng Tâm trên Facebook – cũng bị công an canh gác.
Một số Facebookers cũng bị chính quyền bắt giữ do đưa tin về Đồng Tâm, trong đó có Facebooker Chương May Mắn ở Cần Thơ.
Chính quyền nói gì?
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tới thăm một gia đình cảnh sát bị thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm
Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin, ba cảnh sát chết trong vụ Đồng Tâm sẽ được cử hành tang lễ hôm 16/1.
Cả ba cảnh sát này đã được Nhà nước Việt Nam công nhận liệt sỹ, nâng cấp bậc quân hàm, đồng thời được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và bằng Tổ quốc ghi công.
Truyền hình Việt Nam cũng đưa nhiều phóng sự nói về vụ việc Đồng Tâm, trong đó người dân Đồng Tâm là những "kẻ gây rối, chống người thi hành công vụ".
Đồng thời, VTV1 cũng phát đi các phóng sự về gia cảnh tang thương ở nhà các cảnh sát thiệt mạng.
Báo Công an Nhân dân ngày 13/1 có bài viết kêu gọi người dân "Cảnh giác âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để kích động, chống phá".
Trong đó, đưa ra năm "thủ đoạn chính" mà "các đối tượng chống đối" sử dụng gồm:
Tung tin, vu cáo Nhà nước "cướp" đất của nhân dân; kích động phần tử chống đối với chính quyền, cơ quan chức năng nhà nước; xuyên tạc, vu khống hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an, vu cáo, bịa đặt Công an "đàn áp", "tấn công" nhân dân; quốc tế hóa thông tin sự việc Đồng Tâm, cố tình tạo ra nhận thức sai trái về sự việc Đồng Tâm, từ đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân lên tiếng, can thiệp; xuyên tạc, làm phức tạp thêm tình hình, làm giảm hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.