Quốc Phương
BBC News Tiếng Việt
Chiến hạm Hải quân Nhân dân Việt Nam Trần Hưng Đạo đến cảng quân sự dự mọt cuộc tập trận quân sự giữa ASEAN-Trung Quốc 2018 hôm 21/10/2018 tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. GETTY IMAGES
Năm 2019, Việt Nam đã tránh được ‘cái bẫy pháp lý’ mà Trung Quốc cài khi đối đầu với Việt Nam ở bãi Tư Chính và vùng biển lân cận, theo một phân tích được đưa ra trong năm của một nhà quan sát an ninh Biển Đông của Việt Nam.
“Cái bẫy pháp lý của người ta là người ta bảo là họ hoạt động vào khu vực ở bãi Tư Chính là một bộ phận của Nam Sa, quần đảo ‘thuộc chủ quyền’ Trung Quốc”, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói với BBC trong một phỏng vấn về bang giao quốc phòng của Việt Nam vào quý cuối năm.
“Rõ ràng ở đây Tư Chính và các bãi ngầm nằm ở trên thềm lục địa của Việt Nam, nó chẳng liên quan gì đến vấn đề quần đảo mà họ gọi là Nam Sa cả, tức là quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Đây là những bãi ngầm mà chìm sâu dưới mặt nước, chỗ sâu nhất là phải đến 17 mét mặt nước. Thế thì điều đó nó không có ý nghĩa gì, nhưng mà nếu như chúng ta phản đối rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam thì như vậy cái bẫy pháp lý của họ đã thành công.
“Nghĩa là anh thừa nhận rằng các bãi ngầm này là thuộc bộ phận của quần đảo Trường Sa”.
Theo chuyên gia này, đây là một ‘cái bẫy’ tinh tế được Trung Quốc ‘giăng ra’ mà ngay cả giới nghiên cứu cũng có thể ‘nhầm lẫn’, nếu không thực sự chú ý.
“Điều này ngay cả những người nghiên cứu cũng bị nhầm lẫn, thực ra đây là một bãi cạn ngầm mà nằm trong thềm lục địa được gọi là trên bãi cạn Tư Chính, chứ thực ra vùng biển ở vùng thềm lục địa của nó mới chính là điều chúng ta cần lưu ý, chứ không phải là bãi cạn.
“Vì nó chẳng có ý nghĩa khác gì cả, có là một cấu trúc của thềm lục địa thôi. Đó chính là bẫy pháp lý.
“Hay là họ nói rằng vùng biển mà xung quanh bãi Tư Chính là vùng biển phụ cận liên quan, nhưng trong luật biển chẳng có thuật ngữ ‘phụ cận liên quan’ như họ nói như vậy là nói một cách mơ hồ để người ta nhầm tưởng.
Mạng xã hội ở Việt Nam ‘đi đầu’ trong chủ động phát hiện các thông tin liên quan yêu sách Đường lưỡi bò được ‘cài’ vào nhiều hàng hóa, dịch vụ, hoạt động của Trung Quốc đưa vào Việt Nam, theo nhà quan sát. GETTY IMAGES
“Thì thực sự mà nói là bãi cạn này về mặt pháp lý, Công ước Luật biển thì nó chẳng có ý nghĩa gì để mà nói là vùng biển cái gọi là ‘phụ cận liên quan’ cả, bởi vì nó là bãi cạn mà nằm trên thềm lục địa, nó lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
“Trung Quốc họ muốn nói như vậy, nếu chúng ta (Việt Nam) không cẩn thận, khi mà phản đối, khi nêu thực chất của vấn đề thì có thể họ dùng cái đó để nói rằng như vậy là Việt Nam đã đồng ý, hay là các nước có thể đồng ý với quan niệm yêu sách của Trung Quốc, đấy là vấn đề pháp lý của Trung Quốc mà họ đã giăng ra.
“Việt Nam vừa rồi tôi nghĩ đã không bị vướng vào cái bẫy pháp lý, bẫy của họ và nói rất rõ rằng việc vi phạm đó là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán, không nói một cách chung chung như là ‘chủ quyền lãnh hải’ như là trước đây thường nói”, Tiến sỹ Trần Công Trục nói.
Kịch tính, bị động, khó khăn?
Bãi Tư Chính là một sự kiện quan trọng không phải chi cho năm nay, mà cho cả suốt 5 năm qua, một nhà quan sát chuyển động thời sự và truyền thông từ Hà Nội, nói với cuộc hội luận Bàn tròn Thứ Năm cuối cùng của năm 2019.
“Sự kiện quan trọng và cực kỳ quan trọng không chỉ cho 2019, mà tôi cho là quan trọng nhất trong 5 năm qua, đó là vụ Bãi Tư Chính và vấn đề Đường lưỡi bò, gọi là Đường lưỡi bò”, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nêu nhận định hôm 19/12/2019.
“Hai cái này tôi phải nêu làm một, bởi vì là nó đều rất liên quan đến âm mưu của Trung Quốc thôn tính Biển Đông. Vụ Tư Chính kéo dài hơn ba tháng và nó lôi kéo sự quan tâm rất là lớn của nhân dân cả nước (Việt Nam) và quốc tế”.
Nhìn sang 2020, nhà điểm báo, điểm tin thời sự này cho rằng vụ việc Tư Chính trên Biển Đông sẽ có thể tiếp tục là thách thức cân não “kịch tính“ đối với chính quyền Việt Nam:
“Về bãi Tư Chính và Biển Đông, đây là vấn đề mà chính quyền Việt Nam có thể nói gần như là hoàn toàn bị động, bây giờ xem xem, chờ xem Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào và khi đó họ sẽ đối phó như thế nào là điều rất khó khăn.
“Và cái đó họ (chính quyền Việt Nam) không thể dễ như năm vừa qua, tức là năm nay, đó sẽ là vấn đề kịch tính. Hoặc rất ít khả năng là Trung Quốc không làm gì, nhưng nhiều khả năng là có chuyện và có chuyện thì nó sẽ rất kịch tính và Việt Nam đối phó như thế là điều cực kỳ khó”.
Một tàu cá Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông, phía xa là các tàu tuần duyên của Trung Quốc (hình minh hoạ). GETTY IMAGES/ARTYOM IVANOV/TASS
Bình luận về một tác động mà biến cố đối đầu ở bãi Tư Chính và các vùng biển lân cận trên Biển Đông gây ra với nội bộ Việt Nam trong năm 2019, nhà quan sát này nói:
“Đó là một điều cũng cho thấy rõ rằng người dân hiểu hơn về chính quyền và chính quyền cũng hiểu phần nào về người dân trong cái phản ứng với Trung Quốc.
“Tóm tắt chuyện này, tôi cho rằng Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam cho rằng là người dân cứ hãy yên tâm, yên trí là đảng và nhà nước rất sáng suốt, người dân không nên một chút nào là có những hoạt động riêng lẻ, mà nên tất cả mọi cái đều phải nằm trong sự hoạt động và tổ chức của nhà nước.
“Nhưng ngược lại, người dân cho rằng là rất nhiều động thái không thấy yên tâm và gây khó hiểu và thấy bí ẩn trong việc xử lý vấn đề bãi Tư Chính này.
“Rõ nhất là việc Trung Quốc quấy nhiễu như thế nào ngoài bãi Tư Chính cụ thể ra sao, hàng ngày như thế nào, rồi họ gây khó cho các tàu cảnh sát biển của chúng ta (Việt Nam) như thế nào, thì hoàn toàn báo chí không nêu gì cả. Ít nhất đó là một yếu tố mà người dân không thể nào hiểu nổi và không tin tưởng.
“Thứ hai nữa là một số phản ứng hoặc một số hoạt động có tính chất khoa học của những người rất có uy tín đối với cả chính quyền lẫn nhân dân thì lại bị một thái độ ‘rất khó chịu’ của chính quyền và thể hiện kể cả người lãnh đạo nhà nước cho đến báo chí của nhà nước cũng thể hiện là ‘rất khó chịu’ về những lời nói, cho đến những hoạt động như thế.
“Thì đấy là một hiện tượng không phải chỉ nằm trong chuyện chủ quyền và quan hệ Trung Quốc – Việt Nam mà nó còn thể hiện thêm nữa thái độ của chính quyền đối với nhân dân trong vấn đề biển đảo, trong vấn đề dân chủ. Và hai nữa là thể hiện thái độ của nhân dân đối với chính quyền trong vấn đề này, thì nó càng ngày càng rõ thêm vấn đề này”.
Về điều được cho là cần quan tâm liên quan đến yêu sách chủ quyền bằng bản đồ đường chín đoạn, hay còn được gọi là ‘Đường lưỡi bò’ và cách thức Trung Quốc tiếp cận trên thực tế và khoảng cách trong đối phó trong nội bộ giữa chính quyền và nhân dân Việt Nam, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nhấn mạnh:
Yêu sách chủ quyền dựa trên bản đồ đường chín đoạn (Đường lưỡi bò) gây tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông
“Vấn đề Đường lưỡi bò liên quan như thế, rất là nhiều sản phẩm của Trung Quốc tìm mọi cách rất là ‘nham hiểm’, ‘khôn khéo’ để mà đưa vào Việt Nam và chính hiện tượng mà không khích lệ lòng yêu nước của nhân dân bằng chính những hoạt động của họ – là họ phải chủ động phát hiện, chủ động để bảo vệ, chủ động để phản biện với chính quyền những hiện tượng đáng nghi ngờ.
“Không khích lệ cái đó, thì chính nó đã làm cho bộ lộ rất nhiều hiện tượng mà Trung Quốc đã âm thầm đưa những cái hình Đường lưỡi bò vào Việt Nam và may, rất may là trên mạng xã hội, người ta bất chấp những sự gọi là gây khó chịu và thậm chí đe dọa, nhưng người ta vẫn có mọi cách để người ta phát hiện.
“Và chính báo chí nhà nước và nhà nước nhờ mạng xã hội để biết được chuyện đó”, cựu sỹ quan an ninh từng làm việc trước đây trong ngành Công an của Việt Nam nói.
‘Làm mạnh, xâm lược mềm’?
Gần đây, tin tức nói Việt Nam đã gián tiếp lưu ý Trung Quốc điều chỉnh thái độ và ngưng động thái gây căng thẳng trên Biển Đông khi Việt Nam cho hay nước này đảm nhi ghế Chủ tịch luân phiên Asean, tuy nhiên, có ý kiến trong giới quan sát an ninh, quân sự và chính trị khu vực cho rằng Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục ‘làm mạnh’ và có thể ‘đưa giàn khoan’ vào vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền.
“Có những khả năng và giả thuyết thực tế rằng Trung Quốc tiếp tục làm mạnh ở Biển Đông, đặc biệt là có khả năng họ sẽ đưa giàn khoan vào khoan thăm dò và thậm chí là khoan khai thác ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng thềm lục địa của Việt Nam mà họ coi đấy là vùng tranh chấp với đường chín đoạn của họ, mà họ tuyên bố” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) nói với BBC tại một tọa đàm Bàn tròn thứ Năm cuối năm.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và phái đoàn tiếp và làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và phái đoàn tại Hà Nội cuối tháng 11/2019. GETTY IMAGES
“Đấy là những khả năng thực tế và khả năng ấy là khả năng cao”.
Bình luận tại chỗ về nhận định này, nhà nghiên cứu chính trị và bang giao quốc tế, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nói với BBC:
“Trung Quốc tiếp tục gây hấn như chúng ta đều biết. Vấn đề bây giờ là các nước trong khu vực và các nước ngoài sẽ làm gì?
“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây không chỉ sang thăm Việt Nam mà cũng sang thăm Philippines và nói với Philippines rằng nước này là đồng minh của Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ gặp Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines và đã khẳng định lại quan hệ giữa Mỹ và Philippines.
“Thì chúng ta thấy rằng hiện nay có một chiều hướng của Mỹ là thúc đẩy các nước trong khu vực lên tiếng mạnh mẽ và có lên tiếng mạnh mẽ thì Mỹ và các nước khác mới có thể ủng hộ được.
“Mà ở đây vấn đề tôi thấy rất là lạc quan là bởi vì Việt Nam đã không những tuyên bố sẽ đem vấn đề Biển Đông ra Asean để đàm phán hay là để cho mọi người chú ý, mà cũng sẽ đem vấn đề Việt Nam ra trước Liên Hợp Quốc.
“Mà tôi nghĩ nếu Việt Nam đưa vấn đề Biển đông ra Liên Hợp Quốc thì Mỹ và các nước khác sẽ vận động ủng hộ Việt Nam”.
Trước thông tin Việt Nam có thể ‘kiện’ Trung Quốc ra tòa quốc tế, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận thêm:
“Nói như vậy, có lẽ làm những nước quan tâm phấn khởi khi Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ hơn là lúc trước”.
Trở lại với khả năng Trung Quốc có thể làm gì tiếp theo trong năm mới 2020 ở trên Biển Đông, tại các khu vực mà Việt Nam quan tâm, Tiến sỹ Trần Công Trục với cái nhìn từ cuối năm 2019, đưa ra dự phóng:
“Hiện nay mà nói, để mà có thể xác định vị trí nào cụ thể thì rất khó, bởi vì Trung Quốc như đã biết thì họ đưa ra một yêu sách chiếm hầu hết Biển Đông rồi.
“Thì bất kỳ điểm nào mà nằm trong yêu sách Đường lưỡi bò thì họ đều có thể sẽ tính họ làm, tùy thuộc vào tình huống, tùy thuộc vào thái độ của các nước có liên quan ở khu vực từ đó đến nay và tùy thuộc vào tình hình quốc tế, quan hệ quốc tế và thái độ của các nước trong việc lên tiếng đối với hoạt động đó của Trung Quốc để họ làm.
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES – Người biểu tình Việt Nam xuống đường phản đối Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5/2014, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam tuyên bố và thực thi chủ quyền
“Tôi nghĩ là như vậy, (Trung Quốc) có thể tiến hành ngay khu vực thềm lục địa, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như trước đây, hoặc là trong vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hay là vùng thềm lục địa của Malaysia hay là của Philippines.
“Tất cả những vị trí đó có thể có khả năng xảy ra, chứ bây giờ không thể nói chính xác được, nhưng cách làm của họ, theo tôi nghĩ là ở giai đoạn hiện nay, thời buổi hiện nay, có lẽ họ sẽ sử dụng các hoạt động mang tính chất như là kinh tế, khoa học – kỹ thuật.
“Nhưng theo nhiều người nói đây là họ tổ chức cuộc ‘xâm lược mềm’, họ không dùng vũ lực như trước đây để mà xâm chiếm nữa, mà họ sẽ sử dụng những biện pháp về mặt kinh tế, về mặt dân sự về mặt khoa học – kỹ thuật để họ giành lấy trên thực tế yêu sách của họ.
“Nếu như các nước không có một sự cảnh giác cần thiết, không có một biện pháp cần thiết, thì như vậy có thể là một cách mà họ muốn chấp nhận yêu sách của họ, từ yêu sách đó, so với đàm phán, họ muốn các hợp tác cùng khai thác với Trung Quốc, mà loại bỏ những hoạt động khác khai thác, hợp tác với các nước khác.
“Ví dụ như vậy cũng là một cái cách và tôi nghĩ họ sẽ tiến hành làm”, Tiến sỹ Trần Công Trục đưa ra dự đoán với BBC trong một phỏng vấn cuối năm hôm 21/11 từ Hà Nội.
Q.P.