Diễm Thi, RFA
Diễm Thi phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Đài tại RFA sáng 18/12/2019. RFA
Diễm Thi: Thưa luật sư, xin ông cho biết mục đích chuyến đi Washington, D.C lần này?
LS. Nguyễn Văn Đài: Chuyến đi này rất quan trọng sau nhiều năm đấu tranh cho tự do dân chủ và bị cấm xuất cảnh. Trong một năm rưỡi ở Đức vùa qua tôi gặp rất nhiều chính giới ở Châu Âu. Đây là lần đầu tiên tôi trở lại Mỹ sau hơn 10 năm.
Trong chuyến đi này tôi có rất nhiều các cuộc gặp với nhiều cơ quan và Chính phủ Hoa Kỳ; gặp một số dân biểu như Alan Lowenthal, Thượng nghị sĩ Macro Rubio, John Collins và các tổ chức phi chính phủ khác như NED, Freedom House, American Bar Association, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế và một số các tổ chức khác…
Đây là dịp để đặt nền tảng trở lại cho mối quan hệ giữa phong trào đấu tranh cho dân chủ trong nước nói chung với các cơ quan, chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ.
Diễm Thi: Khi gặp gỡ các viên chức bên Bộ ngoại Giao Hoa Kỳ cũng như các dân biểu thì chắc có những điều không được phép chia sẻ với truyền thông. Vậy những gì LS có thể chia sẻ với quý khán thính giả của RFA?
LS. Nguyễn Văn Đài: Với giới chức chính phủ Hoa Kỳ thì đó là những thông tin không thể chia sẻ, còn đối với các dân biểu hay các tổ chức NGO thì có thể chia sẻ được với truyền thông.
Đối với các tổ chức phi chính phủ thì trước đây họ đã từng giúp đỡ Hội Anh Em dân Chủ và cá nhân tôi nói riêng cũng như phong trào dân chủ trong nước nói chung. Khi tôi bị bắt thì bị gián đoạn. Nay tôi gặp gỡ họ trở lại và kêu gọi họ tiếp tục ủng hộ những nguồn lực cho hoạt động đấu tranh trong nước để bảo vệ các quyền con người, thúc đẩy tiến trình dân chủ cho Việt Nam.
Còn đối với các dân biểu, thượng nghị sĩ thì chúng tôi trao đổi với họ một số vấn đề để làm sao có một cái luật nhân quyền cho Việt Nam. Nhờ cộng đồng người Việt ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã nỗ lực vận động Quốc hội Hoa Kỳ để thông qua dự luật nhưng chưa thành công. Kỳ này tôi đến để thúc đẩy tiếp. Cái thứ hai là thúc đẩy các dân biểu cũng như thượng nghị sĩ bảo trợ cho các tù nhân lương tâm ở Việt nam. Đây là một điều rất cần thiết.
Nó có tác dụng khích lệ những người trong tù đủ can đảm, nghị lực để vượt qua những năm tháng tù, động viên gia đình của họ. Khích lệ những người đấu tranh ở bên ngoài để họ thấy họ được cộng đồng quốc tế quan tâm rất nhiều. Đó là những điều tôi có thể chia sẻ.
Diễm Thi: Luật sư có thể đưa một vài trường hợp cụ thể mà luật sư đề nghị được bảo trợ hay không?
LS. Nguyễn Văn Đài: Cụ thể là trường hợp Nguyễn Văn Hóa, một người trẻ hoạt động rất tích cực trong phong trào bảo vệ môi trường cũng như giới trẻ cotng giáo ỡ khu vực miền Trung. Đó là trường hợp được Dân biểu Alan Lowenthal bảo trợ.
Trường hợp thứ hai là trường hợp ông Phạm Chí Dũng, một người nổi tiếng vừa bị bắt vào ngày 21 tháng 11 vừa qua. Việc bắt ông Phạm Chí Dũng làm cho các dân biểu quan tâm đến Việt Nam rất tức giận. Họ nói rằng tại sao quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng tăng, và ông Phạm Chí Dũng được chính giới cũng như chính phủ Mỹ quan tâm mà lại bị bắt. Như vậy thì nó đi ngược lại những gì đã thỏa thuận trong các cuộc gặp hay các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Bộ ngoại giao hai nước. Điều đó làm cho các vị dân biểu không hài lòng. Họ đang có gắng thúc đẩy bên Bộ Ngoại giao phải có hành động mạnh mẽ hơn. Vấn đề tiếp theo là tôi đề nghị họ làm sao thúc đẩy để đưa những người Việt quốc tịch Mỹ đang bị cầm tù ở Việt Nam có thể trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Diễm Thi: Họ có hứa hẹn gì không, thưa luật sư?
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa tại tòa án Hà Tĩnh hôm 27/11/2017. AFP
LS. Nguyễn Văn Đài: Vâng, tất nhiên là các dân biểu hứa là họ sẽ làm với nỗ lực “căng” nhất của họ để có thể đạt được những đề nghị của chúng tôi. Còn việc thành công hay không thì cũng còn rất nhiều khó khăn.
Họ cũng bày tỏ khó khăn là hiện nay trong Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ. Mối quan hệ giữa Quốc hội và Tổng thống không được tốt. Vì vậy, họ cũng hy vọng khi mối quan hệ giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ cũng như mối quan hệ với Tổng thống được cải thiện thì họ sẽ cố gắng nỗ lực thúc đẩy những đề nghị của chúng tôi với họ.
Diễm Thi: Đối với những tổ chức NGO, luật sư có những đề nghị tương tự hay có gì khác hơn không?
LS Nguyễn Văn Đài: Đối với những tổ chức NGO thì thật tuyệt vời vì trước khi tôi bị bắt ở Việt Nam thì tôi cũng đã được trải nghiệm vể khả năng của họ. Bây giờ thì họ cam kết ủng hộ một cách mạnh mẽ hơn nữa cho công cuộc đấu tranh ở Việt Nam trong năm 2020 cũng như nhưng năm sắp tới. Tôi phải nói đây là thành công ngoài mong đợi trong chuyến đi nầy.
Diễm Thi: Luật sư có thể chia sẻ thêm những hoạt động của ông ở bên Đức cho dân chủ nhân quyền Việt Nam?
LS Nguyễn Văn Đài: Từ khi tôi sang Đức vào ngày 8 tháng 6 năm 2018, tôi đã đi Geneva rất nhiều lần (5 hay 7 lần gì đó) để vận động các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức Quốc tế ở đó.
Tôi cũng có đi Brussel để vận đông Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu.
Một điều may mắn là sau những nỗ lực vận động, một số Bộ Ngoại giao thuộc các nước thành viên Châu Âu, các Bộ trưởng Ngoại giao EU vào ngày 9 tháng 10 vừa qua đã bỏ phiếu thông qua dự luật Magnitsky. Luật này tương tự như luật Magnitsky của Mỹ nhưng khác rất nhiều so với của Mỹ bởi vì EU là đa quốc gia. Cơ chế để trừng phạt các quan chức ở các nước vi phạm nhân quyền mà cụ thể là ở Việt Nam thì dễ hơn rất nhiều vì chúng tôi sẽ chọn những quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi Việt Nam nhất; Họ không có nhiều lợi ích ở Việt Nam. Chúng tôi vận động họ để đưa tên những quan chức, mà chúng ta muốn, để trừng phạt.
Một trong những điều kiện thuận lợi nữa là Ủy ban Nhân quyền của cụm Châu Âu có thẩm quyền đề xuất lên cơ quan ngoại giao của EU để trừng phạt.
Bà Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền là người rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam và bà lên tiếng rất là mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Điều đó rất thuận lợi cho công việc của chúng tôi trong tương lai một khi đạo luật Magnitsky của EU bắt đầu có hiệu lực.
Họ đang chuyển cho cơ quan Ngoại giao của EU những hướng dẫn chi tiết các thủ tục để đệ trình một đơn trừng phạt cá nhân nào.
Tôi hy vọng trong 6 tháng đầu năm 2020 sẽ có hiệu lực
Diễm Thi: Từ khi ra nước ngoài luật sư tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ trong nước. Theo luật sư, những điều mà ông đã làm được bên Đức cũng như cuộc vận động bên Mỹ lần này giúp ích gì trực tiếp cho những thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đang bị cầm tù tại Việt Nam hiện nay?
Dân biểu Alan Lowenthal vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Thủ đô Washington, D.C hôm 24/5/2016. AFP
LS. Nguyễn Văn Đài: Trước hết tôi vận động nguồn lực để hỗ trợ cho các gia đình của họ để họ có thể vượt qua những khó khăn. Thứ hai là vận động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đang bị cầm tù nói riêng, cũng như toàn hơn 200 tù nhân chính trị nói chung chứ chúng tôi không có phân biệt thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ hay là trường hợp của các nhà hoạt động khác độc lập. Chúng ta vận động chung hết để họ quan tâm.
Vì tôi cũng đã ở tù 2 lần nên tôi hiểu. Khi nhà cầm quyền cộng sản bắt những nhà hoạt động về nhân quyền, về dân chủ thì họ không chỉ muốn cướp đoạt quyền tự do bên ngoài xã hội của những người đó mà còn tìm cách cướp đoạt về sức khỏe và tinh thần của những người đó trong tù.
Chị và quý vị có thể thấy trong năm 2019 vừa qua vào dịp mùa hè thì họ làm cho đời sống của các tù nhân chính trị hết sức là bi đát, hàng trăm tù nhân chính trị đã phải tuyệt thực từ một tuần cho tới 30 ngày để phản đối những hành vi ứng xử không công bằng gọi là chà đạp lên sức khỏe và mạng sống của những người tù và bản thân tôi cũng đã từng bị như vậy nên tôi hiểu cuộc sống của những người tù.
Tôi vận động quốc tế phải làm sao cho họ gây áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải công bằng theo đúng pháp luật của họ mà thôi đã là tốt rồi, không cần hơn. Để làm sao những người trong tù đó có cuộc sống bình thường không bị đàn áp.
Diễm Thi: Luật sư có thể cho một nhận định chung về tình hình đấu tranh dân chủ trong nước hiện nay ra sao không?
LS. Nguyễn Văn Đài: Trong hơn ba năm qua, tính từ đầu năm 2016, khi hàng loạt những nhà hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền bị bắt, bị phạt với mức án rất là cao như vậy cũng đã làm cho phong trào dân chủ Việt Nam một phần nào đó đã chùng xuống.
Những hoạt động công khai trước đây gần đây đã chuyển thành những hoạt động bí mật và kín đáo hơn và đặc biệt là các hoạt động của Hội Anh Em Dân Chủ từ năm 2013 khi thành lập thì hoàn toàn hoạt động công khai hết, tất cả những buổi tổ chức, hội thảo, buổi học hay buổi kỹ niệm thì hoàn toàn công khai đưa lên truyền thông nhưng mà trong thời gian gần đây không được phép làm như vậy vì khi họ biết họ sẽ đẩy những nhà hoạt động trong nước vào tù.
Có thể nói phong trào đã chùng xuống nhưng mà nếu chúng ta nhìn một cách rộng hơn qua phản hồi trên mạng xã hội thì ta thấy nó lan tỏa mạnh mẽ hơn. Chúng ta biết vai trò của truyền thông mạng xã hội đã thắng thế hoàn toàn so với truyền thông của nhà cầm quyền cộng sản. Đặc biệt cách đây khoảng độ 10 ngày chúng ta thấy nhà cầm quyền cộng sản tiến hành Đại hội của hiệp hội thanh niên Việt Nam toàn quốc là một tổ chức của Đảng Cộng sản thì cái tham vọng của họ đã thừa nhận công khai là họ đã thua toàn diện trên mạng xã hội.
Vấn đề là khi chúng ta đã thắng thế phá vỡ độc quyền thông tin của nhà cầm quyền cộng sản rồi thì chúng ta phải làm sao phát huy hơn nữa để người dân Việt Nam trong nước thấy được trách nhiệm nghĩa vụ của họ trong việc thay đổi đất nước. Thứ nhất là bảo vệ quyền con người của chính họ thứ hai là thay đổi đất nước để đem lại quyền tự do dân chủ nhân quyền cho tất cả 96 triệu người dân Việt Nam, cho thế hệ ngày hôm nay và mai sau.
Trong cuộc vận động, tôi cũng chỉ muốn gửi thông điệp đến tất cả giới đấu tranh trong nước cũng như tất cả người Việt theo dõi buổi nói chuyện của tôi với chị Diễm Thi hôm nay, là tất cả mọi nỗ lực ở hải ngoại chỉ mang tính chất ủng hộ, hỗ trợ một cách cao nhất cho những người trong nước. Còn đất nước VN chúng ta có muốn thay đổi hay không thì nó phải phụ thuộc vào nội lực đấu tranh.
Trong quá trình vận động chúng tôi hiểu rõ rằng khi phong trào dân chủ trong nước càng mạnh bao nhiêu thì sự vận động quốc tế và cộng đồng người Việt càng lớn bấy nhiêu. Nó có tính cộng hưởng. Khi chúng ta đạt được đến như cuộc đấu tranh ở Hong Kong hay Venezuela…chẳng hạn, tôi tin rằng sự ủng hộ quốc tế dành cho Việt Nam rất là lớn và khi đó chúng ta có đủ khả năng để thay đổi đất nước của mình.
Nói chung tất cả mọi nỗ lực phải trông chờ từ trong nước, còn bên ngoài không chỉ là cá nhân tôi mà nhiều cộng đồng người Việt, nhiều tổ chức luôn luôn dành hết nỗ lực của mình để vận động.
Diễm Thi: Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư.
D.T.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-layew-nguyen-van-dai-12182019132503.html