Nắng hạn khiến dân nhiều vùng chết khát, đồng điền hoang hóa, vườn tược cháy khô trong khi điện bị cắt liên miên, không còn điện cho sản xuất nông nghiệp. Ấy thế mà mấy vị quan chức cứ tỉnh bơ ngồi trong phòng lạnh mát rượi loay hoay lập Dự án ĐSCT 25-30 năm nữa để làm sao “đánh quả” cho được một… món nợ khổng lồ. Sống chết mặc bay, tiền thầy chúng ông đã bỏ túi.
Mong làm sao có một Nguyễn Công Hoan sống lại nhỉ.
Bauxite Việt Nam
Trong những ngày qua, nhiệt độ tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) luôn duy trì ở mức trên 40oC, có ngày lên đến 42oC như hôm 27/6. Chúng tôi đã vào nơi được mệnh danh là vùng nắng nóng nhất Việt Nam.
Ngoài đường có thể nóng 45oC
Con đường quốc lộ 1A từ TP Thanh Hoá vào đến trung tâm huyện Tĩnh Gia chỉ dài chừng 50 km, nhưng dưới cái nắng gay gắt phả xuống mặt đường và những trận gió Lào hầm hập, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40oC.
Suốt chặng đường dài tịnh không một bóng người qua lại, thi thoảng có vài chiếc xe ôtô đường dài chạy lao nhanh qua địa phận, duy chỉ mình tôi trên chiếc xe máy 150 phân khối hì hục cày giữa mặt đường khô nóng.
Theo Trạm Khí tượng Thủy văn huyện Tĩnh Gia, liên tục từ đầu tháng 6 đến nay, ở đây đều duy trì nền nhiệt độ cao. Như trong 2 ngày 27/6 là 42oC và 28 là 40,5oC. “Đó là nền nhiệt độ được đo trong trạm khí tượng, còn nếu nhiệt độ thực ngoài trời trên các tuyến quốc lộ có thể sẽ cao hơn từ 5 – 7 độ nữa” – Một cán bộ của trạm nói thêm!.
Nền nhiệt độ cao đã tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con.
Theo ông Vũ Trọng Nam – Phó phòng Nông nghiệp huyện Tĩnh Gia cho biết: “Đây là đợt nắng hạn lớn nhất trong vòng nhiều năm qua, hiện Tĩnh Gia có 6.200 ha đất trồng lúa, nhưng đã mất 2.500 ha khô hạn, không thể cấy lúa được. Nếu tình trạng nắng hạn kéo dài đến giữa tháng 7 thì rất có thể toàn huyện Tĩnh Gia sẽ không còn chỗ nào có thể gieo trồng được nữa”.
Nhìn những cánh đồng nứt toác do khô hạn, phần còn lại thì do tình trạng ngập mặn xâm lấn, hơi mặn và phèn bốc lên khiến hàng loạt cánh đồng trở nên hoang hóa trải dài.
Những cánh rừng tại miền đất được mệnh danh là vùng rốn nắng nóng nhất miền Trung, cũng có nghĩa là nắng nóng nhất Việt Nam liên tục bị hỏa hoạn đe dọa.
Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Tĩnh Gia cho thấy: Chỉ tính riêng từ ngày 12/6 đến ngày 23/6 trên địa bàn Tĩnh Gia đã xảy ra 5 vụ cháy rừng lớn nhỏ, thiêu rụi hơn 20 ha rừng tại đây.
Cũng theo ông Nam, tính đến 20/6 trên toàn huyện Tĩnh Gia lượng mưa mới chỉ đạt 220 mm, so với cùng kỳ mọi năm thì lượng mưa đã phải đạt được mức từ 1.600 – 1.800 mm. Như vậy sẽ còn khoảng gần 1.500 mm lượng mưa chưa được rải xuống, rất có thể lượng mưa này sẽ bị đổ dồn cùng vào những tháng mùa mưa sắp tới. Hiểm họa nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng đang rình rập vào mùa mưa sắp tới.
Người dân cùng cực trong cơn khát
Nhiều người già tại đây cho biết, đây là đợt nắng hạn lớn nhất kể từ gần 100 năm qua. Hàng loạt các sông ngòi, ao chuôm, giếng khơi cũng như giếng khoan đều trở nên khô cạn. Vì không còn nguồn nước để tưới nên toàn xã Xuân Lâm có 230 ha đất sản xuất thì đã mất 218 ha khô hạn, không còn khả năng trồng trọt. Ông Phạm Đức Bình – Chủ tịch xã Xuân Lâm – cho biết.
Nước không còn, ruộng vườn của người dân trở nên hoang hóa vì khô hạn. Ngay cả đến nước sinh hoạt cũng hết, tại thôn 6, xã Xuân Lâm có 172 hộ dân, khoảng 40% số hộ đã có giếng khoan, còn lại là giếng khơi. Nhưng đến nay toàn bộ đều khô cạn.
Ông Nguyễn Quốc Đô, 56 tuổi, thôn 6, xã Xuân Lâm cho biết: “Không riêng gì gia đình tôi, toàn bộ số giếng ở cái làng này đều đã không còn lấy một giọt nước. Cái giếng nào còn đọng lại chút nước thì đó là nước bị nhiễm mặn và nổi váng phèn cũng không thể dùng được. Mỗi ngày gia đình tôi phải đi vài km để xin được khoảng 4 can nước về dùng.
Số nước này chỉ dám để ăn uống, còn tắm thì chỉ dám nhúng cho ướt cái khăn rồi lau qua qua người thôi. Hôm nào rảnh rỗi thì ra các con kênh bị nước nhiễm mặn tắm rồi về lấy khăn nhúng nước ngọt lau lại người. Quần áo thì đem ra đập đập cho hết cát bụi và phơi nắng cho bay mùi mồ hôi rồi mặc tiếp chứ không có nước để giặt, hoặc nếu giặt thì chỉ giặt bằng nước biển thôi.
Cuộc sống của người dân cơ khổ là vậy, đàn gia súc của họ cũng không còn nước để uống. Ông Ngô Quang Ngọc, 50 tuổi, cho biết: Mấy con trâu nhà ông được thả lên đồi, mỗi ngày chỉ dám cho mỗi con uống 1 ca nước. Vì nước phải đi xin, nên người ta cũng không cho nhiều. Thành ra người chịu khát, súc vật còn phải chịu khát hơn nữa.
Nắng nóng, cộng với mất điện liên tục ở các vùng quê khiến người dân nông thôn càng thêm thống khổ cùng cực. Họ vẫn phải làm lụng, bám vườn rẫy, lấy từng bẹ chuối cho đàn lợn, đàn gà ăn đỡ khát. Nhìn cảnh những người già lay lắt lam lũ chắt chiu từng chút nước đục, chúng tôi không khỏi xót xa cho vùng quê nắng nóng nhất Việt Nam.
CS
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1983/201006/Dan-cung-cuc-trong-vung-nang-nong-nhat-Viet-Nam-1757613