Lao động Việt ở Thái Lan, buồn nhiều hơn vui

Lời bình 1:

Bức tranh tình cảnh người lao động Việt Nam ở Thái lan dưới đây chỉ là một mảng nhỏ của vấn nạn, vâng phải nói là vấn nạn người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Mặc dù các số liệu trong nước cho thấy Việt Nam đã phát triển với một tốc độ khá nhanh, các chỉ số con người đều tăng vọt, nhưng nó cũng để lại một hậu quả tất yếu, đó là khoảng cách phân biệt giàu nghèo cũng gia tăng chóng mặt. Nông thôn không còn đất trồng trọt hoặc đất đã bị thu hẹp đến mức không thể tiếp tục cuộc đời nông dân đủ cái ăn tối thiểu thì tầng lớp thanh niên còn biết làm gì để mưu sinh? Thế là cái bẫy “xuất khẩu lao động” đã đặt sẵn ngay trên đầu họ.

Trong những năm gần đây, tình trạng lừa đảo, đưa người đi ra nước ngoài theo diện “xuất khẩu lao động” gần như không kiểm soát được; người đi lao động thành kẻ một cổ hai ba tròng, tha hồ bị bòn rút. Đã thế họ là những người bị “đem bỏ chợ”. Ra nước ngoài bơ vơ, chỉ có Đại sứ quán của Việt Nam ở nước sở tại là nhà, nhưng có lẽ đó chỉ là nhà của ai đó chứ không phải của những thành phần công nhân xuất khẩu.

Họ trở thành những đứa con vô thừa nhận, thân cô thế cô, như những chú thỏ con giữa bầy sói ở xứ người.

Nguyên Đình

Lời bình 2:

Bài báo sau không đi kèm con số thống kê về số người trẻ tuổi VN, phần đông gốc gác tại miền Trung và miền Bắc, hiện đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.

Nhưng tâm tư và nguyện vọng thầm kín của họ làm nổi rõ hai điều:

1) Họ coi Thái Lan là vùng “đất lành chim đậu”, nhưng lại phải “đậu” một cách không chính danh, không được thừa nhận, không có một bảo hiểm xã hội hay y tế khi lao động, dù vậy điều kiện làm việc và số tiền kiếm được vẫn là một ước mơ khi so sánh với tình trạng ở quê nhà.

2) Người ta tự hỏi thế thì cái thành quả “xóa đói giảm nghèo” mà thống kê chính thức của CP VN nêu ra như những gì các nhà báo, các ký giả, học giả nước ngoài đến Việt Nam được cung cấp, phải chăng chỉ là những con số có “giá trị kích thích sức tưởng tượng”, để cho các chuyên gia của WB, IMF, LHQ… cảm thấy “mặn mà” hơn mà sẵn sàng lobby cho các khoản vay khổng lồ không biết đời nào trả được của nhà nước chúng ta?

Tuy nhiên, những con “số đẹp” ấy thực tế có giá trị gì không? Hãy đọc thêm bài viết của Gregory Mantsios, một người đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đăng tiếp theo bài này – để đối sánh thì đủ thấy.

GS TS Nguyễn Thu

Số người Việt lao động kiếm sống ở nước ngoài hiện ngày càng nhiều, kể cả tại Thái Lan. Và kiếp tha hương lao động của họ xem chừng như buồn nhiều hơn vui.

Một thanh niên Việt phụ bán quán ăn ở Thái. Photo courtesy of sgtt.com.vn

Một thanh niên Việt phụ bán quán ăn ở Thái. Photo courtesy of sgtt.com.vn

Dù vui hay buồn, nỗi niềm của những chàng thanh niên phải tha phương cầu thực tại xứ Thái không khỏi nghĩ đến thân phận mình và quê cha đất tổ. Thanh Quang hôm nay xin tìm hiểu những nỗi niềm ấy của họ và gởi tới quý vị bài viết sau đây:

Tìm kiếm tương lai

Thanh Quang: Thưa quý vị, sau hơn 10 năm rời khỏi Miền Trung Việt Nam thân yêu để có thể nói là “tha phương cầu thực” vất vả tại xứ Chùa Vàng, một thanh niên xứ Nghệ tâm sự như sau:

Công nhân từ miền Trung:Tôi thấy thiệt thòi và khổ cho lớp thanh niên của chúng tôi, lớn lên phải đi lao động ở xa, làm giàu cho các nước khác. Trong khi đó quê hương mình thì phong phú, đa dạng mà chưa có sự phát triển chính đáng, chưa có sự đầu tư vào tầng lớp thanh niên, tầng lớp như bọn chúng tôi, để bọn chúng tôi phải ra nước ngoài làm việc trong tình trạng rất mạo hiểm, nguy hiểm đến tính mạng cùng nhiều rủi ro khác. Nếu Đảng CS còn tồn tại thì tôi nghĩ là còn lâu thanh niên Việt Nam mới hết đi ra nước ngoài. Họ ở quê, ở nhà thì biết phải làm gì đâu! Các xã hội khác thì tiến lên, với những phương tiện tân tiến, còn xã hội mình thì thụt lùi khiến họ phải ra đi kiếm sống, tìm kinh nghiệm sống, kiếm tương lai.

Tôi thấy thiệt thòi và khổ cho lớp thanh niên của chúng tôi, lớn lên phải đi lao động ở xa, làm giàu cho các nước khác.

CN từ miền Trung

Trong khi họ thuộc tầng lớp thanh niên có sức lao động và họ đã đóng góp rất nhiều cho xã hội xứ người. Bây giờ lớp lao động thanh niên ở quê tôi là một thí dụ điển hình. Bao nhiêu thanh niên đang sức lao động có khả năng làm giàu cho đất nước quê hương mà phải ra nước ngoài kiếm sống trong khi họ mong muốn sống ở quê nhà, muốn có được một cuộc sống thoải mái, vô tư. Nhưng quê hương hiện không tạo được điều kiện tối thiểu đó, buộc họ phải ra đi. Bây giờ ở quê nào cũng hầu như thiếu bóng thanh niên, giới trẻ. Họ đi hết cả làng. Như tôi về quê đâu còn bạn để chơi. Đất nước mình thì cứ như vậy đó, cứ thấp xuống dần dần giữa lúc các nước khác phát triển lên”.

Thanh Quang: Nếu người lao động tha hương miễn cưỡng ấy có ráng quên đi nỗi xót xa như vậy thì thực tại phải “cày lên sỏi đá” cũng luôn đeo đẳng họ nơi xứ người, như một công nhân từ Miền Nam Việt Nam sinh sống ở Thái Lan gần 3 năm nay mô tả:

Công nhân từ Miền Nam: “Người dân Việt Nam mình sang xứ Thái làm công việc chân tay: bán cà-rem, dệt may, làm người giúp việc, dọn đồ trong nhà hàng…

Vô vàn khó khăn

Thanh Quang: Và người từ Miền Trung vừa nói [ở trên] lưu ý thêm rằng dù có lao động vất vả tới đâu, họ cũng không bao giờ quên người thân nghèo khổ – và cả quê hương – đang trông đợi nguồn tiền mồ hôi nước mắt của họ từ xứ Chùa Vàng:

Công nhân từ Miền Trung: “Nói chung thì đa số người Việt tới Thái Lan lao động chân tay, công việc làm thấp lắm. Một số thì buôn bán, nhưng số này hơi ít. Nói chung họ qua đây làm thuê cho người ta. Nhưng không thể phủ nhận được rằng người Việt 80% tiền lương của họ đều gởi về cho quê hương trong khi họ sống ở bên này rất cơ cực để dành dụm đồng tiền gởi về cho gia đình. Chớ không phải họ sống sung sướng gì. Thật ra nhìn lại quê hương thì lao động người Việt mình đóng góp cho quê hương rất nhiều”.

Một người Việt ở Thái bán hàng sành sứ nhập từ Việt Nam. Photo courtesy of Thanhien.com.vn

Một người Việt ở Thái bán hàng sành sứ nhập từ Việt Nam. Photo courtesy of Thanhien.com.vn

Thanh Quang: Sau gần 3 năm kiếm sống ở xứ người và gặp nhiều đồng hương phần lớn đến từ Miền Trung, công nhân Miền Nam vừa nêu được biết một trong những giấc mơ của người lao động tha hương là ráng tìm một số tiền để “gầy dựng lại cuộc sống” ở chính quê hương của mình:

Công nhân từ Miền Nam: “Đại đa số người Việt lao động tại Thái Lan đến từ Miền Trung và Miền Bắc Việt Nam. Cho nên khi tới Thái Lan họ thấy như được đổi đời. Nên họ cố gắng lao động để sau năm, mười năm họ dành dụm được số tiền đem về xây, sửa nhà, làm cơ sở kinh doanh nhỏ mà tạm sống được ở quê hương. Còn hiện tại, nếu cứ sống ở Việt Nam thì họ không thể sống nổi. Bởi vì sau công việc đồng áng rồi thì thường suốt ngày họ lân la, nhậu nhẹt trong khi sang được xứ Thái họ có thể làm mỗi năm hết cả 365 ngày để từ đó họ dành dụm tiền và trở về quê hương gầy dựng lại cuộc sống cho họ”.

Chính phủ không hỗ trợ?

Thanh Quang: Người Việt lao động ở xứ người dĩ nhiên gặp vô vàn khó khăn, từ mặt di trú cho đến việc làm gian lao, rồi khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, bị kỳ thị… Nhưng một khó khăn đáng ngại có lẽ là tai nạn lao động không may đến với họ. Khi đó, họ phải xoay sở ra sao? Lao động từ Miền Trung cho biết:

Người dân Việt Nam mình sang xứ Thái làm công việc chân tay: bán cà-rem, dệt may, làm người giúp việc, dọn đồ trong nhà hàng.

CN từ Miền Nam

Công nhân từ Miền Trung: “Thường thường người Việt mình ở đây bất hợp pháp, cho nên không có được một sự hỗ trợ nào. Do đó khi xảy ra tai nạn bất trắc thì người Việt mình phải tự xoay xở lấy. Đa số, một khi xảy ra chuyện gì đó, thường nhờ anh em bạn bè thân quen giúp đỡ. Nên họ rất là khó khăn khi gặp tai nạn lao động. Qua tai nạn chết người, tôi thấy rất tội nghiệp cho họ. Họ qua đây làm ăn thì không được bao nhiêu. Còn mất mát thì rất lớn. Trong khi đưa xác về quê rất tốn kém mà giấy tờ thì rất khó khăn”.

Thanh Quang: Thế còn các quan chức Việt Nam ở Đại sứ quán thì sao? Họ có nhiệt tình trợ giúp thế nào cho những lao động Việt Nam gặp nạn tại xứ người không? Thanh niên tha hương từ Miền Trung vừa nói mô tả tiếp:

Công nhân từ Miền Trung: “Thật ra những câu chuyện của người Việt ở xứ lạ này nếu không có gì lớn thì cũng không liên hệ gì đến Đại sứ quán Việt Nam. Khi có việc liên quan, như xin giấy tờ gì đó, thì Đại sứ quán Việt Nam hay tạo rắc rối bởi vì người Việt mình qua đây thì hầu như làm bất hợp pháp, tạo nên một hình ảnh không có đẹp lắm cho nên Đại sứ quán có thể không có sự giúp đỡ rõ ràng hay như thế nào đó. Nhưng khi có chuyện cần kíp gì đó mà người lao động phải chạy đến Đại sứ quán, tôi nghĩ họ không mấy nhiệt tình”.

Thanh Quang: Thanh niên từ Miền Nam nhân dip này bày tỏ nỗi hoài hương nhưng không khỏi buồn khi so sánh quê hương Việt Nam với xứ Chùa Vàng tự do, dân chủ:

Công nhân từ Miền Nam: “Họ lúc nào cũng nghĩ về quê hương, đất nước, làng quê của mình. Nhưng chuyện làm thể nào để đất nước quê hương mình phát triển bằng Thái Lan thì thật là điều ngao ngán. Tất cả đều tin là không biết đến đời nào quê hương Việt Nam bắt kịp được nền văn minh, tự do dân chủ của Thái Lan”.

Thanh Quang: Quý vị vừa theo dõi tâm sự của hai thanh niên từ quê hương Việt Nam tới kiếm sống trên đất Thái Lan với bao nhọc nhằn gian khó, chứ không đễ dàng như nhiều người thường lầm tưởng.

Nguồn: RFA, 28-6-2010

Chú thích:

Việt Nam giữa ngã tư đường: Chủ nghĩa xã hội thị trường và Phong trào lao động


Gregory Mantsios

Phan Đằng Giang dịch

Liệu Việt Nam có thể củng cố được các thành tựu và ổn định được nền kinh tế, trong khi kéo giảm được sự bất bình đẳng và thực hiện quyền của người lao động và những người bị thiệt thòi nhất hay không?

Liệu Việt Nam có thể củng cố được các thành tựu và ổn định được nền kinh tế, trong khi kéo giảm được sự bất bình đẳng và thực hiện quyền của người lao động và những người bị thiệt thòi nhất hay không?

Tấm biển quảng cáo khổng lồ của hãng Coca-Cola là một trong những thứ gây ấn tượng nhất đối với tôi khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sài Gòn [1]. Đấy là năm 1996: hai mươi năm sau khi ba triệu binh sĩ và thường dân Việt Nam chết trong cuộc chiến tranh chống lại sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và chế độ thuộc địa. Paula, người đồng nghiệp của tôi quay lại phía tôi và nói: “Tôi nghĩ là chủ nghĩa tư bản Mĩ đã thua cuộc chiến Việt Nam”.

Trên thực tế, trong năm 1996 – một năm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á – Ngân hàng Thế giới báo cáo là vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam cao hơn bất kì nước đang phát triển nào khác [2] . Đấy cũng là năm mà hãng Nike bắt đầu chuyển sản xuất giày đế mềm vào Việt Nam, vì – như Philip Knight, Giám đốc điều hành của Nike giải thích – giá lao động ở Indonesia đã “vọt lên trời rồi”. Công nhân ở Việt Nam lúc đó chỉ được trả có 30 $ một tháng [3]. Hơn thế nữa, Thanh – người bạn và là người tiếp đón chúng tôi ở Sài Gòn – lại là một học giả về nước Mĩ, dành trọn đời mình cho việc đáp ứng trí tò mò của các sinh viên đại học về tất cả những gì liên quan đến Mĩ. Đối với tôi – một người đấu tranh kiên cường trong phong trào phản chiến, đòi Mĩ rút quân khỏi Việt Nam – thế giới lúc đó dường như đã lộn chân lên đầu.

Chuyện đó đã xảy ra như thế nào? Những thay đổi như thế có ý nghĩa gì đối với công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam và rộng hơn nữa? Ở đây tôi xin trình bày một số nhận thức của tôi qua mấy chuyến đi tới Việt Nam. Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1996, như một du khách và nhà nhiên cứu độc lập, và hai chuyến sau, năm 2005 và 2008, trong phái đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mời.

CHUYỆN ĐÓ ĐÃ XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

Việt Nam đã trải qua những biến động vô vùng to lớn trong vòng có một đời người – chế độ thực dân, chiến tranh, tái thiết, nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa, tư nhân hóa và chuyển sang kinh tế thị trường và sự phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế. Di sản của chế độ thực dân và chiến tranh là căn cứ không thể thiếu để tìm hiểu Việt Nam ngày hôm nay. Không có người nào trên bốn mươi tuổi ở Việt Nam mà lại không có một câu chuyện đau lòng về chiến tranh.

Tôi gặp Châu Nhất Bình lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2005, khi anh tiếp đoàn đại biểu công đoàn của chúng tôi ở Hà Nội: anh là một cựu chiến binh Bắc Việt, đảng viên cộng sản và đóng vai cán bộ công đoàn, anh là Phó ban Đối ngoại của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bình nói tiếng Anh trôi chảy, nhiệt tình, nhã nhặn và tỏ ra thiếu tự nhiên trong các cuộc hội thảo với người Mĩ. Trong chỗ riêng tư, Bình thường nói về việc anh đã chuyển từ một cậu bé ngượng nghịu, ít nói, thành một người lính trong cuộc chiến tranh chống sự xâm lược của Mĩ. Anh đã tiếp thu quan niệm về sự công bằng và lòng tự hào dân tộc từ cha mẹ mình, những người đã chạy vào rừng để đi theo lực lượng kháng chiến chống ách chiếm đóng của thực dân Pháp – mẹ anh đã mất cánh tay phải khi Pháp tấn công nơi đóng quân của họ. Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương kết thúc bằng cách chia đất nước ra làm đôi, miền Bắc và miền Nam, nhưng cũng giúp bố mẹ anh thoát cảnh chiến tranh để nuôi dạy năm người con – nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với một bà mẹ chỉ còn một cánh tay và còn nặng nề hơn khi bố anh lên đường chiến đấu chống Mĩ. Người Mĩ tới, như họ nói, là để bảo vệ miền Nam không rơi vào tay cộng sản: bố Bình cho rằng họ tới là để bóc lột Việt Nam và ngăn cản hai miền tái thống nhất. Sau khi gia đình tản mác ra khắp cả nước, Bình gia nhập đội quân gồm toàn trẻ con và phải chạy trốn bằng cách đi bộ qua hàng trăm cây số trong rừng rậm. Trong quá trình sơ tán như thế, anh đã chứng kiến bom đạn Mĩ tàn sát hàng trăm đứa trẻ. Bình gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam khi vừa tròn 17 tuổi, bạn anh cũng thế, anh đã cắt tay lấy máu để kí vào bức thư tình nguyện. Bình đã vượt qua được cuộc chiến tranh – kể cả một trận ném bom đã chôn vùi anh dưới đống bùn đất – và được đưa vào bệnh viện khi anh bị mắc bệnh sốt rét rừng. Lớp của Bình có hai mươi bốn chàng trai: chỉ có bảy người trở về – một số người bị thương tổn nặng nề về cả thể xác lẫn tinh thần, cuộc sống của họ coi như đã tiêu tan.

Những bi kịch cá nhân và những câu chuyện kinh hoàng do người Việt Nam kể là những chuyện làm người ta phải rớt nước mắt. Cảnh nhìn thấy trên đường cũng như thế: trong suốt chuyến thăm đầu tiên chúng tôi thường xuyên trông thấy những người cụt chân, cụt tay, sự tàn phá cho thấy mức độ tàn bạo đáng ghi vào sử sách (người ta chỉ nói bằng lời và ảnh trên tạp chí Life). Ta cũng sẽ rớt nước mắt khi biết rằng thường dân Việt Nam – trong đó có nhiều trẻ em – vẫn còn bị chết và bị thương do mìn của Mĩ để lại [4]. Chất độc màu da cam, một loại chất độc mà quân đội Mĩ dùng để khai quang trong thời chiến tranh, đã làm cho nhiều trẻ em bị bệnh tâm thần, bị mất chân tay hay ung thư.

Gần sáu mươi ngàn lính Mĩ thiệt mạng và biết bao nhiêu người nữa – phần lớn là thanh niên lao động nghèo – bị thương tật hoặc những tổn thương và hi sinh khác, cho một trong những cuộc chiến tranh ngu xuẩn và kinh hoàng nhất mà thế hệ tôi phải chứng kiến. Thật khó mà không xúc động khi đến Việt Nam: thật khó cầm được nước mắt.

Chiến tranh kết thúc vào năm 1975 để lại dân chúng trong cảnh cùng cực, nền kinh tế rối loạn, khu vực nông thôn bị nhiễm độc hóa chất, nhà máy biến thành đống gạch vụn. Trong khi Liên Xô giúp đỡ phần nào thì lệnh cấm vận của Mĩ đã không cho Việt Nam nhận viện trợ và buôn bán với phương Tây. Việc tái thống nhất một cách vội vàng cũng không giúp được nhiều: các nhà lãnh đạo ở Hà Nội không công nhận và không giúp những đảng viên trung thành ở miền Nam thăng tiến, nông dân và doanh nghiệp nhỏ chống lại quá trình tập thể hóa của chính phủ. Nhưng đấy chưa phải là điều tồi tệ nhất, năm 1979 quân Campuchia võ trang thâm nhập, cướp bóc Việt Nam, trong đó có trận chúng tàn sát đến gần hai ngàn người, đẩy đất nước trở lại cảnh chiến tranh – một cuộc chiến tranh đã tống khứ được Pol Pot và Khmer Đỏ nhưng cũng ám ảnh đất nước và bòn rút nguồn lực của nó trong suốt mười năm trời. Trong những năm 1980 Việt Nam là nước rất nghèo, với mức sống thấp nhất thế giới.

Những cuộc tranh luận trong nội bộ Đảng đã diễn ra giữa những người trung thành với lí tưởng xã hội chủ nghĩa và những người ủng hộ cho cách tiếp cận thực dụng hơn. Chủ nghĩa thực dụng trong những cuộc tranh luận này có nghĩa là thử áp dụng nền kinh tế thị trường, như Trung Quốc đã bắt đầu làm lúc đó. Đã đạt được thỏa hiệp, nông dân được giữ hoặc bán sản phẩm dư thừa, nhà nước không còn quốc hữu hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nữa và cho phép – ít nhất là trong giai đoạn nào đó – kinh tế tư bản hoạt động ở miền Nam. Lúc đó, đấy là năm 1986, nạn đói và lạm phát phi mã (775%) đã buộc Đảng chính thức đưa ra chính sách gọi là Đổi Mới – chính sách bắt đầu đưa Việt Nam từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phải mất gần mười năm thì những thay đổi đó mới xảy ra và cuối cùng Đổi Mới đã xóa bỏ các hợp tác xã nông nghiệp, bỏ kiểm soát giá cả đối với hàng hóa nông nghiệp, cho thành lập doanh nghiệp tư nhân, thay đổi luật lệ và thuế, khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ý tưởng là vẫn giữ kế hoạch và sự kiểm soát của nhà nước nhưng chấp nhận sáng kiến cá nhân.

Đổi Mới có ảnh hưởng sâu sắc đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống của Việt Nam, trong đó có việc lôi kéo các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu việc áp dụng kinh tế thị trường không gây ra quá nhiều tranh cãi thì chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài – kể cả từ các nước đô hộ cũ – thành lập các xí nghiệp ở Việt Nam động chạm đến những tình cảm sâu sắc nhất của lòng tự hào dân tộc. Tệ hơn nữa, nhằm quyến rũ các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam buộc phải buông tay, nới lỏng luật bảo vệ môi trường, bỏ những biện pháp bảo vệ lao động, đưa ra những ưu đãi về thuế khóa – tất cả những biện pháp đó làm cho Việt Nam trở thành “thân thiện với các doanh nghiệp” bằng cách hi sinh những khoản lợi tức vốn đã ít ỏi của nhân dân. Nhưng các công ty đa quốc gia thì thích – và năm 1994 Mĩ đã bỏ lệnh cấm vận.

Gần đây, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam còn nhận được một cú hích mới, đấy là nhờ chính sách “Trung Quốc cộng một” – một chiến lược đang ngày càng được nhiều hãng áp dụng nhằm tìm cách giảm thiểu rủi ro của sự lệ thuộc quá nhiều vào các xí nghiệp tại một quốc gia. Đối với các công ty đang tìm cách thiết lập căn cứ tại châu Á thì Việt Nam là một lựa chọn sáng giá. Ngoài ra, Trung Quốc không còn giữ được lợi thế như trước đây nữa. Cả đất đai và lao động ở Việt Nam đều rẻ hơn và sẵn sàng hơn. Lương trung bình ở Trung Quốc là 1$ một giờ, trong khi ở Việt Nam chỉ có 50$ một tháng (kể cả thứ Bảy), Trung Quốc đang thiếu hụt sức lao động, mức lương vì thế tăng gần 25% một năm. Các công ty ở Trung Quốc càng ngày càng khó trốn tránh việc trả tiền trợ cấp hơn. Trong khi đó Trung Quốc đang bãi bỏ dần mức thuế thấp dành cho các công ty nước ngoài. Nhưng Việt Nam lại áp dụng mức thuế bằng 0 cho 4 năm đầu, và 5% (chứ không phải 10% như thông lệ) cho 4 năm tiếp theo. Quan trọng hơn là các công ty làm ăn ở Trung Quốc sợ những vụ tranh chấp về lao động và bất ổn lan tràn và căn cứ hoạt động ở Việt Nam tạo điều kiện cho họ bảo vệ vốn liếng và chuyển sản xuất đi nơi khác [5].

Kinh tế Việt Nam gia tăng với tốc độ gần 8% một năm trong suốt mười năm qua [6], làm cho Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và cùng với Trung Quốc, là một trong những kì tích kinh tế trên thế giới. Năm 2008 đầu tư nước ngoài đạt hơn 64 tỉ $ [7], gấp hơn ba lần năm trước, mặc dù kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng [8]. Không chỉ Coca-Cola có tên trên bảng quảng cáo ở Sài Gòn, các công ty đa quốc gia như Pepsi, Cittibank, Sony, Panasonic, Canon, Shell, Honda, Nestle, Sheraton và Intel đang làm ăn ở Việt Nam. Tất cả những điều đó đã biến Việt Nam thành đứa trẻ quảng cáo cho chủ nghĩa tân tự do [9].

Làm sao mà một đất nước từng đấu tranh kiên cường như thế để giành độc lập lại phụ thuộc đến như thế vào những nhà đầu tư nước ngoài? [10] “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác” – Bình nói với tôi như thế. Đấy trở thành câu trả lời gần như của tất cả mọi người. Những nhà lãnh đạo cộng sản tin – đúng sai chưa biết – rằng một dân tộc đang đứng trên bờ vực chết đói hàng loạt thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Một số người khác vội vàng chỉ ra rằng mặc dù Đảng Cộng sản đã nắm quyền lãnh đạo trong suốt cuộc chiến tranh nhưng đấy là cuộc chiến tranh vì chủ nghĩa dân tộc và quyền tự quyết chứ không phải cuộc chiến tranh vì chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa thực dân không còn thống trị Việt Nam nữa, họ thường nói như thế. Vậy thì chủ nghĩa tư bản Mĩ có thua Việt Nam không? Một tờ tạp chí Mĩ viết như sau: “Mĩ thua, nhưng chủ nghĩa tư bản đã thắng” [11] . Có thể là như thế.

TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU ĐÓ CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM?

Đoàn đại biểu đưa tôi tới Việt Nam năm 2005 phần lớn là các nhà lãnh đạo công đoàn, còn đoàn năm 2008 lại gồm phần đông là những người làm trong lĩnh vực đào tạo lao động. Cả hai đoàn đều do ông Kent Wong, Giám đốc Trung tâm lao động thuộc Đại học California, Los Angeles. Đoàn đã gặp những người thợ mỏ, thợ may, thợ máy, công nhân hỏa xa, nhân viên bệnh viện và công nhân ngành hàng hải. Chúng tôi còn gặp gỡ các vị lãnh đạo ở trung ương, các nhà lãnh đạo các hội đồng lao động trung ương và địa phương cũng như các nhà giáo và nhà nghiên cứu tại Viện Lao động Quốc gia Việt Nam. Trong cả hai lần, bao giờ cũng có một người trong đoàn thông thạo tiếng Việt giúp chúng tôi nói chuyện trên đường và những buổi gặp gỡ bất ngờ khác. Còn lần đầu thì Thanh, một người bạn của tôi trong nhóm nghiên cứu Mĩ, đóng vai trò phiên dịch viên.

Hầu như người nào nói chuyện với chúng tôi cũng ca ngợi chính sách Đổi Mới và những lợi ích của nó. Nhà ở, ô tô, điện thoại cầm tay và các thiết bị khác – tuy có thể còn khiêm tốn – đã hiện diện khắp nơi. Sự cải thiện trong mười năm qua, như tôi chứng kiến, đã hiển hiện một cách rõ ràng ngay trên đường phố. Những con đường tấp nập của Hà Nội và Sài Gòn lúc nào cũng tắc nghẽn vì xe hai bánh – những chiếc xe đạp và xe gắn máy (thường chở bốn đến năm người trong gia đình) phóng nhanh đến chóng mặt đi đầy trên đường – tạo cảm giác một dòng chuyển động bất tận. Nhưng nếu so với năm 1996, thì năm 2005 số xe đạp đã ít hơn và số xe gắn máy đã nhiều hơn hẳn, còn vào năm 2008 thì số ô tô chạy trên đường đã nhiều hơn số ô tô tôi nhìn thấy trong cả hai lần trước cộng lại. Còn điện thoại di động thì hiện diện khắp nơi, chứ không chỉ ở những người trẻ tuổi giàu có hay những người làm ăn mới nổi. Cửa hàng bán TV, tủ lạnh và các thiết bị khác mọc lên như nấm. Cửa hàng bách hóa cũng thế. Nhà hàng sang trọng, phòng tranh hiện đại, khách sạn hào nhoáng, quán bar lòe loẹt và các cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm nhập khẩu hiện diện cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn. Những khu resort đón khách nghỉ người Việt cũng đang được mở rộng. Những khách sạn phục vụ người Việt ở Vịnh Hạ Long (cách Hà Nội 170 dặm) làm ăn rất phát đạt.

Các con số thống kê càng củng cố ấn tượng về cuộc sống đã được cải thiện ở Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người một năm đã nhảy từ 220$ vào năm 1994 lên 1024$ vào năm 2008. Việt Nam hiện nay có hơn 10 triệu xe gắn máy [12] . Hơn 110.000 xe ô tô đã được bán vào năm 2008, tức là cao hơn 37 % so với năm 2007 [13] . Số người nghèo giảm từ 58% dân số vào năm 1993 xuống còn khoảng 15% vào năm 2007 [14] . Số người tuyệt đối nghèo (tức là có mức thu nhập dưới 1$ ngày) giảm từ 51% vào năm 1990 xuống mức dưới 8% vào năm 2008, tức là tốt hơn của Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù thịnh vượng tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, hộ nghèo ở nông thôn cũng giảm từ 66% vào năm 1993 xuống còn 36% vào năm 2002. Số trẻ sơ sinh tử vong là 16 phần ngàn, trong khi ở Trung Quốc là 23 phần ngàn, hơn 20 phần ngàn đối với phần lớn các nước Mĩ Latinh và 150 phần ngàn đối với các nước vùng Hạ Sahara. Tỉ lệ người lớn thoát nạn mù chữ là 90,3%. So với những năm đầu thập kỉ 1990 số gia đình có điện đã tăng gấp hai lần và đạt con số ấn tượng là 94% vào năm 2008 [15] . Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam hiện nay là 74. Trong khi các nước vùng Hạ Sahara tuổi thọ trung bình chỉ có 40, ở Ấn Độ là 64, ở Thái Lan là 70, còn ở Trung Quốc là 72. Ngay cả ở Mĩ, với những phương tiện y tế tiến bộ như thế, tuổi trung bình cũng chỉ là 78 – cao hơn Việt Nam có 4 năm [16] . Nhiều thành tựu trong lĩnh vực phát triển con người như thế đã xuất hiện trước khi chuyển sang kinh tế thị trường [17] , nhưng đã gia tốc một cách nhanh chóng sau Đổi Mới. Nhìn vào hầu như bất kì chỉ số phát triển con người nào của Liên hiệp quốc, Việt Nam cũng cho thấy những thành tựu đầy ấn tượng (đặc biệt là với mức thu nhập đầu người còn thấp).

Nhưng không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Một nhà hoạt động công đoàn đã nói với chúng tôi: “Thành công của Việt Nam che đi nhiều vấn đề nghiêm trọng”. Một người khác còn nói cụ thể hơn: “Mặt tích cực của kinh tế thị trường là xóa đói giảm nghèo, nhưng mặt tiêu cực là khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng”. Số lượng xe hơi bán được gia tăng chứng tỏ thu nhập gia tăng và cách biệt về kinh tế, anh nói như thế. Trong khi hàng triệu người Việt Nam bị bỏ lại đằng sau, thì trong cuộc tăng trưởng nóng hiện nay, một số người Việt Nam khác lại tích tụ được số lượng tài sản và những đặc quyền đặc lợi chưa từng có trước đây. Số liệu thống kê gần đây nhất của Liên hiệp quốc cho thấy 10% người Việt giàu có nhất chiếm được 28% thu nhập quốc dân, mức độ bất bình đẳng gần bằng Mĩ (nơi 10% người giàu nhất chiếm tới 31% thu nhập quốc dân) [18] . Hơn nữa, phân hóa giai cấp ở Việt Nam còn bị trầm trọng thêm vì không đánh thuế người giàu. Một nhà nghiên cứu cho rằng việc gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập của Việt Nam có nguy cơ làm cho Việt Nam – từng có thời là một trong những nước bình đẳng nhất về kinh tế trên thế giới – trở thành nước có hệ số Gini (chỉ số đo sự bất bình đẳng) cao nhất vùng Đông Nam Á [19] . Thịnh vượng đã đến với Việt Nam với cái giá là bình đẳng đã không còn.

Bất bình đẳng giới tính cũng gia tăng, khoảng cách giữa người Kinh và người thiểu số tiếp tục tồn tại. Thí dụ, phụ nữ vẫn chỉ nhận được 63% mức lương của đàn ông, số người biết đọc biết viết cũng ít hơn (87% so với 94%), và chỉ chiếm có 26% số ghế đại biểu Quốc hội, 22% số lượng quan chức và quản lí cao cấp mà thôi [20] . Còn nói về người thiểu số thì như một khảo cứu đã cho thấy, tuổi thọ trung bình của họ thấp hơn người Kinh đến 20 năm [21] . Với ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam, có lẽ chúng ta sẽ thấy những chỉ dấu về sự bất bình đẳng sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Còn những vấn đề khác nữa. Nạn thất nghiệp, đa phần là do các xí nghiệp quốc doanh đóng cửa, đã và đang gia tăng; còn những xí nghiệp quốc doanh đang hoạt động thì lại bị nạn “chảy máu chất xám”, tức là người tài chạy sang các công ty tư nhân, nơi họ được trả lương cao hơn nhiều [22]. Tình trạng thiếu việc làm ở cả đô thị và nông thôn được đánh giá là khoảng 25 đến 35%, trong giai đoạn nông nhàn [23]. Hệ thống an sinh xã hội, có thời từng là niềm tự hào của Việt Nam, đã bị xoá sổ hoàn toàn. Chi tiêu của chính phủ cho sự nghiệp giáo dục là rất thấp (tính cả trên phần trăm ngân sách quốc gia lẫn phần trăm GDP) – các nước khác chi cho lĩnh vực này nhiếu gấp ba lần Việt Nam. Hệ thống y tế cũng suy giảm nghiêm trọng, sự thiếu hụt nhà ở cũng là vấn đề rắc rối của các khu đô thị.

Nạn tham nhũng cũng làm cho những người nói chuyện với chúng tôi tỏ ra lúng túng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam đứng thứ 121 về mức độ tham nhũng trong số 180 nước trên thế giới – uy tín của chính phủ khó có thể tăng vì những vụ tham nhũng của các quan chức chính phủ trong thời gian gần đây [24].

Ngay cả “mặt tích cực” của nền kinh tế thị trường – tức giảm đói nghèo – cũng bị nghi ngờ. Nực cười là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới lại vẫn để phần đông dân chúng sống trong cảnh đói nghèo hay cận nghèo. Người nghèo chiếm từ 15% (theo đánh giá của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mĩ) đến 28,9% (theo đánh giá của Liên hiệp quốc). Có thể là thành tích trong việc giảm tỉ lệ nghèo khổ tuyệt đối đã che lấp mất tỉ lệ còn khá cao những người nghèo nằm ngay bên trên mức nghèo khổ tuyệt đối. Thí dụ, số người có thu nhập ít hơn 1$ một ngày đã giảm xuống còn 8% thì số người có thu nhập dưới 1,25$ một ngày chiếm tới 21,5%, còn số người có thu nhập ít hơn 2$ một ngày là 48% [25]. Một nghiên cứu do Viện Xã hội tiến hành kết luận rằng giảm nghèo thêm nữa đòi hỏi tốc độ phát triển phải cao hơn trước đây vì những người nghèo còn lại quá nghèo, còn những người vừa thoát nghèo thì cũng chưa tiến được bao nhiêu [26]. Rõ ràng vẫn còn nhiều người nghèo ngay giữa lúc sự phát triển đang tăng tốc. Như một nhà nghiên cứu đã nói: “Thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam không chắc chắn vì sự bất bình đẳng gia tăng có thể đe dọa cả hiệu quả của việc giảm nghèo mà phát triển sẽ mang lại cũng như khó thực hiện chính sách vì người nghèo hơn” [27] – câu sau là muốn nói đến ảnh hưởng chính trị của những người Việt Nam giàu có ngày càng gia tăng.

Tốc độ lạm phát phi mã làm cho tình cảnh khốn khổ của người nghèo và giai cấp công nhân càng khó khăn thêm. Theo báo cáo, lạm phát trong năm 2008 đạt tới 25% [28] (cao nhất châu Á), làm cho giá lương thực thực phẩm tăng đến 74% – trong vòng có một năm [29] – và giá nhà cũng như giá vật liệu xây dựng cũng gia tăng. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới tất cả các nước ở châu Á, nhưng tốc độ lạm phát ở Việt Nam cao gần gấp hai lần các nước trong khu vực. Lạm phát phi mã làm cho người nghèo, công nhân thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất. Giá xăng dầu để chạy xe gắn máy đã tăng 31% trong năm 2008, đạt mức 4.50$ một galon, tức là cao nhất từ trước tới nay – khá cao nếu so với thu nhập chỉ là 1.024$ trên đầu người một năm [30]. Mặc dù gần đây chính phủ đã có phần thành công trong việc ngăn chặn, nhưng lạm phát cũng đã xóa bỏ khá nhiều thành tựu đạt được trong mấy năm trước đó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Quốc hội rằng số gia đình bị đói đã tăng gấp đôi trong có một năm [31]. Không thể sống trong thành phố với đồng lương nhà máy, nhiều công nhân đã bỏ về quê.

Liệu Việt Nam có thể củng cố được các thành tựu và ổn định được nền kinh tế, trong khi kéo giảm được sự bất bình đẳng và thực hiện quyền của người lao động và những người bị thiệt thòi nhất hay không? Chính phủ Việt Nam, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nắm vai trò điều tiết tác động qua lại giữa phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và quyền bình đẳng.

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Việt Nam là đất nước độc đảng mà vai trò lãnh đạo nằm trong tay ba người: Chủ tịch nước, lãnh tụ Đảng và Thủ tướng – ba người này phải đạt được thỏa thuận với Quốc hội đang ngày càng tỏ ra độc lập hơn và với nhiều thế lực khác nữa. Có vẻ như ở Việt Nam tệ sùng bái cá nhân không nặng nề và quá trình ra quyết định mang tính tập thể hơn so với các nước cộng sản khác. Các cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra năm năm một lần, lần gần đây nhất đã có khá nhiều người tự ứng cử [32]. Khoảng 20% đại biểu hiện nay không phải là đảng viên (số liệu này theo người dịch là không chính xác, hiện nay người ta vẫn nói có tới 92% đại biểu Quốc hội là đảng viên – ND). Quốc hội họp hai lần một năm – mỗi lần kéo dài từ 7 đến 10 tuần – càng ngày càng có tiếng nói và quyết đoán hơn trong việc thách thức quyền lực của Đảng. Chính sách của chính phủ được đem ra bàn bạc, qui trình được soi xét một cách kĩ lưỡng và tiếng nói phê phán chính phủ không chỉ vang lên trong hội trường mà còn được tường thuật trên báo chí nữa [33].

Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư lãnh đạo, năm năm lại tổ chức đại hội đại biểu gồm khoảng một ngàn hai trăm người. Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 người và Bộ Chính trị gồm 15 người lãnh đạo công việc của Đảng giữa hai kì đại hội. Những cuộc tranh luận về tư tưởng trong Đảng là việc bình thường; trong quá khứ, đấy là những cuộc đụng độ về tư hữu hóa, đầu tư nước ngoài và bãi bỏ mạng lưới an sinh xã hội – những vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với những người anh hùng của cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam [34]. Gần đây hơn đã diễn ra những cuộc tranh luận về công đoàn độc lập, báo chí và nhà nước đa đảng. Báo chí đã nói đến những áp lực mạnh mẽ bên trong Đảng đòi phải đa nguyên rộng rãi hơn [35].

Chính phủ có vẻ như còn sợ sự chia rẽ về chính trị và sợ bất kì thách thức nào đối với sự độc quyền của họ. Mặc dù những nhóm đối lập nhỏ có thể được chấp nhận, nhưng đảng phái chính trị thì bị cấm đoán. Có những báo cáo nói rằng một số nhà hoạt động chống đối, những người được coi là mối đe dọa thật sự đối với Đảng Cộng sản, đã bị bắt giam. Số này bao gồm cả những người hoạt động nhằm thành lập phong trào lao động độc lập với Đảng Cộng sản. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) báo cáo rằng trong hai năm 2006-2007 tám người ủng hộ phong trào công đoàn độc lập đã bị bắt giam trên cơ sở cáo trạng vi phạm an ninh quốc gia khá mơ hồ, cộng với 350 người bị cầm tù vì hoạt động chính trị hoặc tôn giáo kể từ năm 2001 [36]. Nghĩa là, trong khi những hành động bất đồng đơn lẻ được chấp nhận thì phong trào chính trị đối lập vẫn còn bị cấm. Với những hành động vi phạm nhân quyền như thế, Chính phủ Việt Nam đang làm xói mòn lòng tin và tính chính danh của họ đối với cả trong và ngoài nước.

Trong khi giới lãnh đạo Việt Nam cấm đoán các đảng phái đối lập thì họ lại mở rộng cửa nhằm kết nạp thêm nhiều thành viên. Trong năm 2006 Đảng đã cho kết nạp cả các nhà tư sản và cho phép ba triệu đảng viên được điều hành các xí nghiệp tư bản chủ nghĩa. Lí do là Đảng có thể kiểm soát được các nhà tư sản nếu họ là đảng viên và khi vào Đảng thì họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc xóa đói giảm nghèo và cải thiện điều kiện lao động [37]. Nhưng sự thay đổi chính sách đã tạo ra những cuộc tranh cãi nóng bỏng, và một đảng viên không gặp may – một người buộc phải chấp nhận nền kinh tế thị trường – đã nói: “Đây là sai lầm lớn: định hướng xã hội chủ nghĩa ở đâu?”.

Trong khi các đảng phái chính trị bị cấm đoán, còn Đảng Cộng sản nắm trọn quyền lợi kinh tế thì Tổng Liên đoàn Lao động ngày càng có vai trò nổi bật hơn. Liệu Tổng Liên đoàn Lao động có muốn và có khả năng định hình những cuộc tranh luận chính trị và chính sách của Đảng, khi Đảng xác định lại ý nghĩa vả bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay không? Liệu công đoàn có đảo ngược được xu hướng bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng và bảo vệ được công nhân trước hiện thực khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường hay không? Liệu công đoàn có đại diện một cách thích đáng và bảo vệ được quyền lợi của công nhân trong môi trường đang được cải biến nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tư bản toàn cầu hay không? Trong phần II của bài báo này, được công bố trong số Xuân 2010 của New Labor Forum, tôi sẽ khảo sát những biện pháp mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam áp dụng nhằm thích ứng với những thay đổi rung trời chuyển đất này.

Nguồn: New Labor Forum số mùa Đông 2010, toàn văn tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/VN_LaborMovement.pdf

Bản tiếng Việt: talawas 27-6-2010


/n[1] Sài Gòn được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1965, nhưng nó vẫn được gọi theo tên có từ thời thuộc địa trên khắp nước Việt Nam.

[2] Hossein Varamini, “Foreign Direct Investment in Vietnam and Its Impact on Economic Growth”, International Journal of Business Research (November 2007).

[3] Bob Herbert, “In America; Nike’s Pyramid Scheme”, New York Times, June 10, 1996.

[4] “Vietnam: Land Mines Still Line 16 Million Acres”, Associated Press, July 31, 2009, online edition: http://www.msnbc.msn.com/id/32236846/ns/world_news-asiapacific#

[5] John Foley and Jeff Segal, “Lesson for China in Smoot-Hawley”. New York Times, June 18, 2009.

[6] Seth Mydans, “Inflation Delivers a Blow to Vietnam’s Spirits”, New York Times, August 24, 2008.7. “Foreign Direct Investment in Vietnam Triples in 2008”, China Post, December 27, 2008.

[7] “Foreign Direct Investment in Vietnam Triples in 2008”, China Post, December 27, 2008.

[8] U.S. State Department, “Background Note: Vietnam”, Bureau of East Asian and Pacific Affairs (March 2006): http://www.state.gov/p/eap/ci/vm

[9] “Half-way from Rags to Riches”, Economist, April 24, 2008.

[10] Interestingly, these were the precise words used by my host in China when I asked him why China abandoned socialism. See Greg Mantsios, “What Are They Thinking! Ideologies and Realities in the United States and China”, New Labor Forum 15, no. 3 (Fall 2006).

[11] “America Lost, Capitalism Won”, Economist, April 28, 2008.

[12] Clare Arthurs, “Vietnam Sees Car Sales Soar”, BBC News, January 15, 2003.

[13] “Vietnam Auto Sales Rising Again”, Earth Times, July 9, 2009.

[14] See Mydans, supra note 6.

[15] See supra note 9.

[16] United Nations Human Development Report 2008-09: http://hdrstats.undp.org/en/indicators/2.html.

[17] Scott Fritzen, “Growth, Inequality and the Future of Poverty Reduction in Vietnam”, Journal of Asian Economics 13, no. 5 (2002): 635-657.

[18] See supra note 16.

[19] See Fritzen, supra note 17.

[20] See supra note 16.

[21] See Fritzen, supra note 17.

[22] See supra note 9.

[23] U.S. State Department Country Reports: http://www.state.gov/g/drl/rls/hrrpt/2004/41665.htm.

[24] See Transparency International’s Corruption Perceptions Index 2008: http://www.transparency.org/policy_research/surveys_indices/cpi/2008/cpi_2008_table

[25] “List of Countries by Income Inequality”: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_income_inequality

[26] “Vietnam’s Remarkable Recovery”, Economist, April 24, 2008: http://www.economist.com/specialreports/displaystory.cfm?story_id=11041638

[27] See Fritzen, supra note 17.

[28] Jim Erickson and Martha Ann Overland, “Vietnam’s Prime Minister Tackles Inflation”, Time, June 23, 2008.

[29] See Mydans, supra note 6. Jim Erickson and Martha Ann Overland, “Vietnam’s Prime Minister Tackles Inflation”, Time, June 23, 2008.29. See Mydans, supra note 6.

[30] See U.S. State Department, supra note 23.

[31] See Mydans, supra note 6.

[32] “Plenty to Smile About”, Economist, March 29, 2007.

[33] Ibid.

[34] Ibid.

[35] Ibid.

[36] “Not Yet a Workers’ Paradise: Vietnam’s Suppression of the Independent Workers’ Movement”, Human Rights Watch report, May 4, 2009: http://www.hrw.org/en/node/82844/section/3

[37] “Vietnam: Communist Party Holds 10th Congress”, Green Left, November 17, 1993.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.