Giới hạn của cưỡng chế

Nguyễn Quốc Tấn Trung

NÓI KHÔNG VỚI ‘NHỮNG TRẬN ĐÁNH ĐẸP”.

Cảnh sát dàn trận trên cánh đồng Văn Giang trong cuộc cưỡng chế đất ngày 24/4/2012. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Mấy năm trước, bên Mỹ có một cuộc cưỡng chế đất gây chấn động.

Số là ông nông dân Cliven Bundy thừa hưởng quyền chăn nuôi và trồng trọt trên một mảnh đất mà ông cho là thuộc bang Nevada, do tổ tiên ông này để lại từ những năm 1880. Cục Quản lý Đất đai Hoa Kỳ (Bureau of Land Management) thì lại cho rằng mảnh đất ấy thuộc về chính quyền liên bang và muốn thu hồi. Họ lập luận rằng diện tích đất mà Bundy sử dụng cho chăn nuôi gia súc cần phải thay đổi vì một số mục tiêu bảo vệ môi trường.

Vậy chính quyền đã làm gì?

Trước tiên, họ khởi kiện Bundy ra tòa liên bang và thắng kiện vào năm 1998. Tuy nhiên, ông Bundy không thi hành quyết định này mà tiếp tục chăn nuôi trên diện tích đất truyền thống nói trên của mình, dẫn đến khoản phí chăn nuôi (“grazing fee”) mà ông phải trả cho chính quyền liên bang lên đến 1,2 triệu USD.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán không thành, năm 2013, Cục Quản lý tiếp tục khởi kiện. Lần này, Thẩm phán tòa liên bang trao thẩm quyền cho Cục Cưỡng chế tịch thu hơn 900 gia súc của Bundy, vốn đang được chăn rong rải rác toàn khu vực, để đảm bảo thi hành khoản phí liên bang, cũng như ép buộc họ phải rời khỏi vùng này. Đây là lúc căng thẳng leo thang. Trong quá trình chính quyền cưỡng chế bắt 350 gia súc, con trai trưởng của Bundy bị bắn bằng súng điện và bị bắt đi.

Một đoạn video clip về cuộc cưỡng chế được đăng tải lên mạng xã hội và nhanh chóng khiến nhiều nông dân trong khu vực tức giận. Hơn 1.000 người đến hỗ trợ Cliven Bundy. Rất nhiều trong số đó được vũ trang bằng súng tự động lẫn bán tự động. Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm khi lực lượng cảnh sát cùng cơ quan cưỡng chế liên bang và những người biểu tình có vũ trang chĩa súng vào nhau.

Đến đây thì Cục quản lý làm gì?

Họ rút lui.

Đúng vậy, đối mặt với “một đám dân hỗn láo” (nói theo ngôn ngữ của một số người trên mạng) dám chĩa súng về phía chính quyền, Cục quản lý không cầu trợ đến quân đội tiểu bang (National Guard) hay các đội đặc nhiệm chuyên trách phòng chống khủng bố của chính quyền liên bang để có “một trận đánh đẹp”.

Xác nhận về khả năng thương vong cao dành cho cả hai phía nếu tiến hành các biện pháp cưỡng chế, mà đặc biệt là cho nhóm biểu tình, lãnh đạo Cục Quản lý tiết chế căng thẳng, đưa nhân viên của mình ra khỏi khu vực, trả lại 350 gia súc bắt được trước đó và giỡ bỏ các hàng rào, từ đó chấp nhận kéo dài tranh chấp này đến tận năm 2018.

Tôi không muốn nói rằng Cliven Bundy và những “dân quân tự vệ” đến bảo vệ ông bằng súng đạn là vô tội. Thực tế cho thấy Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã vào cuộc và rất nhiều cá nhân sử dụng súng nhắm vào nhân viên công quyền đã bị khởi tố. Một số cá nhân ngoan cố và kêu gọi sử dụng vũ lực quá trớn đã phải nhận án hơn 10 năm tù. Song điều quan trọng hơn cả, và thành công lớn hơn cả của chính quyền, là cuộc cưỡng chế không làm ai chết hay bị thương, từ cả hai phía.

***

Cưỡng chế là một hoạt động thông thường của mọi nhà nước.

Nói theo ngôn ngữ khoa học gần gũi của các học giả Trung Quốc, cưỡng chế hành chính (coercive administrative measures) là việc chính quyền tước đoạt tài sản và/hoặc tự do của công dân ở một mức độ nhất định nhằm đạt được một mục đích hành chính cụ thể.

Cưỡng chế hành chính, dù buộc phải dùng vũ lực như nhiều biện pháp trừng phạt của chính quyền, lại không có tính trừng phạt (punitive nature). Cái mà cưỡng chế hành chính làm là xóa bỏ những trở ngại cho việc thực thi một quyết định nào đó của chính quyền và duy trì trật tự xã hội, chứ không phải là trả thù.

Vì vậy, như quan điểm của học giả Lingjie Xu người Trung Quốc nói trên, việc cưỡng chế luôn phải được đặt trong tình trạng kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn khả năng lạm dụng quyền lực và tránh những quyết định sai lầm, thiếu cân nhắc, thiếu nhạy cảm của chính quyền.

Hoa Kỳ – vốn tự xưng là vùng đất của tự do – thật ra cũng không quá xa lạ với các chính sách sử dụng biện pháp cưỡng chế hành chính nhà nước. Ngay từ năm 1977, nhà kinh tế học Charles Schulte đã từng mỉa mai trong quyển sách nổi tiếng “Công dụng của Tư lợi” (The Public use of Private Interest) rằng: Đường đường là một xã hội luôn tự hào và rao giảng về những lợi thế kinh tế – xã hội của học thuyết “Bàn tay Vô hình” của Adam Smith, kỳ lạ thay, Hoa Kỳ vẫn được điều hành “một cách sáng tạo” bằng hằng hà sa số sự can thiệp của nhà nước. Thay vì dùng lợi ích vật chất để khuyến khích công dân tuân thủ, sao cho mục đích công quyền song hành với tư lợi, thì công dân lại phải hy sinh tư lợi khi công quyền yêu cầu.

Như vậy, cần khẳng định rằng chính quyền Hoa Kỳ cũng cưỡng chế và can thiệp vào tài sản và tự do của công dân khi cần thiết. Tuy nhiên, trong hầu hết các đời Tổng thống Hoa Kỳ, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, việc cưỡng chế và can thiệp phải dựa trên tôn chỉ đồng thuận, bình đẳng và định hướng thị trường. Theo thống kê và nghiên cứu của hai tác giả Robert T. Nakamura và Thomas W. Church trong quyển “Taming Regulation: Superfund and the Challenge of Regulatory Reform”, hầu hết các mục tiêu hành chính của Hoa Kỳ, nếu có mâu thuẫn với mong muốn của cộng đồng, sẽ thường được giải quyết bằng đối thoại và các biện pháp tiết giảm căng thẳng.

Chẳng hạn, chương trình Tái sáng tạo Chính phủ (Reinventing Government) của Tổng thống Bill Clinton hồi những năm 1990, dù bị mang tiếng là một nỗ lực tập quyền hóa chính quyền liên bang, thật ra vẫn hướng tới một chính quyền vận hành kiểu doanh nghiệp, coi công dân là khách hàng (a consumer- and market-based government). Các biện pháp cưỡng chế, vì vậy, có rất ít đất để tỏa sáng.

***

Vậy đến cuối cùng, tôi muốn ám chỉ điều gì khi kể lể về khoa học cưỡng chế của hai quốc gia lớn nhất thế giới nói trên?

Chúng ta thừa nhận rằng, nhiệm vụ chính của các cơ quan hành pháp là áp đặt nghĩa vụ lên công dân, chứ không phải là cung cấp dịch vụ. Xã hội tin tưởng giao cho họ những quyền lực dường như vô hạn, từ phạt tiền, từ chiếm giữ tài sản, từ hạn chế và kiểm soát hoạt động kinh doanh, cho đến tước các loại giấy phép và phá hủy kế sinh nhai của cả một gia đình. Khi cần thiết, họ có thể hạn chế quyền tự do thân thể của cá nhân, áp dụng vũ lực và kết liễu một đời người.

Với những lý do trên, như lẽ thường, vấn đề của một chính phủ sáng suốt khi đối mặt với những xung đột giữa lực lượng nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế và những người dân vốn không có những đặc quyền này, là kiểm soát và giới hạn khả năng lạm quyền của lực lượng nhà nước, chứ không phải đăm đăm lo điều ngược lại. Năng lực và quyền hạn để gia tăng căng thẳng, hay tiết giảm căng thẳng trong xung đột, cuối cùng là nằm trong tay quan, chứ không phải trong tay dân. Khi cơ quan công quyền luôn có tư duy biến một cuộc cưỡng chế thành “một trận đánh đẹp”, không quá khó để kết luận rằng bên nào đang muốn xung đột bùng nổ.

***

Vậy nhìn lại sự kiện ở Đồng Tâm rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, vừa rằm tháng Chạp chuẩn bị cho Tết Canh Tý, điều gì khiến cho gần 2.000 đặc nhiệm phải “liều mạng” trước vài chục người Đồng Tâm cũng “liều mạng” không kém?

Điều gì làm cho cả bên tham gia xung đột, vốn không được trang bị vũ khí có sức sát thương cao như sự kiện Bundy vừa kể trên, mà vẫn làm cho gần 10 người chết?

Điều gì khiến cho những khiếu nại, khiếu kiện đất đai vốn bình thường và đơn giản để giải quyết lại dẫn đến vũ lực không có hồi kết như vậy? Từ Tiên Lãng đến Đoàn Văn Vươn, và nay là đến vết nhơ Đồng Tâm?

Ở ta, có vẻ ít lãnh đạo nào nhớ rằng cưỡng chế không phải là để giữ hình ảnh của một nhà nước hiệu quả, không phải để giữ uy nghiêm, không phải để trở thành những “trận đánh” để đời ghi điểm. Cưỡng chế chỉ là một công cụ thực thi chính sách. Cưỡng chế không nhằm trừng phạt, không nhằm “một sống một còn”, mà nhằm đảm bảo rằng cá nhân, tổ chức tuân thủ các trật tự quản lý hành chính.

Tôi không đủ thông tin và cũng chưa dám bàn về tính pháp lý của tranh chấp tại Đồng Tâm. Nhưng dù ai đúng ai sai đi chăng nữa, Đồng Tâm là một sự kiện hoàn toàn có thể tránh được. Cliven Bundy có thể là một kẻ cố chấp và bị tòa án liên bang xử thua nhiều lần, nhưng sự cố chấp của ông và những người được vũ trang ủng hộ ông không đồng nghĩa với việc chính quyền phải gia tăng căng thẳng và biến xung đột hành chính này trở thành một trận chiến.

Cưỡng chế là một biện pháp chính sách rẻ tiền, bởi cái giá của sự phục tùng và hiệu quả chính sách được người khác trả, chứ không phải chính quyền. Nó cần thiết, nhưng nó cũng cần được kiểm soát. Mà dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, vai trò của nhà nước là ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho xã hội, chứ không phải là làm mọi thứ phức tạp hơn. Cho đến khi chính quyền nghiêm túc tiếp thu và chấp nhận giới hạn của biện pháp cưỡng chế, chúng ta chỉ đang thù địch hóa mối quan hệ người dân – nhà nước bằng lịch sử u ám của “những trận đánh đẹp” mà thôi.

N.Q.T.T.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/01/gioi-han-cua-cuong-che/

This entry was posted in Cướp đất của dân, Đồng Tâm. Bookmark the permalink.