Dấu chấm đặt trên chữ i – hay là chuyện xây cổng chào

Học giả Hoàng Xuân Hãn từ những năm 1930 thế kỷ trước đã đặt ra câu vè giúp người thất học: I tờ có móc cả hai/I ngắn có chấm tờ dài có ngang. Đó là hiểu theo nghĩa đen. Còn bên Tây họ cũng có câu nói tương tự “đặt dấu chấm lên trên các chữ i”.  Ngạn ngữ này có cách giải thích thông dụng là lời khuyên hãy nói cho rõ ràng rành rọt có ngành có ngọn mọi điều chứ đừng ấp úng, ngọng nghịu, hoặc che chắn…  để dễ bề thực hành những điều mờ ám (tham nhũng chẳng hạn).

Trong trường hợp này, đặt dấu chấm lên trên các chữ i có nghĩa tương đương với công khai, minh bạch, dân chủ (đó là cho những ai thích chính trị). Còn với những đầu óc thích khoa học, thì đặt dấu chấm lên trên các chữ i có nghĩa là hiểu đúng khái niệm, cư xử đúng với các khái niệm như nó phải có.

Bây giờ giả sử ta có khái niệm này: cổng chào vào thành phố. Để tiện cho bạn đọc thấy rõ cái dấu chấm tôi định đặt trên chữ i nào, xin mời bạn hãy nhìn vào tấm hình bên cạnh dưới đây.

Xin nói luôn, mặc dù bạn có thể đã nhìn ra rồi: một con cừu to đùng. Nhìn xuống chân con cừu, bạn có thể thấy chiếc ô-tô, vậy là đủ để bạn nhận ra tỷ lệ giữa hai vật, và để thấy con cừu đúng là “to, to thật, to lắm các đồng chí ạ!” Con cừu này nằm ở lối vào thành phố Goulburn bang New South Wales nước Úc. Du khách cả nội lẫn ngoại qua đây chắc chắn không thể không nhìn và ngắm chú cừu cứu tinh của cả một vùng len dạ, mà nhờ có sản vật ấy thì mới có trường đại học và các viện nọ vụ kia, có các “nhà” này “nhà” khác, kể cả có một anh hay một chị thủ tướng! Du khách đi ngang, vào lúc nắng hanh rát mặt và bão lửa có thể bùng lên bất cứ lúc nào, nhìn xuống cánh đồng thấy cả ngàn con cừu đang ngoan ngoãn gặm chút cỏ sắp cháy khô, thì bất cứ ai còn có chút lòng ân tình hiếu nghĩa và có chút am hiểu lịch sử “một dân tộc mà tổ tiên họ là những kẻ tội đồ” bị lưu đầy từ Anh quốc qua đó lập nghiệp, nếu ta thật sự không là kẻ dùng tiền chùa đi du lịch dưới danh nghĩa mỹ miều study tour thì ta sẽ không sao tránh khỏi cảm giác ngùi ngùi – hệt như cảm giác mỗi khi ta đi ngang những nghĩa trang trắng xóa mộ phần trên Đất Mẹ dọc con đường thiên lý Bắc–Nam.

Bạn hẳn đã hiểu cái dấu chấm trên chữ i của tác giả: cái dân tộc này cần học, học  nữa, học mãi. Cái dân tộc này đừng nên học theo những thói hóng hớt. Cái dân tộc này chớ chạy theo những trò ăn chơi chết người.

Hãy làm lại từ đầu với những hành động thiết thực xây dựng Tổ quốc. Đừng biến hậu thế thành những con nợ lút đầu. Chớ hành động vô trách nhiệm!

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2010

PT

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.