Quốc Phương – BBC News Tiếng Việt
Nợ công ở Việt Nam hiện nay về thực chất không có gì ‘hay ho’ như các số liệu được ‘tính lại’ GDP mà chính phủ nước này đưa ra cho năm vừa qua và Việt Nam cần lưu ý tới những khía cạnh dài hạn, ổn định, thực chất hơn là nhất thời và ngắn hạn để có cái nhìn tỉnh táo hơn, theo một số nhà quan sát kinh tế – xã hội.
Kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ tiếp tục tập trung để đạt các chỉ số tăng trưởng cao hay sẽ đi vào một bước ngoặt mang tính coi trọng chất lượng phát triển, tính bền vững và có tầm nhìn xa hơn? Ảnh: GETTY IMAGES
Khi được đề nghị đánh giá về thực chất của phá triển tại Việt Nam, đằng sau những con số về Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) được chính phủ Việt Nam ‘tính lại’ và công bố lần gần nhất trước khi bước sang năm mới 2020, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A bình luận với BBC News Tiếng Việt:
"Số liệu thống kê luôn luôn là một vấn đề đối với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, bởi vì trong thời gian vừa qua thì chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã có một biện pháp là tính lại GDP, chuyện này cũng là chuyện bình thường ở các nước thôi, chứ không có gì là đặc biệt.
"Nhưng mà nó đặc biệt ở Việt Nam là trước năm chuẩn bị Đại hội đảng cộng sản, đang chuẩn bị cho Đại hội đảng và GDP của Việt Nam theo cách tính mới, so với cách tính cũ, tăng lên 26-27%.
Cái đó nó có tính chất tạm thời, bởi vì những cái tận dụng được cơ hội, thí dụ như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chẳng hạn, thì cái đó, nếu mà họ thỏa thuận được với nhau thì cơ hội đấy sẽ bớt đi
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A
"Và như thế cái mẫu số nó tăng lên như thế, cho nên tỷ lệ nợ công giảm xuống về mặt phần trăm, nhưng mà con số tuyệt đối của nợ công thì rất đáng tiếc là không giảm được cái gì cả.
"Bởi vì thực sự là tình trạng kinh tế của Việt Nam vẫn như thế thôi, bây giờ chỉ có điều là tính lại thì bảo rằng nó to hơn, đấy là vấn đề về tỉ lệ nợ công, thì chúng ta phải hiểu như vậy.
"Thực sự là tình hình nợ công không phải là hay ho gì cả ở Việt Nam".
Tuy nhiên, về vấn đề tăng trưởng kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện Chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể) cho rằng Việt Nam cũng đã đạt được ‘điểm tốt’ tạm thời. Tiến sỹ Quang A bình luận tiếp:
"Còn về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, v.v. thì có thể nói rằng cả 12 chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra cho năm 2019 thì đều đạt được và tôi nghĩ rằng đấy là một điểm tốt của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh rất là khó khăn trên thế giới.
Các nhà quan sát, phân tích kinh tế Việt Nam vẫn nhắc nhở rằng Việt Nam vẫn còn là một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
"Cũng may là Việt Nam ở vào một cái thế mà có thể tận dụng được kể cả cái khó khăn và cái thuận lợi của những người khác để phát triển, nhưng cái đó chỉ là những kết quả của một quá trình đã được khởi động lâu rồi và sự năng động của bản thân các doanh nghiệp cũng như là của người dân Việt Nam.
"Và một điểm nữa cần chú ý là cái đó nó có tính chất tạm thời, bởi vì những cái tận dụng được cơ hội, thí dụ như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chẳng hạn, thì cái đó, nếu mà họ thỏa thuận được với nhau thì cơ hội đấy sẽ bớt đi".
Cần nhìn nhận tỉnh táo hơn?
Gần đây, có ý kiến cho rằng ‘bầu trời kinh tế’ của Việt Nam vẫn "trong sáng", trong khi bầu trời kinh tế thế giới nói chung là ảm đạm, một nhà nghiên cứu phát triển và phát triển nông thôn của Việt Nam trong dịp này đưa ra bình luận:
"Từ báo cáo của World Bank vừa rồi mới công bố, lãnh đạo Việt Nam cũng tỏ ra rất lạc quan cùng với đánh giá của World Bank về bầu trời trong sáng của Việt Nam trong khi bầu trời kinh tế nói chung trên thế giới là ảm đạm", ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phát triển Nông thôn (RDSC), nói.
"Tôi muốn lưu ý một nhận định của cơ quan đánh giá độc lập là Moody, họ cho biết là ở Việt Nam họ vẫn giữ nguyên mức tín nhiệm đối với tài chính của Việt Nam, nhưng họ cho rằng triển vọng tương lai là bị âm tính.
Còn nếu chúng ta chuyển sang được mức tăng trưởng như là của Malaysia, hay là Hàn Quốc chẳng hạn, thì không thể nào mà tăng trưởng 6-7% một năm được
Nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Quang
"Họ đã chỉ ra ba yếu tố là dài hạn. Thứ nhất là yếu tố về xã hội, ví dụ như vấn đề về dân số chẳng hạn, sự già hóa về dân số Việt Nam đang kéo đến và từ lâu nay rồi chưa được mọi người quan tâm và chú ý giải quyết vấn đề về già hóa dân số. Thì những quy hoạch về dài hạn về mặt này là một yếu tố mà cần phải lo lắng.
"Thứ hai là những yếu tố mà người ta cho rằng là rủi ro về môi trường, chẳng hạn về biến đổi nhiệt độ khí quyển, rồi nước biển dâng rồi là xâm mặn, rồi có thể những rủi ro thiên tai như hạn hán kéo dài.
"Thế thì những triển vọng dài hạn như vậy, thông thường người ta cho rằng là các nhà kinh tế Việt Nam chỉ lo đến ngắn hạn thôi, còn những cái dài hạn là chưa nghĩ đến, hoặc chưa có những biện pháp lo lắng để tính vào.
"Một cái nữa, người ta cũng lo lắng là triển vọng giải quyết những vấn đề liên quan đến thể chế cho đến tham nhũng, thì cũng có thể trong cái ngắn hạn nào đó chúng ta có thể lạc quan, tốc độ tăng trưởng như vậy nó có vẻ là cao.
"Thế nhưng chúng ta thấy rằng là ở ngưỡng thu nhập thấp, tăng trưởng cao như vậy thì nó cũng không phải là cái gì đó đặc biệt, tăng trưởng ở Việt Nam cũng giống như là một nước rất là nghèo như là Bangladesh chẳng hạn, cùng một nhịp độ tăng trưởng.
"Còn nếu chúng ta chuyển sang được mức tăng trưởng như là của Malaysia, hay là Hàn Quốc chẳng hạn, thì không thể nào mà tăng trưởng 6-7% một năm được, điều đấy thì chúng ta có thể hình dung được là mức độ tăng trưởng cao thì như vậy, thế nhưng phải hiểu rằng nó ở trong một bối cảnh mà mức phát triển của Việt Nam thấp, rất thấp… nó là như vậy thì chúng ta có thể là nhìn nhận một cách tỉnh táo hơn".
Cảnh báo nào cho năm 2020?
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến nhiều thành tích đạt được trong bóng đá và thể thao thành tích cao ở khu vực thời gian qua. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong một bài viết đầu năm mới trên Asia Times hôm 02/01, một nhà quan sát chuyên theo dõi châu Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, David Hutt cũng đưa ra một số nhận định mà theo tác giả này, giới tư vấn, hoạch định chiến lược và chính sách kinh tế của Việt Nam cần lưu ý, bài viết có đoạn:
"Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể được tha lỗi, nếu triển vọng năm 2020 của họ bị chính trị hóa quá mức…
"Nhưng các nhà hoạch định kinh tế sẽ bị sai lầm khi bỏ qua các vấn đề dài hạn khác nhau đe dọa đưa đất nước vào cái gọi là "bẫy thu nhập trung bình", trong đó đất nước có nguy cơ già đi trước khi trở nên giàu có…
"Hiện không thấy rõ ngay lập tức rằng các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam đang làm đủ để tránh cái bẫy đó. Điều đó bao gồm việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) không hiệu quả, ngân hàng tiếp tục"cố ngấu nghiến" chính sách cho vay trong sự bất lợi với khu vực tư nhân".
Theo David Hutt, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, mà thường được biết đến với tên gọi ở Việt Nam là "cổ phần hóa", được coi là rất quan trọng để gây quỹ cho các ngân sách nhà nước. Nhưng quá trình này đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, với năm 2019 chứng tỏ một năm đặc yếu kém cho các chỉ số phát hành công khai lần đầu về chứng khoán (IPO).
Việc đẩy mạnh tư nhân hóa sẽ làm khó chịu những thế lực lợi ích của Đảng vốn đã trở nên giàu có trong những năm qua từ các cơ hội bảo trợ và tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đem lại cho họ
David Hutt, Asia Times
"Không có công ty tư nhân nào niêm yết cổ phiếu trong chín tháng đầu năm, trong khi một số danh sách doanh nghiệp nhà nước được lập trình đã bị lùi lại," nhà quan sát này viết.
"Chính trị là một yếu tố trong sự chậm lại tư nhân hóa. Chẳng hạn, các thanh tra viên nhà nước thường đánh giá quá cao các tài sản của doanh nghiệp nhà nước được lên kế hoạch tư nhân hóa, sợ rằng việc mất tiền nhà nước thông qua việc định giá trị thấp hơn có thể bị phạt tù.
"Những lo ngại đó đã được khuếch đại thêm bởi một nỗ lực chống tham nhũng cấp cao mà trong những năm gần đây đã khiến nhiều cựu giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, một số vì tham nhũng, một số khác có lẽ vì thất bại trong chính trị phe phái, bị sa bẫy".
Và tác giả bài viết có tựa đề tạm dịch "Hạ thấp mức độ rủi ro nền kinh tế Việt Nam năm 2020" đặt ra câu hỏi và vài cảnh báo từ một số khía cạnh mà ông tin là đáng lưu ý:
"Làm thế nào chính phủ tiến hành cân bằng lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, một điểm nóng tiềm năng thường được bùng phát qua các cuộc biểu tình công khai chống lại các bộ luật được đề xuất gây tranh cãi gần đây, mà sẽ được quyết định vào năm 2020.
"Một vấn đề bao trùm đối với các nhà hoạch định kinh tế là nhiều cải cách và thay đổi cần thiết để cải thiện năng suất và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư sẽ không nhất thiết phải phổ biến với người lao động địa phương, bao gồm biện pháp mới để tăng tuổi nghỉ hưu.
"Trong khi đó, việc đẩy mạnh tư nhân hóa sẽ làm khó chịu những thế lực lợi ích của Đảng vốn đã trở nên giàu có trong những năm qua từ các cơ hội bảo trợ và tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đem lại cho họ.
"Vì vậy, trong một năm khi các đảng viên sẽ tranh giành vị trí trước Đại hội toàn quốc của đảng vào năm 2021 và các nhà lãnh đạo của đảng nhắm tới việc tạo dấu ấn trên trường quốc tế, sẽ là rất ‘thú vị’ chứng kiến nhiều thách thức kinh tế cấp bách của quốc gia này", David Hutt viết trên Asia Times.
Q.P.