RFA Tiếng Việt
Nguyễn Đình Khánh, Bí thư đoàn thanh niên công an tỉnh Nghệ An. Nguồn: congannghean.vn
Tại diễn đàn ‘Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh’ diễn ra ngày 11/12, ông Nguyễn Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An đưa ra nhận xét cho rằng việc đấu tranh với các thế lực thù địch của Việt Nam hiện còn yếu, thậm chí có nhiều mặt trận còn đang thua.
Cụ thể, ông Khánh cho rằng không ít thanh niên hiện nay đang xa rời lý tưởng, không theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, có cuộc sống thực dụng, buông thả, thậm chí nhiều thanh niên có biểu hiện tung hê, thích thú với các thông tin trái chiều.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng ý:
Bây giờ giới trẻ ai thèm đọc cái trò tuyên truyền ấy của họ nữa. Độ khoảng 20-30 năm nay, báo Nhân Dân không ai đọc trừ các Đảng viên lão thành. Những cái tương tự như thế thỉnh thoảng trên mạng người ta chia sẻ để người ta bêu rếu sự ngây ngô của nó thôi.
TS. Nguyễn Quang A
“Cậu ấy nhận xét thế là đúng vì bây giờ giới trẻ ai thèm đọc cái trò tuyên truyền ấy của họ nữa. Độ khoảng 20-30 năm nay, báo Nhân dân không ai đọc trừ các Đảng viên lão thành. Những cái tương tự như thế thỉnh thoảng trên mạng người ta chia sẻ để người ta bêu rếu sự ngây ngô của nó thôi”.
Chính Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận rằng những bài viết của báo chí chính thống đã không còn thu hút được độc giả. Ông Khánh nói: “Nhiều trang mang màu sắc đỏ thì đối tượng tiếp cận chủ yếu là anh em chúng ta, chúng ta nói cho nhau nghe chứ các thanh niên khác không nghe chúng ta nói”.
Đồng ý với quan điểm vừa nêu, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng hiện đang sống tại Hà Nội nhận định:
“Họ đã nhìn thấy tình hình thực tế vì chúng ta cũng thấy rằng khi mà nhà nước không kiểm soát được vấn đề độc quyền thông tin đại chúng nữa. Đó là một cái theo tôi đánh giá là là đòn cốt tử, đánh đúng vào điểm yếu nhất của chế độ. Chính vì thế những người trong lãnh đạo của công an tỉnh Nghệ An cũng nhận ra điều họ đang thua cả thông tin cho người dân. Tôi nghĩ do internet mà người dân đang giành thế mạnh thông tin về phía mình”.
Trước thực trạng này, Bí thư Đoàn Nguyễn Đình Khánh đưa ra câu hỏi vì sao trên các trang web chính thống, bài nào mang màu sắc chính trị, tuyên truyền thì không ai đọc. Trong khi đó, các ý kiến đối lập mà ông Khánh gọi là thành phần phản động viết bài đơn giản chỉ một câu, một bài thơ nhưng hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng trăm triệu lượt người xem?
Dưới góc nhìn cá nhân, blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra câu trả lời cho vấn đề trên:
“Bởi vì nó thuyết phục và thật. Không gì có thể thuyết phục thanh niên bằng sự thật, đó là chuyện bình thường của thanh niên. Như tôi cũng từng trải qua tuổi thanh niên rồi nhưng thế hệ chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít thông tin và khoa học kỹ thuật lúc đó còn quá lạc hậu, chưa có internet như ngày nay. Vô hình chung cậu Bí thư Đoàn thanh niên Công an Nghệ An này làm cho người đọc càng bị thuyết phục là thanh niên ngày nay không thờ ơ, nhưng thanh niên bị kìm nén”.
Blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra ví dụ về trường hợp hai bạn trẻ Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên là những thanh niên yêu nước bị đưa ra tòa 7, 8 năm trước. Ông tiếp lời:
“Những người thanh niên yêu nước đó họ được bao nhiêu bạn thanh niên ngoài đời biết tới? Không biết. Trước đó nữa có Nguyễn Tiến Trung, sau này có Hà Văn Nam chuyên chống các trạm BOT bẩn, những cái đó người ta bóp méo hình ảnh và người ta chỉ trình bày trước dư luận cho đông đảo người dân và cho thanh niên nói riêng đó là những bộ phận phản động. Còn bây giờ nhờ có mạng xã hội nên thanh niên được tiếp cận sự thật vì vậy những bài báo mang màu sắc chính trị, tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam người ta không đọc đến là chuyện bình thường vì nó nhàm chán, phản khoa học và chỉ là lừa mị thôi”.
Với kinh nghiệm của một nhà báo lâu năm, ông Ngô Nhật Đăng lại có cách lý giải khác:
“Trên mặt trận thông tin, nhất là thông tin đại chúng thì có mấy yêu cầu: nhanh, trung thực và khách quan. Người đọc bây giờ rất thông minh, nhất là trong thế giới mà thông tin tràn ngập như thế này, người ta dễ dàng nhận xét đâu là thông tin đáng tin cậy, đâu là thông tin đã bị xuyên tạc và thông tin nào cung cấp thời sự”.
Trên mặt trận thông tin, nhất là thông tin đại chúng thì có mấy yêu cầu: nhanh, trung thực và khách quan. Người đọc bây giờ rất thông minh, nhất là trong thế giới mà thông tin tràn ngập như thế này, người ta dễ dàng nhận xét đâu là thông tin đáng tin cậy, đâu là thông tin đã bị xuyên tạc và thông tin nào cung cấp thời sự.
Ngô Nhật Đăng
Theo số liệu thống kê được đăng tải trên trang web Andrews.edu.vn vào ngày 7/10 vừa qua, tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam trong năm 2019 lên đến 64 triệu người với và dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. Trong đó, có đến 62 triệu người dùng mạng xã hội.
Vì vậy, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng mạng xã hội là phương thức thúc đẩy tự do thông tin đến người dùng:
“Ta thấy là mạng xã hội khi có việc gì xảy ra trên đất nước chỉ cần 5 phút sau, thậm chí cả những nơi xa xôi trên thế giới là đã xuất hiện trên mạng xã hội rồi. Có rất nhiều hướng nhìn khác nhau để người đọc lựa chọn chứ không phải một thứ và tùy theo nhận xét của từng người mà người ta nhìn thấy thông tin nào đáng tin cậy”.
Trước những khó khăn nêu trên, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An đề nghị cần phải đủ 2 yếu tố bao gồm đam mê và trình độ khi phải đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc.
Bên cạnh đó, ông Khánh cũng đề nghị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, khống chế các địa chỉ của lực lượng ‘phản động’.
Cách đây một năm, tại hội nghị tổng kết năm 2018 của ngành báo chí Nhà nước, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận rằng báo chí chính thống đang bị mạng xã hội qua mặt.
Trong thực tế nhiều bạn đọc lâu nay không còn mấy mặn mà với những tin tức được truyền thông Nhà nước loan đi vì cho đến nay Ban Tuyên giáo vẫn là Tổng biên tập có toàn quyền đối với mấy trăm tờ báo và cơ quan truyền thông trên cả nước.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lose-on-the-ideological-propaganda-12122019141407.html