Luật pháp và công lý không phải là thứ để đổi chác

Nguyễn Ngọc Chu

1. Một vụ bán – mua cần hai đối tác chính là người bán và kẻ mua. Trong vụ AVG phải khẳng định ông Phạm Nhật Vũ là người chủ động chào bán trước. AVG bị thua lỗ và ông Phạm Nhật Vũ cần phải bán. Nên ông Vũ phải rao bán và tìm người mua. Nếu ông Vũ không chào bán thì MobiFone không biết AVG. Nếu ông Vũ không bán thì MobiFone không thể mua AVG. Bởi thế, tội của người chủ động bán là tội của kẻ chủ mưu đầu tiên. Tội của người mua là tội của kẻ đồng lõa thứ 2. Đó là 2 người chơi chính trong thương vụ bán – mua AVG.

MobiFone là người mua AVG. Nhưng MobiFone chỉ được mua AVG khi ông Nguyễn Bắc Son cho phép. Nên trong vụ AVG thì Mobione và ông Nguyễn Bắc Son là người mua. Lãnh đạo MobiFone và lãnh đạo Bộ 4T chịu tội của người mua – người chơi chính thứ 2 – mà thiếu người mua thì không có vụ án AVG. Phía người mua còn có một người nắm cái khác, đó là Chính phủ và các “trợ lý” là Bộ Kế hoạch & Đầu Tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an – tất cả các phía liên quan đến việc cho phép Bộ 4T mua AVG. Họ đều thuộc phía người mua. Như vậy người mua trong vụ AVG gồm 3 mắt xích: MobiFone, Bộ 4T, Chính phủ. Mặc dù MobiFone là người trực tiếp mua, nhưng quyết định mua lại nằm ở Chính phủ rồi mới đến Bộ 4T và sau cùng mới là MobiFone.

2. Trong vụ án AVG có một người chơi phụ. Đó là người môi giới trung gian. Có nhiều khả năng đây là người đạo diễn – dẫn thương vụ AVG đi đến quy mô tội phạm to lớn. Nhưng người môi giới chỉ có thể tìm khách hàng và dàn dựng thương vụ sau khi biết ông Vũ rao bán AVG. Người môi giới cũng chỉ góp phần dàn dựng chỉ khi họ tìm được người chơi chính thứ 2 là người mua – MobiFone và Bộ 4T. Người môi giới có thể dàn đựng được chỉ trong trường hợp cả ông Vũ lẫn MobiFone và Bộ 4T đồng tình. Nếu người bán và kẻ mua không đồng ý, thì người môi giới không thể hành động. Vì thế, vai trò của người môi giới có thể là tổng đạo diễn, nhưng tiếc thay, không vượt quá vai trò của người bán và kẻ mua.

Điều đặc biệt của vụ AVG là trong vai người đạo diễn có người mua, trong vai người mua có người môi giới, trong vai người môi giới có người mua, nên vai trò đạo diễn của người môi giới rất lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy giá thành AVG lên cao, và đây cũng là cánh cửa bịt đường lần ra dấu vết cuối.

3. Vụ AVG là một thương vụ được dàn dựng mưu toan cướp không 7.000 tỷ đồng tiền của nhà nước. Tội lớn nhất là của 2 người chơi chính – kẻ bán và người mua. Sau mới đến tội của người môi giới. Muốn trị tội kẻ môi giới thì phải chứng minh được đó chính là kẻ chủ mưu mua trá hình.

4. Theo lời khai thì ông Phạm Nhật Vũ đã đưa cho phía người mua bao gồm ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Tổng số tiền ước tính 136 tỷ đồng. Như vậy, theo số liệu công khai được biết thì ông Phạm Nhật Vũ sẽ chiếm đoạt một số tiền khổng lồ khoảng 6.800 tỷ đồng khi thương vụ trót lọt.

Nhưng ông Vũ còn phải đưa cho các đại diện khác nữa của phía người mua. Và đặc biệt ông Vũ còn phải chi trả cho người môi giới. Cả 2 khoản đó là bao nhiêu?

Để hoàn trả lại và giải quyết vụ AVG với mục đích tạo cớ để giảm tối đa tội trạng, ông Phạm Nhật Vũ đã trả cả lãi và các chi phí phát sinh. Khoản này là 329 tỷ đồng. Cộng với số tiền đã đưa 136 tỷ đồng – nhìn thấy được ông Phạm Nhật Vũ đã chi ngoài hợp đồng tối thiểu 465 tỷ đồng. Theo người vợ nước ngoài của ông Phạm Nhật Vũ cho biết thì gia đình còn khoản nợ khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ đó có thể giả thiết rằng, ngoài khoản 465 tỷ thì ông Vũ đã phải chi trả thêm cho người môi giới và phe người mua chưa nêu danh – khoảng 500 tỷ đồng nữa. Như vậy, ông Vũ đã thu về lợi nhuận ròng khoảng 6.000 tỷ đồng từ thương vụ AVG sau khi MobiFone chuyển tiền.

Một dự báo khác là ông Phạm Nhật Vũ phải chi cho kẻ môi giới và các đại diện khác của phía mua nhiều hơn 1.000 tỷ đồng. Vì kẻ đạo diễn biết giá trị thực của AVG nên sẽ mặc cả ăn chia. Vậy số đó là bao nhiêu?

Cho một dự báo cận trên rộng rãi. Đó là trường hợp ông Phạm Nhật Vũ phải chi đến 50% tiền lời cho phía mua và kẻ môi giới. Lúc đó ông Vũ phải chi 3.500 tỷ đồng và ông đút túi 3 500 tỷ đồng.

5. Ông Nguyễn Bắc Son dẫu giữ vai trò chỉ đạo trong vụ AVG thì ông cũng không thể hành động khi Chính Phủ không cho chủ trương. Chính phủ không đồng ý chủ trương thì Bộ Kế hoach & Đầu tư, Bộ tài chính, Bộ công An không thể đồng ý cho Bộ 4T mua AVG. Cho nên ông Nguyễn Bắc Son chỉ hành động khi nhận được thông báo đồng ý về chủ trương mua MobiFone từ Chính phủ. Không loại trừ, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận được cái gật đầu trực tiếp, hay là “khẩu dụ”.

Ông Nguyễn Bắc Son dẫu chỉ đạo quyết liệt cũng khó thực thi nếu MobiFone cương quyết phản đối. MobiFone có thể sợ bộ trưởng mà phải mua AVG. Nhưng MibiFone có thể khăng khăng phản bác giá trị nâng khống đến 5 lần – thành ra con số khổng lồ 8.900 tỷ đồng (theo một số chuyên gia đánh giá, thì giá trị của AVG chỉ khoảng 500 tỷ đồng, và trong trường hợp đó, giá đã được nâng khống lên 18 lần). Chắc chắn ông Nguyễn Bắc Son biết là giá được nâng cao hơn giá thực. Nhưng ông Son không có chuyên môn nên ông không thể ngờ rằng giá đã được nâng khống lên đến 5 lần. Nếu biết nâng khống đến 7.000 tỷ – thì ông Son đã run tay.

Ở mặt khác, dẫu ông Son không biết giá, nhưng ông Son lại biết chia, cho nên nếu ông Son biết nâng khống đến 7.000 tỷ đồng thì dứt khoát ông Son không thể bằng lòng với 3 triệu đô la tiền chia chác.

Nêu ra điều này không phải để gỡ tội cho ông Nguyễn Bắc Son. Mà để thấy xuyên suốt một sự đồng ý nhất quán từ trên xuống dưới. Chính phủ đã đóng vai trò quyết định mở nút. MobiFone đã đóng vai trò của người thực thi tích cực như một người mua chủ mưu. Ông Nguyễn Bắc Son chỉ là một khâu chính trong 3 khâu của phía người mua: Chính phủ – Bộ 4T – MobiFone. Từ đó tội ông Son chỉ nằm ở khoảng 1/3 tội của người mua chủ mưu.

6. Ông Nguyễn Bắc Son nhận được 70 tỷ đồng, trong khi ông Phạm Nhật Vũ có tối thiểu 3 500 tỷ đồng (có khả năng đến 6.000 tỷ đồng). Ông Phạm Nhật Vũ đảm nhiệm vai trò trọn bộ của người bán chủ mưu. Còn ông Nguyễn Bắc Son chỉ giữ khoảng 1/3 vai trò người mua chủ mưu. Từ 2 nhân tố đó suy ra tội ông Phạm Nhật Vũ lớn hơn nhiều so với tội ông Nguyễn Bắc Son.

Có thể cả ông Vũ lẫn ông Son còn thấy kẻ tội phạm lớn nhất mà chưa bị trừng trị. Cả 2 ông cay đắng khi mình là kẻ chủ mưu nhưng kết cục lại là nạn nhân của một kẻ chủ mưu khác lớn hơn. Cả ông Son lẫn ông Vũ đã từng khuynh đảo được pháp luật, và cả 2 hiểu rằng kẻ chủ mưu lớn không thể bị kết tội chính là do pháp luật bị khuynh đảo, như các ông đã từng khuynh đảo.

Vụ AVG là một cuộc chơi được dàn dựng để cướp đoạt tiền bạc của nhà nước ở phạm vi kinh hoàng – ngoài trí tưởng tượng của kẻ mua người bán thông thường. Đó là một cuộc cướp đoạt để chia chác vô lương tâm. Đưa hối lộ và nhận hối lộ chỉ là một thành tố của cuộc chơi này. Đó chỉ là một tác nghiệp của cuộc chia chác nhiều tác nghiệp. Luận tội đưa hối lộ, nhận hội lộ như thế nào đi nữa thì rốt cục cũng nhỏ hơn tội chủ ý cướp đoạt để chia chác của toàn cuộc chơi. Nói cách khác, tội hối lộ và nhận hối lộ không phải là tội chính, cũng không phải là tội lớn nhất trong vụ AVG.

7. Ông Nguyễn Bắc Son không oan với tội mà Tòa đang phán xét. Nhưng dù bề ngoài ông thừa nhận Tòa phán xét đúng, thì trong lòng ông cay đắng mà nức nở rằng ông bị bất công. Ông cho rằng ông bị bất công vì Phạm Nhật Vũ tội lớn hơn ông nhưng ông lại bị xử nặng hơn. Bất công không chỉ bị xử nhiều năm tù hơn, thậm chí không phải tù chung thân mà đến mức cao nhất là tử hình, thế mà Phạm Nhật Vũ dự kiến chỉ bị kết tội có 3 – 4 năm tù giam. Đã thế, lại đang có đến 2000 chữ ký của các cá nhân và các tổ chức tên tuổi xin tha bổng cho Phạm Nhật Vũ.

Ông Nguyễn Bắc Son có chua xót không khi lúc ông quyền cao thì các đại gia khụy lụy ông, nhưng khi cùng sa cơ thì quyền sai khiến của ông lại không bằng một phần của họ?

Ông Nguyễn Bắc Son còn oan ức ở mặt khác nữa. Ông oan vì ông thấy có kẻ nặng tội không kém ông mà lại vô can. Những ngày qua ông đã lo nghĩ nhiều về cách thoát tội. Và từ đó ông mới thấm thía về cách thức xét xử cùng lúc của luật pháp, tiền bạc và quyền lực đã làm cho số phận công lý mong manh như tấm mạng nhện treo trong giông bão!

Ông Nguyễn Bắc Son nghĩ gì khi ông Phạm Nhật Vũ đã hoàn trả toàn bộ tiền cho MobiFone kể cả tiền lãi? Về tài chính thì MobiFone không bị tổn thất. Vụ mua bán cuối cùng cũng bị hủy. Ông Son chắc đã hy vọng cả ông Vũ lẫn ông phải được hưởng tình tiết giảm tội. Nhưng ông Son đã không thể ngờ ông Vũ được giảm tội đến mức chỉ còn 3-4 năm tù, còn ông thì vẫn bị án tử. Và đó cũng là một nguyên nhân nữa làm cho ông chua xót.

Nhưng nhiều người đã ký đơn xin tha cho ông Phạm Nhật Vũ chính dựa vào sự hoàn trả toàn bộ tiền, kể cả phát sinh, cho MobiFone. Như vậy là thương vụ không được thực thi và tiền của nhà nước không bị mất. Họ còn dựa trên những điều từ thiện mà ông Phạm Nhật Vũ đã làm trong quá khứ. Và sau hết là họ xuất phát từ những hàm ơn.

8. Ông Đinh La Thăng, và bây giờ là ông Nguyễn Bắc Son đã chiêm nghiệm thế nào là công bằng khi đứng trước vành móng ngựa. Những ngày qua ông mới trải nghiệm được quá trình luận tội và xét xử. Ông muốn được đối xử công bằng. Không biết từ số phận mình ông Son có thương xót cho bao số phận phải chịu sự bất công, mà khi ở ngôi cao những người như ông không bao giờ để tâm đến? Chỉ khi người ta rơi vào hoàn cảnh bi đát, con người mới thấm thía thân phận.

9. Tòa án và công lý không phải là thứ để đổi chác. Nếu vì chịu ơn mà thay đổi khung hình phạt thì đâu là công lý? Nếu phạm tội mà dùng tiền để chuộc được, thì số phận dân nghèo sẽ đi về đâu?

Một quốc gia mà hình phạt nặng nhẹ tùy theo ơn huệ, đổi chác bởi đồng tiền, đúng sai theo quyền lực – thì đó là một quốc gia tự xiềng xích.

Còn nữa, nếu chữ ký có thể thay đổi được hình phạt, thì cũng nên công bằng mà loan báo và áp dụng cho tất cả. Lúc đó, không chỉ 2000 chữ ký, mà Đặng Văn Hiến sẽ có ngay 2 triệu chữ ký để trả lại công bằng cho anh – một công dân có dũng khí bảo vệ đất đai, chứ không phải kẻ đi cướp đoạt tiền bạc của nhà nước.

10. Trước cảnh lao tù không ai không rơi nước mắt, vì cùng là đồng bào máu mủ của mình. Cuối cùng thì ông Son, ông Tuấn, ông Vũ, ông Trà cũng đều là nạn nhân của lỗ hổng cơ chế. Các ông đã từng hoan hỷ khi lợi dụng được lỗ hổng cơ chế. Và giờ đây các ông cay đắng vì chính lỗ hổng cơ chế đã đẩy các ông vào cảnh tù đày.

Ở trong tù những người như ông Son ông Tuấn thường xuyên nghĩ đến ‘giá mà’ các ông đừng sai phạm. Nhưng các ông có bao giờ nghĩ đến tiêu diệt cái gốc rễ đã dẫn đến chữ ‘giá mà’ của các ông không? Đó là xây dựng một cơ chế mới không có lỗ hổng.

Tiếc thay, ông Son và ông Tuấn từng đã nhiệt huyết bảo vệ cái cơ chế đầy những lỗ hổng. Và buồn hơn là còn nhiều người nữa đang tận hưởng lỗ hổng của cơ chế, nên đang nhiệt tình bảo vệ cái cơ chế với loang lổ các lỗ hổng. Kẻ đang nghiện thì không biết mình nghiện. Chỉ khi vào tù mới biết hậu quả.

Chỉ khi xây dựng được một cơ chế mới không có lỗ hổng – để bất cứ ai cũng không thể lợi dụng được, ngay cả người ngồi ở ngôi cao nhất của quyền lực, thì lúc đó mới chấm dứt được chuỗi dài trăm ngàn vụ tương tự như AVG. Lúc đó không cần phải “đốt lò” nữa.

Cái cơ chế không có lỗ hổng đó chính là niềm mơ ước của cả trăm triệu người Việt!

N.N.C.

Nguồn: FB NGuyễn Ngọc Chu

This entry was posted in AVG, Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ. Bookmark the permalink.